IFC muốn đẩy mạnh cấp vốn cho các ngân hàng Việt Nam
NHNN: Lãi suất vẫn ổn định
Bia Carlsberg cắt giảm 2.000 nhân viên
TPP tạo cơ hội cho nông phẩm Chile thâm nhập thị trường châu Á
VCCI: Doanh nghiệp vẫn mất tiền 'lót tay' cho hải quan
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-11-2015
- Cập nhật : 11/11/2015
Gạo Việt không được lợi gì từ TPP khi vào thị trường Nhật?
Trong buổi họp báo chuyên đề về cam kết TPP trong lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 9/11, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế.
Theo lộ trình, vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.
Tuy nhiên, với các mặt hàng nông sản từ Việt Nam như gạo, thịt, sữa thì những ưu đãi về thuế quan không thực sự lớn.
Ngoài việc không cam kết với mặt hàng gạo, Nhật Bản sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm của chúng.
Ngược lại, với ngành thủy sản, khi TPP có hiệu lực, đa số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được hưởng ngay thuế suất 0% như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số cam kết, surimi, tôm, cua ghẹ,…
Như vậy, toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Nhật Bản cam kết mức thuế 0% với mặt hàng rau quả vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Vào năm thứ 8 sau khi TPP chính thức có hiệu lực, mặt hàng mật ong được Nhật cam kết xóa bỏ thuế.
Quốc gia này cũng sẽ xóa bỏ thuế của 79,5% kim ngạch mặt hàng giày dép vào năm thứ 10 và các mặt hàng còn lại của ngành giày da vào năm thứ 16. Tương tự thế, mặt hàng vali, túi xách bằng da cũng được xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 16.
Xóa bỏ ngay 98,8% số dòng thuế của ngành dệt may. Con số này tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản.
Những mặt hàng còn lại Nhật Bản sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 của hiệp định.
Ông Thăng cũng cho biết, cơ hội hợp tác của Việt Nam với các nước sau khi TPP chính thức có hiệu lực là rất lớn, đặc biệt là với Nhật Bản.
“Trước đó, với hiệp định Việt Nam – Nhật Bản có 1 số mặt hàng vẫn không được mở cửa nhưng khi TPP chính thức được thông qua, các mặt hàng này đều đã được mở cửa hợp tác”, ông Thăng nhấn mạnh.
Dự trữ vàng của Trung Quốc tăng thêm 14 tấn trong tháng 10
Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng thêm khoảng 14 tấn trong tháng 10 trong một nỗ lực nhằm đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại hối của mình.
Dẫn số liệu được đăng tải trên trang web của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành hom thứ Bảy tuần trước, Bloomberg cho biết, tính đến cuối tháng 10, giá trị của tài sản vàng của Trung Quốc đã tăng lên 63,26 tỷ USD từ mức 61,19 tỷ USD tại thời điểm cuối tháng 9. Tính theo giá vàng trên thị trường London chiều 30/10, lượng vàng dự trữ của Trung Quốc tại thời điểm cuối tháng 10 tương đương khoảng 55.380.000 ounce hoặc khoảng 1.722,5 tấn. Trong khi lượng vàng dự trữ tại thời điểm cuối tháng 9 là 54.930.000 ounce, tương đương 1.708,5 tấn.
Trung Quốc lần đầu tiên công bố trở lại dự trữ vàng của mình sau 6 năm im hơi lặng tiếng là vào ngày 17/7/2015 - động thái được cho là nhằm thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ trong thanh toán để đưa đồng tiền này vào giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Một trong những nỗ lực đó là việc Trung Quốc đang cố gắng gia tăng lượng vàng dự trữ nhằm đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ tới 3,53 nghìn tỷ USD của mình.
Được biết, dự trữ vàng của Trung Quốc tăng khoảng 15 tấn trong tháng 9, 16 tấn trong tháng 8 và 19 tấn trong tháng 7. Trong khi ngày 17/7, Trung Quốc lần đầu tiên công bố trở lại dự trữ vàng của mình với mức tăng 57% kể từ năm 2009. Theo Hội đồng Vàng thế giới, với lượng dự trữ vàng này, Trung Quốc đã vượt qua Nga trở thành quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên lượng nắm giữ vàng của Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng 2% quỹ dự trữ ngoại hối, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 74% của Mỹ và 68% của Đức.
Bình Thuận sản xuất “thanh long sạch” tìm thị trường mới
Một số trang trại thanh long ở Bình Thuận đang nỗ lực sản xuất theo quy trình GlobalGAP để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính.
Hiện nay đầu ra của trái thanh long Bình Thuận bấp bênh do phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó muốn tiêu thụ ở các thị trường mới như châu Âu không phải là điều dễ dàng vì rào cản "dư lượng thuốc bảo vệ thực vật". Nhận thức được điều này, một số trang trại thanh long ở Bình Thuận đang nỗ lực sản xuất theo quy trình GlobalGAP (Thực hành Nông nghiệp tốt Toàn cầu) để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính.
Trang trại thanh long Rau quả Bình Thuận được xây dựng tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam vào năm 2011 trên diện tích 20 ha. Sau 3 năm đầu tư, đây là năm đầu tiên trang trại này cho thu hoạch với sản lượng gần 400 tấn. Phần lớn được xuất khẩu chính ngạch qua thị trường châu Âu và nhiều nước khác. Thanh long của trang trại được các thị trường khó tính đón nhận là nhờ trồng theo quy trình GlobalGAP, đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất khẩu.
