(Tin kinh te)
Nghiên cứu khảo sát mới đây của Hàn Quốc do công ty nghiên cứu thị trường Hancook Research thực hiện đối với 3.018 người tiêu dùng Hàn Quốc cung cấp các thông tin cập nhật về xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thị trường Hàn Quốc. Đây sẽ là các thông tin hữu ích góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về thị hiếu và xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thị trường Hàn Quốc, từ đó xây dựng được các chiến lược và kế hoạch marketing phù hợp đối với thị trường này.
Xu hướng chung
Người tiêu dùng Hàn Quốc thường mua thực phẩm tại các siêu thị vừa và nhỏ (29,8% số người trả lời), các đại siêu thị (27,8%) và các chợ truyền thống (27,2%). Ở khu vực thủ đô Seoul, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tại các siêu thị và đại siêu thị, trong khi ở các vùng nông thôn, người tiêu dùng thường xuyên mua thực phẩm tại các chợ truyền thống. Thế hệ trẻ và những người có thu nhập cao có xu hướng mua thực phẩm tại các đại siêu thị nhiều hơn.
Mua thực phẩm trên mạng chưa phải là một thói quen thường xuyên đối với người tiêu dùng Hàn Quốc. Chỉ có 15,8% số hộ gia đình trả lời là họ sử dụng internet để đặt mua thực phẩm một cách thường xuyên. Giới trẻ sử dụng internet để đặt mua thực phẩm nhiều hơn. Lý do chính khiến người tiêu dùng đặt mua thực phẩm qua mạng là vì giá rẻ hơn (26,5%) và có dịch vụ vận chuyển tận nhà (23,7%). Mức độ hài lòng của khách hàng khi đặt mua thực phẩm qua mạng tương đối cao. 71,4% số người sử dụng kênh mua sắm này hài lòng về giá cả và 70,4% hài lòng về chất lượng.
Các loại thực phẩm thân thiện với môi trường (bao gồm các mặt hàng nông thủy sản sản xuất hữu cơ, các loại nông thủy sản không sử dụng hóa chất nông nghiệp, chất kháng sinh và chất bảo quản) có xu hướng được phân phối nhiều hơn qua các kênh bán hàng trên mạng. Trong số những người được hỏi, 37,6% cho biết họ thường xuyên đặt mua các loại thực phẩm thân thiện với môi trường qua mạng. Trong số các loại cửa hàng, các đại siêu thị là nơi người tiêu dùng Hàn Quốc thường xuyên tìm đến để mua thực phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các hộ gia đình ở khu vực thành thị và các hộ gia đình có thu nhập cao hoặc có trình độ giáo dục cao thường đến các cửa hàng chuyên về thực phẩm thân thiện với môi trường.
Gần một nửa trong số những người được hỏi (48,6%) cho biết họ có sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Các loại thực phẩm chức năng phổ biến nhất là các loại thực phẩm bổ sung dưỡng chất (67,8%) như vitamin và các loại sâm/hồng sâm (46,3%).
Tiêu thụ ngũ cốc
Gần một nửa số người được hỏi (44,5%) mua gạo một lần trong vòng 2 đến 3 tháng. Các yếu tố quyết định việc họ mua loại gạo nào là giá cả, nơi trồng, nước xuất xứ và giống gạo.
Chỉ có 2,2% số người trả lời cho biết họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên mua gạo nhập khẩu. Khi được hỏi trong tương lai gần có dự định dùng gạo nhập khẩu hay không, chỉ 4,1% trả lời là có trong khi 83,2% trả lời là không. Những người tiêu dùng ở lứa tuổi 30 có phản ứng tích cực nhất đối với gạo nhập khẩu với 25% trả lời là có. Đây là nhóm tuổi đại diện cho một thế hệ là khách hàng tiềm năng đối với gạo nhập khẩu.
Những người được hỏi có xu hướng sử dụng gạo trộn (39,4%) trong bữa ăn hàng ngày. Các dạng khác là gạo trắng (32,5%) và gạo trắng trộn với gạo lức (21,5%). Trong số các loại gạo trộn, phổ biến nhất là gạo lức dính (31,0%), đỗ đen (13,3%), gạo đen (12,4%), đại mạch (9,7%) và gạo dính (3,9%).
Tiêu thụ trái cây và rau
Trái cây hầu như thường được mua 1 lần mỗi tuần (41,4%) và từ 2 đến 3 lần mỗi tuần (22,2%). Các yếu tố tạo nên quyết định lựa chọn là độ tươi, giá cả, và độ ngọt. Các loại trái cây thường được mua là dưa hấu và táo. Thanh niên dưới 20 tuổi thường mua quýt, dâu và chuối. Mặt khác, tầng lớp lớn tuổi hơn lại có xu hướng ưa chuộng dưa phương đông (oriental melon), cà chua, và hồng. Đàn ông thích dưa hấu và lê châu Á, trong khi đó phụ nữ thích nho, dâu và đào.
Rau thường được mua từ 2 đến 3 lần mỗi tuần (35,7%) và 1 lần mỗi tuần (34,4%). Với thu nhập càng cao thì tần suất mua càng nhiều. Hơn một nửa (57,5%) là mua theo từng bịch lớn, phần còn lại (41,4%) là mua theo những túi nhỏ. Các yếu tố quyết định lên sự lựa chọn là độ tươi, giá cả và quốc gia xuất xứ.
