tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 13-03-2016

  • Cập nhật : 13/03/2016

Nga, Trung phản đối lập lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc

Tại cuộc họp báo chung của hai bộ trưởng Ngoại giao Nga và Trung Quốc ở Moscow hôm 11-3 (ảnh), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố không thể lấy chương trình hạt nhân Triều Tiên làm cái cớ để triển khai lá chắn chống tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc.

Theo đài truyền hình RT (Nga), ông Sergey Lavrov nói: “Chúng tôi chờ đợi CHDCND Triều Tiên rút ra những kết luận hợp lý, lắng nghe các yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ và nhất là quay trở lại bàn đàm phán trong khuôn khổ tuyên bố chung sáu bên tham gia ngày 19-9-2005”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu ủng hộ nối lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên đồng thời kêu gọi Triều Tiên dừng hoàn toàn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên quyết phản đối triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ ở Hàn Quốc viện lẽ vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi tin rằng điều này gây phương hại trực tiếp cho an ninh chiến lược của Nga và Trung Quốc”.

Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA (CHDCND Triều Tiên) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo phải sẵn sàng tấn công hạt nhân và thử hạt nhân nhiều hơn nữa “để đánh giá sức hủy diệt của các đầu đạn hạt nhân mới sản xuất và khả năng tấn công hạt nhân”. Ông Kim Jong-un chỉ đạo như trên trong khi thị sát một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo nhưng KCNA không nêu rõ khi nào.


Pháp phát hiện tàu ngầm Nga gần hải phận

Giới chức Pháp cho hay hải quân nước này gần đây đã phát hiện tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Nga đi trong khu vực vịnh Biscay, bờ tây nước Pháp. 

tau ngam cua nga - anh tu lieu: getty

Tàu ngầm của Nga - Ảnh tư liệu: Getty

Thông tin được tạp chí Obs đăng tải hôm 10-3 (giờ Pháp), dẫn lời một quan chức cấp cao của nước này.

Theo Obs, tàu ngầm này đến từ căn cứ Murmansk, bị phát hiện ngoài khơi bờ biển Pháp phía Đại Tây Dương nhưng chưa đi vào hải phận nước này. Reuters cho hay vụ việc xảy ra hồi tháng 1-2016 nhưng 
giờ mới được công bố.

Người phát ngôn hải quân Pháp đã từ chối xác nhận hay bác bỏ thông tin này, nói rằng họ có chính sách chung không phát ngôn về những vấn đề như vậy.

Tuy nhiên, người phát ngôn này nhìn nhận: “Hoạt động của hải quân Nga tăng lên trong nhiều tháng qua, nếu như không nói là nhiều năm qua. Tuy vậy chúng tôi luôn chú ý đến tình hình này”.

Giới quan sát cho hay trong những năm qua Nga đã thể hiện sức mạnh quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Matxcơva về vấn đề Ukraine.

NATO gần đây cũng liên tục ghi nhận nhiều vụ việc mà họ cáo buộc máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tầm xa của Nga xâm phạm không phận khối quân sự này.

Tại Anh và Thụy Điển, các máy bay tuần tra đã rà soát hải phận của họ trong hai năm qua sau khi phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm và các hoạt động dưới nước của tàu nước ngoài.

Hồi giữa tháng 2 vừa qua, máy bay chiến đấu của Anh và Pháp cũng đã chặn hai máy bay ném bom Tu-160 của Nga bay gần bờ biển Pháp và đang hướng đến 
không phận Anh.


Nga bắt vụ buôn lậu đạn từ Ukraine

linh ukraine dang lap o dan vao sung, trong mot buoi huan luyen quoc te gan yavoriv, ukraine ngay 10.3.2016 - anh: quan doi my

Lính Ukraine đang lắp ổ đạn vào súng, trong một buổi huấn luyện quốc tế gần Yavoriv, Ukraine ngày 10.3.2016 - Ảnh: Quân đội Mỹ

Lực lượng tuần tra biên giới thuộc Cơ quan an ninh Nga đã chặn bắt một vụ buôn lậu đạn dược từ Ukraine vào Crimea, theo RIA ngày 12.3.

