Vinasoy đầu tư 900 tỷ đồng xây nhà máy tại Bình Dương
Vinamilk đứng top 300 công ty năng động nhất châu Á năm 2016
Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu
Giá bán khí hóa lỏng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước
Tập đoàn Monsanto vừa công bố Báo Cáo Phát Triển Bền Vững năm 2015
Tin kinh tế đọc nhanh 11-11-2015
- Cập nhật : 11/11/2015
Vốn đầu tư nước ngoài "đổ" vào Bình Dương tiếp tục tăng mạnh
Từ đầu năm 2015 đến nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn công nghiệp tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng mạnh, đạt hơn 1,6 tỷ USD, vượt hơn 60% so với kế hoạch đề ra trong năm 2015.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.548 dự án vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với số vốn hơn 22 tỷ USD. Riêng trong giai đoạn (2010-2015) tỉnh đã thu hút 7,9 tỷ USD, vượt 2,5 tỷ USD so với kế hoạch.
Với nền tảng cơ bản đã hoàn thiện, dự báo trong 5 năm tới Bình Dương đặt mục tiêu thu hút vượt 7 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 30 tỷ USD.
Theo các nhà hoạch định của tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới, tỉnh vẫn phát huy nguồn lực từ thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế; trong đó, coi trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài là “động lực” để thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương.
Bình Dương xem chiến lược để nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững.
Tỉnh chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ-công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, các dự án áp dụng công nghệ cao, phát huy chất xám mang lại giá trị thặng dư thương mại lớn nhưng như ít thâm dụng lao động và ảnh hưởng đến môi trường.
OECD: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2016
OECD nhận định tăng trưởng thương mại không mấy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Kyodo đưa tin, ngày 9/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2016, phản ánh tăng trưởng thương mại không mấy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Theo báo cáo của OECD, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm tới, giảm so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua, trong bối cảnh các thị trường mới nổi ngày càng suy yếu. Tuy nhiên, OECD tăng mức dự báo lên 3,6% trong năm 2017.
Tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) nêu trong báo cáo: "Nhu cầu nội địaTrung Quốc sụt giảm đáng kể có thể tác động đến lòng tin trên thị trường tài chính và triển vọng kinh tế của nhiều nền kinh tế, trong đó có các nền kinh tế phát triển."
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ ở mức 6,5% trong năm 2016 và 6,2% trong năm 2017 do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư vào sản xuất ngày càng giảm trong khi công suất dư thừa./
Ngân hàng rút về gần 9.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành
Được ủy quyền của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, kết quả xử lý sở hữu chéo, đầu tư ngoài ngành được nêu khá cụ thể.
Báo cáo cho biết, trong bốn năm qua, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng; sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản; các nhóm lợi ích đã giảm dần.
Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng.
Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay.
Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp tập trung ở một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã giảm mạnh, đến tháng 6/2015 chỉ còn 12 cặp sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp so với 56 cặp vào thời điểm tháng 6/2012.
Tình trạng một tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một số tổ chức tín dụng hoặc một số tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một tổ chức tín dụng đã giảm so với thời gian trước đây.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng đã tích cực thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
Từ năm 2012 đến tháng 6/2015, theo số liệu từ báo cáo trên, các tổ chức tín dụng đã thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp với tổng số tiền 8.783,4 tỷ đồng.
TPP: Sẽ áp hạn ngạch với ô tô cũ
“Việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt không phải để đảm bảo tăng thu ngân sách, bù lại số hụt thu mà nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã thông qua”.
Đó là khẳng định của ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về TPP với lĩnh vực tài chính.
Bộ Tài chính cho biết, sản phẩm ô tô sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới. Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên sẽ có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10.
Đối với ô tô cũ, sẽ áp hạn ngạch thuế quan ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Bên cạnh đó, thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Giải thích cụ thể hơn về lộ trình giảm thuế đối với các dòng xe ô tô trên, ông Thăng cho biết đối với các mặt hàng cần bảo hộ thì cần xây dựng lộ trình hợp lý. Hiện nay, dòng xe trên 3 lít trong nước không sản xuất được nên lộ trình ngắn hơn.
