Trung Quốc điều tra tham nhũng với Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia
Lo ngại Nga, Ba Lan điều 46.000 quân bảo vệ biên giới
Tài sản của ông Putin gấp hơn hai lần của tỉ phú Bill Gates?
Chiến đấu cơ Ấn Độ 'sơ ý' đánh rơi bom xuống khu dân cư
Người phụ nữ 35 năm biểu tình trước Nhà trắng qua đời
Tin thế giới đọc nhanh sáng 30-06-2016
- Cập nhật : 30/06/2016
Bầu cử Tây Ban Nha: Gia tăng nguy cơ bất ổn cho châu Âu
Sau cuộc bầu cử lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua, Tây Ban Nha lại tiếp tục có một Quốc hội không có phe đa số. Kết quả này càng làm gia tăng những nguy cơ bất ổn chính trị tại châu Âu sau cú sốc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là “Brexit”, hồi cuối tuần qua, đồng thời đẩy các chính trị gia nhiều mâu thuẫn đứng trước áp lực lớn đòi hỏi phải nhanh chóng thành lập một Chính phủ mới.
Đảng Nhân dân (PP) cầm quyền, theo đường lối trung hữu của đương kim Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, tiếp tục về nhất trong cuộc bầu cử ngày 26-6. PP đã có được 137 ghế, cao hơn 123 ghế giành được hồi tháng 12-2015, song vẫn chưa đạt đủ 176 ghế cần thiết để tạo thành phe đa số trong Quốc hội Tây Ban Nha. Đảng Xã hội đứng ở vị trí thứ hai với 85 ghế, liên đảng Unidos Podemos đứng thứ ba với 71 ghế và đảng Ciudadanos chỉ giành được 32 ghế.
Điều này khiến nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng euro đối mặt với nguy cơ bế tắc chính trị kéo dài hoặc thậm chí là một cuộc tổng tuyển cử thứ 3. PP là chính đảng duy nhất giành được số ghế cao hơn so với kỳ bầu cử trước, qua đó gián tiếp giảm bớt sự ảnh hưởng của hàng loạt chính đảng non trẻ, hình thành sau nhiều năm Tây Ban Nha chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng.
Sau bầu cử, giờ là lúc diễn ra các cuộc họp kín để xác định xem các chính đảng nào sẽ tham gia thành lập Chính phủ liên minh, điều mà các bên vẫn chưa thể thống nhất trong suốt nhiều tháng đàm phán sau tổng tuyển cử hồi tháng 12-2015. Không rõ liệu việc các cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, kết quả đã khiến các thị trường tài chính đang ngập trong nợ nần của Tây Ban Nha chao đảo, có phải là nguyên nhân khiến nhiều người quyết định bỏ phiếu ủng hộ đảng PP bảo thủ hay không. Tuy nhiên, bất ổn và nguy cơ hỗn loạn càn quét khắp châu Âu hậu "Brexit" sẽ là áp lực lớn đòi hỏi các chính trị gia nhanh chóng đạt một thỏa thuận cụ thể. Hiện có nhiều lựa chọn đang được các chính trị gia và giới quan sát tính đến như thành lập chính phủ với liên minh trung hữu giữa PP và đảng tự do Ciudadanous mới thành lập, hoặc một liên minh quy mô theo kiểu Đức giữa PP và lực lượng xã hội, hay thậm chí là một Chính phủ PP thiểu số.
Tờ báo “El Pais” của Tây Ban Nha đăng tải những bài viết kêu gọi các chính trị gia gạt bỏ bất đồng để nhanh chóng thành lập một Chính phủ mới trong bối cảnh nguy cơ bất ổn trên toàn cầu ngày càng gia tăng sau Brexit.(HQ)
Đánh bom đẫm máu tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ, gần 30 người chết
Rạng sáng 29-6 theo giờ Việt Nam, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại sân bay Ataturk, sân bay lớn nhất của nước này ở thành phố Istanbul. Ít nhất 28 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các vụ tấn công này.
