Xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU sụt giảm mạnh; Sri Lanka mời thầu quốc tế nhập khẩu 200.000 tấn gạo; Vốn làm đường cao tốc Bắc-Nam huy động như thế nào?; Nông sản xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc qua FTA
Tin kinh tế đọc nhanh 01-11-2017
- Cập nhật : 01/11/2017
Nhà đầu tư Trung Quốc tăng chi tiền vào Thung lũng Silicon
Các tổ chức tài chính hàng đầu Đại lục đang từ từ tăng sự hiện diện của họ ở Thung lũng Silicon của Mỹ, hệt như bước đi của các nhà đầu tư Trung Đông.
Theo CNBC, trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư Trung Đông đổ tiền vào Mỹ để tận dụng sự bùng nổ công nghệ của nước này.
Về phía Trung Quốc, nước này hiện có hai tổ chức tài chính hàng đầu trong việc chi tiền ở Thung lũng Silicon: Quỹ đầu tư quốc gia The China Investment Corporation (CIC), quỹ giám sát 800 tỷ USD dưới danh nghĩa chính phủ Trung Quốc và China International Capital Corporation (CICC), ngân hàng đầu tư Trung Quốc được thành lập vào năm 1995. CICC là nhà môi giới đầu tiên của Đại lục và đôi khi được gọi là “ngân hàng Goldman Sachs của Trung Quốc”.
CICC đã khởi động quỹ đầu tư mạo hiểm 500 triệu USD đầu tiên và mở văn phòng tại San Francisco (Mỹ) để định vị và đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ tiềm năng. Ngân hàng này trước đây chỉ có chi nhánh ở New York, song vừa khai trương văn phòng mới trong tháng này, gửi thông điệp rằng họ chính thức mở cửa kinh doanh đến nhà đầu tư quốc tế.
Hiện quỹ đầu tư quốc gia CIC của Trung Quốc cũng đang cân nhắc thực hiện bước đi tương tự. Thời gian gần đây, CIC nói với vài nhà đầu tư Mỹ về việc tăng đầu tư trực tiếp vào các hãng khởi nghiệp. Quỹ đầu tư bao gồm nhiều cựu nhân viên ngân hàng, đã và đang đầu tư vào vài doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm khá nhất Thung lũng Silicon. CIC đang tăng cường dấu ấn tại Mỹ bằng đội ngũ nhân viên ở Mỹ.
Sự xuất hiện của CIC tại Thung lũng Silicon sẽ là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong việc tăng cường rót vốn vào Mỹ. Quỹ đầu tư quốc gia được thành lập năm 2007, có văn phòng ở Toronto (Canada) cho đến năm 2015 trước khi rời khỏi đây vì ngành năng lượng nước này hoạt động không như ý. Tháng 5 vừa qua, CIC mở văn phòng đầu tiên ở Mỹ tại thành phố New York.
Động thái của Đại lục có thể khiến giới chức Mỹ chú ý. Nước này đã và đang lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp. Ngoài Đại lục, hiện cũng có nhiều quỹ đầu tư quốc gia rót vốn vào Thung lũng Silicon. Trong số này có thể kể đến Temasek của Singapore, Khazanah Nasional của Malaysia và Mubadala của Abu Dhabi.(Thanhnien)
--------------------------
Samsung tăng sản xuất, công nghiệp tăng tốc
Mười tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng tới 8,7% so với cùng kỳ. Samsung tiếp tục được ghi nhận là động lực quan trọng cho sự tăng tốc này.
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố số liệu kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm và một lần nữa khẳng định rằng, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2017 ước tính tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm 2016 và cao hơn mức tăng 7,9% của 9 tháng năm nay.
.
Điều đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao với mức tăng 13,6%, đóng góp 9,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Còn nếu tính tới các ngành công nghiệp cấp II, thì một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 29,3%. Trong đó, riêng tháng 10/2017 tăng 69,8% so với cùng kỳ.
Có được tốc độ tăng nhanh này, chủ yếu là do sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu đã tăng nhanh trong tháng 10 vừa qua, cũng như trong 10 tháng đầu năm.
Samsung tiếp tục được khẳng định là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cùng với việc Samsung tăng tốc sản xuất và xuất khẩu hai dòng sản phẩm chủ lực là Galaxy S8/S8+ và Galaxy Note8, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao.
Tại Bắc Ninh, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng qua thậm chí đã tăng tới 32% so với cùng kỳ. Và nguyên nhân là do Tập đoàn Samsung tăng mạnh khối lượng sản xuất linh kiện điện tử. Hiện tại, với vốn đầu tư lên tới 6,5 tỷ USD, Samsung Display đang tăng mạnh sản xuất và xuất khẩu các loại màn hình thế hệ mới, với giá trị cao.
Không chỉ giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2017 tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12% so với 9 tháng năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,2%).
Trong khi đó, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/10/2017 tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2016 tăng 8,9%).
Chỉ số tiêu thụ tăng cao, trong khi chỉ số tồn kho đang có xu hướng tăng chậm lại sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.(Baodautu)
-------------------
Đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng Khaisilk ở Sài Gòn
Chiều 31/10, lực lượng chức năng tại TPHCM thực hiện việc kiểm tra ba cửa hàng của Khaisilk theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TPHCM và và Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.
Ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Quản lý thị trường TPHCM cho biết đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong và Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đối với hoạt động kinh doanh tại 3 cửa hàng của Khaisilk.
