Mỹ-Hàn thảo luận đưa vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên
Google xin lỗi Nga vì vụ 'dịch lộn chết người'
Mại dâm nam yêu cầu được công nhận
Năm vũ khí Iran giúp 'lật ngược ván bài' với Saudi Arabia
Trung Quốc ngang nhiên đặt đường ống trong vùng biển Nhật
Tin thế giới đọc nhanh 19-06-2016
- Cập nhật : 19/06/2016
Nếu Triều Tiên được 'tha', Mỹ sẽ cắt hợp tác hạt nhân Trung Quốc
Theo hãng tin Yonhap, dự luật trên của hai Thượng viện và Hạ viện Mỹ có tựa đề “Hợp tác hạt nhân Mỹ-Trung và Đạo luật không phổ biến hạt nhân 2016” đã được giới thiệu vào cuối tháng trước.
Dự luật yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng sáu tháng phải xác định liệu Trung Quốc có thực hiện các hành vi sai trái hay không, trong đó có các hành vi như tái chuyển giao bất kỳ sản phẩm hạt nhân nào của Mỹ cho nước thứ ba mà không có sự cho phép của chính phủ Mỹ, chuyển đổi hoặc cố chuyển đổi các sản phẩm hạt nhân của Mỹ cho mục đích quân sự.
Dự luật cũng yêu cầu tổng thống Mỹ xác định liệu Trung Quốc có thất bại trong việc ngăn chặn việc chuyển giao các mặt hàng vũ khí nhạy cảm cho những quốc gia quan tâm hay không. Đồng thời cũng xác định liệu Trung Quốc có “không thực hiện các biện pháp thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên theo Nghi quyết Hội đồng Bảo an Mỹ 2207” được thông qua hồi tháng 3-2016, nhằm ứng phó trước vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên, hay không.
Nếu các hành vi trên được phát hiện, dự luật này yêu cầu đình chỉ ngay lập tức mọi hợp tác hạt nhân dân sự theo như thỏa thuận song phương, bao gồm ngưng chuyển giao công nghệ hay nguyên liệu hạt nhân cho tới khi các vấn đề trên được giải quyết.
Dự luật cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc theo đuổi việc tái chế nhiên liệu hạt nhân thương mại.
“Kế hoạch tái chết nguyên liệu hạt nhân có nguồn gốc từ Mỹ của Trung Quốc làm dấy lên nguy cơ Bắc Kinh có thể chuyển plutonium cho mục đích quân sự, cho phép nước này sản xuất thêm nhiều vũ khí hạt nhân đe dọa Mỹ và đồng minh của Mỹ” – dự luật nhận định.
“Trung Quốc theo đuổi việc tái sản xuất plutonium thương mại sẽ làm gia tăng khả năng Nhật Bản mở rộng chương trình tái sản xuất thương mại của nước này và Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường nổ lực bắt đầu một chương trình tương tự như vậy của riêng nước này” – dự luật viết tiếp.
Việc gia tăng trữ lượng plutonium ở Đông Á làm tăng cơ hội cho sự chuyển hướng quân sự và hành vi trộm cắp, làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố hạt nhân, và các cuộc xung đột hạt nhân giữa các nước. Ngoài ra, dự luật còn thêm rằng dự luật còn vì lợi ích của Mỹ nhằm ngăn chặn trữ lượng plutonium ở Đông Á.
Bỉ bắt 12 nghi phạm khủng bố
Các đợt đột kích diễn ra đêm qua tại 16 khu vực ở Brussels, Flanders và Wallonia mà "không gặp sự cố". Hiện chưa tìm thấy vũ khí hay chất nổ nào, AFP dẫn thông báo từ các công tố viên liên bang Bỉ cho biết.
Nhà chức trách ban đầu tạm giữ 40 người, sau đó giảm xuống còn 12 người. Một thẩm phán sẽ xác định ai trong số 12 người sẽ bị bắt.