Kênh truyền hình NTV dẫn lời Thị trưởng thành phố Istanbul cho rằng đã có ít 3 kẻ đánh bom liều chết tham gia tấn công sân bay Ataturk vì ghi nhận 3 vụ nổ riêng rẽ.
Các đối tượng đã tiến hành xả súng tại lối vào sảnh đi quốc tế của sân bay trước khi xông vào khu vực kiểm tra an ninh và kích nổ bom mang trên người.
Các nhân viên an ninh đã nổ súng nhằm cố gắng tiêu diệt các đối tượng song không kịp.
Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận tiến hành vụ tấn công, song giới phân tích cho rằng nhiều khả năng do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra.
Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đã có ít nhất 28 người thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương trong vụ tấn công. Trong khi đó, truyền thông địa phương đưa tin số người bị thương là khoảng 60 người, trong đó có 6 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh sát đã ngay lập tức phong tỏa hiện trường xảy ra vụ tấn công và tiến hành sơ tán hành khách trong sân bay. Nhiều xe cứu thương đã có mặt tại sân bay để chở những người bị thương tới bệnh viện.
Ngay sau vụ tấn công, giới chức sân bay Ataturk đã cho ngừng tất cả các chuyến bay đi và các hành khách được đưa về khách sạn để đảm bảo an toàn. Các chuyến bay tới sân bay này được yêu cầu chuyển hướng tới sân bay gần nhất và chỉ được phép hạ cánh sau 0h10' sáng theo giờ địa phương (tức 4 giờ 10 phút sáng theo giờ Hà Nội).
Tòa trọng tài ra phán quyết vụ kiện 'đường lưỡi bò' vào ngày 12/7
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ gửi phán quyết cho các bên qua email vào ngày 12/7.
"Tòa sẽ ra phán quyết vào ngày thứ ba, 12/7, vào khoảng 11h CEST (16 h giờ Hà Nội), The Hague", PCA hôm nay cho biết trong một tuyên bố.
"Phán quyết sẽ được gửi qua e-mail cho các bên, cùng với một thông cáo báo chí có chứa bản tóm tắt phán quyết. Thông cáo sẽ được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, với một bản dịch không chính thức tiếng Trung", PCA cho biết thêm.
Sau khi gửi cho Philippines và Trung Quốc, tòa sau đó sẽ gửi phán quyết và thông cáo qua email cho các quốc gia quan sát viên và các bên liên quan khác, bao gồm cả truyền thông. PCA cũng sẽ đăng lên trang web của mình bản sao phán quyết và thông cáo báo chí.
"Bản cứng phán quyết cũng sẽ được gửi đến đại sứ quán của các nước đã được cấp quy chế quan sát viên trong các buổi điều trần. Sẽ không có cuộc họp trực tiếp hoặc lễ ra phán quyết", PCA thông báo.
Trung Quốc ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Philippines khởi kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2013. PCA năm 2015 tuyên bố họ có thẩm quyền xử vụ kiện này.
Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng không chấp nhận vụ kiện và từ chối tham gia tiến trình. Trong Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore tháng này, các quan chức quân sự Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố rằng nước này sẽ không tuân thủ phán quyết sắp tới của tòa.(VNEX)
Indonesia tăng ngân sách quốc phòng bảo vệ quần đảo Natuna
Quốc hội Indonesia vừa duyệt tăng ngân sách quốc phòng tài khóa 2016 thêm gần 10%, lên con số 8,35 tỉ USD để bảo vệ lãnh hải của mình ở biển Đông, theo hãng tin Reuters (Mỹ). Theo Quốc hội Indonesia, đây là việc làm cần thiết khi Trung Quốc ngày càng tăng hiện diện ở biển Đông và quanh quần đảo Natuna.
