Ông Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp bang Michigan
Lãnh đạo thế giới ca ngợi thỏa thuận hạt nhân với Iran
Trung Quốc kiểm soát chặt quân đội
Tương lai nào cho Saudi Arabia trong cơn bão giá dầu?
IS bắt cóc hơn 400 thường dân ở Syria
Tin thế giới đọc nhanh trưa 19-06-2016
- Cập nhật : 19/06/2016
Mỹ không rút tàu chiến khỏi Biển Đen bất chấp cảnh báo của Nga
Bộ trưởng Hải quân Mỹ, ông Ray Mabus, nhấn mạnh sự hiện diện của tàu chiến Mỹ tại Biển Đen là để ngăn chặn các xâm lược tiềm năng và giữ cho các tuyến đường biển luôn mở.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ lúc đi ngang qua thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-6. Ảnh: Reuters
Reuters dẫn lời ông Mabus ngày 17-6 nhấn mạnh: “Chúng sẽ hiện diện tại Biển Đen, sẽ ngăn chặn…các cuộc xâm lược tiềm tàng”
Tuyên bố của Bộ trưởng Hải quân Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga chỉ trích sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ tại Biển Đen chỉ làm bất ổn thêm tình hình khu vực.
Mátxcơva cũng cảnh báo Mỹ và NATO không nên triển khai thường xuyên tàu chiến ở Biển Đen.
Andrei Kelin, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo: “Nếu quyết định thành lập một lực lượng thường trú tại Biển Đen, nó chỉ gây thêm bất ổn cho khu vực bởi đây không phải là biển của NATO”
Đáp lại, ông Mabus khẳng định, Washington cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Montreux. Theo đó, các quốc gia không có bờ biển giáp với Biển Đen sẽ không được phép duy trì tàu chiến quá 21 ngày.
Reuters nhận định dường như, dưới sức ép từ phía Nga, Thủ tướng Bulgaria, ông Boiko Borisov ngày 16-6 đã từ chối đề xuất của NATO về một lực lượng hải quân thường trú tại Biển Đen. Ông Borisov nhấn mạnh Biển Đen nên là nơi dành cho những kì nghỉ mát và du khách chứ không phải chiến tranh.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Ba Lan, Mỹ đã triển khai thêm hai tàu sân bay đến khu vực Địa Trung Hải, điều đã làm dấy lên những lo ngại và căng thẳng từ Nga.
“Mỹ đã hiện diện ở Địa Trung Hải liên tục trong suốt 70 năm qua, kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai”, ông Mabus nhấn mạnh, “Chúng tôi đang đảm bảo các tuyến đường biển luôn mở - đó là những gì chúng tôi làm”
Trung Quốc muốn gây bất hòa trong ASEAN
Indonesia tiếp tục ủng hộ mọi nỗ lực củng cố ổn định và hòa bình ở biển Đông. Báo Tempo (Indonesia) đưa tin ngày 16-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir tuyên bố như trên.
Ông giải thích Indonesia không phải là nước tranh chấp ở biển Đông, do đó Indonesia giữ quan điểm khách quan và nhắm đến một mục đích duy nhất là hòa bình và ổn định khu vực.
Ông khẳng định Indonesia tiếp tục ủng hộ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, đồng thời nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông.
Liên quan đến hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 14-6, người phát ngôn Arrmanatha Nasir nhấn mạnh văn bản đã công bố sau hội nghị tuy chỉ là thông cáo báo chí nhưng nội dung phù hợp với các tuyên bố trước đây của ASEAN về biển Đông.
Báo The Straits Times (Singapore) đưa tin Indonesia và Philippines đều khẳng định ban đầu các bộ trưởng ngoại giao tham dự hội nghị ASEAN đã nhất trí với nội dung tuyên bố chung (dù không được công bố).
Báo The Philippine Star ghi nhận hội nghị ASEAN không thể công bố tuyên bố chung có lời lẽ cứng rắn về tranh chấp ở biển Đông là do bất đồng trong nội bộ ASEAN.
Máy bay E/A-18G Growler trên tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis ngày 5-6 ở biển Đông. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tại Philippines ngày 16-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Charles Jose đã giải thích với báo chí tuyên bố chung đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về các diễn biến làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi quyền tự do hàng hải và hàng không đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế
Ông cho biết Trung Quốc đã phản đối tuyên bố chung sử dụng câu chữ như thế với lý do Mỹ và các đồng minh có thể lợi dụng để can thiệp vào tranh chấp ở biển Đông.
Người phát ngôn Charles Jose nói ban đầu các bộ trưởng ngoại giao đều nhất trí về nội dung tuyên bố chung nhưng sau đó một số bộ trưởng ngoại giao có lẽ đã đổi ý.