Đài VTM đưa tin vụ việc có liên quan đến trận đấu giữa Bỉ và Ireland diễn ra lúc 13h00 GMT hôm nay ở Bordeaux, Pháp. Các mục tiêu tiềm năng là ở Bỉ, có thể là người hâm mộ theo dõi trận đấu qua truyền hình tại những nơi đông người.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã triệu tập một cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia vào 10h00 GMT để bàn về mối đe dọa, theo nguồn tin từ chính phủ Bỉ.
Bỉ vẫn đang chịu tác động từ vụ đánh bom khủng bố sân bay Brussels và một ga tàu điện ngầm thành phố do Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện hồi tháng 3 làm 32 người chết và hàng trăm người bị thương.
Truyền thông Bỉ ngày 15/6 đưa tin cảnh sát cảnh báo phiến quân (IS) đã rời Syria để chuẩn bị thực hiện các vụ tấn công. Theo đó, chúng sẽ chia làm hai nhóm, một đến Bỉ, một đến Pháp, để tấn công song song.
Quân đội Mỹ cần "tiếp máu" khẩn cấp
Tờ National Interest của Mỹ mới đây đã đưa ra 6 dấu hiệu cho thấy quân đội nước này cần được “tiếp máu” khẩn cấp trước tình trạng khá “ốm yếu hiện nay”.
Thứ nhất, theo thống kê của Thủy quân lục chiến Mỹ, trong tổng số 276 chiến đấu cơ F/A-18 của lực lượng này chí có khoảng 30% sẵn sàng cất cánh. Ngoài ra, chỉ có 42 trong tổng số 147 trực thăng CH-53E có thể "tung hoành" trên bầu trời.
Không chỉ dừng ở đó, phi công của Thủy quân lục chiến Mỹ cũng chỉ có cơ hội được ngồi trong buồng lái điều khiển máy bay 4 tiếng/tháng thay vì thời gian cần thiết trên thực tế phải từ 25-30 tiếng/tháng.
Tất cả khó khăn của Thủy quân lục chiến Mỹ được cho đều bắt nguồn từ việc hao mòn ngân sách trầm trọng sau các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria hiện nay.
Thứ hai chỉ 1/3 quân lực Mỹ sẵn sàng ra chiến trận. Số nhân lực của quân đội Mỹ hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các vị tướng của Lầu Năm Góc đều e dè nói rằng quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy hiểm tiềm tàng nếu chiến tranh thực sự xảy ra.
Thượng viện Mỹ vào ngày 14/6 đã thông qua ngân sách chi tiêu quốc phòng cho năm 2017 với 602 triệu USD.
Trong năm 2015, có 490.000 binh sĩ Mỹ tại ngũ trong khi năm 2011 con số này là 566.000. Không dừng ở đó, tháng 7/2015, quân đội Mỹ ra quyết định đến cuối năm 2018 sẽ cắt giảm 40.000 binh sĩ.
Thứ ba, một nửa lực lượng không quân Mỹ trong tình trạng chưa sẵn sàng chiến đấu. Và điều đáng lo ngại là những "chiến sĩ trên bầu trời" của lực lượng này đều trong thể trạng không ổn định. Không quân Mỹ phải chấp nhận “hiến” động cơ, bộ phận của một số F-16 để những chiếc cùng loại khác được hoạt động. Đồng thời lực lượng này cũng phải tận dụng nhiều bộ phận máy bay cũ để duy trì lực lượng máy bay ném bom B-1.
Thứ tư, tuy Hải quân Mỹ tiếp tục mở rộng "quân số" tàu chiến nhưng dường như vẫn chưa đủ cho nhu cầu thực tế. Trong khi lực lượng này luôn khao khát nắm trong tay 350 tàu chiến thì hiện nay chỉ có 273 chiếc trong phiên chế.
Thứ năm, những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến chiến đấu cơ và trực thăng của Thủy quân Lục chiến Mỹ trung bình đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua dấy lên quan ngại về chất lượng máy bay và cả khả năng của phi công.