Đối với ô tô cũ, thông thường trong các hiệp định từ trước tới nay, không cam kết xoá bỏ thuế với ô tô cũ, và cũng không khuyến khích việc xóa bỏ thuế. Tuy nhiên, trong TPP các nước xây dựng nguyên tắc phải có cam kết bằng một số hình thức như hạn ngạch hải quan. Do đó, ô tô cũ được xây dựng theo hạn ngạch rất nhỏ để kiểm soát.
Ông Thăng cũng đánh giá, con số cho phép nhập khẩu ô tô cũ như trên không tác động lớn đến thị trường ô tô Việt Nam.
Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô. Theo đó, từ ngày 1/7/2016 sẽ tăng mạnh thuế đối với các dòng xe có công suất lớn.
Cụ thể, xe ôtô có dung tích xi lanh trên 3.0 đến 4.0 sẽ tăng thuế TTĐB từ 60% lên 90%. Xe có dung tích xi lanh trên 4.0 đến 5.0 tăng thuế từ 60% lên 110%. Xe có dung tích xi lanh trên 5.0 đến 6.0 tăng thuế từ 60% lên 130%. Với xe trên 6.0 sẽ tăng tới 2,5 lần mức thuế hiện hành, từ 60% lên 150%.
Chiều ngược lại, Chính phủ chọn phương án giảm thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh dưới 2.0 với mức giảm 5-25%.
Lọc dầu Dung Quất ùn ứ sản phẩm vì chênh lệch thuế
Liên tiếp trong thời gian qua, nhà máy lọc dầu đầu tiên của VN tại Dung Quất, Quảng Ngãi có công văn gửi Chính phủ và liên bộ: Tài chính, Công Thương kiến nghị về chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu đang có nhiều bất cập khiến doanh nghiệp này liên tục trong tình trạng hàng không bán được, ảnh hưởng đến sản xuất và các chỉ tiêu lợi nhuận.
Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) lại gửi tiếp công văn lên Văn phòng Chính phủ và liên bộ: Tài chính, Công thương – cho biết, ngoài sản phẩm xăng hiện đang có cùng mức thuế nhập khẩu, các sản phẩm DO (dầu diesel) và Jet A1 (nhiên liệu bay) hiện đang có mức chênh lệch giữa thuế nhập khẩu hiện lọc dầu Dung Quất đang áp dụng với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt được quy định trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực mà các DN đầu mối xăng dầu đang nhập khẩu.
Trong văn bản của PVN gửi Chính phủ và các bộ liên quan, tập đoàn này cho biết, trong năm nay, mức chênh lệch thuế NK dầu DO và Jet A1 hiện là 5%, nhưng kể từ đầu năm 2016, mức chênh lệch với DO sẽ là 10%.
Do chênh lệch thuế suất đã khiến các DN đầu mối xăng dầu đổ xô nhập khẩu từ nguồn các nước ASEAN để hưởng lợi chênh lệch thuế - khiến NMLD Dung Quất có thời gian rơi vào ế ẩm, các mặt hàng dầu sản xuất ra không tiêu thụ được.
Theo tính toán của Cty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trong tháng 12.2015, dự kiến NMLD Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 620.000 - 630.000m3 xăng dầu. Với khối lượng hợp đồng khách hàng cam kết tiêu thụ hằng tháng khoảng 520.000m3 thì còn dư một lượng hàng khoảng 100.000 - 110.000m3 xăng dầu để bán spot. Trong đó, riêng dầu diesel là còn tồn khoảng 60.000 - 70.000m3.
Tới tháng 12, nếu thuế nhập khẩu vẫn duy trì biên độ chênh lệch, khả năng tiêu thụ của BSR sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trước những nguy cơ nhỡn tiền, PVN kiến nghị Chính phủ trong ngắn hạn, xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu áp dụng theo công thức giá bán của BSR để đảm bảo sản phẩm của NMLD Dung Quất không bị dồn ứ vào thời điểm cuối năm, đồng thời chào bán các hợp đồng dài hạn cho năm tới.