Vượt 120 tỷ USD, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tương đương 60% GDP; Giá tôm nguyên liệu tăng cao, người nuôi thắng lớn; Năm 2020 Việt Nam sẽ dần vắng bóng tiền mặt; Quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc vượt 900 tỉ USD
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 08-10-2017
- Cập nhật : 08/10/2017
Đồng tiền ảo nào tăng giá mạnh nhất trong quý 3 vừa qua?
Bitcoin đã tăng 74% trong quý vừa qua, nhưng không phải là đồng tiền ảo có mức tăng mạnh nhất....Nguồn ảnh: CNBC/Getty Images
Trong số 5 loại tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, bitcoin là đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong quý thứ ba. Đồng tiền ảo này đã tăng 74%.
Ngược lại, các đồng tiền ảo thay thế (Altcoins) khác thì không có đà tăng mạnh như vậy. Theo số liệu của Coinmarketcap.com, CNBC đã tổng kết biến động của các Altcoins trong quý 3 theo thứ tự vốn hóa thị trường:
• Ethereum tăng từ 282,32 USD lên 302,04 USD, mức tăng chỉ hơn 8%.
• Ripple giảm từ 0,26 USD xuống 0,19 USD, giảm 26,9%.
• Litecoin tăng từ 40,4 USD lên 55,1 USD, tăng 36,5%.
Quý 3 đánh dấu sự tương phản mạnh mẽ với quý 2 khi nhà đầu tư chuyển hướng từ các Altcoins sang bitcoin trở lại. Chẳng hạn, Trong quý II, Ethereum tăng hơn 500% và đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Bitcoin đã có một quý thành công. Các nhà quản lý Trung Quốc đã có những biện pháp trấn áp mạnh tay với loại tiền ảo này. Ngược lại, Nhật Bản lại đưa ra các quy định nhằm điều chỉnh Bitcoin, điều này là có lợi cho Bitcoin.
Đồng thời, Bitcoin đã trải qua một "cuộc chia tách" thành 2 đồng tiền và giới thiệu một loại tiền tệ kỹ thuật số gọi là Bitcoin Cash.
Trong khoảng thời gian này, sự không chắc chắn của các nhà đầu tư dường như đã được gỡ bỏ, mặc dù một số nhà phân tích đã cảnh báo về những biến động lớn của Bitcoin trong tương lai.
Tuy nhiên, có vẻ như nhà đầu tư đã khá hài lòng với thành quả thu được từ đà tăng mạnh của các Altcoins trong quý 2, và họ đã quay trở lại với Bitcoin trong quý 3.
Charlie Hayter, Giám đốc điều hành của website phân tích về tiền ảo CryptoCompare, nói với CNBC qua điện thoại hôm thứ 6 rằng: "Nhà đầu tư có vẻ như đã nhận định rằng các Altcoins đã bị định giá quá cao, và họ quay trở lại với bitcoin như là một kênh giữ giá trị tốt hơn.”
Tuy nhiên, một số Altcoins nhỏ hơn đã chứng kiến sự hồi phục ấn tượng trong quý trước. Ví dụ, theo dữ liệu của Coinmarketcap.com, đồng tiền ảo Dash, có tổng giá trị thị trường là 2,3 tỉ USD so với 73,1 tỷ USD của Bitcoin, đã tăng 82%. Nhiều loại Altcoins đã có đà tăng mạnh nhất từ trước đến nay khi mà nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến tiền ảo.(NCĐT)
------------------------------
Thị trường cà phê tiếp tục ảm đạm
Giá cà phê tại Daklak giảm xuống 42.000-43.000 đồng/kg so với mức giá 44.000-44.500 đồng vào tuần trước, khiến nông dân không muốn bán.Nguồn ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Các thị trường cà phê tại châu Á vẫn tiếp tục ảm đạm trong tuần này do nguồn cung thấp vào cuối vụ mùa ở Việt Nam và thời điểm thu hoạch tại Indonesia, theo các nhà thương buôn cho biết vào hôm thứ 5.
Giá cà phê tại Daklak giảm xuống 42.000-43.000 đồng/kg so với mức giá 44.000-44.500 đồng vào tuần trước, khiến nông dân không muốn bán.
Hợp đồng cà phê tương lai giao vào tháng 1/2018 trên thị trường hàng hóa London giảm 2,23% hôm thứ 4, xuống còn 1.931 USD/tấn, mức giảm mạnh nhất trong 3 tuần.
Các nhà xuất khẩu ở Việt Nam hầu như không giành được bất cứ hợp đồng nào vì họ chào giá (giao ngay) cà phê robusta loại 2, có 5% hạt vỡ và hạt đen, bằng với giá hợp đồng giao tháng 1. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu muốn mua với mức giá từ 30- 40 USD do nhu cầu thấp.
Trong khi đó, nông dân cũng từ chối giảm giá do tồn kho không còn nhiều vào cuối mùa vụ 2016/2017, cộng thêm đợt thời tiết bất lợi vào cuối năm 2016 cũng làm giảm sản lượng.
Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong mùa vụ 2016/2017 tính đến tháng 8 là 1,4 tỷ tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị xuất khẩu trong cùng thời kỳ tăng 9% lên 3,16 tỷ USD do giá tăng trong năm nay, theo dữ liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam.
Mùa vụ cà phê ở Việt Nam bắt đầu vào tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau.
Ở Indonesia, giá (giao ngay) của hạt cà phê robusta với tỷ lệ hạt hư là 4/80 (4 hạt hư trên 80 hạt) ở tỉnh Lampung đứng ở mức cao hơn 10 USD so với hợp đồng giao tháng tháng 11, không thay đổi so với tuần trước.
