Cựu nghị sĩ Mỹ - ông Ron Paul – cho rằng cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của Anh về việc đi hay ở tại Liên minh Châu Âu (EU) là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng toàn cầu chứ không chỉ là bước ngoặt đánh dấu sự kết thúc của một lục địa châu Âu thống nhất.
Tin thế giới đọc nhanh 01-07-2016
- Cập nhật : 01/07/2016
Tổng thống Philippines muốn xoa dịu tranh chấp với Trung Quốc sau phán quyết của PCA
Tổng thống Rodrigo Duterte cho hay ông hy vọng một "cú hạ cánh nhẹ nhàng" trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông khi tòa án trọng tài công bố phán quyết vụ kiện về "đường lưỡi bò".
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố vào ngày 12/7 sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc từ chối tham gia và công nhận vụ kiện.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho hay ông từ chối đề nghị đưa ra một tuyên bố cứng rắn chống lại Trung Quốc nếu quyết định của PCA nghiêng về phía Manila.
"Tôi không thích ý tưởng này", Reuters dẫn lời ông Yasay nói trong cuộc họp nội các đầu tiên của ông Duterte, sau khi ông tuyên thệ nhậm chức hôm nay. Theo ông Yasay, chính phủ Philippines trước hết sẽ nghiên cứu "những tác động và hậu quả" của phán quyết.
Ông Duterte cho rằng nên có "một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng".
"Chúa biết điều đó, tôi thực sự không muốn tuyên chiến với bất kỳ ai", tân tổng thống nói.
Ông Duterte từng có những tuyên bố đầy mâu thuẫn khiến các nhà ngoại giao cảm thấy bối rối không thể hiểu được nhà lãnh đạo này sẽ làm gì để đối phó với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Có lúc ông khẳng định rằng sẽ tách khỏi các quốc gia ASEAN khác để đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, và thậm chí còn xem xét việc từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Philippines trên Biển Đông để đổi lấy mối quan hệ hợp tác về kinh tế với Trung Quốc.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã khăng khăng không tham gia vụ kiện với Philippines, đồng thời tố ngược Manila đã "vi phạm luật pháp quốc tế" khi đưa vụ việc ra PCA, thậm chí còn ngang ngược khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ quyết định nào của bên thứ ba liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc phát động một chiến dịch vận động, lôi kéo ngoại giao quy mô toàn cầu, để thuyết phục các nước khác ủng hộ quan điểm của mình. Bắc Kinh tuyên bố đã có 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của mình, chủ yếu là các nước châu Phi, Trung Đông và Trung Á.
Iraq vay Mỹ 2,7 tỷ USD mua sắm, bảo dưỡng vũ khí
Ngày 29/6, Iraq đã giành được khoản vay trị giá 2,7 tỷ USD từ Mỹ để trang trải chi phí mua sắm đạn dược và bảo dưỡng các máy bay chiến đấu, xe tăng cũng như các thiết bị quân sự khác sử dụng trong cuộc chiến chống nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Các thành viên lực lượng chống khủng bố Iraq làm nhiệm vụ tại thành phố Fallujah ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Iraq, Baghdad sẽ có 8,5 năm, trong đó có một năm gia hạn nợ, để trả lại khoản vay trên với lãi suất 6,45%. Khoản vay này sẽ giúp Iraq bảo dưỡng phi đội chiến đấu cơ F-16, xe tăng M1A1, xe bọc thép, trực thăng tấn công và đội tàu hải quân, kể cả các hệ thống bảo vệ hải cảng Umm Qasr và các giàn khoan dầu ở miền Nam.
Từ tháng 6/2014, IS giành kiểm soát nhiều khu vực ở vùng phía Bắc và Tây Iraq. Giá dầu thế giới sụt giảm và phí tổn cho cuộc chiến chống nhóm khủng bố này đã giáng mạnh vào nguồn thu ngân sách của Chính phủ Iraq, vốn phụ thuộc hầu hết vào xuất khẩu dầu mỏ. Iraq đã nhận được đợt bàn giao đầu tiên các máy bay chiến đấu F-16 hồi năm 2015, theo thỏa thuận trị giá 65 triệu USD đạt được với Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ).
'Kẻ bên lề' có thể trở thành thủ tướng Anh hậu Brexit
Một nghị sĩ đảng Bảo thủ xuất thân từ tầng lớp lao động đang có cơ hội trở thành tân thủ tướng Anh thay thế cho ông David Cameron sau cuộc bỏ phiếu Brexit.
Chỉ trong vài tháng, Stephen Crabb, nghị sĩ đại diện khu vực Preseli Pembrokeshire, từ ghế Bộ trưởng phụ trách xứ Wales đã nhanh chóng được đề bạt vào vị trí Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Anh. Hiện tại, ông có triển vọng lớn trở thành tân thủ tướng Anh nếu được bầu làm chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền, theo Independent.
Việc Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau khi cử tri nước này lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 đã tiếp thêm động lực cho cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Thông điệp vận động tranh cử của Crabb rất rõ ràng: cuộc trưng cầu dân ý với kết quả ủng hộ Anh rời EU cho thấy người dân đang hoang mang lẫn giận dữ bởi họ cảm thấy bị nền chính trị và những lãnh đạo cấp cao bỏ rơi. Đảng Bảo thủ cần một người dẫn dắt hiểu cách xây dựng cuộc sống mới trong điều kiện không có nhiều thuận lợi nhằm đưa đất nước gắn kết trở lại.
Tự hào về nguồn gốc xuất thân
Bình luận viên Charlie Cooper từ Independent nhận định nội dung bài phát biểu Crabb đưa ra hôm 29/6 nhằm thông báo việc ông tranh cử ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ đã tận dụng một cách triệt để nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp lao động của ông.
"Tôi thụ hưởng nền giáo dục tuyệt vời ở một ngôi trường tốt toàn diện phía bên kia con đường từ khu nhà xã hội nơi tôi sống. Tôi có một tấm gương mẫu mực là mẹ tôi, người đã vượt qua vô vàn khó khăn và làm việc cật lực vì anh em chúng tôi. Bà đưa chúng tôi đến thư viện công mỗi dịp cuối tuần, nơi tôi đắm chìm trong những cuốn sách để trau dồi kiến thức. Tôi lao động mỗi ngày từ năm 12 tuổi, bắt đầu với việc bán hàng ở một cửa hiệu địa phương rồi dần chuyển lên bán hàng cho một siêu thị của Tesco. Tôi đã làm việc tại các công trường trên khắp cả nước để trang trải chi phí học đại học", ông Crabb nói.
Hãy tưởng tượng nếu Thủ tướng David Cameron cũng kể một câu chuyện tương tự về nguồn gốc của ông. "Tôi nhận được sự giáo dục tuyệt vời ở một ngôi trường công có nhiều đặc quyền nhất nước, nơi mà từ đó, tôi thỉnh thoảng trở về nhà của người cha giàu có làm nghề môi giới chứng khoán. Trong năm nghỉ ngơi trước khi vào đại học, tôi đã làm việc tại một công ty lớn ở Hong Kong, sau đó trở về học tại Oxford và tham gia một câu lạc bộ xã hội mà các thành viên phải mang đồng phục có giá đến 3.500 bảng (104 triệu VNĐ). Đây cũng là nơi để các thành viên uống bia rượu vô độ và quậy phá", Cooper viết.
Chính vì xuất thân giàu có, ông Cameron đã không nhận được nhiều cảm tình từ các cử tri tầng lớp lao động, Cooper đánh giá.
Dù đảng Bảo thủ giành thắng lợi với đa số ghế tại Quốc hội trong hai cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, ông Cameron chưa bao giờ giành chiến thắng một cách thuyết phục trong nội bộ đảng. Những lời kêu gọi Thủ tướng Anh đưa ra nhằm cải cách đảng Bảo thủ theo thuyết chủ nghĩa bảo thủ một quốc gia nhằm xây dựng dân chủ và công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội luôn phản tác dụng bởi câu chuyện xuất thân của ông. Câu chuyện này đeo bám ông dai dẳng. Đối với một bộ phận lớn cử tri, đây là lý do chính khiến họ không ủng hộ những người phe Bảo thủ.
Xóa bỏ định kiến bảo vệ nhà giàu
Stephen Crabb xuất hiện, không mang theo những định kiến nặng nề đối với quá khứ của ông. Điều này sẽ góp phần nâng cao cơ hội ông giành chiến thắng trong cuộc đua tranh ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Cựu thủ tướng Anh John Major từng đưa đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1992 bằng một chiến dịch vận động chủ yếu khai thác nguồn gốc xuất thân của ông từ tầng lớp lao động ở Brixton, London.
Lúc bấy giờ, một áp phích ấn tượng của cuộc vận động đã chạy dòng chữ: "Điều gì mà đảng Bảo thủ mang lại cho một cậu bé tầng lớp lao động đến từ Brixton? Họ chắc chắc sẽ đưa cậu lên làm thủ tướng".
Crabb hoàn toàn có thể đưa ra thông điệp tương tự, chỉ thay đổi chữ West Wales, nơi ông sinh trưởng, cho chữ Brixon, Cooper nhận xét. Đây là thời điểm quan trọng để đảng Bảo thủ sử dụng chiến thuật này nhằm dập tắt tất cả những đòn công kích từ Công đảng đối lập khi nói rằng đảng Bảo thủ xem trọng đặc quyền và bảo vệ cho tầng lớp giàu có.Lập trường của Crabb về việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến Brexit cũng cho thấy cuộc vận động của ông sẽ nhắm vào tầng lớp lao động. Ông nhấn mạnh rằng kiểm soát nhập cư, mối lo lắng lớn nhất khiến nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, là "lằn ranh đỏ" đối với ông. Ông cam kết sẽ "không còn biên giới mở" nữa nhưng tiếp tục duy trì khả năng tiếp cận của Anh với thị trường chung EU. Ông cũng cam kết quan tâm đến những trăn trở chính đáng của người dân về vấn đề việc làm.
Cựu thị trưởng London Boris Johnson (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, hai ứng viên hàng đầu cho ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ảnh: Open Europe
Hiện tại, Crabb được xem như kẻ đứng bên lề trên đường đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ vì ông đang đứng ở vị trí khá xa với so với hai ứng viên hàng đầu là cựu thị trưởng London Boris Johnson và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ chưa thể hiện sự ủng hộ cho ứng cử viên cụ thể nào và sự hậu thuẫn dành cho các nhân vật nặng ký khác như Bộ trưởng Kinh doanh Sajid Javid hay Tổng chưởng lý Jeremy Wright cũng rất đáng chú ý. "Nếu thể hiện được các thế mạnh của mình, Crabb vẫn có cơ hội chiến thắng", Cooper nhận định.
Bắt 13 nghi can đánh bom đẫm máu sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ
Theo RT, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 13 người, trong đó có ba người nước ngoài, bị tình nghi có liên quan tới vụ đánh bom tự sát tại sân bay quốc tế Ataturk của Istanbul hôm 28-6. Vụ đánh bom đã khiến 41 người thiệt mạng và 239 người bị thương.
Cảnh sát đã bắt giữ được các đối tượng trên trong khi đồng loạt khám xét 16 địa điểm ở Istanbul, Reuters dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-6.
Theo Reuters, các cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ít nhất một trong những kẻ đánh bom tự sát tình nghi thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể là một người nước ngoài.
"Chúng tôi đang xem xét khả năng có người nước ngoài dính líu trong vụ tấn công. Ít nhất một trong số những kẻ đánh bom có thể là người nước ngoài nhưng cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành" - một nguồn tin an ninh cho biết.
Trước đó, các hình ảnh của camera an ninh cho thấy ảnh của hai nghi phạm được cho là đã thực hiện vụ đánh bom chết người tại sân bay Istanbul. Một video khác cho thấy một người đàn ông mặc áo đen và cầm một khẩu súng trường đi bộ qua nhà ga của sân bay.
Video thứ hai cho thấy một người đàn ông mặc một chiếc áo khoác và quần jean bước vào ga đến trước khi cuộc tấn công xảy ra.
Đài Haberturk cho hay một người đàn ông Chechen có thể nằm trong số những kẻ tấn công trên đã kích nổ đai bom mang theo người tại sân bay quốc tế Istanbul. Nghi phạm này được cho là đến Istanbul cách đây 32 ngày và đã thuê một căn hộ theo hợp đồng dưới một năm và có hộ chiếu Nga.
Các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cho rằng cách thức tấn công mang đặc trưng của nhóm khủng bố IS. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công.