Các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ và Nhật Bản vừa công bố khuyến nghị liên minh hai cường quốc đẩy mạnh quan hệ quân sự với Đông Nam Á.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 13-03-2016
- Cập nhật : 13/03/2016
Mỹ nói tàu ngầm Triều Tiên mất tích
CNN dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội nước này đang theo dõi một tàu ngầm hoạt động ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên thì con tàu dừng lại.
Các vệ tinh do thám, máy bay và tàu Mỹ đã bí mật theo dõi nhiều ngày khi hải quân Triều Tiên tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Mỹ không rõ liệu con tàu mất tích bị trôi dạt dưới biển hay đã bị chìm, các quan chức nói. Tuy nhiên, Mỹ tin rằng nó gặp một loại trục trặc nào đó khi đang diễn tập.
Triều Tiên tuần trước phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển, theo quân đội Hàn Quốc. Động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo, khi Triều Tiên coi các cuộc tập trận quân sự thường niên Mỹ - Hàn là sự diễn tập xâm lược.
Triều Tiên đầu năm nay thử hạt nhân lần 4, khiến nhiều nước lên án và Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt mở rộng mạnh mẽ nhất trong vòng hai thập kỷ với nước này.
‘Thế giới cần thận trọng trước khả năng hạt nhân của Triều Tiên’
Theo Sputnik, cựu cố vấn Liên minh châu Âu (EU) Paolo von Schirach nhận định rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần thận trọng trước khả năng hạt nhân tiềm tàng của Triều Tiên dù rằng trong lịch sử nước này thất bại trước công nghệ hạt nhân.
Paolo von Schirach là giáo sư về Quan hệ quốc tế tại ĐH Quốc tế BAU ở Washington DC. Ông đồng thời là nhà xuất bản kiêm chủ bút của Schirach Report. Ông từng là cố vấn cho Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ.
“Họ có vũ khí nguyên tử và đã cho thế giới thấy các tên lửa đạn đạo của nước này có thể đánh trúng các mục tiêu ở tận Mỹ” - Paolo von Schirach nói. “Hiện chưa rõ liệu Triều Tiên có khả năng lắp đặt thiết bị nguyên tử vào đầu đạn hạt nhân hay không, song chúng ta nên thận trọng với khả năng Triều Tiên có thể và sẽ không lâu đâu”.
Cựu cố vấn Liên minh châu Âu cảnh báo rằng chính những hành động bất ngờ và sự cô lập của đất nước Triều Tiên là cơ sở để các nhà lãnh đạo thế giới tiên liệu những hành vi bất ngờ thậm chí là vô lý của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Giả sử Kim Jong Un sở hữu tên lửa hạt nhân với tầm bắn vươn tới Mỹ, sẽ là khôn ngoan khi xem xét điều này như một mối đe dọa. Việc Triều Tiên tấn công Mỹ nghe có vẻ vô lý nhưng chúng ta cũng nên chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất mà có thể trở thành hiện thực” - Schirach lập luận.
“Mỹ đã phát triển và triển khai phòng thủ trước một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo. Nhưng Washington không có nhiều hệ thống như vậy và chúng cũng không hoàn hảo mấy. Chỉ có một lá chắn tên lửa chống đạn đạo hoàn hảo mới có thể ngăn chặn đáng kể hành vi thù địch của Triều Tiên” - ông nhấn mạnh.
Ông Schirach lưu ý rằng mặc dù Triều Tiên liên tục tuyên bố những động thái vốn bị thế giới chỉ trích là để phòng thủ nhưng những hành vi như thế của Bình Nhưỡng ngày càng khó dự đoán hơn trong những năm qua.
“Ngay bây giờ rất khó nói kế hoạch trò chơi ở đây là gì. Khả năng về vũ khí tinh vi và tên lửa đạn đạo tầm xa, kết hợp với giọng điệu hiếu chiến của Bình Nhưỡng khiến chúng ta không thể “lơ là” mà xem đây chỉ là trò bịp được” - ông cảnh báo.
Theo ông Schirach, lệnh trừng phạt mở rộng mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dường như không thể khiến Bình Nhưỡng phải “đầu hàng” và Trung Quốc dường như cũng không phải muốn lật đổ Kim Jong Un.
“Tất nhiên, Trung Quốc nhận ra rằng Kim Jong Un đã trở thành vấn đề. Nhưng hầu hết các chuyên gia phân tích phương Tây tin rằng Bắc Kinh không muốn thay đổi chế độ ở Triều Tiên, ít nhất là thời điểm bây giờ. Ý tưởng làm cho chính quyền Triều Tiên phải “đầu hàng” thông qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt là không thực tế” - ông kết luận.
Cuba và EU nối lại quan hệ sau nhiều năm căng thẳng
Cuba và Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm căng thẳng do bất đồng về vấn đề nhân quyền.
Đại diện cấp cao về an ninh và ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini, đã cùng Bộ trưởng Bộ ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez tham dự buổi ký kết thỏa thuận hôm 11-3, theo đó thỏa thuận này sẽ cho phép việc hợp tác giữa Châu Âu và Cuba trong những dự án liên quan đến bảo vệ môi trường và hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế của Cuba.
Đại diện Eu, bà Federica Mogherini bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez trong buổi ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hôm 11-3. Ảnh: AP
Báo The Guardian (Anh) dẫn lời bà Mogherini: “Thỏa thuận này đã đánh dấu một chặng đường mới trong quan hệ song phương của chúng ta, một minh chứng mang tính lịch sử cho sự thấu hiểu và tin cậy lẫn nhau giữa 2 bên”. Trước đó chính sách của EU vẫn luôn ngăn cản việc bình thường hóa quan hệ với Cuba cho đến khi quốc đảo này mở cửa thị trường và cập nhật mô hình kinh tế mới cởi mở hơn trong những năm gần đây.
Thỏa thuận được ký kết 9 ngày trước chuyến thăm mang tính lịch sử củaTổng thống Mỹ Barack Obama đến Cuba từ ngày 20 đến ngày 22-3. Ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm chính thức Cuba sau 88 năm và chuyến thăm của ông không ngoài mục đích thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 nước sau khi 2 bên đã xoa dịu căng thẳng từ năm 2014 và tuyên bố bình thường hóa quan hệ cũng như nối lại quan hệ ngoại giao trong năm 2015.
Việc bình thường hóa quan hệ Mỹ- Cuba cùng sự hứa hẹn phát triển kinh tế trên quốc đảo này đã thu hút sự quan tâm chú ý của các quốc gia Liên minh châu Âu đối với việc duy trì vị trí đối tác thương mại của họ với Cuba. Trên thực tế, lâu nay nhiều quốc gia thành viên EU vẫn duy trì quan hệ song phương với Havana, coi Cuba là đối tác thương mại quan trọng. Một số thành viên EU đã cảnh báo nếu không bình thường hóa quan hệ với Cuba, các doanh nghiệp EU có thể thua Mỹ trong việc cạnh tranh tại thị trường này.
Nhật khoe tàu ngầm với Úc trong tập trận chung
Theo Reuters, cuộc đua giành quyền đóng hạm đội tàu ngầm mới cho Úc hiện chỉ còn hai ứng viên nặng ký là Nhật và Pháp.
Nhật thông báo sẽ gửi tàu ngầm hiện đại lớp Soryu tham gia tập trận với hải quân Úc trên vùng biển gần Sydney - Ảnh: Reuters
Trong một nỗ lực được giới phân tích cho là để giành bản hợp đồng quốc phòng 37 tỉ USD, Bộ Quốc phòng Nhật thông báo sẽ gửi một tàu ngầm hiện đại lớp Soryu và hai tàu hộ tống quân sự tham gia tập trận với hải quân Úc trên vùng biển gần Sydney.
Theo Reuters, cuộc đua giành quyền đóng hạm đội tàu ngầm mới cho Úc hiện chỉ còn hai ứng viên nặng ký là Nhật và Pháp.
Trước đó, một vài nguồn tin tiết lộ Tập đoàn ThyssenKrupp của Đức đã rút khỏi cuộc đua do một số quan ngại về kỹ thuật.
Nhật tung chiêu “trải nghiệm sản phẩm” ngay sau khi đối thủ Pháp, cụ thể là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đến thăm Adelaide - cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu Úc, hồi tuần trước.
“Bằng cách mang tàu Soryu đến Úc, Nhật đang chứng tỏ tầm hoạt động của tàu ngầm này. Tiếp theo, họ cho hải quân Úc cơ hội diễn tập chung, đồng thời so sánh nó với các tàu ngầm lớp Collins có sẵn” - ông Euan Graham, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy, nhận xét.
Pháp chắc chắn sẽ không khoanh tay ngồi nhìn, tuần tới một phái đoàn doanh nghiệp lớn của nước này sẽ có chuyến thăm đến thủ đô Canberra của Úc.
Đại diện cho Pháp trong thương vụ này là Tập đoàn quốc phòng DCNS, Nhật là Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries.
Nhật giới thiệu loại tàu ngầm 4.000 tấn lớp Soryu, trong khi mẫu của Pháp là phiên bản điện - diesel của tàu ngầm hạt nhân 5.000 tấn Barracuda.
Hạm đội 12 tàu ngầm mới là một phần quan trọng trong kế hoạch quốc phòng của Úc. Canberra thông báo sẽ tăng chi tiêu quốc phòng gần 22 tỉ USD trong thập kỷ tới để bảo vệ các lợi ích chiến lược và thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Có một áp lực lớn hối thúc Úc nên bắt tay với Nhật, vì điều này sẽ gửi một thông điệp đến Bắc Kinh” - giáo sư James Curran của ĐH Sydney nhận định
Đức bắt người đàn ông nghi mang bom vào Đại sứ quán Mỹ
Báo B.Z của Đức đưa tin thanh niên 23 tuổi sáng nay đứng trước Đại sứ quán Mỹ thì bắt đầu đe doạ trả thù cho cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Phát ngôn viên cảnh sát Jens Berger cho biết người này đã cố đấm nhân viên an ninh. Hiện chưa có thông tin về danh tính của nam thanh niên, nhưng "có rất nhiều dấu hiệu anh ta có vấn đề về tâm thần.
Túi của người đàn ông này đã được robot cảnh sát điều tra. Một chuyên gia về bom người Đức xác định vali không chứa bất cứ vật liệu nguy hiểm nào.
Người đàn ông này được cho là mang hai quốc tịch Mỹ và Đức, phát ngôn viên cảnh sát nói với ABC News. Cảnh sát đã giữ người này và đang xem xét liệu có cần đưa tới chăm sóc tâm thần hay không.