Các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ và Nhật Bản vừa công bố khuyến nghị liên minh hai cường quốc đẩy mạnh quan hệ quân sự với Đông Nam Á.
Tin thế giới đọc nhanh 13-03-2016
- Cập nhật : 13/03/2016
Pháp bắt hai thiếu nữ định tấn công Paris
Hai người này bị bắt hôm 9/3 với cáo buộc định tấn công một nhà hát ở Paris cách đây 4 tháng, AFP hôm nay dẫn tin từ nguồn liên quan đến pháp lý cho hay.
Qua các tin nhắn trên Facebook, hai thiếu nữ được cho là muốn thực hiện hành động tương tự vụ thảm sát vào ngày 13/11 năm ngoái. Hôm qua họ đã phải tham gia phiên tòa xem xét âm mưu liên quan đến khủng bố.
Tuy nhiên các ủy viên công tố Paris cho rằng các cuộc trao đổi của hai thiếu nữ mới ở giai đoạn đầu, "chưa có vũ khí hay vật liệu nổ bị phát hiện". Do đó họ đã được thả.
Pháp vẫn đang trong tình trạng cảnh báo cao kể từ vụ tấn công liên hoàn vào nhà hát Bataclan, sân vận động, các nhà hàng và quán bar ở Paris khiến 130 người thiệt mạng.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, cho rằng đây là hành động trả đũa Pháp vì tham gia liên minh không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm các phiến quân ở Syria.
Trung Quốc ngang nhiên nói sẽ đáp máy bay dân sự tới Hoàng Sa
Tân Hoa Xã dẫn lời Xiao Jie, thị trưởng của cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam cho biết những chuyến bay dân sự có thể đến và đi tới khu vực này trong vòng một năm nữa.
Ông Xiao cũng tuyên bố hai tàu khách và một tàu cảnh sát trở thành trạm liên lạc di động cho cái gọi là “thành phố Tam Sa” này.
Quan chức trên cũng lớn tiếng nói rằng đường băng ở Phú Lâm và một đường băng khác ở đá Chữ thập thuộc Trường Sa sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực để phục vụ hoạt động hàng hải, giám sát và cung cấp dữ liệu về thời tiết và hàng không.
Tuyên bố ngang ngược này đưa ra sau khi Trung Quốc đã trắng trợn đưa tên lửa phòng không và chiến đấu cơ tới Phú Lâm và lớn tiếng nói rằng đó là hoạt động “phòng vệ có giới hạn” và tất cả các công trình xây dựng ở biển Đông đều mang mục đích dân sự. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang thực hiện âm mưu quân sự hóa và giành quyền kiểm soát thực tế ở biển Đông.
Trước đó, tháng 11-2015, một máy chiến đấu được trang bị vũ trang của Trung Quốc đã đáp xuống một đường băng mở rộng ở đảo Phú Lâm. Các quan chức ngoại giao khu vực cho biết Bắc Kinh cũng đã hoàn thành nhiều nhà chứa máy bay trong khu vực.
Mỹ và các nước khu vực đã bày tỏ quan ngại về loạt hành động hung hăng của Trung Quốc để theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông.
Nga “lột” vũ khí hạt nhân tàu ngầm tên lửa lớn nhất thế giới
Đài RT ngày 11-3 đưa tin năm 2016, Nga sẽ giải trừ hệ thống tên lửa của tàu ngầm Arkhangelsk TK-17 lớp Typhoon lớn nhất thế giới.
Hành động giải trừ quân bị nói trên được tiến hành theo thỏa thuận mang tên Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) giữa Moscow và Washington.
Theo thỏa thuận này, hãng đóng tàu hàng đầu của Nga Zvezdochka ở thành phố Severodvinsk sẽ chịu trách nhiệm lột bỏ hệ thống tên lửa của chiếc Arkhangelsk, hãng thông tấn TASS cho hay hôm 11-3.
“Chúng tôi sẽ bỏ toàn bộ bệ phóng tên lửa trên tàu ngầm và niêm phong chúng lại, do đó không thể sử dụng vũ khí tên lửa của con tàu. Chúng tôi chưa thể nói về việc tháo dỡ tàu ngầm. Hoạt động này vẫn chưa được thông báo” – tuyên bố từ Arkhangelsk cho biết.
Theo cơ quan hạt nhân Nga Rosatom, việc giải trừ quân bị tàu ngầm hạt nhân nói trên ước tính mất khoảng 28 triệu ruble (tương đương 400 ngàn USD).