“Quần đảo Natuna cần được bảo vệ. Để làm được điều này quân đội cần phải được đầu tư thêm tiền để chi tiêu quốc phòng” - Reuters dẫn lời nghị sĩ Johnny Plate.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết Hạ viện Indonesia đã đồng ý sẽ nâng cấp căn cứ không quân trên quần đảo Natuna.
Theo ông Ryamizard, chi phí nâng cấp căn cứ không quân này là 486 triệu USD. Căn cứ sau khi được nâng cấp sẽ trở nên hiện đại hơn nhiều. Indonesia sẽ mua thêm ba tàu hộ tống và một máy bay chiến đấu trang bị tại căn cứ.
Ngoài ra sẽ có thêm nhiều lính thủy đánh bộ và các lực lượng tinh nhuệ khác được triển khai tại đây. Hiện Indonesia có khoảng 800 quân ở quần đảo Natuna. Đến cuối năm nay con số này sẽ tăng lên khoảng 2.000.
Các động thái này đến sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm quần đảo Natuna của Indonesia. Trong chuyến thăm, Tổng thống Widodo nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quần đảo Natuna và các vùng biển xung quanh. Ông tổ chức một cuộc họp nội các trên một con tàu ở quần đảo Natuna, đề nghị tăng năng lực quân sự ở quần đảo này.
Tổ chức họp nội các ở quần đảo Natuna là một thông điệp rõ ràng Indonesia gửi đến Trung Quốc là Indonesia rất nghiêm túc nỗ lực bảo vệ chủ quyền, báo Jakarta Times dẫn lời Bộ trưởng Các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh Indonesia Luhut Pandjaitan.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và các thành viên nội các trên boong tàu hải quân KRI Imam Bonjol ở quần đảo Natuna ngày 23-6. Ảnh: REUTERS
Vùng biển quanh quần đảo Natuna vốn chồng lấn lên đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và Trung Quốc đã và đang mở rộng hiện diện ở khu vực này. Indonesia đã phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc lên LHQ từ tháng 5-2009.
Sau chuyến thăm quần đảo Natuna của Tổng thống Widodo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dù ra tuyên bố công nhận chủ quyền của Indonesia ở quần đảo Natuna nhưng lại không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền của mình ở vùng biển quanh quần đảo này. Theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), vùng biển 12 hải lý quanh lãnh thổ của một nước có chủ quyền thuộc về nước đó.
Ngư dân và tàu cá Trung Quốc ngày càng xuất hiện thường xuyên ở vùng biển quần đảo Natuna. Từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã hai lần lên tiếng phản đối Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Indonesia.
Nguy cơ khiến không quân Mỹ có thể thất thế trước Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng về năng lực tác chiến của lực lượng không quân có thể khiến quân đội Mỹ đánh mất ưu thế trước các đối thủ mạnh như Trung Quốc.
Các quan chức ở Nhà Trắng và Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ gần đây bày tỏ lo ngại rằng quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu thất bại khi xảy ra xung đột với các đối thủ mạnh như Trung Quốc. Điều này xuất phát từ thực trạng các lực lượng quân sự, đặc biệt là không quân của nước này, đang rơi vào thời điểm khủng hoảng trầm trọng về khả năng sẵn sàng chiến đấu, theo National Interest.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar đánh giá rằng khó khăn đầu tiên mà Lầu Năm Góc đang phải đối mặt là sự thiếu hụt về số lượng chiến đấu cơ. Theo đó, lực lượng không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ hiện không có đủ nhân viên bảo dưỡng được huấn luyện bài bản, khiến họ chỉ có thể sẵn sàng triển khai 64 trong tổng số 271 máy bay của lực lượng. Tình trạng của không quân Mỹ cũng chẳng khá hơn, khi chỉ có 43% máy bay đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Các phi đội tiêm kích tấn công F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ cũng đang gặp khủng hoảng khi chỉ một phần ba lực lượng có thể sẵn sàng cất cánh tham chiến.
