Phá đường dây làm hàng giả từ Trung Quốc
Công an TP.Hà Nội vừa triệt phá đường dây vận chuyển, buôn bán số lượng lớn hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc.
Một lô hàng giả từ Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam bị phát hiện - Ảnh: Đàm Huy
Ngày 8.11, thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an TP.Hà Nội), cho biết vừa triệt phá đường dây vận chuyển, buôn bán số lượng lớn hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc, đồng thời thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự Đỗ Văn Đạt (27 tuổi) và Đỗ Văn Hoàng (27 tuổi, em họ Đạt, cùng ngụ xã Ngọc Hồi, H.Thanh Trì, TP.Hà Nội).
Tại trụ sở công an, Đạt khai do từng làm nhân viên bán hàng cho một công ty vật liệu xây dựng, biết một số loại máy nước nóng đang bán chạy trên thị trường nên bàn với Hoàng bỏ vốn cùng làm ăn. Theo đó, Đạt và Hoàng đã đặt làm giả bộ ổn định nhiệt (dùng gắn trong máy nước nóng) từ khu vực Đông Hưng (Trung Quốc), đưa về VN bán kiếm lời.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Đạt và Hoàng đặt in các bao bì ni lông có in chữ tiếng Anh, cho sản phẩm giả vào trong rồi dùng máy hàn nhiệt dán lại mang đi tiêu thụ. Tại một cửa hàng vật tư điện lạnh trên đường Phạm Hùng (P.Mỹ Đình 1, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), PC46 bắt quả tang Đạt đang giao 1.700 bộ ổn định nhiệt giả cho nhân viên. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đạt, PC46 còn thu giữ hàng ngàn sản phẩm linh kiện thiết bị vệ sinh do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, 40 kg bao bì sản phẩm và 2 máy dán bao bì sản phẩm…
Sẽ có một làn sóng mới khách Trung Quốc sang Việt Nam
Sẽ có một làn sóng mới du khách Trung Quốc sang du lịch Việt Nam. Dự đoán, trong năm nay lượng du khách từ thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam vẫn chưa hồi phục nhưng đến năm sau sẽ tăng trưởng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết nhận định trên sau một loạt chương trình quảng bá, xúc tiến điểm và gặp gỡ các đối tác du lịch tại Trung Quốc được tổ chức vào cuối tháng 10-2015.
Du khách Trung Quốc tại TP HCM - Ảnh: Đào Loan
Chương trình do Tổng cục Du lịch tổ chức tại Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thành Đô.
"Đây là chương trình quảng bá du lịch lớn nhất tại Trung Quốc mà chúng tôi tổ chức từ trước đến nay. Sau hàng loạt cuộc gặp gỡ với các hãng lữ hành của nước này, chúng tôi thấy sẽ có một làn sóng mới du khách từ nội địa nước này sang Việt Nam du lịch, nhiều nhất là bằng đường hàng không" ông nói với TBKTSG Online.
Dự kiến, các điểm đến sẽ đón nhiều du khách từ nước này là Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và TP HCM. Trong đó, Nha Trang được đánh giá sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn với du khách Trung Quốc. "Hiện nay, mỗi có ngày có đến 10 chuyến bay đưa khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang. Dự kiến, lượng khách còn tăng hơn nữa trong thời gian tới" - ông Tuấn nói.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Vào năm ngoái, có hơn 1,9 triệu lượt khách từ nước này, chiếm gần một phàn tư tổng lượng khách quốc tế sang Việt Nam. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm ngoái, lượng khách từ thị trường này bắt đầu sụt giảm do ảnh hưởng của sự cố căng thẳng trên biển Đông giữa hai nước. Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng khách Trung Quốc đạt hơn 1,4 triệu lượt, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Tuấn, với tình hình thị trường như hiện nay thì có thể cho đến hết năm nay, thị trường này vẫn chưa thể phục hồi nhưng sang năm sau, tình hình sẽ khác, sẽ tốt hơn. "Lượng khách sẽ phục hồi thậm chí tăng trưởng trong năm 2016 và điều quan trọng là ngành du lịch sẽ đón được nhiều du khách bằng đường không, đường biển, có chi tiêu tốt hơn thay vì khách qua lại bằng cửa khẩu đường bộ như nhiều năm qua" -ông nói.
Từ 15-12: Cấm nhập khẩu laptop, điện thoại di động cũ
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT hướng dẫn một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng.
Theo đó, danh mục cấm nhập khẩu được lập dựa trên cơ sở danh mục hàng hóa và mã số HS trong biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;
Danh mục cấm nhập khẩu được xây dựng, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình phát triển của CNTT và các quy định khác của pháp luật theo từng thời kỳ.
Danh mục chỉ cấm nhập khẩu những hàng hóa có mã số HS tám số. Những mã HS bốn số và sáu số trong danh mục cấm nhập khẩu chỉ có tác dụng làm rõ nội dung thông tin về chủng loại hàng hóa được quy định cấm bởi mã HS 8 số;
Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu.
