Tỷ lệ người dân Nhật “không ưa” Trung Quốc tăng cao lên mức kỷ lục trên 80% sau hàng loạt động thái gây hấn của Bắc Kinh ở các vùng biển châu Á.
Trung Quốc sắp đảo lộn trật tự an ninh Đông Á
- Cập nhật : 13/03/2016
(Tin kinh te)
Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật vừa công bố báo cáo về tác động xảy ra do quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.
Báo Defense News (Mỹ) đưa tin tuần trước, Viện Nghiên cứu quốc phòng (trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật) đã công bố báo cáo về an ninh Trung Quốc (TQ) lần thứ sáu do hai học giả Masafumi Iida và Shinji Yamaguchi soạn thảo. Báo cáo có tiêu đề “Viễn ảnh bành trướng hoạt động và chiến lược của quân đội Trung Quốc”.
Trung Quốc ngày càng hung hăng
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật đã xem xét mọi tác động phát sinh trong quá trình quân đội TQ hiện đại hóa quân sự, không quân, hải quân, binh chủng hạt nhân; khả năng của các tác động nêu trên đối với khu vực và vai trò bảo vệ của Mỹ.
Báo cáo ghi nhận quân đội TQ ngày càng hoạt động mạnh hơn trên phạm vi rộng, nhiều lần cản trở tàu chiến và máy bay Mỹ hoạt động phù hợp theo luật pháp quốc tế trên biển Đông.
Quân đội TQ cũng đã tăng cường tập trận ở phía tây Thái Bình Dương và tìm đủ mọi cách để củng cố năng lực đáp trả hạt nhân nhằm đối phó với Mỹ, kể cả triển khai tàu ngầm chiến lược mới chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Báo cáo dự báo: Nếu quân đội TQ tiếp tục thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á và nếu các thách thức này tỏ ra hiệu quả, trật tự ở Đông Á có thể thay đổi ngoạn mục.
Ngang ngược trên biển
Báo cáo lưu ý TQ củng cố sự hiện diện trên biển và trên không phận ngoài khơi nhằm muốn ưu thế trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đồng thời ngăn cản Mỹ can thiệp vào cái gọi là các lợi ích cốt lõi của TQ.
Trên biển Hoa Đông, các tàu chiến TQ đã dùng radar khóa hỏa lực đối với các tàu của lực lượng phòng vệ Nhật và các máy bay TQ đôi lúc bay rất gần máy bay Nhật.
Số chuyến bay của không quân TQ trên biển Hoa Đông ngày càng tăng và số lượt máy bay tiêm kích Nhật ngăn chặn đã tăng từ 38 lượt năm 2009 lên 464 lượt năm 2014.
Trên biển Đông, tàu hải quân TQ đã cản trở hướng di chuyển của tàu hải quân Mỹ trong khi máy bay TQ đôi lúc gây nguy hiểm gần máy bay Mỹ.
Hiện nay TQ đã bồi đắp xây đảo nhân tạo và củng cố cơ sở quân sự trên bảy thực thể ở biển Đông, đồng thời xây dựng đường băng dài 3.000 m có thể dùng cho máy bay ném bom Tây An H-6.
Báo cáo nhận định TQ đã đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm 2013. Do đó có thể TQ đang âm mưu lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.
Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của TQ năm 2014 đã từng có ý kiến đề nghị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông nhưng không được thông qua.
Ý đồ gia tăng quân sự hóa
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật đã đánh giá tiềm lực quân sự của TQ như sau:
l Văn kiện “Chiến lược khoa học quân sự 2015” của ĐH Quốc phòng TQ ghi nhận quân đội Mỹ duy trì tỉ lệ tương quan giữa tấn công, phòng thủ và yểm trợ chiến đấu là 2: 1: 1. TQ chưa đạt được tỉ lệ này như Mỹ nên có thể sẽ phát triển vận tải hạng nặng và máy bay tiếp liệu khi bay. Một số nghiên cứu cho thấy quân đội TQ cần tối thiểu 400 máy bay vận tải chiến lược hạng nặng Tây An Y-20.
l Để gia tăng khả năng tấn công, quân đội TQ phải tiếp tục phát triển máy bay tấn công mặt đất, khả năng tàng hình và máy bay không người lái. TQ đang tìm kiếm khả năng này với máy bay Thành Đô J-20 và máy bay không người lái.
l Dự báo quân đội TQ sẽ tiếp tục gia tăng năng lực phòng không và phòng thủ chống tên lửa. TQ đã nhập khẩu tên lửa S-300PMU1 và S-300PMU2 từ Nga và phát triển tên lửa HQ-9 và HQ-15/18 nội địa. TQ cũng đang đàm phán mua của Nga tên lửa S-400 và phát triển radar chống tàng hình.
Báo cáo của Nhật cũng đã phân tích năng lực của quân chủng tên lửa và các loại tên lửa đạn đạo của TQ.
Reuters ngày 11-3 đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật thông báo tàu ngầm Soryu hiện đại nhất của Nhật và hai tàu hộ vệ sẽ tham gia tập trận chung với hải quân hoàng gia Úc vào tháng tới ở vùng biển Sydney. Các chuyên gia nhận định Nhật muốn vận động hành lang những mong ký hợp đồng trị giá 37 tỉ USD cung cấp tàu ngầm cho Úc. Hiện thời cuộc đua cung cấp tàu ngầm còn ba đơn vị gồm Tập đoàn DCNS của Pháp, Kawasaki Heavy Industries và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật. TheoSách trắng quốc phòng 2016, Úc sẽ chi 139 tỉ USD trong 10 năm tới để tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm lên 24 chiếc, ba tàu khu trục, chín tàu hộ vệ, 12 tàu tuần tra xa bờ, 72 máy bay F-35.
TNL
PH.QUỲNH
Theo Plo.vn