tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 24-03-2016

  • Cập nhật : 24/03/2016

Thủ tướng Úc: Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông chỉ phản tác dụng

Thủ tướng Malcolm Turnbull trong một phát biểu ở Sydney ngày 23.3 đã chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng nó không có ý nghĩa gì, ngược lại còn phản tác dụng về mặt pháp lý.
“Việc triển khai các hoạt động quân sự của Trung Quốc phản tác dụng về mặt luật pháp, với trạng thái này chúng ta không thể đưa ra quan điểm hay yêu cầu gì”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Úc Turnbull.
Bắc Kinh đang cấp tập tiến hành nhiều hoạt động quân sự hóa Biển Đông như triển khai tên lửa phòng không và đối hạm, lắp đặt hệ thống radar và điều chiến đấu cơ đến vùng biển này nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền phi lý của mình. Tuy nhiên, hoạt động quân sự của Trung Quốc đã bị nhiều nước phản đối, kể cả Mỹ và Úc.
Phát biểu của ông Turnbull được xem là lời chỉ trích nặng nề nhất mà người đứng đầu chính phủ Úc từng đưa ra đối với đối tác thương mại lớn nhất của Canberra, theo Reuters. Nó càng có ý nghĩa đặc biệt khi Thủ tướng Turnbull sẽ có chuyến công du quan trọng đến Trung Quốc vào tháng 4.2016.
hinh anh vu trung quoc ban ten lua diet ham yj-62 moi day duoc cho la tu dao phu lam (trai) va phan tich tu hinh chup dao phu lam (thuoc quan dao hoang sa cua viet nam bi nuoc nay chiem dong) - anh: ifeng.com - do hoa: s.d

Hình ảnh vụ Trung Quốc bắn tên lửa diệt hạm YJ-62 mới đây được cho là từ đảo Phú Lâm (trái) và phân tích từ hình chụp đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị nước này chiếm đóng) - Ảnh: Ifeng.com - Đồ họa: S.D

Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuyên bố nhân chuyến công du châu Á của bà hồi đầu tuần ở Malaysia rằng Canberra sẽ tiếp tục điều tàu chiến và máy bay tuần tra Biển Đông. Tuyên bố này nhiều lần được bà nhắc đến nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải của Úc trên vùng biển quốc tế, cũng là để thể hiện sự ủng hộ của Úc đối với Mỹ với cùng mục tiêu.
Hồi tháng 2.2016, Úc công bố sách trắng quốc phòng trong đó nhấn mạnh việc gia tăng ngân sách quốc phòng nhằm đối phó với sự bất ổn trước mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc sau đó ra tuyên bố bày tỏ "thất vọng" đối với những tuyên bố trong sách trắng của Canberra.

Triều Tiên thử tên lửa nhiên liệu rắn, Hàn Quốc báo động cao

Triều Tiên hôm nay tuyên bố thử thành công một tên lửa dùng nhiên liệu rắn, trong khi đó, tổng thống Hàn Quốc yêu cầu quân đội sẵn sàng đối phó với mọi "sự khiêu kích" từ Bình Nhưỡng.
hinh anh nha lanh dao kim jong-un thi sat mot cuoc dien tap cua quan doi nhan dan trieu tien tai dia diem chua xac dinh duoc cong bo ngay 20/3. anh: kcna.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một cuộc diễn tập của Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại địa điểm chưa xác định được công bố ngày 20/3. Ảnh: KCNA.

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un hài lòng với cuộc thử nghiệm và nhận định thành công này giúp tăng cường năng lực tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng để tấn công "không khoan nhượng các thế lực thù địch".

"Hôm nay là ngày lịch sử bởi chúng ta đã tạo ra một bàn đạp mới cho sự phát triển trong ngành công nghiệp tên lửa", ông Kim nói. "Chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu khoa học quốc phòng khiến kẻ thù phải sợ hãi".

Thông tin trên, nếu được xác nhận, đồng nghĩa Triều Tiên vẫn đang tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tốc độ cao, phớt lờ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Triều Tiên tuần trước thông báo thử nghiệm mô phỏng cho một tên lửa đạn đạo quay lại bầu khí quyển thành công và sẽ sớm thử nghiệm tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên từng phóng các tên lửa tầm xa sử dụng nhiên liệu lỏng và được cho là không có khả năng chế tạo tên lửa tầm xa hoặc tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn. Nước này cũng chưa tiến hành thử nghiệm bay đối với ICBM KN-08, được cho là đang phát triển.

KN-08, đã xuất hiện trong nhiều cuộc duyệt binh ở Triều Tiên, dường như là tên lửa ba tầng và sử dụng nhiên liệu rắn, Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết. Nhiều chuyên gia tin Triều Tiên cần ít nhất 10 năm nữa để chế tạo ICBM có thể đe dọa Mỹ.

Triều Tiên hôm qua còn cảnh báo lực lượng pháo binh đã sẵn sàng chôn vùi phủ tổng thống Hàn Quốc trong biển lửa.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã ban bố tình trạng báo động cao và đặt quân đội trong trạng thái sẵn sàng đáp trả "mọi hành động khiêu khích liều lĩnh của Triều Tiên", theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc.


Indonesia phản bác tuyên bố ngư trường truyền thống của Trung Quốc ở Biển Đông

Jakarta hôm qua cho rằng tuyên bố của Bắc Kinh về ngư trường truyền thống ở quần đảo Natuna là mơ hồ, không tuân theo luật pháp quốc tế. 
Tàu

Tàu cá Quế Bắc Ngư của Trung Quốc. Ảnh: Sohu

"Nhìn vào vị trí vụ việc ban đầu và nhìn vào vị trí va tàu, việc này nằm ngoài đường 9 đoạn. Do đó, đây có thể là một kiểu vẽ ra sự việc hoàn toàn khác", AP dẫn lời ông Arif Havas Oegroseno, thứ trưởng Điều phối Hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia, hôm qua nói với các phóng viên. 

Chiều 19/3, sáng 20/3, tàu tuần tra Indonesia chặn tàu cá 10078 Quế Bắc Ngư của Trung Quốc bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia ở vùng biển quanh quần đảo Natuna, bắn chỉ thiên khi những ngư dân cố tẩu thoát. Sau đó, giới chức Indonesia bắt giữ 8 thuyền viên trên tàu.

Khi tàu Quế Bắc Ngư đang được lai dắt tới một hòn đảo, tàu hải cảnhTrung Quốc can thiệp, đâm va nhằm làm tàu cá vỡ, không thể kéo đi được và yêu cầu thả tàu, phía Indonesia cho biết. Sau khi cân nhắc về sự an toàn của những người trên tàu tuần tra Indonesia, giới chức bỏ tàu cá Trung Quốc lại nhưng vẫn đưa ngư dân nước này đi. 

Bắc Kinh sau đó bác bỏ tuyên bố của Indonesia, cho rằng tàu cá nước này đang hoạt động ở "ngư trường truyền thống của Trung Quốc" thì bị một tàu có vũ trang của Indonesia "quấy rối", buộc tàu hải cảnh Trung Quốc phải đến để hỗ trợ.

"Đây là một khía cạnh mới trong lập trường tranh cãi của Trung Quốc trong khu vực mà không chỉ Indonesia, các nước Đông Nam Á khác cũng cần theo dõi rất chặt chẽ", bởi ngư trường truyền thống theo lịch sử không được công nhận theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, ông Oegroseno nói.

"Thứ hai, tuyên bố rất trừu tượng và và mập mờ bởi từ khi nào, từ năm nào nó trở thành lịch sử và truyền thống. Và họ cũng mơ hồ, mập mờ về diện tích khu vực", Oegroseno cho hay. Ông cũng cho rằng Trung Quốc không nói rõ "ngư trường truyền thống" này thuộc phần nào của Biển Đông. 

Sau một loạt vụ việc trên vùng biển Indonesia, nước này sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Natuna, nơi khoảng 800 binh sĩ đang đồn trú. Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu cho biết trong năm nay, lực lượng đồn trú ở Natuna sẽ tăng lên khoảng 2.000 người.Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các vùng biển gần những nước Đông Nam Á hơn, trong đó có Việt Nam. Tuy Indonesia không phải là bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nước này đã bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc đưa quần đảo giàu tài nguyên Natuna vào "đường 9 đoạn" phi lý hay "đường lưỡi bò".

vi tri quan dao natuna. do hoa: developmentadvisor

Vị trí quần đảo Natuna. Đồ họa: Developmentadvisor


Một người Trung Quốc thừa nhận đánh cắp thông tin quân sự Mỹ

Một doanh nhân Trung Quốc đã nhận tội tấn công mạng máy tính của nhiều công ty quốc phòng lớn tại Mỹ để đánh cắp thông tin.
Bộ Tư pháp Mỹ cho hay ông Su Bin (50 tuổi) sẽ phải đối mặt với bản án tối đa 5 năm tù vì cáo buộc tham gia cùng 2 người khác tại Trung Quốc đánh cắp các thông tin quân sự nhạy cảm và lan truyền trái phép, theo Reuters ngày 23.3.
Theo cáo trạng, ông Su bắt đầu việc này vào năm 2008 và nhắm vào các công ty Mỹ. Năm 2010, ông này gửi email cho một người chưa rõ tên tại Trung Quốc về các thông tin của máy bay vận tải quân sự C-17 của hãng Boeing.
Ông Su còn chỉ cho đồng phạm các nhân viên nào trong công ty cần nhắm đến và dịch các tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Trung. Phiên xét xử dự kiến diễn ra vào ngày 13.7 tại toà liên bang ở Los Angeles.
Su Bin bị bắt vào năm 2014 tại Canada và đồng ý bị dẫn độ về Mỹ. Theo Reuters, truyền thông Canada hồi tháng 1.2016 đưa tin rằng 2 quân nhân Trung Quốc tham gia cùng ông Su Bin để lấy được bản thiết kế của máy bay chiến đấu F-35 và nhiều máy bay khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó cho rằng chính quyền và quân đội nước này phản đối và không bao giờ tham gia vào bất kỳ hoạt động tấn công mạng nào.

Giáo sư Thayer: Căng thẳng Indonesia - Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông tệ hơn

Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc sau vụ đụng độ tàu hải cảnh tại vùng biển gần quần đảo Natuna ngày 19.3 sẽ khiến tình hình Biển Đông tồi tệ hơn, theo Giáo sư Carl Thayer.

Giới chức Indonesia cho biết sẽ khởi tố vụ 8 ngư dân Trung Quốc được cho đánh bắt trộm trên vùng biển của Indonesia. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông, thông qua những yêu sách lãnh thổ phi lý (đường 9 đoạn) cắt ngang nhiều vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước trong khu vực.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, trong bài viết trên chuyên san The Diplomat, ngày 22.3 cho rằng Indonesia rơi vào thế khó qua sự kiện lần này.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trong buổi họp báo ngày 21.3 nhắc lại quan điểm rằng căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh vừa qua không liên quan tới Biển Đông, và nhấn mạnh rằng “Indonesia không phải là nước có yêu sách trên Biển Đông”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa qua cũng một lần nữa khẳng định rằng tàu cá Trung Quốc “hoạt động bình thường trên vùng biển đánh bắt lâu đời của Trung Quốc” (?), một cách lập luận cũ kỹ, mơ hồ.

Theo Giáo sư Carl Thayer, việc Trung Quốc đưa ra khái niệm “quyền lịch sử” trên Biển Đông, bao gồm các tuyên bố ngang nhiên là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, quản lý tất cả các hòn đảo và vùng nước xung quanh, bao gồm cả “đường chín đoạn” phi lý đi qua EEZ của các nước đã vô tình đẩy Indonesia tiến ra phía trước trong việc thách thức “đường chín đoạn” ấy.

Vấn đề nằm ở chỗ từ trước tới nay, Trung Quốc luôn muốn ôm trọn Biển Đông bằng chiến thuật mơ hồ, tránh mọi biện pháp kiện tụng quốc tế và chỉ muốn đàm phán song phương.

giao su carl thayer cho rang mau thuan giua trung quoc va indonesia se khien tinh hinh bien dong ngay cang toi te - anh: bao vinh

Giáo sư Carl Thayer cho rằng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Indonesia sẽ khiến tình hình Biển Đông ngày càng tồi tệ - Ảnh: Bảo Vinh

Đây là chuyện cũng đang xảy ra trong mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong thời gian qua. Theo đó, Bắc Kinh và Washington đổ lỗi cho nhau trong việc ai đang quân sự hóa trên Biển Đông.

Quan điểm về việc thực hiện các Hoạt động Tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) của Mỹ, bao gồm việc đưa tàu chiến tiến sát khu vực “12 hải lý” tại các đảo do Trung Quốc xây dựng trái phép, trên thực tế “trao cho Trung Quốc quá nhiều sự tôn trọng luật pháp”, nghĩa là vô tình thừa nhận tính hợp pháp của các công trình phi pháp ấy, theo Giáo sư Thayer.

Như vậy, trong thời điểm Indonesia vẫn đang giằng xé giữa việc giữ quan hệ đối tác với Trung Quốc hay phản ứng mạnh mẽ về vấn đề bị xâm phạm EEZ, cũng như hành động theo nguyên tắc ngoại giao bebas-aktif (độc lập và chủ động) với các vấn đề Biển Đông, mọi thứ vẫn "kẹt cứng". Phát biểu tại Jakarta, chuyên gia Donald Weatherbee cũng nói rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thất bại trong việc áp dụng nguyên tắc bebas-aktif.

Ngoài ra, với việc chính quyền Mỹ sẽ thay đổi sau khi Tổng thống Barack Obama nhường lại vị trí cho tân tổng thống sau cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2016, câu chuyện sẽ hứa hẹn có những thay đổi tiếp diễn. Chỉ có điều trong thời gian “chờ” Indonesia và Mỹ có sự chuyển biến, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông, và tình hình sẽ còn tệ hơn trước khi có cơ hội sáng sủa trở lại, theo Giáo sư Thayer.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục