Ai có thể cản bước các ông lớn công nghệ?; Tập đoàn Dầu Khí lo mất 2 tỷ USD bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn; Mỹ cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt tài chính lên Venezuela; Tội phạm tham nhũng: Phá hoại “con voi”, thu hồi “con kiến“
Tin kinh tế đọc nhanh 23-07-2017
- Cập nhật : 23/07/2017
Nguy cơ “vỡ trận” thị trường condotel tại Đà Nẵng?
Lượng cung căn hộ nghỉ dưỡng, khách sạn (condotel) trên thị trường Đà Nẵng đang gia tăng chóng mặt, điều này khiến nhiều tổ chức, công ty nghiên cứu thị trường nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ "vỡ trận" có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 20,14%/năm, trong đó khách nội địa tăng 18,6%; từ 1,7 triệu lượt khách năm 2010 tăng lên 4,6 triệu lượt khách năm 2015, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch năm 2015 ước đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 28,7%. Doanh thu du lịch giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 30,6%/năm.
Du lịch tăng trưởng cao khiến thị trường đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch tại Đà Nẵng cũng diễn ra rầm rộ suốt nhiều năm qua. Cũng theo Sở Du lịch Đà Nẵng, đến nay thành phố có 83 dự án du lịch, dịch vụ đã và đang triển khai đầu tư với tổng vốn hơn 7,3 tỷ USD (153.300 tỷ đồng), trong đó 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1,28 tỷ USD (26.800 tỷ đồng) và 63 dự án trong nước với tổng vốn 6,02 tỷ USD (126.420 tỷ đồng).
Đây là những dự án đã cung cấp ra thị trường Đà Nẵng một nguồn cung khổng lồ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Savills tại Đà Nẵng, nguồn cung căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng condotel có khả năng sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2018. Hiện tại, trên thị trường Đà Nẵng, qua thống kê cho thấy loại hình căn hộ khách sạn hiện có 6.900 căn đã đi vào hoạt động. "Ở thời điểm hiện tại, việc phát triển tăng trưởng “nóng” condotel đang tiềm ẩn nhiều rủi ro", Savills nhận định.
Giới kinh doanh trong ngành, cho rằng thị trường BĐS Đà Nẵng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng cao, bên cạnh yếu tố du lịch tăng trưởng, sắp tới Đà Nẵng còn có nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là APEC 2017. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng đang trở thành một điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu khi mà các thành phố lớn khác như Hà Nội và TP.HCM đã trở nên đắt đỏ.
Vì thế, hoạt động xây dựng tại các khách sạn có thương hiệu quốc tế cũng đang được đẩy mạnh, đưa thành phố biển này trở thành một "đại công trường" sáng đèn cả ngày lẫn đêm để chạy đua tiến độ. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, dọc các con đường ven biển và hai bờ sông hàn hầu như không còn đất trống để xây dựng. Thay vào đó, hàng trăm dự án khách sạn các hạng sao đang "mọc" lên như nấm sau mưa ở những khu vực này.
Ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho biết các nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt các cơ hội làm ăn lớn từ Diễn đàn APEC 2017 do địa phương này đăng cai tổ chức, làn sóng đầu tư xây dựng khách sạn 1-3 cũng đã búng nổ mạnh mẽ tại thành phố này trong hai năm qua. Hiện Đà Nẵng có hơn 500 cơ sở lưu trú từ 1-3 sao với hơn 14.000 phòng; nhiều tuyến đường gần biển của các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn liên tục xuất hiện những khách sạn mới.
Thực tế qua khảo sát cho thấy, nằm trải dài bãi biển Mỹ Khê - một trong 6 bãi biển được xem là đẹp nhất hành tinh, khách sạn 4-5 sao tầm cỡ quốc tế đã được xây dựng trên trục đường từ Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp đến Trường Sa, bên cạnh hàng loạt khách sạn 1-3 sao, nhà nghỉ mini đang tiếp tục xây dựng. Song song đó, dọc theo con phố đường Hà Bổng (phường Phước Mỹ, Q.Sơn Trà), ngay sau khách sạn A La Carte (tiêu chuẩn 5 sao) dài chưa đến 500m nhưng có đến 35-40 khách sạn lớn, nhỏ các loại.
Khu vực có nhiều khách sạn đang "mọc" lên nhanh như "nấm sau mưa" kế đó phải kế đến là tuyến đường Phạm Văn Đồng, với hơn 60 khách sạn lớn nhỏ đã và đang được xây dựng. Trong tương lai, khu vực này sẽ cung cấp cho thị trường gần 10 ngàn phòng khách sạn từ hai dự án là Soleit của PCC An Thịnh và Danang Times Square của tập đoàn PT đang được xây dựng.
Ông Sâm cho rằng phân khúc khách sạn 1-3 sao của Đà Nẵng đang chiếm thị phần lớn nhưng đa số đầu tư khá vội vàng, kinh doanh tự phát, thiếu định hướng. Ngoài ra, các chủ đầu tư đang làm ngược, xây khách sạn rồi mới tìm thị trường, dẫn đến tình trạng hoạt động không hiệu quả.
Trước thực trạng đó, để phân khúc khách sạn tại Đà Nẵng hoạt động hiệu quả hơn, tránh xảy ra thực trạng bội cung, các khách sạn nên có sự liên kết lẫn nhau, thống nhất về giá cả dựa trên giá thực của thị trường; từ đó tạo ra sự khác biệt về chất lượng dịch vụ và sản phẩm để thu hút khách hàng.(Theo Nhịp sống kinh tế)
----------------------
Nhà giàu gốc Á chi triệu USD săn bất động sản Sài Gòn
Bán công ty sản xuất văn phòng phẩm ở Đài Loan, Yang (50 tuổi) gom 5 triệu USD đầu tư căn hộ, nhà phố, biệt thự tại Sài Gòn.
Một dự án đã bàn giao tại TP HCM thu hút nhiều người nước ngoài gốc Á mua để đầu tư cho thuê. Ảnh: Vũ Lê
Gia nhập thị trường bất động sản TP HCM gần 3 năm và "mù" tiếng Việt nhưng rào cản ngôn ngữ không thể làm khó nhà đầu tư cá nhân đến từ Đài Loan. Ông Yang thường đi xem nhà, đất, căn hộ cùng phiên dịch viên người Việt thân tín của mình. Thỉnh thoảng các con của Yang cũng tham gia hỗ trợ bố nhưng họ chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh và có công việc kinh doanh riêng. Vì vậy, có đến 80% quyết định đầu tư của ông liên quan đến người phiên dịch bản xứ.
Hiện Yang có 3 căn hộ cao cấp tại tại trung tâm TP HCM, 2 căn nhà phố dự án tại quận 9 và 2 căn biệt thự tại quận 2, tất cả đều đang cho thuê. Đó là chưa kể những tài sản bất động sản Yang đang quản lý tại những tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai.
Theo một môi giới bất động sản chuyên địa bàn phường Thảo Điền và quận Bình Thạnh tiết lộ, Yang đã đầu tư ít nhất cả trăm tỷ đồng, tương đương 5 triệu USD tại Việt Nam và vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư bất động sản tại các dự án mới thuộc khu Đông Sài Gòn. Vợ con và phần lớn tài sản của người đàn ông Đài Loan này đều hiện diện tại TP HCM nên ông xem đây là miền đất hứa. Ông chia sẻ, việc kinh doanh bất động sản ở đô thị nhộn nhịp bậc nhất Việt Nam này có biên lợi nhuận hấp dẫn hơn ở quê nhà.
Câu chuyện tương tự của ông Yang không phải là hiếm tại Sài Gòn. Đây là bằng chứng điển hình cho làn sóng săn lùng bất động sản khá rầm rộ của nhà đầu tư gốc Á. Theo dữ liệu khách hàng của một công ty tư vấn, môi giới đầu tư địa ốc tại địa bàn quận 2, TP HCM, danh sách khách VIP của họ có khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã mua căn hộ tại một dự án ngay mặt tiền Xa lộ Hà Nội để cho khách đồng hương của họ thuê. Cá biệt một nhà đầu tư Hàn đã mua 2 sàn căn hộ dự án này cũng để khai thác cho thuê.
Cách đây chỉ vài tuần, khoảng đầu tháng 7/2017, một dự án tọa lạc tại quận 2, tiếp giáp quận 1 qua hầm Thủ Thiêm công bố sản phẩm đã thu hút hàng trăm khách hàng Hàn Quốc quan tâm đặt chỗ. Điều đáng chú ý của nhóm khách đến từ xứ sở kim chi là ngay cả khi môi giới giải thích về quy định một dự án không được bán cho người nước ngoài vượt quá 25-30% sản phẩm. Trường hợp hết suất mua, môi giới tư vấn khách ký hợp đồng thuê 50 năm, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chấp thuận.
Trao đổi với PV, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang xác nhận, bên cạnh làn sóng M&A (mua bán sáp nhập) rầm rộ của các nhà đầu tư tổ chức đến từ Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc thì cuộc đua của nhà đầu tư cá nhân gốc Á cũng sôi động không kém.
Chuyên gia này phân tích, so với năm 2015, khi đó Việt Nam vừa cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà, hiện nay thị trường TP HCM có nhiều loại hình bất động sản nhà ở thu hút giới đầu tư quốc tế, giá cả cạnh tranh so với khu vực. Sự phát triển về lượng (gia tăng mạnh nguồn cung) và về chất (ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao) của thị trường địa ốc sôi động hơn 10 triệu dân này đã thu hút rất nhiều người gốc Á đến đây tìm cơ hội đầu tư.
Làn sóng này bắt nguồn từ nguyên nhân thị trường bất động sản nhiều nước trong khu vực châu Á đang có giá quá cao và đầu tư thời điểm này không còn hấp dẫn tại bản xứ. Mặt khác, lãi suất ở các thị trường này cũng cực thấp. Mức lãi suất phổ biến tại Nhật là 1%, tại Singapore là 3%, Hàn Quốc dưới 2% và nhiều vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hong Kong cũng ở mức khiêm tốn so với Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường bất động sản TP HCM được đánh giá còn nhiều tiềm năng tương tự thị trường Trung Quốc cách đây 10 năm. Biên lợi nhuận từ đầu tư bất động sản tại Sài Gòn nhiều năm nay đạt mốc trung bình 15-20% một năm, thậm chí cao hơn, gấp đôi mức này vào thời kỳ thị trường tăng trưởng tốt (2015-2016). Do đó, trong tương lai, bất động sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục đón nhận cơn lốc săn bất động sản của nhà đầu tư gốc Á.
"Đây có thể là bước ngoặt cho thị trường TP HCM trong những tháng còn lại của năm 2017 và dài hạn hơn là trong 5 năm tới", ông Quang dự báo.(Vnexpress)
-------------------------
Hàng loạt công ty con thuộc “ông lớn” nhà nước lỗ “khủng”
Kiểm toán nhà nước cho biết, nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể…
Liên quan đến kết quả kiểm toán các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2016, báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 21/7 cho biết, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; xoá nợ chưa đủ điều kiện; hạch toán tài sản cố định chưa kịp thời…
Cụ thể, trích lập thiếu tại Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng 22,55 tỷ đồng; Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Trích không đủ hồ sơ, không đúng đối tượng hoặc chưa đủ điều kiện: UDIC (Công ty mẹ 1,09 tỷ đồng); Vicem (Công ty mẹ 24,5 tỷ đồng; Vicem Bút Sơn 2,4 tỷ đồng; Vicem Hoàng Mai 1,3 tỷ đồng; Vicem Hải Vân 1,1 tỷ đồng; Vicem Tam Điệp 2,9 tỷ đồng; Vicem Bỉm Sơn 1,2 tỷ đồng); Becamex (Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương 0,84 tỷ đồng).
Trích lập dự phòng chưa đủ điều kiện: Vicem (Vicem Hải Phòng 30,64 tỷ đồng; Vicem Hoàng Thạch 52,44 tỷ đồng; Vicem Hoàng Mai 1,77 tỷ đồng; Vicem Hải Vân 5,29 tỷ đồng; Vicem Bỉm Sơn 1,53 tỷ đồng); VNPT (TCT Hạ tầng mạng và VNPT Hà Nội 34,26 tỷ đồng). Trích lập dự phòng vượt: Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk 8,4 tỷ đồng. Trích lập dự phòng thiếu: Becamex (CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương).
Những doanh nghiệp xoá nợ chưa đủ điều kiện: Satra 115,86 tỷ đồng; VietnamArilines (CTCP Hàng không Jestar Pacific Airlines 6,06 tỷ đồng); Tổng công ty Xăng dầu Quân đội – Bộ Quốc phòng 66,61 tỷ đồng; Samco (Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé 2,62 tỷ đồng)…
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn 1.700 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 3.992 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm 293 tỷ đồng; tổng chi phí giảm 1.137 tỷ đồng.
Báo cáo cũng chỉ ra, hiệu quả kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2015, nhiều doanh nghiệp trực thuộc lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Cụ thể, các doanh nghiệp lỗ lớn thuộc Vicem như Vicem Tam Điệp lỗ 1.156 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 359 tỷ đồng; Tập đoàn cao su VRG (CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su 317,9 tỷ đồng); VNPT (CTCP Vật liệu Bưu điện Việt Nam 53,28 tỷ đồng; CTCP Phát triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến VDC 26,86 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất thiết bị viễn thông - TELEQ 22,49 tỷ đồng…); Handico (CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 68 là 52,30 tỷ đồng); Lilama (CTCP Thủy điện Sông Vàng 94,30 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp trực thuộc âm vốn chủ sở hữu như Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza 168,74 tỷ đồng - lỗ trước khi bàn giao về TCT); Petrolimex (Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore 1.335,23 tỷ đồng); VNA (CTCP Hàng không Jestar Pacific Airlines 129 tỷ đồng); TCT Du lịch Hà Nội (Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm 79,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Dân chủ 51,83 tỷ đồng); VNPT (Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện 43,14 tỷ đồng).
Trong khi đó, Samco (Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn); UDIC (Công ty Liên doanh Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh dừng hoạt động từ năm 2009) được chỉ ra có nguy cơ ngừng hoạt động.(Bizlive)
--------------------------
Hãng bia ngoại sửng sốt vì dân nhậu Việt
Bán vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty bia sẽ mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường và hâm nóng cuộc chơi này.
Thị trường bia Việt Nam đang là tầm ngắm của nhiều hãng bia trên thế giới. Ảnh: Bloomberg
Sau nửa thế kỷ kể từ thời các chất có cồn được coi là thứ "thuốc độc", hình ảnh những người phụ nữ trẻ với chiếc váy ngắn mang các chai bia Tiger ra chiếc bàn đông đúc thanh niên trẻ tuổi đã không còn hiếm gặp.
"Uống bia là điều thiết yếu tại Việt Nam", Nguyễn Nhật Trường, một nghiên cứu sinh 26 tuổi chia sẻ. Anh cùng những người bạn của mình thường ghé qua một quán ăn ngoài trời tại ngoại ô TP HCM để uống những cốc bia với giá chưa đến nửa đôla. "Chúng tôi có nhiều thời gian rảnh, nhưng không có quá nhiều hình thức giải trí, vì thế chúng tôi uống bia", Trường cho biết.
Trong một báo cáo mới công bố, Euromonitor International gọi Việt Nam là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia". Kế hoạch bán phần vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty bia sẽ mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường và hâm nóng cuộc chơi này.
"Không có nhiều thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng như tại Việt Nam", John Ditty, một lãnh đạo tại bộ phận tư vấn của KPMG Việt Nam cho biết.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) dự kiến sẽ trình phương án thoái vốn Nhà nước ngay trong tháng 7, và khi được Bộ Công Thương phê duyệt, quá trình thoái vốn sẽ được thực hiện trong năm nay.
"Việc thoái vốn Nhà nước sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sự ảnh hưởng về mặt địa lý, đặc biệt là những công ty đang có sự hiện diện tại Việt Nam", John Ditty nhận định.
Heineken, Anheuser-Busch InBev NV, Asahi Group Holdings và Kirin Holdings là một số cái tên nổi bật trong danh sách những nhà đầu tư quan tâm đến đợt thoái vốn tại Sabeco sắp tới.
"Châu Á và châu Đại Dương là những thị trường trọng tâm được hướng tới, và chúng tôi cũng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng của thị trường này", phát ngôn viên của Kirin Holdings tại Tokyo cho biết.
Cuối tháng 8 năm ngoái khi Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phải thực hiện các bước thoái vốn tại hai doanh nghiệp này, Bộ đã ước tính phần vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ đạt 1,8 tỷ USD, còn Habeco khoảng 404 triệu USD.
Cổ phiếu SAB của Sabeco đã tăng 11% trong tuần vừa qua sau khi có thông tin thoái vốn, trong khi cổ phiếu BHN của Habeco tăng 7%.
Carlsberg, đơn vị sở hữu 17,5% vốn tại Habeco cho biết họ có quyền ưu tiên mua cổ phần tại tổng công ty này khi Nhà nước thoái vốn và đã có những cuộc đàm phán căng thẳng với Bộ Công Thương về vấn đề này.
"Chúng tôi đang tìm cách để mua được cổ phần của Habeco", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Carlsberg - Cees't Hart cho biết trong cuộc họp với các nhà phân tích và giới đầu tư hồi tháng 5 sau chuyến đi đến Việt Nam.
Theo dữ liệu của Euromonitor, thị phần của Carlsberg đã giảm liên tục trong 4 năm gần đây do sự mở rộng của Heineken. Trong khi nhà sản xuất bia từ Hà Lan - Heineken đã ghi nhận doanh số tăng hơn 10% trong năm 2016 nhờ dòng sản phẩm Tiger.
"Việt Nam đã giúp lợi nhuận từ khu vực châu Á của Heineken tăng 27%", Jean-Francois van Boxmeer - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Heineken cho biết.
Còn với Sapporo, Việt Nam chiếm một nửa doanh số bán bia tại thị trường nước ngoài của nhà sản xuất này. Theo ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc của Sapporo Holdings, doanh số tiêu thụ bia tại Việt Nam có thể đạt 6 tỷ lít trong vài năm tới.
Theo Euromonitor, tầng lớp trung lưu và dân số trẻ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bia, ước tính quy mô khoảng 147.200 tỷ đồng vào năm 2016 (khoảng 6,5 tỷ USD). Mức tiêu thụ theo đầu người dự kiến sẽ đạt 40,6 lít trong năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia đừng đầu Đông Nam Á.
"Việt Nam sẽ trở thành thị trường đáng chú ý. Nhờ văn hóa ẩm thực đường phố và quá trình đô thị nhanh, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2021", báo cáo của Euromonitor về thị trường bia khu vực châu Á Thái Bình Dương viết.
"Khi uống bia, chúng tôi cảm thấy thư giãn", Nguyên Nam, nhân viên tư vấn tín dụng 27 tuổi chia sẻ. Vào buổi tối, những thực khách đến với ẩm thực đường phố bên những chiếc ghế nhựa và những tiếp viên nữ trong bộ váy được trang trí bằng biểu tượng của đủ các nhà sản xuất bia trong nước và quốc tế.
"Việc kinh doanh ngày nay được quyết định trên bàn nhậu. Cứ mỗi lần chạm cốc là hợp đồng lại được kéo gần hơn một chút", Nguyễn Phú Quý, nhân viên ngân hàng 26 tuổi chia sẻ.
"Tôi học được điều này từ sếp mình và ông ấy học được điều đó từ người sếp trước đó", Quý nói.(Vnexpress)