tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 23-06-2016

  • Cập nhật : 23/06/2016

Việt Nam nhập khẩu 5,4 triệu tấn xăng dầu

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu trong 5 tháng đầu năm 2016 chủ yếu có xuất xứ từ các thị trường: Singapore: 2,18 triệu tấn, tăng 7,4%; Malaixia: 1,49 triệu tấn, gấp 5 lần; Hàn Quốc: 713 nghìn tấn, gấp 9 lần... so với cùng kỳ năm trước.

Lượng xăng dầu các loại nhập khẩu trong tháng 5 là 1,26 triệu tấn, giảm 10,4% nhưng do đơn giá nhập tăng 13% nên trị giá đạt 527 triệu USD, tăng 1,2% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 5 tháng/2016, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 5,4 triệu tấn, tăng 27,6%.

Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 37,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là 1,96 tỷ USD, giảm 20,2% so với 5 tháng/2015. Trong 5 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này giảm do giá giảm lên tới 1,18 tỷ USD, trong khi đó do lượng tăng chỉ là 678 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu trong 5 tháng đầu năm 2016 chủ yếu có xuất xứ từ các thị trường: Singapore: 2,18 triệu tấn, tăng 7,4%; Malaixia: 1,49 triệu tấn, gấp 5 lần; Hàn Quốc: 713 nghìn tấn, gấp 9 lần... so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 5-2016, lượng xuất khẩu dầu thô của cả nước là 616 nghìn tấn, tăng 7,1% so với tháng trước và trị giá đạt 226 triệu USD, tăng 21,3%. Tính đến hết tháng 5/2016, lượng xuất khẩu dầu thô đạt hơn 3 triệu tấn, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước, trị giá xuất khẩu chỉ đạt 918 triệu USD, giảm 47,2% (tương ứng giảm 822 triệu USD, trong đó 385 triệu USD do yếu tố lượng giảm và 437 triệu USD do yếu tố giá giảm).(CAND)


Sản lượng thép của Trung Quốc giảm vào đầu tháng 6

Số liệu từ CISA cho thấy sản lượng thép thô tại 94 nhà máy được khảo sát bởi cơ quan này trong 10 ngày đầu tháng 6 đạt trung bình 1,74 triệu tấn/ngày, giảm 2% so với mức bình quân của cuối tháng 5. Kết quả này đã chấm dứt chuỗi tăng sản lượng bắt đầu từ giữa tháng 5. Tuy nhiên, con số sản lượng hàng ngày cho đầu tháng 6 gần như không đổi so với năm ngoái.

Hiệp hội ước tính tổng sản lượng tại tất cả các nhà máy trong nước là 2,35 triệu tấn/ngày hồi đầu tháng 6, giảm 1,6% so với cuối tháng 5. Nguồn tin thị trường đều dự báo sản lượng sẽ giảm trong tháng này và tiếp tục đà lao dốc do nhu cầu suy yếu trong mùa hè.

 “Sự sụt giảm của sản lượng sẽ giúp bù đắp cho nhu cầu thép suy yếu ở trong và ngoài nước, do đó giữ tồn kho thị trường ở mức thấp trong tháng này”, một thương nhân ở Thượng Hải nói. Một nhà phân tích thì cho hay tồn kho thép thành phẩm tại các nhà máy, đại lý và công ty tiêu thụ thép trực tiếp hiện nay không cao cùng với sự sụt giảm trong sản lượng thép nên bất kỳ một sự phục hồi nào của nhu cầu cũng sẽ không kéo giá thép đi lên trong những tháng tới.

Ông tin là vào nửa cuối năm nay nhu cầu thép từ lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng sẽ cải thiện hơn so với các sản phẩm thép dẹt từ các ngành công nghiệp sản xuất. Do đó, nếu giá thép bắt đầu xu hướng đi lên trong những tháng tới thì sự cải thiện này sẽ xuất hiện đầu tiên ở thị trường thép dài, chứ giá thép dẹt sẽ chỉ theo sau cho phù hợp mà thôi.

Theo Mysteel, tồn kho thị trường của thép cây, cuộn trơn, HRC, CRC và thép tấm tại các thành phố lớn tính tới ngày 17/6 còn tổng cộng 9,11 triệu tấn, không đổi so với tuần trước đó và vẫn còn thấp hơn 29% so với năm ngoái.(ST)


Thu 7 triệu USD từ xuất khẩu cá cảnh

Tính đến 15/6, TP.HCM đã xuất khẩu 7,4 triệu con cá cảnh, đạt kim ngạch khoảng 7 triệu USD.

Theo báo cáo từ Sở NN-PTNT TP.HCM, tính đến 15/6, TP.HCM đã xuất khẩu 7,4 triệu con cá cảnh, đạt kim ngạch khoảng 7 triệu USD, tăng trên 13% về số lượng và 32% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015.

Thị trường xuất khẩu cá cảnh chủ yếu là Mỹ, một số nước ở châu Âu và châu Á. Năm 2015, TP.HCM đã xuất khẩu được 12 triệu con cá cảnh, kim ngạch đạt 11 triệu USD, tăng 9,9% về số lượng và 12% về kim ngạch so với năm trước.

Theo Sở NN-PTNT, tính bình quân 5 năm trở lại đây, giai đoạn 2011 - 2015, số lượng cá cảnh xuất khẩu tại TP.HCM tăng bình quân 8,6%/năm, kim ngạch tăng bình quân 6,6%/năm.

Ngoài cá cảnh, từ đầu năm đến nay, TP.HCM cũng đã xuất khẩu 4.307 con cá sấu sống, 2.020 tấm da cá sấu nuôi và da cá sấu thuộc./.(XL)


IMF: Chính phủ Nhật cần hành động để đạt muc tiêu tăng trưởng

Ngày 20/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thúc giục Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe “nạp lại năng lượng” cho chương trình chấn hưng nền kinh tế, với những bước đi nhằm tăng thu nhập, tiến hành cải cách lao động để thúc đẩy tăng trưởng và đạt mục tiêu lạm phát.
Lên nắm quyền cuối năm 2012, ông Abe đã cam kết khôi phục nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với kế hoạch mang tên “Abenomics,” với một chương trình chi tiêu và nới lỏng định lượng quy mô lớn.
Theo IMF, kế hoạch này đã đạt được những tiến bộ trong việc khôi phục kinh tế Nhật Bản, song vẫn chưa đạt được mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và tỷ lệ lạm phát. Do đó, Tokyo cần “hổi luồng gió mới” vào kế hoạch Abenomics.
IMF nhấn mạnh thêm rằng chỉ áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ không thể giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu đẩy lạm phát lên 2%. Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Chính phủ Nhật Bản cần nâng cấp và phối hợp chính sách, trong đó có gia tăng thu nhập và cải cách thị trường lao động.
Trong biên bản cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) diễn ra từ 27 đến 28/4 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách lãi suất âm sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính cũng như sự ổn định của thị trường trái phiếu Nhật Bản.

Trong khi đó, kết thúc cuộc họp trong hai ngày 15-16/6 vừa qua, BoJ quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành. Theo đó, BoJ tiếp tục thực hiện chính sách tăng lượng cung tiền cơ bản khoảng 80.000 tỷ yen (khoảng 753 tỷ USD) hàng năm thông qua chương trình mua tài sản và duy trì chính sách lãi suất âm (VN+)


Chứng khoán toàn cầu tăng điểm trước thềm trưng cầu ở Anh, đồng bảng và giá vàng giảm

Các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất vẫn cho thấy cả hai trường hợp đều có thể xảy ra và không bên nào tỏ ra chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nhà cái hiện nay chỉ đặt cược rằng có khoảng 26% Brexit sẽ xảy ra.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong khi vàng giảm giá mạnh nhất trong 4 tuần trong bối cảnh lo ngại về khả năng Anh rời EU giảm xuống. Tuy nhiên, cùng chiều với giá dầu, đồng bảng vẫn giảm giá.
 
Brexit – trường hợp Anh rời EU – vẫn là yếu tố chi phối tâm lý nhà đầu tư nhiều nhất. Các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất vẫn cho thấy cả hai trường hợp đều có thể xảy ra và không bên nào tỏ ra chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nhà cái hiện nay chỉ đặt cược rằng có khoảng 26% Brexit sẽ xảy ra. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng đến nay.
 
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen trước Quốc hội Mỹ hôm qua cũng được nhà đầu tư chú ý. Bà nói rằng bà muốn nền kinh tế diễn biến tốt hơn trước khi quyết định tăng lãi suất.
 
Kết thúc phiên hôm qua (21/6), chỉ số S&P 500 tăng lên mức 2.08,9 điểm sau khi giảm mạnh nhất 4 tuần phiên trước đó. Chỉ số MSCI All-Country World Index cũng tăng 0,3%. Stoxx Europe 600 tăng thêm 0,7%.
 
Đồng bảng giảm 0,3%, xuống còn 1,4652 USD đổi 1 bảng Anh. Nhà đầu tư nổi tiếng George Soros nhận định đồng tiền này có thể giảm tới 20% nếu Anh ra đi.
Vàng giảm giá mạnh nhất kể từ ngày 24/5, với giá vàng giao tháng 8 giảm 1,5%, xuống còn 1.272,5 USD/ounce.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục