Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau “cơn địa chấn” Brexit không đưa ra được nhiều thông điệp đối với nước Anh khi mà lãnh đạo 27 nước thành viên EU chỉ lặp lại tuyên bố hối thúc London nhanh chóng khởi động tiến trình đàm phán rời liên minh như ý nguyện của đa số cử tri Anh.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 30-06-2016
- Cập nhật : 30/06/2016
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo về Biển Đông
Bằng cách so sánh vấn đề Biển Đông hiện nay với sự kiện Vịnh Sidra cách đây 27 năm, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Richard V. Allen đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc.
Hai cụm tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) và USS Ronald Reagan (CVN 76) đã được quân đội Mỹ triển khai ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Tại cuộc đối thoại, ông McFarlane, người kế nhiệm ông Allen làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ năm 1983 - 1985, cho rằng việc để quan hệ Mỹ - Trung rơi vào tình trạng mất kiểm soát thậm chí còn tạo ra mối đe dọa lớn hơn cả mối đe dọa từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đòi hỏi phải toàn tâm chú ý.
Nếu để phát triển tùy tiện, quan hệ Mỹ - Trung, mối quan hệ song phương mà ông McFarlane nhận định là quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ 21, sẽ xấu đi bởi các sự kiện bất ngờ, sự cố trên biển hoặc những tuyên bố thiếu cẩn trọng.
Đối với vấn đề Biển Đông, ông McFarlane cho rằng phía Mỹ cần phải làm rõ để phía Trung Quốc biết rằng chính sách tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không chỉ đơn thuần là lời nói.
Về phần mình, ông Allen, người làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ năm 1981 - 1982, hi vọng Chính phủ Mỹ đương nhiệm có lập trường nguyên tắc và mạnh mẽ về vấn đề tự do hàng hải, cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay có điểm tương đồng rất thú vị với sự kiện Vịnh Sidra trên Địa Trung Hải năm 1981.
Sau khi Libya tuyên bố Vịnh Sidra thuộc lãnh hải nước này vào năm 1973, Washington đã nhiều lần thách thức tuyên bố chủ quyền của Tripoli (với lý do tuyên bố của Libya không phù hợp tiêu chuẩn luật quốc tế).
Đồng thời với đó, Mỹ đã tiến hành một loạt hoạt động bảo vệ tự do hàng không trên vùng trời Vịnh Sidra, và ngày 19/8/1981, khi hai chiến đấu cơ của Libya lao lên thực hiện nhiệm vụ đánh chặn và phóng tên lửa nhằm vào máy bay Mỹ, đối tượng bị bắn hạ lại chính là hai chiến đấu cơ của Libya.
Mỹ nói Brexit có thể không bao giờ được thực thi
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc Anh ra khỏi EU có thể không bao giờ được thực thi và London cũng không phải vội vã ra đi.
"Đây là một cuộc ly dị rất phức tạp", AFP dẫn lời ông Kerry hôm qua nói tại một sự kiện ở bang Colorado, đề cập đến việc Anh đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit tuần trước.
Một ngày trước đó, ông Kerry đã thảo luận với Thủ tướng David Cameron tại London. Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông Cameron miễn cưỡng viện dẫn Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon, điều sẽ bắt đầu kế hoạch hai năm cho việc ra khỏi liên minh.
Ông Kerry cho rằng Thủ tướng Cameron cảm thấy "bất lực", khi thương lượng về việc ra đi mà ông không hề tin tưởng, không mong muốn và cũng không biết phải làm thế nào. London không muốn bị "đóng hộp" sau hai năm mà không có thỏa thuận liên kết mới hoặc bị buộc ra khỏi EU mà không có thỏa thuận.
"Và hầu hết mọi người bỏ phiếu ủng hộ ra đi cũng không biết làm thế nào", ông Kerry nói, ám chỉ những người vận động cho chiến dịch "Ra đi" như cựu thị trưởng London Boris Johnson, người hiện là ứng viên hàng đầu để thay ông Cameron làm thủ tướng.
Khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa với việc quyết định Brexit có thể được "quay ngược trở lại không" và nếu có thì bằng cách nào, ông Kerry nói: "Tôi nghĩ có nhiều cách". "Với tư cách ngoại trưởng, hôm nay tôi không nêu các cách đó ra. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ là một sai lầm. Nhưng có nhiều cách", ông nói.
Washington từ lâu đã ủng hộ vai trò mạnh mẽ của đồng minh Anh trong châu Âu, và lo lắng khi người Anh tuần trước bỏ phiếu rời liên minh.
Hiện các quan chức Mỹ đang kêu gọi các bên bình tĩnh tổ chức cuộc thảo luận về Brexit, để thỏa thuận cho phép việc liên kết giữa London và EU tiếp diễn.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo EU khăng khăng rằng ông Cameron phải hành động nhanh chóng để viện dẫn Điều 50 và bắt đầu thảo luận về việc "ly dị", nhằm chấm dứt tình trạng không chắc chắn về kinh tế và chính trị.
Ông Kim Jong Un được trao chức danh mới
Ngày 29/6, tại kỳ họp lần thứ 4 của Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa XIII (tức Quốc hội) Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã được bầu làm Chủ tịch một ủy ban nhà nước mới được thành lập, tạm gọi là Ủy ban quốc vụ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng ngày 7/5. Ảnh: Reuters/TTXVN
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên cho biết thêm quyết định trên thay thế chức danh trước đây của ông Kim Jong Un là Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng, vốn được trao cho nhà lãnh đạo này tại kỳ họp của Quốc hội Triều Tiên diễn ra vào năm 2012. Ông Kim Jong Un hiện cũng giữ các chức vụ Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Tư lệnh tối cao của quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, cũng tại cuộc họp trên, ba Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị thuộc Đảng Lao động Triều Tiên gồm Hwang Pyong So, Choe Ryong Hae và Pak Pong Ju đã được bầu làm Phó Chủ tịch ủy ban mới nói trên.
Trước đó cùng ngày, kỳ họp Quốc hội Triều Tiên đầu tiên trong năm nay đã được triệu tập nhằm triển khai các mục tiêu chính sách được vạch ra trong Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 5 vừa qua. Kỳ họp này được tổ chức trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 3 vừa qua áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1 và phóng tên lửa tầm xa vào tháng 2.
Quốc hội Triều Tiên thường nhóm họp một hoặc hai lần/năm để chính thức phê duyệt các chính sách hoặc ngân sách do Đảng Lao động cầm quyền đưa ra, đồng thời cho phép trao các chức danh mới cho ông Kim Jong Un theo cơ cấu lãnh đạo nước này.
NATO bị cảnh báo đùa với lửa khi đưa B-52 áp sát biên giới Nga
Tờ Focus của Đức nhận định NATO đang có những hành động thể hiện thái quá mang tính chất 'đùa với lửa' gần biên giới Nga.
Máy bay B-52 Mỹ bay cùng 12 chiến đấu cơ của NATO trong khuôn khổ cuộc tập trận Baltops-2016. Ảnh: Interfax
Tờ Focus của Đức mới đây nhận định Mỹ và NATO dường như đã thể hiện hơi quá đà khi điều hai máy bay ném bom chiến lược B-52 tới tham gia cuộc duyệt binh ở Estonia cách biên giới Nga khoảng 30km, đồng thời cho rằng đây là bước đi thiếu khôn ngoan.
NATO gần đây tổ chức một loạt cuộc tập trận gần biên giới Nga. Ngoài cuộc tập trận Saber Strike mới diễn ra ở Estonia, NATO còn tổ chức cuộc tập trận Anaconda 2016 ở Ba Lan với sự tham gia của 25.000 quân và BALTOPS tại vùng biển Baltic, với sự hiện diện của 6.100 quân binh sĩ.
Các cuộc tập trận này là động thái hợp tác quân sự lớn nhất của NATO trong mấy thập kỷ qua. Ngày 13/6, NATO tuyên bố sẽ điều 4 tiểu đoàn đến Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan để đối phó với "sự gây hấn từ Nga".
"Hiển nhiên các quốc gia liên quan hoan nghênh những cam kết bảo vệ đồng minh của NATO và Mỹ nhưng đây là hành động đùa với lửa", Focusbình luận.
Ngày 18/6, ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng lên tiếng chỉ trích NATO đang duy trì chính sách hiếu chiến với Nga, đồng thời kêu gọi đối thoại tích cực hơn với Moscow.
Nga phản đối mạnh mẽ sự mở rộng của NATO đến những quốc gia từng thuộc Liên Xô. Moscow tháng trước tuyên bố sẽ bố trí ba sư đoàn ở khu vực phía tây nam để đối phó với cái gọi là sự tăng quân nguy hiểm dọc biên giới Nga.
Nga cách chức Tư lệnh và Tham mưu trưởng Hạm đội Baltic
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cách chức Tư lệnh Hạm đội Baltic Viktor Kravchuk và Tham mưu trưởng hạm đội này Sergei Popov do “lơ là trách nhiệm” và “xuyên tạc sự thật”.
Ông Shoigu đã viện dẫn “những khiếm khuyết nghiêm trọng” trong huấn luyện quân sự và các hoạt động hàng ngày của những đơn vị thuộc hạm đội này cũng như “sự thiếu quan tâm thỏa đáng đối với quân nhân” để giải thích cho quyết định trên của mình.