Hàng triệu dân Trung Quốc bị ung thư, trả giá cho phát triển nóng; Đại gia, đại án và đại... nghìn tỉ; Hơn 100 tiểu thương chợ Đồng Đăng kéo lên Bộ Công Thương; Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tái định cư Sân bay Long Thành
Tin kinh tế đọc nhanh 24-07-2017
- Cập nhật : 24/07/2017
Việt Nam nên nới lỏng các giao dịch vốn?
Việc người Việt chi 3,06 tỉ USD mua nhà ở Mỹ năm 2016 được các chuyên gia phân tích ở nhiều góc độ để có chính sách hợp lý hơn.
Nhiều người Việt đã chuyển tiền thành công ra nước ngoài để mua nhà. Trong ảnh: một trang mạng rao bán bất động sản ở Mỹ cho người Việt
Người VN tiêu dùng, giao dịch với nước ngoài ngày càng nhiều. Họ mua chứng khoán ở thị trường chứng khoán New York, mua bất động sản ở Singapore, châu Âu... không phải khó. Nếu siết việc chuyển tiền mà không quản được có nên không?
Luật sư Trương Thanh Đức (giám đốc Công ty luật BASICO): Thanh toán trên 100 triệu đồng phải qua ngân hàng
Để kiểm soát việc chuyển tiền của người dân ra nước ngoài, tôi cho rằng rất khó khi mà chúng ta vẫn thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Để làm tận gốc, phải yêu cầu thanh toán qua ngân hàng đối với những giao dịch có giá trị lớn nhằm kiểm soát nguồn gốc tiền.
Trước mắt có thể quy định thanh toán trên 100 triệu đồng phải qua ngân hàng. Chi nhánh ngân hàng hiện mọc lên nhan nhản, nên rất thuận tiện. Quy định này buộc triển khai với những người ở nội thành của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cơ quan quản lý kiểm soát được dòng tiền, thu nhập, tính đúng và đủ tiền thuế...
Còn những nơi như miền núi, hải đảo xa xôi có thể thanh toán bằng tiền mặt. Về lâu dài, đến một giai đoạn nào đó, cá nhân mua điện thoại 10 triệu đồng cũng phải buộc thanh toán qua ngân hàng.
Một chuyên gia về quản lý tài chính: Xem xét nới lỏng giao dịch vốn
Chúng ta đã tự do hóa giao dịch vãng lai từ năm 2005, mở cửa cho việc VN là thành viên của WTO. Từ đó đến nay, ở VN chỉ có tự do hóa giao dịch vãng lai là mua bán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cá nhân được quyền mua ngoại tệ để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Còn khái niệm về việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để mua một căn nhà, về khía cạnh nào đó giống như một loại giao dịch vốn mà pháp luật VN hiện nay chưa cho phép. Nhưng thực tế có không ít ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài tương đối đơn giản qua một số cửa hàng vàng.
Trong quá trình hội nhập toàn cầu, nhiều nước đã nới lỏng quy định liên quan đến quản lý di chuyển dòng tiền. Trong xu thế hội nhập, mới đây trong dự thảo mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, người nước ngoài đã có thể gửi tiết kiệm tại các ngân hàng trong nước.
Nhân câu chuyện người Việt chi hơn 3 tỉ USD để mua bất động sản ở Mỹ vừa được công bố, người làm chính sách nên suy nghĩ VN cần xem xét chuyện này như thế nào?
Giao lưu thương mại, những giao dịch vốn cũng cần phải được xem xét chứ không chỉ giao dịch vãng lai. Đối với các giao dịch vốn, có nên nới lỏng để xem người Việt mua chứng khoán ở thị trường chứng khoán New York, mua bất động sản ở Hong Kong, Singapore... được không?(Tuoitre)
------------------------------------
Đấu giá hạn ngạch nhập khẩu 89.500 tấn đường năm 2017
Bộ Công Thương vừa ban hành Quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Theo quy chế này, tài sản bán đấu giá là hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 89.500 tấn đường, gồm 44.000 tấn đường thô và 45.500 tấn đường tinh luyện.
Đối tượng được đăng ký tham gia đấu giá gồm thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện.
Trong đó, thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện chỉ được đăng ký đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô; thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ được đăng ký đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường tinh luyện.
Việc tổ chức đấu giá được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, công khai, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân tham gia đấu giá.
Phiên đấu giá chỉ được tiến hành khi có từ 2 thương nhân đủ điều kiện trở lên tham gia. Mỗi thương nhân có thể bỏ giá với mức đăng ký bằng hoặc khác nhau cho 1 đơn giá, số lượng đăng ký tối đa không vượt quá 20.000 tấn và mỗi đơn giá có số lượng đăng ký là 1.000 tấn đường.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư số 05/2017 quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường. Đây là lần thứ 2 Bộ quyết định đấu giá mặt hàng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan sau nhiều năm Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị đấu giá thay vì biện pháp phân giao.(VOV)
-----------------------
Người Việt chuyển 3 tỷ USD mua bất động sản tại Mỹ bằng cách nào
Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã bỏ ra khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản, chủ yếu là nhà, tại Mỹ.
Hiện mua bất động sản không nằm trong những khâu được phép quy định chuyển tiền qua đường chính thức, kênh ngân hàng thông thường. Vậy người Việt đã chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách nào để mua nhà?
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), người Việt Nam chỉ có thể chuyển tiền ra nước ngoài dưới một số điều kiện, một số giao dịch mà luật pháp cho phép, như mang tối đa 5.000 USD hoặc số tiền tương đương quy đổi khi qua cửa khẩu. Bên cạnh đó người Việt Nam có thể chuyển tiền ra nước ngoài thông qua ngân hàng để thanh toán những khoản tiền chuyển cho con cái đi du học, tiền chữa bệnh...
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho rằng, ngoại tệ chuyển qua nước ngoài mua nhà có thể qua các con đường không chính thức, bởi ngân hàng chỉ nhận chuyển tiền thanh toán một số giao dịch được phép như chữa bệnh, du học... số tiền này không quá lớn.
"Có thể họ đã chuyển tiền qua kênh khác, chứ không phải qua ngân hàng. Chắc chắn Ngân hàng Nhà nước tới đây sẽ có biện pháp nhất định để kiểm soát nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài này", ông Hưng nói.
Ở góc độ tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, có rất nhiều cách chuyển tiền không chính thức mà người Việt có thể đã áp dụng để chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà, như nhờ người thân, nhưng phương thức này không mấy khả thi do quy định của Luật quản lý ngoại hối chỉ cho phép mang tối đa 5.000 USD khi du lịch nước ngoài.
Hoặc họ có thể "núp bóng" chuyển tiền mục đích hợp pháp như học tập, chữa bệnh, du học... nhưng số tiền chuyển mỗi lần cũng không nhiều và nếu muốn mua bất động sản thì sẽ phải mất nhiều năm mới có được số tiền lớn để mua nhà. Vì thế, trường hợp mua nhà qua cách này cũng không nhiều.
Tuy nhiên, có một phương thức khác khi chuyển qua cấu trúc tài chính 4 bên, mà theo tiến sĩ Hiếu, người mua nhà có thể chuyển số tiền lớn mà không phạm luật.
Cụ thể, người A mua nhà tại Việt Nam chuyển tiền bằng VND cho người B ở Việt Nam, nhưng có người thân hoặc công ty tại Mỹ (người C). Người C này sau khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, sẽ chuyển số USD tương ứng cho người D (có mối quan hệ thân nhân với người muốn mua nhà). Cách chuyển tiền ngoại tệ này không bị thất thoát, không ra khỏi Việt Nam, nhưng "đầu mối" tại Mỹ vẫn có tiền để mua bất động sản hợp pháp.
"Đây là một trong số các phương thức chuyển tiền không chính thức, có thể vi phạm rửa tiền. Nhưng tại thời điểm này, quy định của luật pháp Việt Nam không nêu rõ cách chuyển này là hợp pháp, hay bất hợp pháp. Do đó, nó nằm trong "vùng xám" của pháp luật. Vì thế, cần sự lên tiếng, cũng như hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý - Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này", ông Hiếu bình luận.
Tỏ ra ngạc nhiên về số tiền mà người Việt đã "hậu hĩnh" chi mua bất động sản tại Mỹ, giám đốc một công ty bất động sản tại Hà Nội cho rằng, 3 tỷ USD là một con số đáng kể, nếu đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Trong khi số tiền này dùng mua nhà ở Mỹ không những không có lợi cho kinh tế Việt Nam, mà còn làm thất thoát nguồn ngoại tệ trong nước.
"Tôi khá quan ngại khi Việt Nam là một trong những quốc gia đứng top đầu thế giới mua nhà tại Mỹ", ông nói.
Tuy thị trường bất động sản Mỹ "đang lên", nhưng dù nguồn tiền người Việt mua nhà tại Mỹ theo cách thức nào, thì theo các chuyên gia họ vẫn đối diện với khá nhiều rủi ro. Rủi ro về pháp lý, sở hữu và thị trường là ba trong số rất nhiều rủi ro người Việt có thể đối mặt khi chi tiền mua nhà ở Mỹ.
"Giả sử số ngoại tệ không được trao tay ở Mỹ, người mua ở Việt Nam cũng không thể kiện ra toà được, cho dù hai bên ở Việt Nam từng có hợp đồng thoả thuận. Bởi lẽ, đây cũng được xem là hình thức rửa tiền, không có cơ sở để kiện", tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.(Vnexpress)
-----------------------
Công ty nuôi heo lỗ lớn
Công ty CP Tập đoàn Dabaco VN (DBC), đơn vị chuyên chăn nuôi, giết mổ heo, gà và sản xuất thức ăn cho gia súc, vừa báo lỗ 33,15 tỉ đồng trong quý 2 vì giá thịt heo giảm mạnh.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 cho thấy công ty đạt doanh thu thuần 1.073 tỉ đồng, giảm 33% so cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán chiếm đến 95% doanh thu, kéo lãi gộp giảm gần 70% xuống còn 58,7 tỉ đồng. Dù doanh thu tài chính tăng mạnh, nhưng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng tăng.
Kết quả quý 2, Dabaco lỗ 33,15 tỉ đồng, sụt giảm 117% so với mức lợi nhuận 149 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dabaco lỗ sau thuế 20 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 262 tỉ đồng).
Dabaco cho biết quý 2 là thời gian khó khăn nhất của ngành chăn nuôi nói chung và của công ty nói riêng. Giá bán heo hơi có thời điểm thấp nhất chỉ còn khoảng 19.000 đồng/kg, dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, do giá bán heo xuống quá thấp, người chăn nuôi không dám tăng đàn nên ảnh hưởng lớn đến giá bán và sức tiêu thụ con giống của các công ty con.(Thanhnien)
-----------------