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM tổ chức kiểm tra đồng loạt hoạt động kinh doanh củaKhaisilk tại 3 cửa hàng ở trung tâm TP
Chi cục trưởng Quản lý thị trường TPHCM cho biết, dù đã nhận chỉ đạo kiểm tra từ trước nhưng do các cửa hàng của Khaisilk đóng cửa, dán bảng dừng buôn bán để kiểm kê hàng hóa nên việc thực hiện không được như mong muốn.
“Sau khi liên hệ được với doanh nghiệp, phía Chi cục Quản lý thị trường mới thực hiện được việc kiểm tra. Hiện tại chúng tôi chỉ mới triển khai quyết định thôi, kết quả như thế nào phải ngày mai mới có”, ông Kiếm thông tin.
Sau khi đọc quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra bắt đầu thực hiện việc kiểm tra từng sản phẩm trưng bày cũng như kho hàng củaKhaisilk.
Theo ghi nhận của PV, tại ba cửa hàng của Khaisilk trên đường Đồng Khởi và Tôn Đức Thắng vẫn đang đóng cửa, dán bảng dừng buôn bán để kiểm kê hàng hóa.
Tại thời điểm lực lượng chức năng có mặt, phía doanh nghiệp đã hợp tác mở cửa để các thành viên trong đoàn vào bên trong. Tuy nhiên, ở các lối ra vào cửa tiệm, lực lượng bảo vệ chốt chặng rất nghiêm ngặt, dè chừng người lạ...
Sau khi đọc quyết định kiểm tra, lực lượng chức năng bắt đầu thực hiện việc kiểm tra từng sản phẩm trưng bày cũng như kho hàng của Khaisilk.
Bảo vệ chốt chặng trước lối vào cửa tiệm kinh doanh củaKhaisilk rất nghiêm ngặt
Liên quan đến vụ việc, sáng nay Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản khẩn thông báo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến những vụ việc có dấu hiệu gian lận thương mại trên địa bàn TP.
Phó chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khẩn trương kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty CP đầu tư Khaisilk và tất cả các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP có biểu hiện gian lận thương mại để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Hôm qua, tại cuộc họp kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm do UBND TP.HCM tổ chức, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong bất ngờ truy vấn lãnh đạo Sở Công Thương về hoạt động các cửa hàng lụa của Khaisilk trên địa bàn TP.
Phía lãnh đạo Sở Công Thương cho biết các cửa hàng chủ yếu bán cho khách nước ngoài, đơn vị có quan hệ ngoại giao. Qua đó, Sở Công Thương khẳng định “đây là hành vi không tôn trọng người tiêu dùng trong nhiều năm liền”. Do vậy, TP HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội kiểm tra làm rõ, cương quyết xử lý vi phạm
Nghe trả lời, ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu kiểm tra xử lý nghiêm, không để tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả trên địa bàn TP.(Vietnamnet)
-------------------------
9 tháng, 4.460 khăn tơ tằm Trung Quốc về Việt Nam giá bình quân 30.000 đồng
Công bố số liệu thống kê nhập khẩu khăn tơ tằm và vải tơ tằm xuất xứ Trung Quốc về Việt Nam.
Tổng cục Hải quan vừa có số liệu thống kê về tình hình nhập khẩu mặt hàng khăn tơ tằm và vải tơ tằm xuất xứ Trung Quốc, giai đoạn từ 2015 đến tháng 9/2017.
Trong đó, khăn tơ tằm gồm các loại khăn choàng, khăn quàng cổ, khăn choàng rộng đội đầu, khăn choàng vai, mạng che và các loại tương tự từ tơ tằm hoặc phế liệu tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan cho biết trong 9 tháng 2017, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm đã tăng trở lại với 4.460 chiếc, tổng giá trị 5.878 USD, như vậy bình quân mỗi chiếc có giá 30.000 đồng.
Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu 153.376 mét và 157.297 mét vuông vải tơ tằm, tổng giá trị lần lượt là 534.000 USD và 312.000 USD.
Trước đó, năm 2015, Việt Nam nhập khoảng 3.763 chiếc khăn Trung Quốc, giá trị 20.497 USD, bình quân khoảng 105.000 đồng/chiếc. Cũng trong năm này, Việt Nam nhập khẩu 293.208 mét và 342.045 mét vuông vải tơ tằm.
Sang năm 2016, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm giảm mạnh xuống chỉ còn 577 chiếc với trị giá 9.458 USD, bình quân 372.000 đồng/chiếc. Số lượng nhập khẩu vải tơ tằm cũng thay đổi với 307.641 mét và 180.887 mét vuông.
Về địa điểm nhập mặt hàng khăn lụa và vải tơ tằm Trung Quốc về Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2015, cửa khẩu hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nhập hàng nhiều nhất với trị giá hơn 1,8 triệu USD, cảng Hải Phòng đứng thứ 2 với hơn 1 triệu USD.
Sang năm 2016, cửa khẩu hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nhập hơn 1 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2017, hải quan cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất nhập nhiều nhất, trị giá gần 500.000 USD.
Tổng lượng nhập khẩu chính ngạch của mặt hàng khăn tơ tằm và vải tơ tằm từ Trung Quốc về Việt Nam khá khiêm tốn, năm 2015 đạt 4 triệu USD, năm 2016 giảm xuống 2,3 triệu USD và 9 tháng năm nay chỉ còn 1,2 triệu USD.
Trước đó, trong cuộc họp sáng 31/10, ông Trần Đức Hùng, Phó chánh văn phòng Tổng cục Hải quan, cho biết Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát số liệu đối với mặt hàng khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc, và sẽ công bố kết quả đến báo chí.(Vneconomy)