Ghana thế chấp tài nguyên quốc gia để lấy 15 tỉ USD từ Trung Quốc; Phải sớm có ô tô thương hiệu Việt; Nga, Trung Quốc sẽ ký hàng chục thỏa thuận trị giá hơn 10 tỷ USD; EVN được phép tăng giá điện dưới 5% không cần báo cáo
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-07-2017
- Cập nhật : 23/07/2017
Dịch vụ là mảng kinh doanh có tốc độ phát triển nhanh nhất của Apple, và đang là nguồn thu nhập lớn thứ hai sau iPhone. Quý cuối cùng của năm 2016, doanh thu mảng dịch vụ của Apple tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu đó chủ yếu đến từ việc download các ứng dụng trên App Store, nhưng một phần rất quan trọng đến từ các dịch vụ truyền thông kỹ thuật số trên iTunes lại đang bị mất dần thị phần vào tay Amazon và Comcast, theo một báo cáo của The Wall Street Journal.
Thị phần cắt giảm một nửa
Trở lại năm 2012, Apple khi đó chiếm khoảng 50% thị phần download video kỹ thuật số. Con số này đã giảm còn 35% trong năm nay, khi Amazon và Comcast đạt được những bước tiến lớn.
Chắc chắn, thị trường này vẫn đang phát triển, cho phép Apple tăng doanh thu, nhưng theo PricewaterhouseCoopers, tốc độ tăng trưởng của Apple đang dần chậm lại. Năm ngoái, họ đạt mức tăng trưởng 12% so với 2015. Con số này được dự đoán sẽ giảm dần trong tương lai, khi các công ty như Netflix, Hulu, Amazon thu hút nhiều khách hàng hơn nhờ việc phát video trực tuyến thay vì tải xuống.
Lượng thuê bao dịch vụ trực tuyến của Apple được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, nhưng song song đó cũng là sự tăng trưởng không ngừng về số lượng tải video từ các nhà cung cấp khác. Năm ngoái, Apple đã sửa đổi chính sách chia sẻ doanh thu của App Store, nhằm khuyến khích các công ty như Netflix, Hulu và Spotify bán dịch vụ của họ thông qua App Store.
Nhờ chính sách mới này, Apple đã làm chậm lại đà sụt giảm lợi nhuận hàng tháng, từ mức 30% còn 15% sau năm đầu tiên. Tuy nhiên, Apple chỉ là một trong nhiều lựa chọn cho khách hàng để đăng ký dịch vụ trực tuyến. Nhiều người sẽ trực tiếp truy cập Netflix hoặc Hulu trên máy vi tính.
Trong khi đó, Comcast đã bắt đầu bán các thuê bao cho Netflix thông qua nền tảng X1 từ năm ngoái. Amazon thì cho phép người dùng dễ dàng thêm các kênh như HBO hoặc Showtime vào gói thuê bao chính của họ.
Amazon và Comcast đang hợp sức tấn công Apple
Dòng sản phẩm Fire của Amazon và Fire TV ngày càng trở nên phổ biến vài năm gần đây, do khả năng chi trả của người dùng và sự yêu thích của họ với Prime Video (kho phim ảnh đa dạng của Amazon) ngày càng tăng lên. Trong khi đó, doanh thu iPad của Apple giảm dần cùng với xu hướng chung của thị trường máy tính bảng. Hiện tại, máy tính bảng của Amazon chiếm gần 10% thị phần, so với 25% của iPad.
Ở một khía cạnh khác, thiết bị set-top box X1 của Comcast giờ đây đã có mặt tại hơn 50% hộ gia đình sử dụng video Comcast. Những người đã dùng Fire TV hay X1 dĩ nhiên sẽ thuận tiện hơn nếu sử dụng luôn dịch vụ tải video kỹ thuật số tích hợp như Prime Video hay Comcast thay vì iTunes.
Do đó, Apple có thể vẫn dẫn đầu thị trường máy tính bảng và thiết bị set-top box (Apple TV), nhưng vị thế dẫn đầu đó đang bị tấn công một cách dữ dội.(ZingNews)
-----------------------------
Hà Giang mời gọi xúc tiến đầu tư vào du lịch tại TP Hồ Chí Minh
Hà Giang đang được nhiều du khách chú ý đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Để du lịch Hà Giang "cất cánh", Hà Giang vẫn rất cần có sự phối hợp, liên kết du lịch giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành để kéo du khách đến với Hà Giang nhiều hơn.
