Hai thứ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett luôn đặt trong ví; Chính sách tiền tệ vạ lây?; Giảm lãi suất không phải là tín hiệu nới lỏng tiền tệ; Trung Quốc tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 23-07-2017
- Cập nhật : 23/07/2017
Mở rộng kinh doanh chuỗi nhìn từ câu chuyện của The KAfe, Highlands và… các bà mẹ bỉm sữa
Theo ông Hoàng Tùng, CEO Pizza Home, khi sản xuất quy mô nhỏ tại gia đình như các bà mẹ bỉm sửa, hay 1-2 quán ban đầu như The KAfe, chất lượng món ăn sẽ rất tốt. Thế nhưng, khi mở rộng ra hơn nữa, đạt đến quy mô công nghiệp, rất khó để duy trì chất lượng này. Highlands từ 48 món ban đầu giờ đây khi có 200 cửa hàng chỉ còn 18 món trên thực đơn.
Mở rộng kinh doanh chuỗi nhìn từ câu chuyện của The KAfe, Highlands và… các bà mẹ bỉm sữa - Ảnh minh họa.
Ông Hoàng Tùng chia sẻ, ông đến The KAfe ngay từ những ngày đầu chuỗi cửa hàng này setup quán đầu tiên ở Điện Biên Phủ. Thời điểm đó có 1 bạn cofounder của The KAfe hẹn gặp ông Tùng và nhờ xem qua về kế hoạch truyền thông nên ông đã có dịp trải nghiệm không gian và món ăn ở đó.
"Team thành lập The KAfe ban đầu rất mạnh và khi mình xem kế hoạch truyền thông của họ, mình thấy kế hoạch truyền thông quá tốt. Các bạn founder bảo mình góp ý nhưng mình không góp ý thêm được gì, vì ra được một kế hoạch truyền thông như vậy là rất giỏi.
Thời điểm đó, sau khi trải nghiệm dịch vụ xong, mình chỉ góp ý: 'Mô hình này là mô hình rất là hay, rất đông khách nhưng nó sẽ gặp khó khăn khi mở rộng thành nhiều điểm bởi có nhiều món phức tạp và cách làm không được tối giản.'
Cốt lõi chính là khi mà chúng ta phát triển thành nhiều điểm thì phải tư duy ngược, phải làm sao tối giản được các món trên menu. Những món đầu tiên trên menu của The KAfe mang tính chất nghệ nhân rất nhiều, khi phát triển thành chuỗi, các món này rất khó giữ được tính chất của mình.
Một người đầu bếp làm ra các món đó không thể phân thân ra để làm ở các điểm khác. Vì vậy, để làm các món đó cần phải cắt giảm quy trình cho dễ hơn. Đó là lý do rất nhiều người có thể làm ra những chiếc bánh burger ngon hơn McDonald's nhưng để làm ra thành chuỗi lớn, quy mô công nghiệp như McDonald's thì không thể.
Chúng ta cũng thấy rằng, rất nhiều người tham gia lĩnh vực F&B cho rằng gia nhập thị trường này rất dễ. Nhiều bà mẹ bỉm sữa lên webtretho, lamchame viết post rao vặt kiểu “hôm nay em làm được mẻ bánh này ngon lắm, các mẹ vào mua đi”. Nhưng làm đồ ăn quy mô chỉ 10-20 cái/ngày, bán cho bạn bè khác rất nhiều so với việc phải chạy đến quy mô công nghiệp.
Đó là lý do nhiều bà mẹ bỉm sữa khi bắt đầu bán cảm thấy dễ dàng có lãi nhưng khi mở cửa hàng thì nhiều người phải đóng cửa, vì không đảm bảo chất lượng ở quy mô lớn.
Chúng ta nhìn vào câu chuyện của Highlands Coffee. Hồi đầu, khi Highlands mới ra Hà Nội, có khoảng 4-5 quán thì menu của Highlands có khoảng 48 món. Cho đến bây giờ, Highlands có gần 200 quán ở khắp Việt Nam thì menu của họ chỉ có 18 món, họ tối giản đi rất nhiều.
Điều đó có nghĩa là, khi chúng ta càng mở rộng thì chúng ta càng phải tối giản. Thế nhưng, điều này mình không nhìn thấy ở The KAfe và có thể là lý do khiến họ gặp khó khăn khi vận hành."(CafeF)
--------------------------------
Apple lại làm giàu cho Nokia
Dòng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ của Nokia đã quay trở lại kệ hàng của Apple sau những tranh cãi pháp lý trước đó.
