Đài Loan bác tin Trung Quốc hành động quân sự sau vụ phóng nhầm tên lửa
Tàu chiến Đài Loan 'lỡ tay' bắn tên lửa ngoài khơi Trung Quốc
Hồng Kông ngột ngạt, chia rẽ
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu 'tan băng'
Thái Lan quyết định mua tàu ngầm tấn công của Trung Quốc
Tin thế giới đọc nhanh trưa 01-07-2016
- Cập nhật : 01/07/2016
ASEAN có cơ sở để can dự vào vấn đề Biển Đông
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002 là tài liệu nói rõ về cách tiếp cận các vấn đề Biển Đông, cho thấy ASEAN đã “sẵn sàng can dự”.
Trả lời phỏng vấn báo chí nhân Ngày các lực lượng vũ trang Singapore (1/7), ông Ng Eng Hen khẳng định đối với ASEAN và các nước khác, có một sự thật không thể bỏ qua là Biển Đông là tuyến đường hàng hải quốc tế. Ông Ng Eng Hen cũng lưu ý rằng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002 là tài liệu nói rõ về cách tiếp cận các vấn đề Biển Đông, cho thấy ASEAN đã “sẵn sàng can dự”.
Bình luận về phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, quan chức này nhận định rằng phán quyết có thể làm gia tăng những hành động và phản ứng, vì vậy các nước cần thận trọng.
Trong khi đó, Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 30/6 cho biết ông sẽ không “chế nhạo hoặc phô trương” nếu một phán quyết của PCA có lợi Manila trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông nhân kỷ niệm ngày Lực lượng vũ trang Singapore, Bộ trưởng Ng Eng Hen nhấn mạnh Singapore, với vai trò điều phối viên quan hệ Trung Quốc – ASEAN, sẽ cố gắng đưa ra các biện pháp thực tế để làm giảm căng thẳng tại Biển Đông.
Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng chia sẻ những suy nghĩ của mình về môi trường địa chiến lược và những thách thức an ninh hiện nay. Ông lưu ý "dù mong muốn gì, ưa thích như thế nào hay vị trí ra sao thì không thể phủ nhận rằng vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề quốc tế, tin tức về vấn đề này rất nhiều”.
Ông Ng Eng Hen cũng cho biết việc thiết lập các đường dây nóng và tổ chức các cuộc tập trận quân sự cũng như những gì đã được thực hiện trong hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và cuộc tập trận chống khủng bố vừa diễn ra vào tháng 5 là những biện pháp thực tế giúp xây dựng lòng tin, cũng như sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên và giúp giảm căng thẳng.
Phi cơ Nhật xuất kích 200 lần trong ba tháng chặn máy bay Trung Quốc
Nhật Bản cho biết Trung Quốc đang leo thang hoạt động quân sự tại biển Hoa Đông, số lần phi cơ Tokyo xuất kích chặn máy bay của Bắc Kinh cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Phi cơ không quân Nhật Bản xuất kích khoảng 200 lần trong ba tháng qua, tính đến cuối tháng 6. Con số này trong cùng kỳ năm ngoái là 114 lần, Reuters dẫn lời Katsutoshi Kawano, đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), phát biểu tại cuộc họp báo hôm nay ở Tokyo. "Dường như các hoạt động của Trung Quốc đang leo thang cả trên không lẫn trên biển".
Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp trên biển Hoa Đông về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Tokyo kiểm soát. Tokyo cho rằng Bắc Kinh tăng cường hoạt động ở biển Hoa Đông là để đáp trả việc Nhật Bản cam kết hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á.
Ông Kawano cho biết Nhật Bản còn "quan ngại sâu sắc" về cách phản ứng của Trung Quốc với phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Manila đối với "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh tự vẽ ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông. PCA dự kiến có phán quyết vào ngày 12/7.
Trung Quốc đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên "đường lưỡi bò", còn gọi là "đường 9 đoạn", mà nước này tự vẽ ra, đi sát vào vùng biển của các quốc gia láng giềng. Philippines cho rằng tuyên bố của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và khiến Manila bị hạn chế khai thác tài nguyên và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế.
Scotland xin ở lại EU
Lãnh đạo Scotland và Liên minh châu Âu hôm qua thảo luận về việc bảo vệ lợi ích của nước này trong khối, sau khi Anh bỏ phiếu ra khỏi liên minh.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz bắt tay với bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland tại Brussels. Ảnh: AFP
"Hôm nay tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm và nhiều lời chúc tốt đẹp", Wall Street Journal dẫn lời bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland,nói tại cuộc họp báo ở Brussels, sau cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
"Điều đó tất nhiên không có nghĩa là một con đường dễ dàng tự động mở ra cho Scotland để vượt qua tình thế chúng tôi đang mắc phải. Tôi nhấn mạnh là chúng tôi không gây ra tình thế đó, nhưng những lời chúc và sự đồng cảm đó có nghĩa là tối nay, tôi rời Brussels để trở về Edinburg với trái tim thanh thản và lạc quan".
Trước cuộc gặp, ông Juncker nói Scotland đã "giành được quyền để được lắng nghe ở Brussels", nhưng nói thêm rằng EU sẽ không can thiệp vào vấn đề độc lập của Scotland.
Sturgeon cho biết bà quyết tâm tìm cách để giữ Scotland ở lại Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, theo BBC, Pháp và Tây Ban Nha phản đối việc EU thảo luận về tư cách thành viên của Scotland. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói ông "tin rằng mọi người đều cực lực phản đối điều đó" và "nếu Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ra đi, Scotland cũng ra đi". Tổng thống Pháp Francois Hollande thì khăng khăng rằng EU sẽ không có thỏa thuận trước nào với Scotland.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà Sturgeon nói một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai của Scotland về việc độc lập khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã trở lại bàn thảo luận và nội các của bà sẽ chuẩn bị về luật pháp để mở đường cho việc này. Cách đây hai năm, người Scotland bỏ phiếu trưng cầu bác bỏ việc độc lập khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Đa số người đi bỏ phiếu ở Scotland, Bắc Ireland và Gibraltar ủng hộ việc ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây một tuần. Kết quả cũng cho thấy 51,9% người đi bầu trên toàn bộ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ủng hộ ra khỏi liên minh, nhiều hơn số người phản đối chỉ gần 4%.
Taliban đánh bom sát hại 27 học viên cảnh sát Afghanistan
Trưa 30-6, nhóm Taliban thực hiện một vụ đánh bom vào xe buýt chở các học viên cảnh sát, làm ít nhất 27 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương.
Hãng tin AP dẫn lời Mousa Rahmati, thị trưởng quận Paghman, cho biết vụ tấn công xảy ra cách thủ đô Kabul 20km về phía tây, khi nhóm học viên cảnh sát đang trên đường từ trung tâm huấn luyện ở Wardak trở về thủ đô Kabul.
Theo thông tin ban đầu từ chính phủ Afghanistan, có ít nhất hai tay súng tham gia vụ tấn công và con số thương vong có thể còn tăng cao.
Ngay sau khi thực hiện vụ tấn công, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của nhóm Taliban đã gửi thư đến Hãng tin AP, nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Vụ tấn công xảy ra chỉ 10 ngày sau khi nhóm này thực hiện vụ tấn công xe buýt chở các nhân viên an ninh người Nepal đang làm việc cho đại sứ quán Canada tại Kabul, làm 14 người thiệt mạng.
Tháng 4-2016, 64 người chết trong vụ Taliban tấn công trụ sở cơ quan an ninh tại Kabul. Đây là vụ đánh bom đẫm máu nhất tại Afghanistan kể từ năm 2011.
Nga phát triển tàu trinh sát theo dõi tên lửa đạn đạo
Hải quân Nga sắp được biên chế các tàu trinh sát mới trang bị radar hiện đại có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo trên thế giới.
Sputnik hôm qua dẫn nguồn tin từ Cục Thiết kế Trung ương Iceberg của Nga cho biết hải quân nước này đang phát triển một loại tàu trinh sát thuộc dự án 18.290 có khả năng phát hiện, theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo trên thế giới.
Loại tàu này được trang bị radar và các thiết bị điện tử tối tân, hỗ trợ việc phát hiện và theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo ở bất cứ đâu trên thế giới có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Nga.
Đến nay, hải quân Nga chỉ có một chiếc tàu có chức năng tương tự là tàu Nguyên soái Krylov, được đóng từ năm 1989, nhưng đang được nâng cấp ở thành phố Vladivostok, thuộc vùng Viễn Đông.
Hồi tháng 7/2015, hải quân Nga đưa vào biên chế cho Hạm đội phương Bắc tàu trinh sát thế hệ mới đầu tiên thuộc dự án 18.28 mang tên Yury Ivanov. Tuy nhiên, lớp tàu này chỉ có nhiệm vụ theo dõi hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ trên biển.