Singapore: ASEAN phải nhận lãnh vai trò ở biển Đông
4 kịch bản để Anh ở lại EU
Thủ lĩnh Brexit bất ngờ “chạy” khỏi cuộc đua chức Thủ tướng Anh
8 lợi ích cốt lõi của Israel khi hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ
Úc sẽ chọn thủ tướng thứ 3 trong 3 năm
Tin thế giới đọc nhanh sáng 01-07-2016
- Cập nhật : 01/07/2016
Triều Tiên huy động toàn dân góp nồi, chảo... cho công trình trăm triệu USD
Báo Daily NK dẫn nguồn tin bên ở tỉnh Pyongan Nam, Triều Tiên ngày 28-6 cho biết người dân được chỉ thị phải nỗ lực hết sức để đóng góp cho đại lộ Rạng Đông - con đường đang được xây ở Bình Nhưỡng, được thiết kế riêng cho các nhà khoa học Triều Tiên.
Chính phủ nước này đã ban hành nhiều chỉ thị khác nhau liên tiếp, trong đó có chỉ thị yêu cầu các hộ gia đình Triều Tiên đóng góp vật dụng gia đình, từ xà phòng đến nồi, chảo để đóng góp cho dự án “đại lộ Rạng Đông” đang xây dựng trị giá hàng trăm triệu USD.
Không rõ tổng chi phí xây dựng đại lộ Rạng Đông - hay còn gọi là Ryomyong - ở mức bao nhiêu nhưng giai đoạn một xây dựng nó đã được hoàn thành hồi năm 2015 với chi phí lên đến 88,4 triệu USD.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm 28-6 đưa tin các đại biểu Quốc hội đã đi thực địa công trình đại lộ Rạng Đông, "chứng kiến tận mắt hình dáng của một con đường mới và hiện đại". KCNA ca ngợi họ vì đã đóng góp vật chất cho công trình.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, con đường kể trên sẽ đưa Bình Nhưỡng trở thành "một TP thậm chí còn tráng lệ, nguy nga hơn xưa".
Tuy nhiên, theo hãng tin UPI (Mỹ), dự án trên đang thiếu tiền. Vì thế chính quyền đã liên tục ban hành các chỉ thị liên quan đến dự án đại lộ Rạng Đông, trong đó bao gồm cả chỉ thị yêu cầu người dân phải đóng góp các vật dụng gia đình cho dự án từ nồi, chảo, xô, chậu, cuốc, đinh ốc đến bao tay, xà phòng hoặc các vật dụng vệ sinh khác.
Các trường học, nhà máy, công ty, công sở thì được giao nhiệm vụ khi tan học, tan làm phải đi nhặt phế liệu xung quanh nơi hoạt động của mình. Các nhân viên chính phủ cũng được giao nhiệm vụ đi gõ cửa từng nhà để thu xô, chậu...
Tuy nhiên, nguồn tin trên cho hay chỉ thị bắt buộc người dân đóng góp những vật dụng đó đang vấp phải sự chỉ trích từ người dân Triều Tiên.
Ấn Độ thử thành công tên lửa tầm xa đất đối không
Ấn Độ tuyên bố thử thành công tên lửa mang tên Barak 8 do nước này và Israel hợp tác sản xuất.
Ấn Độ ban đầu dự tính thử nghiệm tên lửa vào hôm qua nhưng đã hoãn sang hôm nay. Tên lửa được phóng đi từ bệ phóng số 3 tại khu thử tên lửa tích hợp Chandipur, bang Orissa, lúc 8h15 sáng nay, theo Sputnik.
Tên lửa tầm xa Barak 8 có thể đánh chặn mục tiêu trong phạm vi 70 km. Tên lửa dài 4 m, nặng 275 kg và có khả năng mang theo đầu đạn nặng 60 kg.
Các quan chức Ấn Độ và Israel, cùng giám sát vụ thử tên lửa, tuyên bố vụ thử "đạt các mục tiêu đề ra". Trước đó, Ấn Độ đã cho di dời tạm thời 3.652 cư dân trong bán kính 2,5 km tính từ bệ phóng tên lửa. Ngư dân ở vịnh Bengal cũng được khuyến khích không ra khơi khi Ấn Độ thử tên lửa.
Hôm 26/3, hải quân Ấn Độ tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung K-4 từ ống phóng đặt dưới nước ở vịnh Bengal. K-4 là tên lửa có tầm bắn 2.000 km thuộc hệ thống tên lửa đạn đạo K do Ấn Độ đang thử nghiệm. Ban đầu Ấn Độ thử tên lửa từ ống phóng đặt dưới nước, sau đó tên lửa sẽ được đặt hoàn toàn trên tàu ngầm.
Theo các chuyên gia quân sự, trong bộ ba hạt nhân, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) là vũ khí khó bị phát hiện và ngăn chặn nhất. Sức công phá của các SLBM trên một tàu ngầm hạt nhân chiến lược đủ để phá hủy hoàn toàn một quốc gia.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Trung Quốc điên rồ ở biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon đang có chuyến thăm Ấn Độ bốn ngày. Mục đích chuyến đi nhằm bàn về các vấn đề song phương và toàn cầu, về sự hợp tác giữa hai bên để duy trì trật tự toàn cầu dựa trên cơ sở luật pháp, trong lúc Trung Quốc đang quyết liệt thay đổi hiện trạng và quân sự hóa biển Đông.
Phát biểu tại Học viện Ngoại giao Ấn Độ ngày 29-6, Thứ trưởng Thomas Shannon nhận định Trung Quốc điên rồ ở biển Đông.
“Những gì Trung Quốc đang làm ở biển Đông là điên rồ, đó là tôi muốn nói đến những việc như xây đường băng rồi đưa máy bay ra đó. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên cơ sở luật pháp” - báoEconomic Times (Ấn Độ) dẫn lời Thứ trưởng Shannon.
Economic Times nhận định đây là lời lẽ nặng nề nhất mà Mỹ dành cho Trung Quốc thời gian gần đây và là điều khá bất thường đối với một quan chức ngoại giao khi đi thăm một nước thứ ba. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của ông Shannon với vai trò thứ trưởng Ngoại giao sau khi nhậm chức hồi tháng 4.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon cho rằng Trung Quốc đang điên rồ ở biển Đông. (Ảnh: REUTERS)
Theo Thứ trưởng Shannon, mục tiêu của Trung Quốc không chỉ là biển Đông mà còn là Ấn Độ Dương với việc Trung Quốc ngày càng mở rộng hiện diện ở khu vực này.
Một mặt chỉ trích Trung Quốc, một mặt Thứ trưởng Thomas Shannon khẳng định quan điểm của Mỹ luôn xem Ấn Độ là sức mạnh chiến lược tự nhiên ở Ấn Độ Dương. Theo ông, hợp tác Mỹ-Ấn Độ trên Ấn Độ Dương sẽ giúp cân bằng sự hiện diện sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực.
Mỹ hiện đang ủng hộ và vận động để Ấn Độ gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân, trong khi đó Trung Quốc ra sức phản đối. NSG là một cơ chế kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu, vật liệu, thiết bị liên quan đến năng lượng hạt nhân, gồm có 48 thành viên. Tại Ấn Độ, Thứ trưởng Shannon một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ nỗ lực giúp Ấn Độ trở thành thành viên của NSG.
Cuộc chiến toàn diện có thể nổ ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS
Vụ khủng bố tại sân bay quốc tế hôm 28/6 nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột bạo lực hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân IS.
Hiện chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ khủng bố tại sân bay Ataturk, thành phố Istanbul, khiến ít nhất 42 người chết và 240 người bị thương, nhưng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cáo buộc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là thủ phạm, theo Washington Post.
Vụ đánh bom thứ 5 trong năm nay ở Istanbul nhằm vào trung tâm giao thông quan trọng bậc nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Một tay súng kích hoạt khối thuốc nổ tại khu vực đón khách đến tại tầng trệt của sân bay. Nghi phạm thứ hai vài phút sau cho nổ một quả bom khác trong khu khởi hành ở tầng trên. Cuối cùng, tên thứ ba kích nổ bom tự sát tại bãi đỗ xe giữa lúc mọi người đang nhốn nháo, hoảng loạn tháo chạy, tìm nơi ẩn nấp.
Bình luận viên Erin Cunningham từ Washington Post nhận định cuộc tấn công nhằm vào một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới, biểu tượng của nền kinh tế hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ đẩy nước này vào một cuộc chiến sâu rộng hơn với IS.
"Nếu IS thật sự đứng sau vụ việc thì đây không khác gì một lời tuyên chiến", Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận xét. "Cuộc tấn công vừa qua hoàn toàn khác biệt, về phạm vi, mức độ ảnh hưởng cho đến số người thương vong".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người khắc họa bản thân như một lãnh đạo mạnh mẽ, bảo thủ "sẽ không thể bỏ qua chuyện này", ông Cagaptay cho hay.
Giới phân tích cho rằng sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu hiện nay vẫn còn miễn cưỡng. Các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm qua dường như phớt lờ mọi hoạt động của IS tại khu vực biên giới tiếp giáp Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Asssad và coi IS như một vũ khí giúp họ chống lại lực lượng người Kurd đang đấu tranh đòi quyền tự trị.
Mặt khác, IS được cho là đang vận chuyển vũ khí, chiến binh thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Ankara chỉ áp dụng những biện pháp kiểm soát lỏng lẻo tại khu vực biên giới tạo điều kiện để phiến quân phát triển một mạng lưới chân rết trải dài bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời điểm Ankara gia nhập liên minh chống IS do Washington dẫn đầu cũng là lúc các mạng lưới của IS bên trong Thổ Nhĩ Kỳ xác định được mục tiêu tấn công mới. IS đã nhận trách nhiệm hoặc bị cáo buộc tiến hành ít nhất 5 vụ đánh bom tự sát nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.
Sau vụ đánh bom, xả súng tại sân bay Ataturk, khả năng đôi bên lún sâu vào một cuộc chiến toàn diện là vô cùng lớn, chuyên gia dự đoán. "Họ đã đi từ chiến tranh lạnh đến chiến tranh một phần và nay chuẩn bị tiến tới một cuộc chiến toàn diện", ông Cagaptay nói.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng minh của Mỹ, có thể thực sự gia tăng vai trò trong các chiến dịch chống IS ở Syria hay không.Những cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các mục tiêu IS đã bị ngừng lại sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga ở khu vực gần biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái. Từ đó tới nay, Ankara chỉ thực hiện các nhiệm vụ giám sát, trinh sát trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gặp nhau tại Moscow năm 2015, trước khi vụ bắn hạ Su-24 xảy ra. Ảnh: AFP
Song Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm qua đã có một cuộc điện đàm quan trọng. Ông Putin gửi lời chia buồn tới các nạn nhân trong vụ tấn công sân bay. Trước đó, ông Erdogan gửi một lá thư cho ông Putin, bày tỏ sự hối tiếc về vụ bắn hạ phi cơ Nga. Diễn biến đột phá này khiến nhiều người lạc quan rằng Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể dấn thân sâu hơn vào cuộc chiến chống IS trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo Cagaptay, vụ khủng bố tại sân bay Ataturk chỉ là khởi đầu cho những cuộc tấn công tương tự sắp tới.
"Khả năng của IS dường như sẽ tiếp tục gia tăng", Ege Seckin, chuyên gia tại công ty phân tích rủi ro chính trị IHS Country Risk, đánh giá, đồng thời thêm rằng bản chất cũng như quy mô của các mạng lưới cực đoan ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nhiệm vụ ngăn chặn chúng trở nên vô cùng khó khăn.
Mỹ không kích tiêu diệt 250 tàn quân IS ở Iraq
Ngày 29-6, Mỹ đã thực hiện hàng loạt vụ không kích nhắm vào một đoàn xe chở các phần tử Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rời khỏi TP Fallujah (tỉnh Al Anbar, Iraq). Ít nhất 250 phần tử IS bị tiêu diệt, 40 xe bị phá hủy, hãng tinReuters (Mỹ) dẫn nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết.
Từ ngày 22-5, Mỹ đẩy mạnh không kích IS, hỗ trợ quân đội Iraq tiêu diệt IS. Trong hơn một tháng Mỹ đã thực hiện hơn 100 trận không kích quanh TP Fallujah.
Trong vòng một năm, Iraq đã chiếm lại ba TP chính từ IS: Anbar, Ramadi và giờ là Fallujah.
Chính phủ Iraq đã chiếm lại quyền kiểm soát TP Fallujah từ IS từ ngày 26-6, sau hơn hai năm trời mất kiểm soát TP này về tay IS.
Đây là diễn biến bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS và tạo đà để Iraq tiến lên chiếm lại TP Mosul - TP lớn thứ hai Iraq và là căn cứ chính của IS.
Cuối tuần rồi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đến thăm TP Fallujah và cam kết sẽ sớm chiếm lại TP Mosul. Mục tiêu thời gian ông al-Abadi đề ra là vào cuối năm 2016, tuy nhiên Mỹ nhận định sẽ lâu hơn.
Từ tháng 3 quân chính phủ Iraq đã bắt đầu chiếm lại các địa phương lân cận TP Mosul và hiện đóng quân ở thị trấn Makhmour cách TP Mosul 75 km.