Một trader ở Lampung, khu vực trồng cà phê chính của Indonesia, cho biết hoạt động giao dịch vẫn khá trầm lắng do người bán không còn hàng tồn kho.(Kitco)
--------------------------------
MasterCard: Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ nhì Châu Á
Trong toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, niềm tin người tiêu dùng nằm ở mức lạc quan nhờ vào triển vọng tốt từ thị trường chứng khoán và việc làm.Nguồn ảnh: Zing
Theo khảo sát Niềm Tin Người Tiêu Dùng của Mastercard vừa được công bố, người tiêu dùng Việt Nam có mức độ lạc quan cao thứ nhì khu vực Châu Á -Thái Bình Dương với 90,8 điểm, sau Campuchia (93,1 điểm).
Khảo sát này được MasterCard thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2017, dựa trên khảo sát 9.153 người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 – 64 tại 18 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ số lạc quan được tính toán theo thang điểm từ 0 đến 100, với 0 là bi quan nhất, 100 là lạc quan nhất và từ 40-60 là trung lập.
Nhìn chung, trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, niềm tin người tiêu dùng nằm ở mức lạc quan với 66,9 điểm, tăng nhẹ từ mức 62,7 điểm cách đây 6 tháng, chủ yếu nhờ vào triển vọng tốt từ thị trường chứng khoán (+7.3 điểm) và việc làm (+5.1 điểm). Niềm tin người tiêu dùng tại 12 trong số 18 quốc gia trong khu vực vẫn được duy trì ổn định (với biên độ +/- 5 điểm so với khảo sát trước).
Hàn Quốc ghi nhận sự cải thiện lớn nhất về niềm tin người tiêu dùng trong khu vực nhờ vào triển vọng kinh tế tăng cao và cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 sắp tới. Sự lạc quan của Hàn Quốc đạt mức cao nhất kể từ năm 1995, giúp đưa Hàn Quốc từ nhóm bi quan qua nhóm rất lạc quan trong 6 tháng qua. Tương tự, Singapore và Malaysia cũng đạt được sự cải thiện lớn về niềm tin người tiêu dùng.
Trong khi đó, Ấn Độ lại chứng kiến mức giảm sút lớn nhất – 9.3 điểm – mặc dù quốc gia này vẫn nằm trong nhóm lạc quan với 86 điểm. Tương tự, niềm tin người tiêu dùng tại Myanmar cũng giảm 6 điểm. Theo khảo sát, sự bi quan về chất lượng sống và triển vọng thị trường chứng khoán lần lượt là những nguyên nhân chính cho sự suy giảm này tại Ấn Độ và Myanmar.(NCĐT)
-------------------------
Hoàn tất di dời cảng Sài Gòn trong năm nay
Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn đang di dời cầu cảng và các tài sản trên khu cảng và hoàn tất bàn giao mặt bằng trong năm nay.
Theo Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12.8.2005 của Thủ tướng Chính phủ, 5 bến cảng trên sông Sài Gòn phải được di dời giai đoạn trước năm 2010 gồm khu bến Tân Cảng Sài Gòn, bến cảng nhà máy đóng tàu Ba Son, bến cảng Nhà Rồng-Khánh Hội (cảng Sài Gòn), khu bến cảng Tân Thuận và bến cảng Rau Quả.
Theo TTXVN, hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, cảng Tân Thuận thực hiện di dời trước năm 2020 để phục vụ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, các bến cảng còn lại tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không đầu tư mở rộng phát triển thêm và nghiên cứu di dời sau năm 2020 hoặc chấm dứt hoạt động khi hết thời hạn thuê đất.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, việc di dời cảng biển TP.HCM vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Đến nay, chỉ có cảng Tân Cảng Sài Gòn đã hoàn thành di dời năm 2014.
Bến cảng nhà máy đóng tàu Ba Son đang được triển khai, một phần nhà máy đóng tàu Ba Son đã hoàn thành việc di dời, bàn giao cho Tập đoàn Vingroup làm dự án nhà ở thương mại và Ban quản lý đường sắt đô thị để làm ga Ba Son tuyến metro số 1. Hiện còn ụ nổi và một phần cầu cảng đang hoạt động, phục vụ tàu ra vào cập bến để sửa chữa.
Bến cảng Tân Thuận Đông hiện đang hoạt động khai thác, chưa thực hiện di dời. Do quy hoạch xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 không đi qua bến cảng này nên Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kiến nghị quy hoạch khu bến cảng này tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không đầu tư phát triển thêm và nghiên cứu di dời sau năm 2020 hoặc chấm dứt hoạt động khi hết thời hạn thuê đất.
Đối với bến cảng Rau Quả, đã được Công ty Cổ phần Cảng rau quả đề xuất chuyển đổi công năng và đã được Chính phủ thống nhất chuyển sang nhóm di dời sau năm 2020 và được thực hiện chuyển đổi công năng tại chỗ.
Đặc biệt, đối với bến cảng Sài Gòn, hiện nay, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn đang thực hiện việc di dời cầu cảng và các tài sản trên khu cảng. Dự kiến, trong năm 2017, Công ty sẽ hoàn tất công tác di dời để bàn giao mặt bằng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông - chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu cảng Nhà Rồng-Khánh Hội.
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn-Hiệp Phước, giai đoạn 1 tại huyện Nhà Bè phục vụ di dời khu cảng Sài Gòn đã được Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn đầu tư hoàn thành 200/600m cầu cảng theo phân kỳ giai đoạn 1 và đã được Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cấp phép hoạt động 6 tháng/lần. Đoạn 300m cầu cảng tiếp theo đang hoàn thiện, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2017.