Thứ sáu, “Pháo đài bay” B-52 mà Không quân Mỹ vẫn ưu ái sử dụng nay đã có tuổi đời là 53 năm. Ngay cả việc để một xe ô tô cổ 53 năm tuổi lưu hành bình thường trên đường đã đòi hỏi vô số đầu tư, chăm chút thì việc ra chiến trận với máy bay ném bom cùng tuổi càng không đơn giản.
Để phân phối thích hợp với khoản ngân sách quốc phòng đã bị cắt giảm, Lầu Năm Góc dự kiến thu hẹp tiền đầu tư cho một số chương trình hiện đại hóa vũ khí để tập trung tốt hơn cho đào tạo và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Mark Milley tiết lộ rằng quân đội đang đề xuất tăng ngân sách để tăng đào tạo lái trực thăng từ 10-12 tiếng/tháng.
Dù nhiều quan chức cấp cao của quân đội Mỹ đã đưa ra cảnh báo nhưng dường như Quốc hội nước này vẫn dửng dưng trước việc đưa ra các hành động cụ thể và quyết liệt hơn.
Đức chỉ trích NATO vì 'hiếu chiến' với Nga
"Chúng ta nên tránh châm lửa tình hình bằng cách hiếu chiến và tiến quân", Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết trong bài phỏng vấn với tờ Bild, dự kiến xuất bản ngày mai, nhắc đến việc NATO tính tăng quân đến khu vực Baltic và các nước thành viên phía đông châu Âu gần biên giới Nga.
Theo ông Steinmeier, suy nghĩ có thể "tăng cường an ninh trong liên minh bằng các đợt diễu hành xe tăng mang tính biểu tượng ở biên giới phía đông là sai lầm".
NATO ngày 13/6 tuyên bố sẽ điều 4 tiểu đoàn đến Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan để đối phó với "sự gây hấn từ Nga". Cả 4 quốc gia này đều từng chịu ảnh hưởng từ Moscow và trở nên lo sợ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 16/6 cáo buộc Nga đang tìm cách tạo "vùng ảnh hưởng bằng biện pháp quân sự". "Chúng ta đang chứng kiến quá trình quân sự hóa quy mô lớn ở các biên giới NATO, Bắc Cực, Baltic, từ Biển Đen cho đến Địa Trung Hải", ông nói.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO không muốn đối đầu với Nga và muốn đối thoại hiệu quả nhưng liên minh sẽ bảo vệ 28 thành viên trước mọi mối đe dọạ.
Nga phản đối mạnh mẽ sự mở rộng của NATO đến những quốc gia từng thuộc Liên Xô. Moscow tháng trước tuyên bố sẽ thiết lập ba sư đoàn ở khu vực phía tây nam để đối phó với cái gọi là sự tăng quân nguy hiểm dọc biên giới Nga.
Lầu Năm Góc 'sốc nặng' với gần 140 lỗ hổng an ninh mạng
AFP dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay sự kiện "Xâm nhập Lầu Năm Góc", cuộc thi "tìm lỗi nhận thưởng" đầu tiên của Washington thu hút 1.410 người Mỹ hiểu biết về máy tính tham gia. Chi phí tổ chức chương trình là 150.000 USD, trong đó một nửa sẽ được trao cho các tin tặc.
"Số tiền đó không phải là nhỏ. Tuy nhiên, nếu chúng tôi thực hiện quy trình thông thường, thuê một công ty bên ngoài kiểm tra và đánh giá khả năng bị tấn công như mọi lần thì sẽ tốn hơn 1 triệu USD", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu trong buổi lễ ngắn tại Lầu Năm Góc.
Tin tặc được Lầu Năm Góc mời đến để tìm lỗ hổng trên năm website, bao gồm defense.gov, từ ngày 18-4 đến 12-5. Trong thời gian này, tin tặc xác định có 1.189 lỗi dễ bị tấn công, trong đó có 138 lỗ hổng "phù hợp, duy nhất và xứng đáng được thưởng".
Theo ông Carter, ngoài khắc phục lỗ hổng an ninh, chính phủ còn tạo ra cầu nối mạnh mẽ hơn tới công dân có sáng kiến, những người muốn tạo ra sự khác biệt trong sứ mệnh phòng thủ của Lầu Năm Góc.