Đây là phát biểu của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam, tại Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang tại TP Hồ Chí Minh, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức vào ngày 21/7.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, du khách đến Hà Giang được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và trải nghiệm văn hóa vùng cao nguyên Tây Bắc rất riêng biệt. Đây còn là nơi hội tụ những giá trị về văn hóa di sản đặc sắc của dân tộc và thế giới. Vì vậy, để du lịch Hà Giang phát triển bằng những “đặc sản” này, cần có sự "bắt tay" chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, cũng cho biết lượng khách du lịch đến tỉnh Hà Giang tăng bình quân gần 33%/năm. Tuy nhiên, du lịch tỉnh nhà mới đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, còn những hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; thiếu sản phẩm du lịch mới, phù hợp với xu thế tiêu dùng du lịch của giới trẻ...
“Do vậy, Hà Giang đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục hợp tác, đầu tư triển khai xây dựng các dự án du lịch để kéo du khách đến với Hà Giang. Tỉnh nhà cũng sẽ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế tại địa phương”, ông Sơn cho biết thêm.
Tại hội nghị này, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Hà Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nội địa cũng đã ký kết hợp tác tăng cường phát triển, xúc tiến quảng bá du lịch tại tỉnh Hà Giang.(Baotintuc)
----------------------------
Dự trữ ngoại hối Việt Nam trên 42 tỷ USD
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã mua thêm được 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên hơn 42 tỷ USD.
Tại hội nghị xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 21/7, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm nay, đạt trên 42 tỷ USD.
So với cuối năm 2016, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng thêm khoảng 1 tỷ USD, mức tăng dù thấp nhưng là đáng khích lệ trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu trở lại, khoảng 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Cũng tại cuộc họp trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thanh khoản ngoại tệ của thị trường tốt, đáp ứng các cung cầu ngoại tệ; tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nửa đầu năm trước tác động từ các quyết định tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Đơn : tỷ USDDự trữ ngoại hốiNăm 2011Năm 2012Năm 2013Năm 2014Năm 2015Năm 20166 tháng đầu năm 201710204060Năm 2011● Dự trữ: 12.58
Đến cuối tháng 6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82% so với cuối năm 2016, tăng trưởng tín dụng tăng 9,06% - mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây. "Tín dụng tăng cao, nhưng đều qua các tháng nên đã không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất, thậm chí lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên đã giảm thêm 0,5%", Thống đốc nói.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay bình quân ở mức 6-6,5% một năm với kỳ hạn ngắn; 8-10% một năm ở kỳ hạn dài và khách hàng tốt 4-5% một năm.
Nhận định có khả năng FED sẽ có những điều chỉnh tiếp theo với lãi suất USD trong nửa cuối năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động theo dõi diễn biến để kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, chủ động các giải pháp, công vụ chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, tránh đầu cơ ngoại tệ", ông Hưng khẳng định.(Vnexpress)
-------------------
Doanh nghiệp Đài Loan 'khát' lao động Việt Nam
Chiều 21.7, tọa đàm Hợp tác nhà trường và doanh nghiêp Việt Nam - Đài Loan diễn ra tại TP.HCM do Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ những trường ĐH, CĐ, trung cấp và doanh nghiệp Đài Loan tại khu vực TP.HCM và phía nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH, phương thức đào tạo gắn liền với doanh nghiệp đã thực hiện từ lâu trong các trường ĐH, CĐ, trung cấp, nhưng sự chuyển biến trong việc doanh nghiệp tham gia vào đào tạo còn chậm chạp, các trường cũng còn nhiều thụ động. Ông Minh đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới phải chủ động, năng động liên kết với doanh nghiệp, đồng thời nhà nước cũng cần có một cơ chế thuận lợi tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào đào tạo một cách tự nguyện.
Ông Lưu Quang Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM thông tin: “Tại khu vực Đông Nam Á, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, chiếm 35%. Hiện nay, nhiều công ty Đài Loan chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nên cần một số lượng nhân viên rất lớn. Chắc chắn họ sẽ mong muốn được cùng với các cơ sở giáo dục Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực”.
Có mặt tại tọa đàm, ông Lâm Đằng Giao, một trong những lãnh đạo của ngành giáo dục Đài Loan cũng cho biết tại Việt nam có khoảng 3.500 doanh nghiệp Đài Loan. Nhu cầu nhân lực kỹ thuật để làm việc ở lĩnh vực dệt may, giày dép, yên xe… của những doanh nghiệp này vô cùng lớn. “Doanh nghiệp chúng tôi đưa ra các tiêu chí tuyển dụng như ứng viên phải biết tiếng Trung, tiếng Anh, được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp, kỹ năng mềm tốt, có trách nhiệm và có năng lực tiếp thu kiến thức để nâng cao trình độ”, ông Lâm Đằng Giao nhấn mạnh.(Thanhnien)