"Nếu phải thành lập một phi đội gồm 10 tiêm kích tấn công trên tàu sân bay, tôi sẽ phải huy động thêm 4 máy bay từ các đơn vị mặt đất chưa hề có kinh nghiệm", đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh các hạm đội Mỹ phát biểu tại một phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Do thiếu chiến đấu cơ, phi công của Thủy quân lục chiến Mỹ đang có ít giờ bay hơn các đồng nghiệp Nga và Trung Quốc. Hiện nay, họ chỉ có 4-6 giờ bay mỗi tháng thay vì 20-30 giờ như trước đây. Và điều đó có thể dẫn tới sự chênh lệch lớn về kinh nghiệm thực chiến.
"Hiện các phi công của chúng ta chỉ có số giờ bay ngang các phi công Triều Tiên và ít hơn ba lần so với phi công Trung Quốc", Bob Simmons, lãnh đạo phe đa số tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, khẳng định.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng David Axe của Daily Beast, hồi cuối năm 2015, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật yêu cầu không quân nước này phải luôn có trong tay 1.900 chiến đấu cơ, bởi Trung Quốc và Nga đều gia tăng mua sắm chiến đấu cơ với mỗi nước có lần lượt khoảng 1.400 và 1.300 máy bay.
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 5, Lầu Năm Góc thừa nhận rằng số lượng chiến đấu cơ của họ sẽ ở dưới "mức sàn" theo yêu cầu của Quốc hội từ năm 2022.
Theo Majumdar, ngoại trừ tiêm kích F-22 Raptor, tiêm kích đa nhiệm F-35 và oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, hầu hết các chiến đấu cơ Mỹ đều không đủ khả năng xâm nhập sâu vào vùng phòng không của đối phương. Cường kích A-10, tiêm kích F-15, F-16 hay tiêm kích F/A-18 Hornet không thể sống sót trước các hệ thống phòng không tối tân của Nga và Trung Quốc. Thậm chí ngay cả tiêm kích thế hệ 4 hiện đại nhất của Nga cũng không thể sống sót trước các hệ thống phòng không tích hợp uy lực của chính mình. "Việc sử dụng chiến đấu cơ thế hệ 4 trong môi trường tác chiến hiện nay sẽ rất khó khăn", Simmons nhận định.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến không quân Mỹ thiếu khả năng sẵn sàng chiến đấu trong chiến tranh hiện đại là do tâm lý quan liêu, sợ rủi ro của giới chức Lầu Năm Góc. Điều này đã làm cản trở đáng kể quá trình đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, việc Lầu Năm Góc theo đuổi tham vọng sản xuất các tiêm kích thế hệ mới như F-35 và F-22 được đánh giá là xa vời, không giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt là duy trì một khoảng cách phát triển vững chắc trước đối thủ.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ phát triển các hệ thống công nghệ theo từng mốc thời gian vững chắc. Nhưng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Lầu Năm Góc lại chạy theo các chương trình mua sắm lãng phí, không thiết thực, điển hình là mô hình hệ thống Tác chiến Tương lai của quân đội vốn tiêu tốn hàng tỷ USD nhưng không mang lại kết quả, theo Majumdar.
Theo Majumdar, Lầu Năm Góc và Thượng viện Mỹ cần hành động ngay từ bây giờ do những thay đổi địa chính trị đang diễn ra rất nhanh chóng.
Giải pháp được đa số chuyên gia quốc phòng ủng hộ là cách tiếp cận vững chắc, phi tập trung hóa trong chương trình mua sắm vũ khí. Thay vì chế tạo một vũ khí hủy diệt đa năng như siêu tiêm kích F-35 vốn cực kỳ tốn kém và mất hàng thập kỷ để chứng tỏ sự hiệu quả, Mỹ nên tập trung vào các vũ khí nhất định với chi phí thấp hơn nhưng triển khai nhanh hơn.
"Việc duy trì khoảng cách công nghệ sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới phát triển theo hướng đạt được các bước phát triển vững chắc với độ rủi ro thấp hơn", Simmons đánh giá.(VNEX)