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo năng lượng hạt nhân Arkhangelsk TK-17 được thiết kế năm 1987 trong Dự án 941 ‘Shark’ (hay còn được gọi là ‘Typhoon’ theo phân loại của NATO). Dự án này nhằm trang bị cho Hải quân Xô viết các tàu ngầm tên lửa đạn đạo năng lượng hạt nhân. Và kết quả là một đội tàu ngầm lớn nhất của lớp này ra đời. Mỗi chiếc đủ chỗ cho thủy thủ đoàn 179 người “lặn” dưới đáy biển nhiều tháng, và trữ kho vũ khí với 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ba trong số sáu chiếc tàu ngầm lớp Typhoon này được đóng vào những năm 1980 và đã bị tháo dỡ ở các xưởng đóng tàu ở Severodvinsk. Trong ba chiếc còn lại, hai chiếc Arkhangelsk và Severstal đã được lên kế hoạch tháo dỡ. Chiếc “sống sót” cuối cùng là Dmitri Donskoi gần đây được đưa vào quy trình hiện đại hóa và hiện đã được trang bị để thử nghiệm hệ thống tên lửa Bulava tối tân.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được đưa ra nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ đi vào hiệu lực năm 2011. Hiệp ước này thay thế cho thỏa thuận trước đó năm 1991. Nó đưa ra mức trần thấp hơn đối với số lượng đầu đạn hạt nhân và hệ thống tên lửa được triển khai.
Bình luận về những tiến triển của hiệp ước này trong lễ kỉ niệm 5 năm đi vào hiệu lực hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng cả hai bên đã hợp tác thành công trong lĩnh vực này.
“[Hiệp ước New START] tiếp tục là lĩnh vực hợp tác và đối thoại giữa Mỹ và Nga. Tôi chia sẻ niềm tin mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng hai quốc gia chúng ta – vốn đi đầu trong kỉ nguyên vũ khí hạt nhân, có trách nhiệm đặc biệt nhằm dẫn thế giới vượt qua nó” – ông Kerry nói trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, theo RT, những động thái mới nhất của Mỹ, như các kế hoạch nâng cấp bom chiến lược 180 B61s ở các căn cứ không quân châu Âu thành phiên bản hiện đại hóa B61-12, đã làm dấy lên những nghi ngờ liệu Mỹ có toàn tâm toàn ý với Hiệp ước Không Phố biến vũ khí hạt nhân (NPT)
GS. Stephen Hawking kêu gọi Anh không rời EU
Nhà vật lý học - giáo sư Stephen Hawking kêu gọi nước Anh nên ở lại Liên minh châu Âu vì việc rời khối là một thảm họa với nền khoa học nước này.
Theo BBC, ý kiến của giáo sư Stephen Hawking được nêu lên trong một bức thư gửi tới báo Times có kèm theo chữ ký của hơn 150 học giả khác của Hiệp hội Hoàng gia Anh.
Bức thư nêu quan điểm, việc rời EU sẽ gây tổn thất nặng nề với công tác nghiên cứu khoa học của Anh.
Theo các nhà nghiên cứu, trong đó có giáo sư Hawking, lâu nay nhiều nhà khoa học trẻ tài năng từ các nước châu Âu khác đã được sung vào đội ngũ nghiên cứu khoa học của nước Anh.
Họ cũng nói nguồn ngân sách tăng thêm của châu Âu cũng đã làm lợi rất nhiều cho hoạt động khoa học của Anh.
Bức thư viết: “Thứ nhất, nguồn ngân sách được tăng thêm đã nâng tầm đáng kể cho trình độ khoa học châu Âu nói chung và của nước Anh nói riêng vì chúng ta có một lợi thế cạnh tranh.
Thứ hai, chúng ta hiện đang thu hút rất nhiều những nhà nghiên cứu giỏi nhất từ châu Âu, trong đó có cả những người trẻ hơn đã được nhận tài trợ của Liên minh châu Âu và cũng đã lựa chọn tới Anh nghiên cứu”.
Các nhà khoa học cho rằng thực tế đó đã khuyến khích các nhà khoa học giỏi nhất từ những nơi khác tới Anh.
Bức thư cũng trích dẫn ví dụ về trường hợp của Thụy Sỹ rất khó khăn trong việc thu hút tài năng khoa học trẻ do những hạn chế về tự do di chuyển.
Triều Tiên lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng, ‘giải phóng Hàn Quốc’
Triều Tiên ngày 12-3 nói rằng quân đội nước này đã sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu và “giải phóng” Hàn Quốc, theo AP.
Trong một tuyên bố được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lại, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) cho biết các đơn vị tiền tuyến nước này đã sẵn sàng tiến hành tấn công phủ đầu nếu họ nhận thấy có dấu hiệu các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tham gia tập trận chung có hành động xâm lược Triều Tiên.
KPA sẽ đáp trả cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc bằng chiến dịch “giải phóng toàn bộ Hàn Quốc, gồm cả Seoul” thông qua “những cuộc tấn công chớp nhoáng có độ chính xác cao”.
Ngày 7-3, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc. Triều Tiên cảnh báo sẽ đáp trả bằng một "cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu" nhằm vào Washington và Seoul. Đáp lại, phía Seoul tuyên bố sẽ đáp trả bất cứ hành động khiêu khích nào của Bình Nhưỡng.