Một số lượng lớn đạn dược các loại được phát hiện trên một chiếc xe Volkswagen Passat đi từ phần lãnh thổ Ukraine sang Crimea qua cửa khẩu Dzhankoy. Các nhân viên an ninh Nga đặc biệt chú ý đến một người ngồi trên xe (không phải tài xế), theo giấy tờ tùy thân là công dân thành phố Kharkov, Ukraine.

Kiểm tra hành lý của người khách trong cốp xe, nhân viên an ninh phát hiện một số lượng lớn đạn 7,62 mm (dùng cho súng trường hoặc súng ngắn ổ xoay), đạn sát thương 9 mm với đầu đạn cao su, và nhiều giá đỡ kính ngắm. Ngoài ra còn có 85 đồng tiền cổ theo đánh giá ban đầu là có giá trị cao về văn hóa và lịch sử. Tất cả những hiện vật trên đều bị thu giữ.

Tình trạng buôn lậu tại biên giới Ukraine - Nga trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Vào ngày 16.2, tại vùng Rostov-on-Don (giáp giới đông nam Ukraine) đã xảy ra một cuộc đấu súng giữa lực lượng biên phòng Nga và những kẻ buôn lậu đang cố gắng đưa từ Ukraine vào Nga một lượng lớn thuốc lá. Kết quả mỗi bên có một người bị thương.


Thảm họa hạt nhân Nhật có thể gây ra 10.000 ca ung thư

Ngày 11-3, nước Nhật long trọng tưởng nhớ năm năm thảm họa động đất và sóng thần.

Ngày 11-3-2011, động đất 9 độ Richter xảy ra ở đông bắc đảo Honshu gây ra sóng thần tàn phá bờ biển Thái Bình Dương và thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima. 18.500 người chết và mất tích. Năm năm sau, Nhật vẫn chưa giải quyết xong hậu quả.

Theo Cơ quan Tái thiết Nhật, vào thời điểm xảy ra sóng thần có 470.000 người phải tản cư. Đến nay 182.000 người chưa về nhà, trong đó 100.000 người ở Fukushima. Hàng chục ngàn người vẫn tạm trú trong nhà tiền chế. 1/3 nhà cửa hư hại được xây dựng lại. 3/4 đất nông nghiệp bị tàn phá được đưa vào canh tác.

 

Do nhiễm phóng xạ, bảy địa phương hoàn toàn không có dân cư trú hay chỉ cư trú một phần. Tại bảy địa phương, ban ngày có thể đến làm công tác giải nhiễm nhưng ban đêm không được ở lại. Tại 11 địa phương khác, 23.600 người chỉ được phép lưu trú thời gian ngắn. Tình hình cư trú lâu dài chỉ được phép tại ba địa phương bị cấm cách đây năm năm.

Lần đầu tiên hồi tháng 10-2015, chính phủ Nhật đã thừa nhận phóng xạ gây ung thư. Hôm 10-3, hai tổ chức y học ở Mỹ (Các Thầy thuốc vì trách nhiệm xã hội và Các Thầy thuốc quốc tế vì ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân) đã công bố báo cáo cho thấy thảm họa hạt nhân ở Nhật có thể gây ra 10.000 ca ung thư trong 10 năm tới. Chưa kể các hậu quả khác như chấn thương tâm lý, đau tim, tự sát.