Ông ghi nhận không rõ sắp tới liệu tuyên bố chung có được công bố hay không trong khi Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã ra tuyên bố riêng rẽ về hội nghị.
Báo The Philippine Star dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao cấp cao Philippines (giấu tên) cho biết ba nước Lào, Campuchia và Myanmar đã rút lại ủng hộ đối với tuyên bố chung để tránh Trung Quốc.
Ngày 16-6, khi được hỏi về việc Trung Quốc phản đối tuyên bố chung, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không trả lời trực tiếp mà chỉ nói nếu ASEAN muốn chính thức phát tuyên bố về quan điểm thì phải được tất cả các nước thành viên ASEAN đồng ý.
Vì sao quan chức Trung Quốc liên tiếp tự tử
Chỉ riêng trong ngày 12/6, ít nhất hai quan chức Trung Quốc đã tự sát. Theo truyền thông đại lục, phó tổng thư ký (tương đương phó chánh văn phòng) tỉnh ủy Quảng Đông Lưu Tiểu Hoa, đã tự vẫn bằng cách treo cổ tại nhà.
Chỉ ít giờ trước đó, bà Tiêu Bích Ba, người đứng đầu cơ quan bảo mật khu Diêm Điền, Thẩm Quyến, đã tự sát bằng cách gieo mình từ trên cầu xuống.
Theo SCMP, cảnh sát đang điều tra nguyên nhân cái chết của hai quan chức này. Tuy vậy số lượng ngày một tăng các vụ "chết không vì nguyên nhân tự nhiên", mà phần nhiều trong số đó là tự tử, đã khiến đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu xem xét vấn đề này từ năm ngoái.
Một bài bình luận trên Guangming Daily, có trụ sở tại Bắc Kinh, trong giai đoạn 2003 - 2012, khi ông Hồ Cẩm Đào là chủ tịch Trung Quốc, ít nhất 68 quan chức đã tự kết liễu đời mình, còn từ khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức, chỉ trong hai năm đầu đã có ít nhất 77 quan chức tự tử.
Số vụ tự tử gia tăng trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn được ông Tập chỉ đạo diễn ra tại mọi cấp trong chính quyền, quân đội cùng các doanh nghiệp quốc doanh.
Viên Dụ Lai, một luật sư nổi tiếng tại tỉnh Chiết Giang, cho rằng không có gì ngạc nhiên khi nhiều quan chức tự vẫn trước khi họ bị thẩm vấn bởi các điều tra viên chống tham nhũng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong một quá trình còn được gọi là shuanggui (song quy - điều tra nội bộ).
"Từng đối xử cứng rắn và khó khăn với những người dân thường, một số quan chức lại bị đối xử tương tự khi họ phải đối diện với các quan chức cấp cao hơn", ông Viên nói.
Các quan chức bị cáo buộc tham nhũng thường phải đối diện với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), và sẽ không được liên lạc với bên ngoài trong thời gian thẩm vấn, trước khi bị chuyển cho cơ quan công tố. Các công tố viên sau đó hỗ trợ quá trình điều tra và đưa ra các cáo trạng.
Nhưng do hệ thống này được xem là cơ chế kỷ luật nội bộ, mọi việc thường không diễn ra công khai. Không hề có quy định rõ ràng nào về thời gian tối đa cho mỗi shuanggui, và đã có nhiều chỉ trích xem cơ chế này là sự lạm dụng quyền lực của một số điều tra viên.
Năm 2013, một kỹ sư trưởng 42 tuổi tại công ty quốc doanh Wenzhou Industry Investment đã tử vong sau khi bị giam giữ 38 ngày với nghi ngờ nhận hối lộ. Một khi nghi phạm chết, cơ quan công tố sẽ tuyên bố hủy cuộc điều tra hình sự.
Với một số quan chức khác, tự vẫn có thể đem đến một tác dụng khác, đó là bảo vệ gia đình họ.
Luật Trung Quốc ghi rõ rằng tòa án, thay vì CCDI, là cơ quan duy nhất được quyền phán quyết một viên chức bị tình nghi có phạm tội hay không. Nếu viên chức đó chết trước khi xét xử, tiến trình tố tụng sẽ bị hủy ngay lập tức.
"Khi nghi phạm được xác định tử vong, cơ quan công tố sẽ đình chỉ việc điều tra trách nhiệm hình sự của người đó, đóng hồ sơ hoặc hủy bỏ xét xử", luật hình sự của Trung Quốc có đoạn viết.
Cũng do đó, thông qua việc tự sát, nhiều quan chức có tội đã tích lũy được khối tài sản bất chính khổng lồ có thể bảo vệ gia đình mình khỏi các cuộc điều tra.
Rất có thể suy nghĩ như vậy đã lóe lên trong đầu Trần Hồng Kiều, 49 tuổi, cựu chủ tịch của công ty quốc doanh Guosen Securities, người đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng ở Thẩm Quyến hôm 22/10/2015.
Vụ tự tử của Trần diễn ra trong bối cảnh giới chức Bắc Kinh triển khai cuộc điều tra rầm rộ, để truy trách nhiệm những cá nhân bị cho là liên quan đến sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc mùa hè năm ngoái. Hàng nghìn tỷ nhân dân tệ đã bốc hơi khỏi thị trường sau khi giá cổ phiếu đồng loạt lao dốc.
Trần tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh có đoạn viết: "Xin hãy để vợ con tôi được yên".
Ông McCain quy trách nhiệm vụ xả súng Orlando cho ông Obama
Ngày 16-6, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain nêu quan điểm cho rằng Tổng thống Barack Obama là người phải “chịu trách nhiệm trực tiếp” trong vụ xả súng tại Orlando, bang Florida.
Tổng thống Barack Obama (trái) và Phó tổng thống Joe Biden đặt hoa tại khu tưởng niệm ở Orlando, ngày 16-6 - Ảnh: Reuters
Theo AP, ông McCain cho rằng sở dĩ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có cơ hội nhen nhóm thành lập và trỗi dậy được là vì những sai lầm về mặt chính sách an ninh dưới thời điều hành đất nước của ông Obama.
Tuy nhiên, không lâu sau khi đưa ra tuyên bố này và nhận về rất nhiều chỉ trích từ phía Đảng Dân chủ, ông McCain đính chính, cho biết mình đã “nói nhầm”.
Ông giải thích lại quan điểm của mình: “Tôi không có ý nói tổng thống là người phải chịu trách nhiệm về mặt cá nhân. Ý tôi là nói về những quyết sách an ninh quốc gia của Tổng thống Obama chứ không phải bản thân con người ông ấy”.
Trước đó, trong phiên thảo luận của Thượng viện Mỹ về dự thảo chi tiêu ngân sách, ông McCain tỏ ra rất bất bình khi nói: “Ông Barack Obama phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc đó, vì khi ông ấy rút hết quân đội ra khỏi Iraq, lực lượng al-Qaeda tới Syria và trở thành IS, và IS trở thành như ngày hôm nay chính là nương vào những sai lầm của ông Obama, những sai lầm toàn diện khi rút toàn bộ quân đội ra khỏi Iraq”.
Và ông kết luận: “Vậy nên trách nhiệm trong vụ việc này là ở Tổng thống Barack Obama và những chính sách sai lầm của ông ấy”.
Trong diễn biến liên quan, ngày 16-6, bốn ngày sau khi xảy ra vụ xả súng tại hộp đêm Pulse, Tổng thống Obama và Phó tổng thống Joe Biden tới Orlando để thăm các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ xả súng và gặp gỡ những nạn nhân may mắn sống sót.
Hãng Reuters dẫn chia sẻ của ông Obama trước báo giới: “Tôi nắm tay họ, ôm những thân nhân đau khổ của các nạn nhân và họ đã hỏi tôi rằng tại sao chuyện này vẫn cứ tiếp diễn?”.
Một lần nữa Tổng thống Obama hối thúc quốc hội thông qua các biện pháp giúp kiểm soát súng đạn mạnh tay hơn và cho biết ông rất vui khi biết tin thượng viện sẽ tổ chức bỏ phiếu về vấn đề ngăn cản những kẻ bị tình nghi là khủng bố được phép mua súng.
Trung Quốc: Thêm hai tướng quân đội bị điều tra tham nhũng
Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Tướng Liêu Tích Long và cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tướng Lý Kế Nại đã chính thức bị điều tra do liên quan đến tham nhũng.
Tờ “Đông phương nhật báo” của Hong Kong ngày 18/6 đưa tin cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Tướng Liêu Tích Long và cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị PLA, Tướng Lý Kế Nại đã chính thức bị điều tra do liên quan đến tham nhũng.Báo trên cho biết cả Tướng Liêu Tích Long và Tướng Lý Kế Nại đều liên quan đến 8 vấn đề lớn, trong đó có việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động "mua quan bán chức" trong quân đội của hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã “ngã ngựa” là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, lạm dụng chức quyền mưu lợi cá nhân.
Điều khiến dư luận quan tâm là Tướng Liêu Tích Long và Tướng Lý Kế Nại đều là tâm phúc của cựu lãnh đạo Trung Quốc, Giang Trạch Dân. Trong đó, năm 2000, Tướng Liêu Tích Long được ông Giang Trạch Dân phong hàm Thượng tướng.(TTXVN)