Có kinh nghiệm trên 25 năm trồng và xuất khẩu thanh long, ông Trần Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận cho rằng, đã đến lúc Bình Thuận cần sản xuất thanh long theo hướng an toàn - đảm bảo sức khỏe cộng đồng, có như vậy mới mong được nhiều thị trường chấp nhận.
Theo đó, từ năm 2007, Công ty Thanh long Hoàng Hậu của ông Hiệp đã xây dựng trang trại thanh long GlobalGAP quy mô hơn 300 ha tại thị trấn Thuận Nam và xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Với diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn GolbalGAP hiện có, đơn vị này đã và đang mạnh dạn tìm kiếm các thị trường mới ngoài Trung Quốc.
“Sắp tới công ty sẽ mở ra thêm thị trường xuất khẩu thanh long qua châu Âu và các tiểu UAE. Vì đây là thị trường cho trái thanh long ổn hơn so với thị trường lân cận”, ông Trần Ngọc Hiệp cho biết.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 11 trang trại trồng thanh long được cấp chứng chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín tại Bình Thuận cũng đã kết nối được với hệ thống phân phối rau quả tại nhiều nước châu Âu.
Hiện trở ngại duy nhất để thanh long sạch đến với thị trường này là vận chuyển bằng đường biển quá xa, tỷ lệ hư hao nhiều. Tới đây, với việc áp dụng công nghệ bảo quản tốt hơn, thanh long sạch của Bình Thuận sẽ có cơ hội tiêu thụ mạnh tại thị trường châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới./.
Xuất khẩu sắn tăng vọt
Trong khi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản suy giảm, xuất khẩu sắn lại tăng vọt.
Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu sắn đạt 3,42 triệu tấn với kim ngạch 1,09 tỉ USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 19,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho hay, từ ngày 4/9, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 141/2015/TT- BTC và chỉ đạo dừng thực hiện Thông tư số 63/2015/TT- BTC ngày 6/5/2015 về việc sửa đổi mức thuế xuất khẩu sắn. Theo đó, mức thuế xuất khẩu hàng sắn lát từ 5% được đưa về mức cũ 0%, áp dụng từ ngày 5/9/2015, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 3 quý của năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 89,17% thị phần, tăng 37,1% về khối lượng và 33,03% về giá trị so với cùng kỳ 2014. Thị phần các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Ngoài ra, thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
Để tập trung cho chiến lược xuất khẩu dài hạn, mở rộng thị trường xuất khẩu tại thị trường tiềm năng, tránh lệ thuộc vào một thị trường, thời gian qua, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng bột sắn Việt Nam và công bố rộng rãi.
Tiêu chuẩn này xây dựng trên cơ sở có những tiêu chí tương đồng với tiêu chuẩn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Vì vậy, chỉ cần sản phẩm của doanh nghiệp đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn đề ra thì có thể xuất khẩu cả vào những thị trường khắt khe, khó tính.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ngày càng cao
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc.
VASEP cho biết, Trung Quốc là thị trường NK tôm lớn trên thế giới. NK tôm của Trung Quốc năm 2014 đạt 78 nghìn tấn, trị giá 555 triệu USD, tăng lần lượt 10% và 26% so với năm 2013. Bảy tháng đầu năm 2015, NK tôm vào Trung Quốc đạt hơn 323 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó Thái Lan là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc, tiếp đó là Canada lần lượt tăng 48,5 và 46%.
Theo VASEP, từ năm 2012, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ 4 NK tôm của Việt Nam, chiếm 11,2% tỷ trọng. XK tôm sang thị trường này liên tục gia tăng qua các năm. Tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Nửa đầu tháng 10/2015, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm tính tới 15/10/2015, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt trên 268 triệu USD, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc hiện vẫn duy trì vị trí thứ 4 về NK tôm Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và EU.
Nguyên nhân khiến NK tôm vào Trung Quốc có xu hướng tăng những năm gần đây, theo VASEP, là do sản xuất tôm trong nước gặp khó khăn trong bối cảnh điều kiện thời tiết không thuận lợi cộng với dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đây cũng là thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam do không yêu cầu cao về các tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng, vị trí địa lý gần và kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng.
Trong khi tiêu thụ tại các thị trường tôm chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, EU sụt giảm, thì Trung Quốc là thị trường thay thế của nhiều DN tôm Việt Nam. Tính đến hết tháng 9 năm nay, có khoảng 35 DN XK tôm vào thị trường này với các sản phẩm chủ lực như tôm sú tươi nguyên con đông lạnh hoặc lột vỏ, bỏ đầu (chiếm khoảng 30% số lô hàng XK), tôm chân trắng nguyên con đông lạnh hoặc lột vỏ, bỏ đầu (30%), còn lại là tôm chế biến và tôm hùm, tôm tít sống...
VASEP cho biết, sản lượng tôm năm 2015 của Trung Quốc dự kiến giảm 25-40% so với 2014, thấp hơn nhiều so với 2013. Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ và Ecuador về NK tôm nguyên liệu để chế biến. Việt Nam cũng là một nguồn cung cấp tôm nguyên liệu cho mục đích chế biến của Trung Quốc.