Hé lộ chiến đấu cơ thế hệ 6 của Nga

trong khi dang con thu nghiem pak-fa t-50, nga da che tao tiem kich the he 6 - anh: afp

Trong khi đang còn thử nghiệm PAK-FA T-50, Nga đã chế tạo tiêm kích thế hệ 6 - Ảnh: AFP

Nga đã bắt đầu phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 6 nhằm vượt lên trước các đối thủ tiềm tàng và củng cố sức mạnh trên bầu trời.
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã thông báo như vậy với báo giới sau buổi làm việc với các chuyên gia chế tạo máy bay chiến đấu của Tập đoàn Sukhoi hồi tuần rồi. “Phòng thiết kế của Sukhoi đã giới thiệu ngắn gọn với chúng tôi một số đặc điểm mới của máy bay tiêm kích thế hệ 6, mặc dù chiến đấu cơ thế hệ 5 hiện vẫn đang trải qua quá trình thử nghiệm”, báo mạng Russia Beyond The Headlines(RBTH) dẫn lời ông Rogozin cho biết.
Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev thì nhấn mạnh lực lượng này đang xúc tiến chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 6 và nhiều khả năng là cả thế hệ 7. “Nếu dừng lại, chúng ta sẽ đứng yên mãi mãi và tụt lại phía sau. Công việc chế tạo máy bay phải tiếp diễn liên tục”, ông Bondarev khẳng định.

Có cả phiên bản UAV
Tờ Pravda dẫn lời Tư lệnh Bondarev cho biết tiêm kích thế hệ 6 sẽ bao gồm cả phiên bản có người lái lẫn không người lái. Trong đó, hệ thống thiết bị điện tử của phiên bản máy bay không người lái (UAV) có nhiều chức năng hơn và có thể chịu được tình trạng quá tải. Điểm thuận lợi của phiên bản UAV là không gây nguy hại cho phi công và tiết kiệm kinh phí vì quá trình tuyển chọn cũng như huấn luyện phi công điều khiển chiến đấu cơ tối tân rất tốn kém tiền bạc lẫn công sức.
Do đây là chương trình tuyệt mật nên chi tiết tính năng của tiêm kích mới vẫn chưa được tiết lộ. Thế nhưng, RBTH dẫn lời giới chuyên gia quốc phòng và các nguồn tin trong ngành cho hay thân máy bay sẽ được làm bằng một loại vật liệu tổng hợp composite nhẹ song có độ bền cao. Điểm quan trọng nhất là chiến đấu cơ sẽ được phát triển để có thể đạt vận tốc bội siêu thanh, khoảng Mach 6 - 7 (tức gấp từ 6 đến 7 lần tốc độ âm thanh, tầm 7.400 - 8.600 km/giờ) ở những giai đoạn bay nhất định. Vì thế, vật liệu tổng hợp nói trên sẽ đáp ứng được yêu cầu về khả năng chịu nhiệt ở tốc độ cực cao.
Mặt khác, động cơ máy bay được cho là đủ khả năng hoạt động trong cả môi trường chân không. Điều này cho thấy một trong những nhiệm vụ của tiêm kích thế hệ 6 có thể sẽ liên quan đến cả bay vào quỹ đạo trái đất. Máy bay mới cũng không thể thiếu hệ thống điện tử có khả năng hoạt động hiệu quả và ổn định trong mọi tình huống để duy trì liên lạc thường xuyên với trung tâm chỉ huy dưới mặt đất, trên không và cả trên tàu vũ trụ, theo RBTH.
Giới chức Nga không đề cập cụ thể thời gian chế tạo máy bay thế hệ 6, nhưng một lãnh đạo tại Sukhoi tiết lộ tiêm kích thế hệ 6 đầu tiên sẽ được đưa vào thực chiến vào nửa cuối thập niên 2020.
mau goi y f/a-xx cua boeing danh cho hai quan my - do hoa: boeing

