Thủ tướng yêu cầu PVN đẩy mạnh tái cơ cấu; DOC thay đổi cách tính thuế với tôm nhập khẩu từ Việt Nam; Công nghiệp hỗ trợ thiếu đủ thứ; Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-06-2017
- Cập nhật : 25/06/2017
Cá tra sắp đối diện với khó khăn từ Farm Bill
Đạo luật Nông trại (Farm Bill) sẽ kiểm tra 100% lô hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ, vì thế các doanh nghiệp kỳ vọng Nghị định Cá tra mới sẽ khiến ngành xuất khẩu tỉ đô này bền vững hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng thị trường cá tra chủ lực của Việt Nam là Mỹ đối diện với khó khăn khi Farm Bill chính thức có hiệu lực vào ngày 1-9-2017 và Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sẽ kiểm tra toàn bộ các lô hàng nhập khẩu vào nước này.
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra và triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 55) của về Quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra vào ngày 23-6 tại Tiền Giang, ông Tám cho biết dù có tín hiệu tích cực, nhưng ngành cá tra vẫn chưa phát triển bền vững.
Để đáp ứng được các yêu cầu mới, rất nhiều khâu, theo ông Tám, cần phải được tổ chức lại, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, qui trình nuôi, qui trình chế biến, giới hạn mạ băng, độ ẩm… đến điều kiện, tiêu chí được xuất khẩu.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 55 về phát triển ngành hàng cá tra, có hiệu lực vào ngày 1-7-2017.
Điều đặc biệt của Nghị định 55 là không cần thông tư hướng dẫn mà có thể thực hiện ngay vì Bộ đã ban hành Qui chuẩn kỹ thuật Quốc gia sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh.
Qui chuẩn này sẽ tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất để người nuôi, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu làm căn cứ thực hiện, triệt tiêu doanh nghiệp làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của cá tra Việt Nam.
Nghị định 55 thay thế cho Nghị định 36/2014/NĐ - CP đầy tranh cãi trước đó.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, cho rằng Nghị định 55 này có sự thống nhất cao của phần lớn các doanh nghiệp.
"Việc ra đời của Nghị định 55 cùng lúc với quyết định của Chính phủ về việc đưa ngành hàng cá tra vào sản phẩm Quốc gia là rất đúng với tâm tư, nguyện vọng của người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu", ông Minh nói
Theo Tổng cục thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng 2,7% so với cùng kỳ 2016.
Tại các tỉnh ĐBSCL, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.100ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch đạt 519.260 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2016…
Phần lớn người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến đều có lãi do giá cá tra thương phẩm tăng so với cùng kỳ hàng năm, trong đó người nuôi lãi trung bình từ 4.000 - 6.000đ/kg
Tuy nhiên, theo dự báo trong các tháng 8, 9 và các tháng cuối năm nay các nhà máy chế biến có thể xảy ra thiếu nguyên liệu do diện tích thả nuôi mới trong 3 tháng đầu năm giảm.
Thị trường xuất khẩu ở các nước mới nổi như Trung Quốc - Hồng Kông tăng trưởng mạnh nên có khả năng nguồn cung không đủ cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang khẩn trương xúc tiến Đề án Khung sản phẩm Quốc gia cá da trơn để thực hiện Nghị định 55, tập trung vào hai dòng sản phẩm có giá trị đạt 2.000 tỉ đồng/ năm.(Tuoitre)
--------------------
Đàm phán Brexit: Cho đi mà chưa bị mất
Tại hội nghị cấp cao vừa qua của EU, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo về chủ ý của nước này trong đàm phán về cuộc chia tay giữa hai bên (Brexit).
Trong đó, bà May đặc biệt đề cao một dự định mà London coi là đề nghị đầy hào phóng liên quan đến gần 3 triệu công dân các thành viên EU đang sống và làm việc ở Anh. Cụ thể, tính tới ngày 29.3, những người đã lưu trú thường xuyên ở Anh trong 5 năm thì sẽ được phép lưu trú dài hạn và có đầy đủ quyền lợi như lâu nay. Những người chưa lưu trú thường xuyên đủ 5 năm cũng vẫn sẽ được ở lại. Quy chế pháp lý cho gần 3 triệu người này là một trong những quan tâm hàng đầu của EU trong đàm phán về Brexit. Thủ tướng May đưa ra đề nghị nói trên nhằm tranh thủ EU vì bà đang ở thế yếu ở trong nước lẫn trên bàn đàm phán nên không thể cứng rắn như trước.
EU ghi nhận đề nghị từ Anh nhưng cũng không khỏi nghi ngại khi bà May không đả động gì đến một khía cạnh không thể tách rời trong chuyện này là phạm vi chế tài của Tòa án châu Âu. Theo nữ thủ tướng, công dân EU có thể cư trú ở Anh nhưng Tòa án châu Âu không còn có thể chế tài nước này nữa sau Brexit. Có nghĩa là Tòa án châu Âu không thể bảo vệ công dân EU sống trên lãnh thổ Anh. Đây là điều mà EU chắc chắn sẽ không chấp nhận và trong thực chất, vô hiệu hóa đề nghị hào phóng nói trên. Như vậy Thủ tướng May được tiếng là cho đi nhưng lại gần như không mất gì. Đây là điềm chẳng tốt lành cho quá trình đàm phán sắp tới. (Thanhnien)
--------------------------------
Đường dây trộm xe ở Anh, bán ở Thái
Nhận được tin báo từ phía Anh, cảnh sát Thái Lan vừa tiến hành hàng loạt đợt truy quét cửa hàng bán siêu xe, tịch thu trên 120 siêu xe, trong đó có những chiếc bị trộm hoặc nằm trong đường dây lừa đảo tinh vi từ Anh.
Có siêu xe được rã thành linh kiện ở Anh và sau đó lắp ráp thành nguyên chiếc để bán trong các cửa hàng ở Thái Lan.
Đáng chú ý là đa số các siêu xe được mua trả góp ở Anh. Sau khi xe được đưa lên tàu chở hàng, chủ nhân mới cáo mất với cảnh sát và ngừng trả góp hằng tháng.
Các điều tra viên Thái Lan còn phát hiện những tay buôn xe hơi và quan chức hải quan tham nhũng cấu kết nhập khẩu siêu xe rã thành linh kiện nhằm trốn khoản thuế 328%/chiếc.
“Có trên 1.000 siêu xe trong đường dây này”, trung tá cảnh sát Korawat Panprapakorn, người đứng đầu cuộc điều tra, nói với AFP.
Ngoài ra, cảnh sát Thái Lan cũng đang điều tra trên 30 công ty bị tình nghi khai gian giá siêu xe thấp hơn giá trị thực tế.(Thanhnien)
--------------------
Cải thiện việc cấp sổ đỏ nhưng vẫn còn nhũng nhiễu
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở đạt kết quả rất tốt, xấp xỉ 97 - 98% với đăng ký lần đầu, nhiều quận huyện đạt 100%.
Tại hội nghị trực tuyến của Thành ủy, UBND và HĐND TP.Hà Nội với các quận, huyện, thị xã quý 2/2017 diễn ra sáng 23.6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở đạt kết quả rất tốt, xấp xỉ 97 - 98% với đăng ký lần đầu, nhiều quận huyện đạt 100%.
“Trước đây, dân nói muốn làm sổ đỏ nộp ra đây 300 triệu, giờ người dân khen rất nhiều. Báo cáo nói một số hồ sơ đã có sổ đỏ nhưng chưa phát hết vì người dân chưa nộp đủ tiền, cần tiếp tục tháo gỡ. Nhưng cũng có tình trạng ngồi chờ, xem dân lên có quan hệ, màu mè, có phong bì gì không. Vẫn còn tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp vì còn nhũng nhiễu. Dù ít hơn ngày trước nhưng vẫn còn. Tôi nói thế để lãnh đạo quận, huyện tăng cường thanh, kiểm tra, số chưa được cấp còn lại rất ít nhưng rất khó làm, phải quyết liệt”, ông Hải nói.
Về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, TP đã chuyển 18 vụ sang cơ quan công an để điều tra. Ông Hải yêu cầu những dự án thanh tra TP được giao làm phải đẩy nhanh tiến độ để kiên quyết xử lý vi phạm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho hay tình trạng môi trường Hà Nội đang cấp bách và đáng báo động. Chỉ số API (ô nhiễm môi trường) 3 tháng đầu năm 2017 của Hà Nội là 123, nằm trong phạm vi cảnh báo. Nồng độ bụi PM2.5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia. Theo số liệu đo 37 ngày, nồng độ bụi PM2.5 cao hơn hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, 70 - 90% nguồn ô nhiễm ở TP là từ phương tiện giao thông và 10 - 30% từ các khu công nghiệp, công trình xây dựng. Thành ủy Hà Nội đã ra nghị quyết về môi trường, để tập trung nguồn lực và quyết tâm cải thiện.(Thanhnien)