Lực lượng pháo binh Triều Tiên ra tối hậu thư đe dọa Hàn Quốc
IS âm mưu tấn công người Nga và người Israel ở 9 nước
Lực lượng an ninh Ukraine công bố danh sách kẻ phản quốc chạy sang Nga
Nga găng với Nhật, gián tiếp giúp Bắc Kinh nhẹ gánh ở Biển Đông?
Đài Loan bắt tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép
Tin thế giới đọc nhanh 27-03-2016
- Cập nhật : 27/03/2016
Indonesia sắp xây căn cứ mới chống Trung Quốc
Hạ viện Indonesia kêu gọi xây dựng một căn cứ quân sự mới ở quần đảo Natuna, xem đó như một bức tường thành chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng - Ngoại giao Hạ viện Indonesia Mahfudz Siddiq hôm 24-3 cho biết: “Việc xây dựng một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna là quan trọng đối với các hệ thống phòng thủ ở khu vực trung tâm của Indonesia”.
Chủ tịch Mahfudz Siddiq thúc giục sớm tiến hành kế hoạch xây dựng căn cứ trên - vốn được hoạch định từ năm 2015.
Đề xuất được ủy ban trên đưa ra sau sự việc ngày 19-3. Ngày hôm đó, lực lượng Indonesia cố gắng bắt giữ tàu cá Trung Quốc Kway Fey 10078 bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ngoài khơi Natuna. Thế nhưng, một tàu hải cảnh Trung Quốc can thiệp và ngăn cản tàu Indonesia. Tám thủy thủ trên tàu Kway Fey 10078 bị Indonesia bắt giữ.
Chính phủ Indonesia đã bác bỏ lời giải thích của Bắc Kinh về sự việc trên. Khi đó, Bắc Kinh khẳng định tàu cá bị bắt khi đang hoạt động trong “ngư trường truyền thống” của nước này. Ngoại trưởng Retno LP Marsudi yêu cầu Trung Quốc làm rõ thuật ngữ đó trong công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh.
Một số khu vực EEZ quanh quần đảo Natuna của Indonesia cũng bị “gom” vào trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Điều đó dường như trái với những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hồi tháng 11-2015 khi ông này khẳng định Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna. Các nhà lập pháp Indonesia xem sự cố ngày 19-3 là sự xâm phạm đối với tính hợp pháp của tuyên bố đó.
Việc căn cứ quân sự mới trên quần đảo Natuna không phải là tín hiệu đầu tiên cho thấy Indonesia tăng cường hiện diện quân sự ở đó. Năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo lệnh cho máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra P3-C ra Natuna.
IS đe dọa các nước Đông Á
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn tại Đông Á, kể cả Nhật, theo báo cáo chiến lược đánh giá Đông Á của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật năm 2016 công bố ngày 25-3.
Các báo cáo trước thường đề cập đến chủ đề Mùa xuân Ả rập. Đây là lần đầu tiên báo cáo chiến lược đánh giá Đông Á đề cập đến IS và ảnh hưởng của nhóm này ở châu Á.
Theo báo cáo, IS đang nhắm vào những người gốc Á và các đại sứ quán châu Á ở Trung Đông với tham vọng mở rộng lãnh thổ cũng như chiêu mộ chiến binh từ châu Á.
Báo cáo này được công bố ba ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một người đàn ông Nhật 23 tuổi bị nghi ngờ cố gắng vượt biên sang Syria để tham gia lực lượng IS. Người này đã bị trục xuất và quay về Nhật vào ngày 24-3.
Năm 2014 một sinh viên Nhật đã lên kế hoạch du lịch đến Syria với ý định gia nhập IS.
Báo cáo cho rằng số lượng người Nhật mà IS đang đến nhắm làm nạn nhân ngày càng tăng. Đầu tháng 3 xuất hiện một đoạn video cho thấy nhà báo người Nhật Jumpei Yasuda bị bắt làm con tin. Nhà báo Jumpei Yasuda mất tích sau khi đến Syria vào cuối tháng 7-2015. Chưa rõ nhóm nào thực hiện vụ bắt cóc này.
Năm 2015, IS đã sát hại hai công dân Nhật - nhà báo Kenji Goto và nhà thầu an ninh tư nhân Haruna Yukawa sau khi yêu cầu đòi tiền chuộc 2 triệu đô la bị từ chối. IS cũng đã cảnh báo về các cuộc tấn công vào đại sứ quán Nhật tại Indonesia, Malaysia, Bosnia và Herzegovina.
Báo cáo cũng nhấn mạnh IS đang nhắm đến mở rộng lãnh thổ vào Trung Quốc. Mục tiêu là khu tự trị Tân Cương.
Báo cáo cũng đánh giá IS có thể ảnh hưởng đến tư thế quân sự của Mỹ trên bình diện thế giới, bao gồm cả khu vực châu Á.
Boko Haram buộc hàng trăm thiếu nữ đánh bom tự sát
Trong vòng 2 năm qua, nhóm khủng bố Boko Haram đã bắt cóc 219 bé gái người Nigeria và buộc chúng thực hiện đánh bom tự sát.
Theo các nguồn tin quân sự và từ chính phủ Nigeria, họ vừa ngăn chặn kịp thời một thiếu nữ kích nổ bom tự sát ở phía bắc Cameroon hôm 25-3. Cô gái này khẳng định mình là một trong 219 học sinh nữ bị nhóm Boko Haram bắt cóc ở thị trấn Chibok – Nigeria vào năm 2014.
Được biết, lực lượng dân quân tự vệ ở làng Limani đã chặn 2 cô gái mang theo chất nổ tại khu vực phía bắc Cameroon, nơi thường xảy ra các vụđánh bom tự sát vài tháng gần đây. Hai thiếu nữ trên đã được bàn giao cho binh lính Cameroon thuộc lực lượng đa quốc gia chống tổ chức Boko Haram.
Trước đó, vào tháng 4-2014, tổ chức khủng bố Boko Haram đã ập vào một trường học và bắt cóc 270 học sinh nữ lên xe tải. Khoảng 50 em đã may mắn trốn thoát.
Ông Raymond Roksdo, một nhà chức trách địa phương, cho biết: “Một trong 2 thiếu nữ khẳng định mình là một trong các con tin bị bắt cóc. Cô bé khoảng 15 tuổi. Chúng tôi đang tiến hành xác minh thông tin vì phía Nigeria cho biết họ có tên và hình ảnh của các học sinh bị bắt”.
Cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan từng hứng chịu chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trong vụ bắt cóc hàng loạt ở thị trấn Chibok khi gần một tháng sau khi vụ việc xảy ra. Chính phủ mới đã cử người đến điều tra xem vụ bắt cóc có thật không và có bao nhiêu học sinh nữ mất tích.
Vào năm 2015, liên minh quân sự giữa Nigeria, Niger, Chad và Cameroon đã thành công đẩy lùi nhóm Boko Haram ra khỏi nhiều khu vực bị chúng chiếm đóng ở Nigeria. Tuy nhiên, trong khi lực lượng 8.700 binh lính này vẫn đang tìm cách loại bỏ Boko Haram thì nhóm chiến binh Hồi giáo này đã tăng cường tấn công và đánh bom tự sát khu vực biên giới. Nhiều vụ trong số đó đều do các cô gái trẻ gây ra.
Nga triển khai tên lửa ra quần đảo tranh chấp với Nhật
"Việc tái vũ trang các đội quân và căn cứ quân sự ở quần đảo Kuril như kế hoạch đang diễn ra. Cũng trong năm nay, họ sẽ nhận hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal và Bastion, cũng như máy bay không người lái thế hệ mới Eleron-3", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm qua nói trong cuộc họp của bộ.
Nga trong những năm gần đây đang đầu tư hạ tầng cơ sở quân sự ở quần đảo Kuril mà Nhật cũng coi là lãnh thổ, bao gồm việc thiết lập các doanh trại mới cho binh sĩ.
Ông Shoigu cho hay quân đội đang tập trung "phát triển hạ tầng cơ sở quân sự tại khu vực Bắc cực và đảo Kuril".
Quan hệ Nga - Nhật căng thẳng trong nhiều thập kỷ xung quanh tình trạng của 4 đảo cực nam trong chuỗi Kuril, được biết đến với cái tên Lãnh thổ phương Bắc ở Nhật. Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga tháng tới sẽ thực hiện nhiệm vụ dài ba tháng tới quần đảo Kuril để xem xét khả năng đặt căn cứ hải quân trên quần đảo.
Năm nay và năm tới, Nga dự kiến xây hơn 350 toà nhà phục vụ nhu cầu quân sự trên các đảo Iturup và Kunashir, thuộc quần đảo Kuril, được gọi là Etorofu và Kunashiri trong tiếng Nhật.
Khoảng 19.000 người Nga sống trên các đảo đá xa xôi, do quân đội Xô Viết chiếm đóng vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Hai nước chưa bao giờ chính thức ký hiệp ước hoà bình và căng thẳng dai dẳng về vấn đề đã cản trở quan hệ thương mại suốt nhiều thập kỷ.
Triều Tiên tung video mô phỏng tấn công Washington bằng tên lửa từ tàu ngầm
Theo AFP, video dài 4 phút, có nội dung mô tả lịch sử mối quan hệ giữa hai nước. Sau đó, video kết thúc bằng cảnh một tên lửa đạn đạo bay xuyên qua mây vào không gian, quay lại Trái đất và nổ tung ở ngay trước Đài tưởng niệm Lincoln tại thủ đô Washington, Mỹ.
Tòa nhà quốc hội Mỹ trên đồi Capitol cũng bị nổ tung trong video. Kèm theo hình ảnh này, còn có dòng chữ xuất hiện trên màn hình: "Nếu đế quốc Mỹ tiến một inch về phía chúng tôi, chúng tôi ngay lập tức sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân".
Hình ảnh mô phỏng các tòa nhà lớn ở thủ đô Washington, Mỹ bị nổ tung trong đoạn video Triều Tiên vừa công bố. Nguồn: Yonhap
Video xuất hiện trên trang web tuyên truyền DPRK Today, kèm thêm các bức ảnh có từ thời chiến tranh Triều Tiên. Trong đó có bức ảnh bắt giữ tàu do thám Pueblo của Mỹ hồi năm 1968 và khủng hoảng đầu tiên về chương trình hạt nhân Triều Tiên từ đầu những năm 1990.
Triều Tiên hiện đang từng bước nâng cao khả năng về công nghệ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Điều này cho phép Bình Nhưỡng nâng tầm khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân và có thể trả đũa khi bị tấn công hạt nhân.
Triều Tiên cũng đã và đang tiến hành loạt vụ thử nghiệm SLBM mà nước này nói là đã thành công.
Tuy nhiên, các chuyên gia luôn tỏ ra hoài nghi về sự thành công của những vụ thử nghiệm này.
Theo Yonhap, nếu công nghệ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên phát triển toàn diện, đây sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng bởi tính di động của nó.