Mẫu gợi ý F/A-XX của Boeing dành cho Hải quân Mỹ - Đồ họa: Boeing


Đối thủ tiềm năng
Nhiệm vụ chiến đấu hay đối thủ tiềm tàng của tiêm kích thế hệ 6 vẫn còn là ẩn số. Hiện nay chỉ có vài quốc gia đủ khả năng chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5 và dẫn đầu vẫn là Mỹ và Nga. Mỹ đã triển khai F-22 cho hàng loạt sứ mệnh quân sự, mới nhất là chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhưng chương trình F-35 đang có dấu hiệu chững lại do nhiều trục trặc và bị đội kinh phí. Ngoài ra, theo trang Flightglobal.com, Washington cũng đang nghiên cứu phát triển tiêm kích thế hệ 6, với dự án F/A-XX của Hãng Boeing nhằm tìm sẵn “người kế nhiệm” cho F-22.
Một quốc gia khác là Trung Quốc lâu nay đã rầm rộ công bố hình ảnh của các tiêm kích J-20 và J-31. Theo truyền thông trong nước, đây được cho là những mẫu chiến đấu cơ tân tiến nhất của Bắc Kinh hiện nay và “không hề thua kém” máy bay thế hệ 5 của các nước khác. Tuy nhiên, giới quan sát nước ngoài khẳng định J-31 cao lắm cũng chỉ là “thế hệ 4 rưỡi” vì còn khoảng cách rất xa so với F-22 của Mỹ hay PAK-FA T-50 của Nga.
Tại Triển lãm hàng không Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông hồi tháng 11.2014, chiếc J-31 đã phun khói đen mịt mù trong lúc trình diễn khiến các nhà chế tạo một phen muối mặt, theo trang Business Insider. Các chuyên gia lý giải nguyên do là máy bay vẫn sử dụng động cơ phản lực cũ kỹ RD-93 từ thời thập niên 1970 của Liên Xô.
Tờ The Fiscal Times dẫn lời các chuyên gia nhận định việc Nga khởi động phát triển tiêm kích thế hệ 6 trong khi vẫn đang hoàn thiện chiến đấu cơ thế hệ 5 cho thấy nước này có tầm nhìn xa đối với tương lai ngành hàng không quân sự và quyết không chịu tụt lại phía sau Mỹ. Tuy còn phải mất rất nhiều thời gian trước khi tiêm kích thế hệ 6 của Moscow tung hoành trên bầu trời, nhưng chắc chắn Washington sẽ không khỏi lo lắng khi họ vẫn đang loay hoay với bài toán F-35, theo The Fiscal Times.
Uy lực của tiêm kích PAK-FA T-50
Hiện Nga đang tích cực thử nghiệm máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA T-50. Theo tờ Kommersant, quy trình thử nghiệm chiến đấu cơ này sẽ hoàn tất trong năm nay và sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2017. Có thể đạt Mach 4 (khoảng 5.000 km/giờ) chỉ trong vài giây, PAK-FA T-50 được thiết kế để làm đối trọng với F-22 Raptor của Mỹ. Ngoài khả năng tàng hình, máy bay còn sở hữu nhiều loại vũ khí lợi hại bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải với khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 240 km và các loại bom thông minh có sức công phá lớn. Tiêm kích này còn được trang bị cả hệ thống điện tử và radar tân tiến.
Nga sẽ đáp trả việc Mỹ đưa bom hạt nhân đến châu Âu
Nga sẽ có hành động đáp trả phù hợp với kế hoạch triển khai bom hạt nhân B61-B12 nâng cấp của Mỹ đến châu Âu, tờ Kommersant ngày 11.3 dẫn lời một quan chức cấp cao của Nga tuyên bố. “Về mặt quân sự, theo thông lệ, mọi hành động đều gây ra phản ứng, tôi chắc rằng Nga sẽ có đáp trả thích đáng với việc Mỹ triển khai bom mới và mức độ phản ứng sẽ được xác định dựa trên việc phân tích kỹ lưỡng mọi tình huống”, ông Mikhail Ulyanov, người đứng đầu Cơ quan chống phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, nói.
Theo Hãng thông tấn Sputnik, Mỹ dự tính sẽ triển khai phiên bản B61-12 để thay thế 180 quả B61 thế hệ cũ đang đặt tại nhiều nước châu Âu như Đức, Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan. Ông Ulyanov còn nhấn mạnh thêm việc hiện đại hóa kho bom hạt nhân cho thấy NATO có ý định vi phạm Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) về lâu dài.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục