Doanh nghiệp Việt còn quá thờ ơ với hoạt động quan hệ nhà đầu tư
Tổ chức nước ngoài phải mở tài khoản VND để phát hành chứng khoán
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm
Huy động ngoại tệ tăng mạnh, cho vay ngoại tệ tăng chậm
Kích tín dụng trung và dài hạn bằng lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh 18-10-2015
- Cập nhật : 18/10/2015
Trung Quốc - Indonesia ký dự án đường sắt cao tốc 5,5 tỷ USD
Theo AFP, Yang Zhongmin, Chủ tịch công ty China Railway International, hôm qua ký thoả thuận với một liên minh tạm thời các công ty nhà nước Indonesia để thành lập liên doanh xây dựng tuyến đường sắt. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm sau và tuyến đường này đi vào hoạt động từ năm 2019.
"Con tàu cao tốc này sẽ giúp dân chúng đi lại dễ dàng hơn", ông Yang nói tại Jakarta, nơi ký kết thỏa thuận. "Dự án lớn này cũng sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy nền kinh tế".
Tuyến đường sẽ nối thủ đô Jakarta với thành phố Bangdung, nơi có địa hình đồi núi, cách đó khoảng 160 km. Đây là một phần chủ chốt trong các kế hoạch của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhằm đại tu hạ tầng cơ sở nước này và thu hút các nhà đầu tư.
Nhật từ lâu đã được kỳ vọng sẽ xây dựng tuyến đường sắt nhưng Trung Quốc tham gia cuộc đấu đầu năm nay, và Tokyo thua thầu hồi tháng trước sau một quá trình đấu thầu làm người Nhật phẫn nộ. Nhật thua thầu dù nước này có tiếng là nhà sản xuất tàu đẳng cấp thế giới, với những con tàu cao tốc shinkansen.
Trung Quốc đã xây hàng nghìn km đường sắt cao tốc trong những năm gần đây, nhưng các tiêu chuẩn an toàn của nước này đang bị xem xét kỹ lưỡng, khi một vụ tai nạn năm 2011 làm ít nhất 40 người chết và 200 người bị thương.
SCIC chưa chốt thời điểm thoái vốn tại Vinamilk, FPT
Tổng giám đốc SCIC - Lại Văn Đạo.
Phát biểu trên VTV về lộ trình thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp, ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho hay hiện đơn vị này chưa quyết định thời điểm cụ thể để rút vốn khỏi các doanh nghiệp. "Việc quyết định xem lúc nào lập phương án cụ thể trình Thủ tướng để bán vốn của các doanh nghiệp A, doanh nghiệp B, đến giờ phút này, chúng tôi chưa khẳng định", ông nói.
Nguyên nhân được vị này đưa ra thị trường chứng khoán cuối năm thường biến động lớn và cũng phải tính đến tác động từ việc nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nhất là danh mục 10 doanh nghiệp này đa phần sẽ được nới room.
"Chúng tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ. Ví dụ như các doanh nghiệp Vinamilk, FPT..., cần rà soát xem khi nào thấy cần thiết và có lợi nhất? Từ đó, đảm bảo việc thoái vốn một cách trọn vẹn, đạt được mức giá cao nhất, đem lại lợi ích cho Nhà nước", ông Đạo khẳng định.
Về phương thức thoái, lãnh đạo SCIC cho biết với doanh nghiệp niêm yết, tổng công ty sẽ tiến hành bán khớp lệnh trên thị trường hoặc giao dịch ngoài sàn. Tuy nhiên, vị này cho rằng bán ngoài sàn thường đạt được mức giá tốt hơn bởi nhà đầu tư lớn tham gia nhiều, tạo sự cạnh tranh. Đối với 2 doanh nghiệp chưa niêm yết là Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom), SCIC sẽ áp dụng cơ chế bán đấu giá một phần hoặc toàn bộ.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản yếu cầu SCIC thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp, bao gồm những đơn vị niêm yết lớn trên sàn chứng khoán như Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh... Tính theo thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vốn hóa thị trường của 10 doanh nghiệp này khoảng 7 tỷ USD, riêng phần SCIC đang sở hữu có giá trị khoảng gần 3 tỷ USD.
Văn bản này cũng xác định lộ trình và phương thức thoái vốn sẽ do SCIC lựa chọn để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định nhằm đạt lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Theo kế hoạch, nguồn tiền thu được từ bán vốn sẽ được dùng cho chi đầu tư phát triển trong bối cảnh nguồn thu năm 2015 - 2016 gặp khó khăn.
Hải quan hứa giải quyết nhanh vướng mắc của doanh nghiệp
Theo Cục Bảo vệ thực vật thì các mặt hàng có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, doanh nghiệp không phải nộp cơ quan hải quan giấy chứng nhận kiểm dịch...
Từ nay trở đi, doanh nghiệp không phải nộp cơ quan hải quan giấy chứng nhận kiểm dịch đối với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, theo công văn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & nông thôn) vừa gửi đến các cơ quan hải quan.
Theo Ban quản lý dự án USAID (GIG - dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện), nhiều doanh nghiệp cho rằng loại giấy này không cần thiết, làm kéo dài thời gian thông quan của doanh nghiệp, gây tốn kém lãng phí vì thực tế các loại hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng như cà phê, hạt điều… muốn xuất khẩu được thì doanh nghiệp đã phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một vướng mắc khác cũng được cơ quan hải quan cam kết giải quyết thời gian tới là sẽ cụ thể hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành, đồng thời giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra.
Trước đó, ngày 5-10, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn gửi đến cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh thực hiện thủ tục hải quan và công văn trả lời một số vướng mắc thủ tục hải quan của Hiệp hội Dệt may VN.
Theo Tổng cục Hải quan, các vướng mắc về giám sát hải quan, thanh khoản hợp đồng gia công, thủ tục hoàn thuế/không thu thuế, phân luồng hàng hóa… đang được Tổng cục Hải quan tích cực nghiên cứu và sớm giải quyết trong thời gian tới.
Trong các cuộc họp giữa ngành hải quan và doanh nghiệp gần đây, các vướng mắc liên quan đến kiểm tra hàng hóa chuyên ngành được doanh nghiệp phản ảnh và kêu than nhiều nhất.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù đây là biện pháp để cơ quan quản lý bảo vệ hàng hóa, thị trường trong nước nhưng cách thức thực hiện có vấn đề, gây bất cập, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong khi đó, mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng hóa kém chất lượng lại khá hạn chế do thiếu cơ chế phối hợp.
Doanh nghiệp thiếu phối hợp, nền kinh tế chịu phí cao
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp logistics VN chưa thật sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại “Diễn đàn logistics VN” lần thứ ba do Bộ Công thương phối hợp cùng Thời Báo Kinh Tế VN tổ chức sáng 16-10, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp logistics VN chưa thật sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, chi phí hoạt động logistics của VN hiện chiếm đến 20-25% GDP cả nước, gây lãng phí nhiều cho nguồn lực trong nước, làm nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động logistics là cơ sở hạ tầng kết nối với vùng tập trung hàng hóa còn yếu. Các địa phương hầu như còn thiếu trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp chuyên dụng.
Theo ông Đỗ Xuân Quang - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN (VLA), tốc độ tăng trưởng ngành logistics ước đạt 20-24%/năm, với 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics đang hoạt động, trong đó số lượng doanh nghiệp trong nước chiếm đến 95-96% nhưng thị phần chỉ đạt khoảng 25% so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chi phối đến 75% thị phần.
Đầu tư 587,5 tỉ đồng sản xuất chip LED
Dự án chú trọng đầu tư vào công nghệ và R&D (nghiên cứu và phát triển) cho các sản phẩm chính là đèn chiếu sáng thông minh, thông qua nghiên cứu linh kiện...
Ông Hồ Quỳnh Hưng, tổng giám đốc Công ty CP Điện Quang, cho biết ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án “Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chip LED siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao” với vốn đầu tư 587,5 tỉ đồng.
Dự án chú trọng đầu tư vào công nghệ và R&D (nghiên cứu và phát triển) cho các sản phẩm chính là đèn chiếu sáng thông minh, thông qua nghiên cứu linh kiện.
Khi đưa vào vận hành, dự án sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu nội địa hóa thiết bị, giảm bớt nhập siêu cũng như sự phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện nước ngoài. Dự kiến dự án hoàn thành giai đoạn 1 để đi vào hoạt động cuối năm 2016.