tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-06-2018

  • Cập nhật : 25/06/2018

Chi 30 triệu USD nhập xe trong tuần

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tuần (từ ngày 15 - 21.6) ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu tăng mạnh sau một tuần giảm.

hau het o to con nhap trong tuan nay deu tu thai lan -d.n.t

Hầu hết ô tô con nhập trong tuần này đều từ Thái Lan -Đ.N.T

Cụ thể, đã có hơn 1.431 chiếc đăng ký, với tổng trị giá đạt gần 30 triệu USD. Trong khi tuần trước chỉ là 162 chiếc với tổng trị giá là hơn 6,4 triệu USD.

Thống kê cũng cho thấy, 96% xe nhập trong tuần có xuất xứ từ Thái Lan. Trong đó, xe dưới 9 chỗ có 557 chiếc với tổng giá trị trên 10,6 triệu USD và 99% số xe này được nhập mở tờ khai qua cảng TP.HCM và Hải Phòng. Đáng lưu ý, trong số này có 542 chiếc xuất xứ từ Thái Lan, chiếm 97% số xe dưới 9 chỗ nhập vào Việt Nam trong tuần.

Trong tuần cũng ghi nhận số ô tô tải nhập cao nhất từ đầu năm đến nay, với 857 chiếc tổng giá trị trên 15,8 triệu USD. Cũng như xe dưới 9 chỗ, lượng ô tô tải có xuất xứ từ Thái đến 836 chiếc, chiếm 97%. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp không có chiếc ô tô con, ô tô tải nào từ Trung Quốc được đăng ký mở tờ khai nhập khẩu.

Tuy giảm 17% lượng linh kiện và phụ tùng ô tô nhập so với tuần trước, song số liệu cho thấy, Việt Nam đang tăng nhập khẩu nhóm hàng này để phục vụ việc sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Trong tuần này, Việt Nam chi 36,8 triệu USD nhập linh kiện và phụ tùng ô tô các loại.

Các nước đang cung cấp linh kiện chủ yếu đến từ: Nhật Bản với 10,2 triệu USD, Thái Lan với 8,5 triệu USD, Trung Quốc với 7,1 triệu USD, Hàn Quốc với 3,4 triệu USD, Đức với 2,6 triệu USD, Indonesia với 1,49 triệu USD và từ Hà Lan với 1,24 triệu USD.

Tính chung, linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 7 quốc gia này chiếm tỷ trọng gần 94% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô của cả nước trong tuần qua.(Thanhnien)
---------------------------

Ngân hàng từ Hàn Quốc sắp mở thêm chi nhánh tại 5 tỉnh thành

Phần lớn các tỉnh được Woori Việt Nam lựa chọn mở chi nhánh đều là nơi đặt khu công nghiệp lớn thu hút nhiều doanh nghiệp FDI. Nhà băng đến từ Hàn Quốc này hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng

Ngày 21/6/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận đủ điều kiện thành lập5 chi nhánh và 1 phòng giao dịch của Ngân hàng TNHH một thành viên Woori Việt Nam.

Năm chi nhánh mới sẽ được thành lập tại 5 tỉnh gồm Thái Nguyên, Hà Nam, Hải phòn, Đồng Nai, Bình Dương. Trong đó, chi nhánh Thái Nguyên sẽ được đặt tại ngay cùng trụ sở Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Bình Dương, Đồng Nai cũng đều là các tỉnh tập trung các khu công nghiệp lớn là nợi sản xuất của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngân hàng đến từ Hàn Quốc này được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 2016 với vốn điều lệ hiện là 3.000 tỷ đồng.

Không riêng Woori Việt Nam, một ngân hàng Hàn Quốc khác cũng đẩy mạnh hoạt động và mở rộng mạng lưới suốt hơn một năm qua là ShinHan. Hàn Quốc vẫn đang là quốc gia dẫn đầu về số vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp trong 5 tháng đầu năm (2,62 tỷ USD).

Danh sách 5 chi nhánh và 1 phòng giao dịch được mở mới

-Chi nhánh Thái Nguyên tại địa chỉ: Tầng 2, cổng số 1, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, khu công nghiệp Yên Bình, phường Đông Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
-Chi nhánh Hà Nam tại địa chỉ: Tầng 1 và 2, tòa nhà Chung cư Tiến Lộc, khu thương mại dịch vụ 4, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
-Chi nhánh Hải Phòng tại địa chỉ: Số 4, lô 22A, đường Lê Hồng Phong (khu đô thị mới Ngã 5 sân bay Cát Bi), phường Đông khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
-Chi nhánh Nhơn Trạch tại địa chỉ: Đường Tôn Đức Thắng, khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
-Chi nhánh Bình Dương tại địa chỉ: Tầng 10, tòa nhà Becamex, số 230, đại lộ Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
-Phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng (thuộc Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) tại địa chỉ: R02-R04, tầng 1,2, tòa nhà Riverpark Primier, đường Đặng Đức Thuật, phường Tân Phong, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. (NDH)
---------------------------------

Tại sao Alphabet, Amazon không nằm trong Dow Jones còn General Electric bị loại?

Alphabet, công ty mẹ của Google, và trang mua sắm trực tuyến Amazon có lẽ sẽ không bao giờ có mặt trong danh mục cổ phiếu thành viên của chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) – một trong 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ.

Những thắc mắc xoay quanh danh mục cổ phiếu thành viên của Dow Jones xuất hiện sau khi nhà quản lý chỉ số loại General Electric ra khỏi rổ, và thay thế bằng hãng dược Walgreens Boots Alliance.

Josh Brown, CEO của Ritholtz Wealth Management, đã đưa ra bàn luận về việc tại sao DJIA lại chọn Walgreens vào danh mục.