Apple vừa mang các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ kết nối với iPhone, iPad của Nokia trở lại Apple Store sau nhiều tháng "cơm không lành, canh không ngọt" với hãng công nghệ Phần Lan.
Những sản phẩm lần này bao gồm 2 mẫu cân thông minh Body Cardio và Body+, nhiệt kế Thermo Thermometer, máy đo huyết áp BPM + Blood Pressure Monitor.
Đây đều là những model từng bán trước đó tại Apple Store dưới thương hiệu Withings (sở hữu bởi Nokia). Năm ngoái, Nokia và Apple vướng vào vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế. "Ghét thái độ" của Nokia, Apple thẳng thừng loại bỏ tất cả sản phẩm Withings ra khỏi Apple Store để trả đũa.
Đến tháng 5/2017, Apple và Nokia đã tìm được tiếng nói chung. Apple đồng ý trả tiền bản quyền sáng chế của Nokia nhiều năm, đồng thời đưa các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ của hãng công nghệ Phần Lan trở lại Apple Store.
Withings, thương hiệu thiết bị sức khỏe thông minh, được Nokia mua lại vào tháng 4/2016 với giá 191 triệu USD. Vì tương thích với các sản phẩm Apple và chất lượng tốt, chúng được chọn để bán trong các cửa hàng Apple Store.
Đối với các nhà sản xuất phụ kiện, việc có mặt trong Apple Store đủ đảm bảo về mặt thành công cho họ, bởi sản phẩm luôn phơi trước mắt các khách hàng tiềm năng.
Tại sự kiện MWC 2017 đầu năm nay, CEO Cédric Hutchings của Nokia thông báo tất cả thiết bị y tế thông minh sẽ không còn mang tên thương hiệu Withings. Những thiết bị đó bao gồm đồng hồ thông minh, phụ kiện theo dõi sức khỏe, nhiệt kế... Chúng sẽ sử dụng tên thương hiệu mới là Nokia.(zing News)
-----------------------
Nhiều sai phạm ở dự án nghìn tỷ của FLC
Hàng chục công trình tại 2 dự án của Tập đoàn FLC đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có giấy phép hoặc chưa được nghiệm thu chất lượng.
Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra đối với 2 dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trong việc thực hiện công tác xây dựng theo quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản. Báo cáo dài 7 trang chỉ rõ những sai phạm của UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bình Định cũng như chủ đầu tư ở các dự án này.
Đối với dự án của FLC tại Thanh Hóa, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2013, UBND tỉnh này đã phê duyệt quy hoạch sân golf, trước khi được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch tới 11 tháng. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11ha đất rừng phòng hộ làm sân golf là vi phạm quy định của Thủ tướng. Cơ quan này còn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11ha đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án FLC Sầm Sơn khi chưa có đủ điều kiện quy định của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng không ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 đối với dự án sân golf và khu đô thị sinh thái của chủ đầu tư này tại Quảng Cư.
Sở Xây dựng cấp phép xây dựng cho 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn và một công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn Golf Links khi đã hoàn thành. Có 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn và 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn Gofl Links đã thi công hoàn thành nhưng thời điểm thanh tra chưa có giấy phép xây dựng.
Đối với dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp tại Nhơn Lý, Bình Định, cơ quan thanh tra cũng cho biết UBND tỉnh này đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với đồ án 1/2000.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp phép cho 7 công trình thi công đã hoàn thành thuộc dự án này. Còn 5 công trình khác đã hoàn thành nhưng chưa có giấy phép xây dựng.
Về phía Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, cơ quan thanh tra cho biết chủ đầu tư có nhiều sai phạm về quy hoạch xây dựng. Liên quan đến công tác quản lý chất lượng và công trình, ở cả 2 dự án, chủ đầu tư không có các hồ sơ về khảo sát xây dựng, hoặc tổ chức khảo sát không đúng quy chuẩn...
Nhiều công trình tại 2 dự án đều không có hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng. Đặc biệt, tại FLC Sầm Sơn, chủ đầu tư còn tổ chức thi công và đã đưa vào sử dụng khi chưa có giấy phép công trình khách sạn 7 tầng với tổng diện tích hơn 4.000m2. Công trình khách sạn cao 15 tầng, diện tích hơn 75.000 m2, khu resort, hạ tầng kỹ thuật cũng được tiến hành thi công khi chưa có giấy phép. Nhiều công trình không có nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy.
Tình trạng thi công khi chưa có giấy phép, chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, không có nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy cũng xảy ra với một loạt công trình tại dự án FLC Quy Nhơn.
Đơn vị tư vấn, khảo sát, giám sát, nhà thầu thi công của 2 dự án này cũng được cơ quan thanh tra đánh giá là chưa có giấy phép.
Cơ quan thanh tra đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Bình Định làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm nói trên. Đồng thời, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh việc báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến chỉ đạo về nội dung đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích làm sân golf, cũng như chấn chỉnh việc xây dựng của FLC.
Cơ quan thanh tra yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, buộc kiểm định chất lượng công trình phần đã thi công, thực hiện đủ hồ sơ pháp lý về quản lý chất lượng công trình đã thi công.
Đối với 9 công trình nghỉ dưỡng, sân golf, khu thương mại... đã hoàn thành nhưng chưa có giấy phép xây dựng 2 dự án, cơ quan thanh tra yêu cầu buộc phải xin giấy phép xây dựng, kiểm định lại chất lượng, cần được cơ quan quản lý kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. 10 công trình đã hoàn thành và có giấy phép, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm định lại chất lượng và thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Thanh tra cho biết UBND tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Sở ban ngành liên quan và chủ đầu tư phải báo cáo việc thực hiện các kiến nghị vào tháng 9 tới.
Trao đổi với VnExpress, phía chủ đầu tư cho biết, đơn vị này đã nhận được kết luận của cơ quan thanh tra và đang có những biện pháp khắc phục, hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, vị này lý giải "những công trình chưa hoàn tất việc xin giấy phép đều là công trình tâm linh hoặc quy mô nhỏ".
FLC Sầm Sơn và FLC Quy Nhơn là 2 quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của Tập đoàn FLC với các hạng mục khách sạn, resort, sân golf... Quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao FLC Sầm Sơn có diện tích trên 200ha, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục, tiện ích 5 sao như sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị quốc tế, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn, khu villa, khu công viên giải trí... Nhiều hạng mục tại dự án này đã được đưa vào hoạt động từ năm 2015.
Trong khi đó, dự án FLC Quy Nhơn có tổng diện tích 1.300 ha và tổng mức đầu tư lên tới 7.000 tỷ đồng đi vào hoạt động từ tháng 7/2016. (Vnexpress)
----------------------------------------
Xuất khẩu gạo Japonica bất ngờ tăng vọt 300%
Trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo Japonica (một loại gạo có nguồn gốc Nhật Bản) tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,66 triệu tấn, với trị giá FOB là 1,65 tỷ USD. Con số này so với cùng kỳ năm 2016, tăng nhẹ 0,25% về lượng và tăng 1,85% về trị giá FOB.
Nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế trong quý II là nguyên nhân giúp xuất khẩu gạo Việt Nam có được con số tăng trưởng dương sau một thời gian dài thị trường rơi vào trầm lắng. Dù con số tăng trưởng chưa cao, tuy nhiên xuất khẩu gạo 6 tháng cũng có một số dấu hiệu tích cực.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo Japonica (một loại gạo có nguồn gốc Nhật Bản) tăng mạnh nhất, gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong 5 loại gạo chính trong cơ cấu gạo xuất khẩu hiện nay của Việt Nam. Trong hai năm gần đây, xuất khẩu loại gạo này luôn duy trì mức tăng trưởng ở 3 con số, thị phần xuất khẩu cũng ngày càng tăng lên. Nếu như cuối năm 2015, xuất khẩu loại gạo này chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thì đến nay con số này đã là 4,57%.
Thị trường nhập khẩu gạo Japonica chủ yếu là khu vực châu Úc. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng mạnh, hiện chiếm 5,24% thị phần xuất khẩu do nhập khẩu gạo Japonica tăng. Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn là khu vực châu Á, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2016, chiếm gần 70%; trong đó, Trung Quốc đứng đầu, chiếm 43,8%; còn lại là Philippines, Malaysia, Singapore đều tăng.
Ngoài gạo Japonica, xuất khẩu gạo trắng cao cấp, nếp và gạo tấm cũng tăng khá mạnh, lần lượt tăng 34%, 51% và 127%. Trong cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm, gạo thơm vẫn chiếm thị phần lớn nhất, chiếm 28,8%, theo sau đó là gạo trắng cao cấp chiếm 28,6%…
Tính đến ngày 30/6, vẫn còn 1,46 triệu tấn gạo đã được các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu nhưng chưa giao hàng. Trong đó, chỉ có khoảng 490.000 tấn gạo là thuộc hợp đồng tập trung, cung cấp cho thị trường Cuba, Malaysia và Bangladesh, còn lại là hợp đồng thương mại của các doanh nghiệp.(TTXVN)