Tiêu thụ thịt
Các loại thịt được sử dụng ở các hộ gia đình theo thứ tự ưa dùng là thịt lợn, bò và gà. Tuy nhiên, ở các hộ gia đình có các thành viên dưới 30 tuổi, gà xếp thứ 2 sau thịt lợn và thịt bò đứng thứ 3. Xu hướng tiêu dùng nhiều thịt gia cầm hơn ở nhóm người trẻ tuổi có lẽ là do việc ăn nhiều gà rán, khác với nhóm người nhiều tuổi thì họ quan tâm đến sức khỏe hơn. Mặc dù thịt lợn vẫn thường xuyên được ưa dùng nhất giữa các độ tuổi và các nhóm thu nhập, nhưng hơn ¼ hộ các gia đình với thu nhập hàng tháng trên 6 triệu won (khoảng 6.000 USD) trả lời rằng họ tiêu thụ nhiều thịt bò hơn các loại thịt khác.
Loại thịt bò thường được sử dụng cho việc ăn nướng (barbecue) là thịt thăn (thăn ngoài - sirloin và thăn chuột - tenderloin) và thịt sườn, trong khi loại thịt bò thông dụng để nấu súp (canh) là nạm, bắp và xương chân. Đối với thịt lợn, phần thông dụng là ba chỉ và thịt vai.
Người Hàn Quốc có xu hướng tiêu dùng thịt nội địa hơn thịt nhập khẩu. Gần một nửa (48,1%) phản ứng không tích cực đối với việc mua thịt bò Mỹ, nhưng có gần ¼ (25,6%) cho biết họ sẽ tiêu dùng thịt bò Mỹ. Điều này là có chút khác biệt với một cuộc điều tra tương tự của Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc vào tháng 1/2014, trong đó có đến 51,6% người được hỏi trả lời rằng họ đã và đang mua thịt bò Mỹ.
Tiêu thụ thủy sản
Thông tin quan trọng mà người tiêu dùng kiểm tra trước khi mua thủy sản là độ tươi (29,3%), giá cả (24,5%) và nước xuất xứ (17,7%). Gần một nửa (42,4%) các hộ gia đình mua nhiều thịt hơn hải sản. Những người với thu nhập cao hơn, giáo dục cao hơn và độ tuổi thấp hơn có xu hướng tiêu thụ nhiều thịt hơn. Nhìn chung, các sản phẩm từ cá có giá thấp hơn thịt, đó là lý do vì sao nhóm những người có thu nhập cao hơn, giáo dục cao hơn sẽ ưa dùng thịt hơn các sản phẩm thủy sản. Nguyên nhân khác đối với việc tiêu thụ thịt nhiều hơn sản phẩm thủy sản có thể là do sự cố vỡ nhà máy điện nguyên từ Fukushima đã khiến cho người Hàn Quốc lo ngại khi ăn thủy hải sản. Cũng do tâm lý lo ngại các chất độc hại tồn dư trong thực phẩm mà người Hàn Quốc có xu hướng tiêu thụ chủ yếu là các loại hải sản, thủy sản nước ngọt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Tiêu thụ thực phẩm chế biến
Các đồ uống thông dụng nhất tại gia đình là sữa, cà phê, sữa chua, và nước uống hoa quả nguyên chất. Người lớn có xu hướng ưa dùng cà phê, trong khi đó người vị thành niên ưa dùng các nước uống có ga.
Đối với rượu, người lớn uống rượu 1 đến 3 lần mỗi tuần. Những người trẻ tuổi và những người có trình độ giáo dục cao uống rượu với tần suất nhiều hơn. Loại rượu thường được ưa dùng nhất là rượu soju sản xuất nội địa (tương tự vodka nhưng độ cồn chỉ bằng một nửa, 57,2%), bia (32,3%), makgeolli (rượu gạo truyền thống Hàn Quốc, 5,6%), và rượu vang (2,0%). Những người trẻ, người có trình độ giáo dục cao và người có thu nhập cao thích uống bia hơn. Mặc dù việc tiêu dùng rượu vang đang tăng lên nhưng tốc độ vẫn chậm hơn rất nhiều so với các sản phẩm rượu khác. Tiêu thụ các loại rượu mạnh (scotch) cũng đang giảm nhanh chóng khi xu hướng tới các quán bar theo phong cách karaoke như trước đây cũng đang giảm dần đi.
Các loại dầu ăn thường hay được sử dụng nhất là dầu ô liu, dầu hạt nho và dầu đậu nành. Người dân ở khu vực thành phố Seoul có xu hướng sử dụng nhiều dầu ô liu và dầu hạt nho, trong khi đó người dân ở khu vực nông thôn có xu hướng sử dụng dầu đậu nành. Điều này phản ánh những người sinh sống ở khu vực thành thị có sự quan tâm, lo lắng đến sức khỏe của họ nhiều hơn khi họ có đủ khả năng mua các loại dầu ăn đắt tiền hơn.
Nguồn: Vietrade