Cụ thể, từ ngày 15-12, các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng như: Máy tính xách tay, kể cả notebook, tablet PC; điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác; loa thùng; tai nghe có khung choàng đầu; bộ micro/loa kết hợp; camera truyền hình, camera kỹ thuật số khác; radio cassette loại bỏ túi; ổ đĩa mềm, ổ đĩa quang, kể cả ổ CD-ROM, ổ DVD và ổ CD có thể ghi được (CD-R); màn hình LCD, LED và kiểu màn hình dẹt khác… sẽ bị cấm nhập khẩu.
Riêng với máy photocopy kỹ thuật số đơn sắc (đen trắng) có kết hợp tính năng in hoặc kết hợp tính năng khác đã qua sử dụng, việc nhập khẩu sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp nhập khẩu sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu, phát triển sản phẩm và kiểm thử trong hoạt động sản xuất, hồ sơ đề nghị bao gồm: Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; đơn đề nghị nhập khẩu, trong đó kê khai cụ thể tên hàng, số lượng, mục đích sử dụng từng mặt hàng và xác nhận, cam đoan tính xác thực của các nội dung này; bản sao tài liệu mô tả sản phẩm và tài liệu liên quan khác (nếu có).
Thông tư này thay thế Thông tư 11/2012/TT-BTTTT và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-12.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ đến 70% vốn đầu tư
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
Theo đó, các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định; được miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước; vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, năm…
Riêng với doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển, ngoài được hưởng các chính sách nêu trên còn được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng.
Để được vay vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng các điều kiện như: Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác; có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác…
Xuất khẩu cà phê hòa tan tăng
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) vừa cho biết lượng cà phê chế biến xuất khẩu tăng. Chín tháng đầu năm nay nước ta đã xuất khẩu được gần 52.000 tấn cà phê chế biến (rang xay, hòa tan) với kim ngạch 226 triệu USD.
Đây là tín hiệu đầu ra tốt cho ngành cà phê vì mấy năm qua Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, chú trọng sản lượng, giá trị thu về không cao.
Các nhà rang xay thế giới đánh giá cà phê Việt Nam có nhiều ưu điểm nổi trội với mùi vị thơm ngọt (sweet smell) do được trồng ở độ cao trên 400 m so với mực nước biển. Tuy nhiên, họ khuyến nghị Việt Nam nên để cà phê thu hoạch riêng vụ nào ra vụ đó, không nên trộn lẫn vụ mới với vụ cũ gây ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của cà phê.
Nghị sĩ Anh dọa tẩy chay du lịch Việt Nam vì thịt cầy
Du khách Anh có thể sẽ tẩy chay các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam nhằm phản đối việc ăn thịt chó, theo cảnh báo mới đây của một nghị sĩ Anh.
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của một số người dân châu Á - Ảnh: L.Q.Phổ
Tờ Birmingham Mail (Anh) hôm 8.11 dẫn lời ông Steve McCabe, một nghị sĩ thuộc vùng Birmingham, cho biết những quốc gia phương Đông cho phép ăn thịt chó đang tự gây khó cho ngành du lịch của mình.
Phát biểu của ông McCabe được đưa ra sau khi có một cuộc thảo luận giữa các nghị sĩ tại Hạ viện Anh về báo cáo mỗi năm tại Trung Quốc có khoảng 20 triệu con chó bị làm thịt. Còn ở Việt Nam và Hàn Quốc, con số này lần lượt là 5 triệu và 2 triệu.
"Có lẽ chúng ta không nên nghĩ đến việc chỉ bảo nước khác phải làm gì, nhưng khi mà ai cũng biết chuyện ăn thịt chó ở các nước này, thì thiết nghĩ có quá đáng không nếu chúng ta cho họ biết phản ứng của người Anh về chuyện đó”, ông McCabe đặt câu hỏi với Hạ viện.
Và sau đó, đề cập đến cuộc thảo luận kể trên trên trang Twitter của mình, ông McCabe bình luận: “Thật kinh khủng! Ai nghe được chuyện này sẽ không đi du lịch đến những nước đó đâu”.
Nhiều nghị sĩ tham gia tranh luận cho biết họ không chỉ đơn thuần phản đối việc ăn thịt chó không thôi, theo Birmingham Mail. Phát biểu ở Hạ viện, các nghị sĩ này kể rằng chó bị đem bán làm thịt thường là thú nuôi trong nhà bị “cẩu tặc” bắt trộm. Mặc dù không dựa vào cơ sở nghiên cứu khoa học nào, nhưng có người tin rằng thịt chó sẽ mềm hơn nếu con vật bị làm thịt khi đang trong trạng thái hoảng loạn. Điều này khiến chó đôi khi bị ngược đãi, tra tấn và sát hại theo những cách đau đớn nhất có thể nhằm mục đích làm cho thịt mềm hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới từng lên tiếng cảnh báo việc tiêu thụ thịt chó và cách thức con vật được chuyên chở khi còn sống dễ tạo ra những đợt dịch tả và khiến bệnh dại lan rộng.
(
Tinkinhte
tổng hợp)