Thật ra chẳng có gì sai khi đưa Alphabet và Amazon vào danh mục DJIA cả, chỉ là nếu đưa họ vào rổ 30 cổ phiếu của DJIA thì sẽ giống như "đặt một chú voi ở giữa một nhóm chó xù".

Vấn đề là ở chỉ số DJIA được tính dựa vào giá thị trường của các cổ phiếu thành viên, nếu thêm vào danh mục 2 cổ phiếu này với mức giá giao dịch của 2 cổ phiếu trên 1000 USD sẽ khiến cho DJIA bị lệch đi rất nhiều so với giá trị thực của 28 công ty khác.

“Amazon, Google và thậm chí là Facebook sẽ chẳng bao giờ được thêm vào rổ danh mục của DJIA, chỉ bởi vì giá cổ phiếu quá cao. Với mức giá hiện giờ, Facebook có thể thêm vào danh mục, nhưng nếu cổ phiếu này tăng điểm như Google, chắc chắn sẽ làm biến động chỉ số”, Nick Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, nhận định.

DJIA bị phụ thuộc vào giá thị trường của các cổ phiếu thành viên, một cổ phiếu có giá càng cao thì càng ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự biến động của chỉ số.

Hiện tại, cổ phiếu Boeing, mở cửa vào ngày 20/6 với giá 346 USD/cổ phiếu, đang nắm giữ trọng số 9,5% trong danh mục.

Alphabet mở cửa với mức giá 1.183 USD/cổ phiếu, có nghĩa rằng trọng số mà nó có thể ảnh hưởng lên chỉ số gấp 3 lần so với Boeing. Amazon mở cửa với mức giá 1.742 USD/cổ phiếu, và sẽ ảnh hưởng lên chỉ số gấp 5 lần so với Boeing. Trong khi đó, Facebook mở cửa với giá 199,1 USD/cổ phiếu và đã là 1 trong 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất trên DJIA.

Nếu thêm Amazon và Google vào danh mục thì chúng sẽ là 2 công ty có ảnh hưởng lớn (quá bán và thậm chí là hơn) lên sự biến động của DJIA. Hai công ty này đang nằm trong danh mục S&P 500, một chỉ số với nhiều công ty hơn và tỷ trọng phụ thuộc giá trị vốn hóa thị trường của những cổ phiếu thành viên. Các công ty công nghệ chiếm khoảng 26% giá trị vốn hóa thị trường của S&P 500, lớn hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Cách duy nhất để Alphabet và Amazon được đưa vào danh mục DJIA là tách cổ phiếu, thế nhưng điều đó là không thể.

Cổ phiếu Amazon và Alphabet có giá thị trường trên 1.000 USD/cổ phiếu vì họ không có ý định chia tách cổ phiếu. Những cổ phiếu giá cao thường được ưa chuộng hơn. Ngoài ra các quỹ ETF còn trả phí cho các cổ phiếu được giao dịch. Những loại có giá trị cao đòi hỏi ít giao dịch nhằm duy trì số dư hợp lý trong các quỹ.

Đối với trường hợp của GE, các chuyên gia tại S&P Dow Jones Indices cho biết công ty này có giá cổ phiếu quá thấp nên không thể xếp vào danh mục nữa. Cổ phiếu của GE mở cửa ngày 20/6 với giá 12,76 USD, tương đương 0,36% trọng số. Cụ thể hơn, sau 2 giờ giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu GE đã giảm 1,1% nhưng chỉ bị trừ chưa tới 1 điểm trong danh mục DJIA.

Walgreens lại cho thấy một hình ảnh trái ngược khi mở cửa với giá 66,72 USD, tương đương gần 2% tỷ trọng.

Theo David Blitzer, giám đốc quản lý đồng chủ tịch S&P Dow Jones Indices, Walgreens sẽ phản ánh chính xác hơn tình trạng của các ngành công nghiệp tại Mỹ cũng như đại diện cho người tiêu dùng. Sự thay đổi này sẽ khiến chỉ số đo lường tốt hơn nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Với tình hình của DJIA hiện tại, không đưa 2 trong số những công ty có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế cũng sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành thước đo thị trường được sử dụng nhiều nhất.

Trích lời Colas: “DJIA sẽ luôn duy trì được tính chính xác vì nó ra đời sớm nhất và được hầu hết các nhà đầu tư nhỏ biết đến. Thế nên DJIA sẽ là cơ chế chuyển đổi cơ bản giữa nền kinh tế tài chính và kinh tế thực. Nhiều người vẫn luôn quan niệm rằng DJIA chính là thị trường và thị trường là DJIA. Tôi tin quan điểm đó sẽ còn tồn tại lâu dài”.(NDH)
------------------

VIB lên kế hoạch phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2

Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã VIB-UPCoM) sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản phê duyệt phương án trái phiếu tăng vốn cấp 2 vào ngày 4/7 tới.Việc lấy ý kiến cổ đông sẽ được thực hiện vào ngày 09/07.

Hiện VIB chưa công bố giá trị trái phiếu dự kiến phát hành trong đợt này. Tăng nguồn vốn cấp II sẽ hỗ trợ đáng kể tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng.


VIB là một trong 10 ngân hàng đầu tiên chuyển sang tuân thủ Basel II. VIB từng cho biết đang thực hiện các bước rà soát cuối cùng đê có thể triển khai trước 1/1/2019.

Hồi cuối năm 2017, VIB cũng đã trích lợi nhuận sớm vào Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ nhằm tăng vốn cấp 1. Hệ số CAR đến cuối năm 2017 là 13,07%, giữ khoảng cách khá an toàn với giới hạn yêu cầu của tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (9%).(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục