Các nhà làm luật Indonesia đang kêu gọi lập một căn cứ quân sự ở Natuna để tăng cường phòng vệ ở khu vực quanh đảo Natuna của nước này ở Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 25-03-2016
- Cập nhật : 25/03/2016
Malaysia tố 100 tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải
Ngày 25/3, chính quyền Malaysia thông báo phát hiện khoảng 100 tàu, thuyền Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải nước này gần cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông hôm qua.
Hãng thông tấn Bernama dẫn lời Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim cho biết lực lượng Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia và hải quân nước này đã được huy động tới khu vực gần cụm bãi cạn Luconia để giám sát tình hình.
Ông Shahidan khẳng định Malaysia sẽ có hành động pháp lý nếu họ phát hiện các tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này trên Biển Đông.
Cụm bãi cạn Luconia hiện do Malaysia quản lý nằm gần điểm cực nam của cái gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc đơn phương vạch ra nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
Gần đây, các tàu cá Trung Quốc bị tố xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Indoneisa, trong khi tàu hải cảnh Trung Quốc tông vào tàu tuần tra của Indonesia để giải vây cho các tàu cá nước này. Indonesia kiên quyết không thả 8 thuyền viên Trung Quốc và dọa sẽ kiện Bắc Kinh lên tòa quốc tế sau sự việc.
Malaysia vốn được xem là quốc gia có "quan hệ đặc biệt" với Trung Quốc và các bộ trưởng nước này thường tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vai trò của Trung Quốc trên vùng biển này. Tuy nhiên tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein khiến dư luận xôn xao có tuyên bố cứng rắn.
Ông Hishammuddin Hussein khẳng định nếu các báo cáo của Bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, "chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung Quốc".
Ông Hussein còn tiết lộ mong muốn gặp gỡ với những người đồng cấp từ Australia, Philippines và Việt Nam để thảo luận về các hành vi quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hàng triệu lao động nước ngoài ở Ả Rập Xê Út sẽ hồi hương
Mobarak Musa, một nhân viên bán điện thoại di động từ Syria, đã làm việc tại Ả Rập Xê Út 10 năm qua và đều đặn gửi một phần tiền lương anh có về nhà để giúp đỡ ba mẹ và ba anh em. Song sự thay đổi trong chính sách của Ả Rập Xê Út sẽ đồng nghĩa với việc anh không thể tiếp tục làm thế trong tương lai.
Hồi đầu tháng 3, Bộ Lao động Ả Rập Xê Út thông báo rằng trong vòng sáu tháng tới, người nước ngoài sẽ bị cấm bán và duy trì điện thoại di động cùng các phụ kiện điện thoại di động nhằm giữ việc làm cho người dân sở tại. Anh Musa trở thành một trong hàng trăm ngàn lao động nước ngoài có thể mất việc, về nước trong năm nay. Giá dầu thấp buộc cường quốc dầu mỏ phải hạn chế cơ hội tuyển dụng cho người ngoại quốc.
“Tôi không biết nơi nào khác để đi, tôi không biết công việc nào khác để làm”, anh Musa, người khoảng 30 tuổi chia sẻ trong cửa hàng điện thoại nhỏ của anh ở trung tâm thủ đô Riyadh.
Hàng triệu lao động nước ngoài từ Nam Á, Đông Nam Á và nhiều nơi khác từng đổ xô đến làm việc ở quốc gia Trung Đông giữa lúc kinh tế bùng nổ trong thập kỷ qua. Họ làm nhiều công việc trả lương thấp trong ngành công nghiệp dầu mỏ, xây dựng, dịch vụ và cũng đảm đương nhiều vị trí quản lý trung cấp và chuyên nghiệp.
Năm 2014, có 10,1 triệu người nước ngoài trên tổng số dân 30,8 triệu người của Ả Rập Xê Út, theo số liệu chính phủ công bố. Lao động ngoại quốc ở gửi 9,1 tỉ USD ra khỏi Ả Rập Xê Út trong quý 3/2015 và số tiền trên quan trọng với quê hương của họ.
Dòng chảy di dân tìm việc làm giờ đây có thể đảo ngược. Tăng trưởng kinh tế Ả Rập Xê Út đang chậm lại khi giá dầu rẻ làm ngân sách nước này thâm hụt gần 100 tỉ USD năm ngoái, buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu. Nhiều nhà phân tích dự báo mức tăng GDP, số liệu trung bình là 5% mỗi năm từ 2006 đến 2015, sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm nay.
Một phần của thực tế này là vì nội quy lao động khiến việc sa thải nhân viên người Ả Rập Xê Út tốn kém và khó khăn, và làn sóng sa thải trong thời gian đầu thường có xu hướng chỉ ảnh hưởng lên người nước ngoài. Một giám đốc điều hành công ty lớn ở Ả Rập Xê Út nói rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu một triệu người nước ngoài sẽ phải rời khỏi đất nước vào cuối năm nay.
“Những thay đổi kinh tế đã bắt đầu gây áp lực lên thị trường lao động, khởi đầu đợt di cư của một bộ phận lớn người lao động nước ngoài”, nhà kinh tế Fadl al-Boainain nói.
Đến nay, các đợt sa thải chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng, ngành mà giới phân tích ước tính đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 45% người nước ngoài.
“Sau 12 năm có công việc ổn định tại doanh nghiệp lớn, tôi bắt đầu phải cập nhật CV của mình để gửi cho nhiều nhà tuyển dụng khác”, Abu Fadi, kỹ sư người Palestine Lebanon cho biết. Công ty của anh ở Riyadh đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và chưa trả lương cho nhân viên từ tháng 9.2015.
Làn sóng sa thải có thể sẽ lan ra các ngành khác trong tương lai. Một số chuyên gia nước ngoài được trả lương cao đã xem xét rời khỏi Ả Rập Xê Út vì họ nhận thấy ít cơ hội khi tài chính vương quốc này eo hẹp. Sau hơn 9 năm ở Ả Rập Xê Út, một nhà tư vấn hóa dầu người Anh ẩn danh đang cân nhắc trở về nhà vì các dự án và sự phê duyệt ngân sách bị trì hoãn.
“Ả Rập Xê Út với vị trí điểm đến hàng đầu cho người nước ngoài sẽ hạ nhiệt vì sự phụ thuộc lớn của đất nước vào doanh thu dầu mỏ, và mức độ của các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã được lên kế hoạch”, cổng thông tin tuyển dụng trực tuyến Gulf Talent viết trong báo cáo công bố tháng này.
Trong khi đó, chính phủ Ả Rập Xê Út vốn đang thiếu tiền mặt để tạo thêm việc làm trong khối nhà nước cho công dân của họ và lo lắng rằng tỷ lệ thất nghiệp chính thức 11,5% sẽ còn tăng lên, hiện can thiệp nhiều vào thị trường lao động để khuyến khích người dân đi làm, bù đắp chỗ trống mà người nước ngoài từng đảm trách.
“Bộ Lao động nhắm mục tiêu tạo việc làm cho 1,3 triệu người Ả Rập Xê Út… Đang có kế hoạch quốc hữu hóa dần dần các công ty như taxi, du lịch và lữ hành, bất động sản, trang sức và rau quả”, ông Abalkhail nói.
Campuchia - Thái Lan hạ nhiệt căng thẳng về đền Preah Vihear
Giới chức Campuchia và Thái Lan đang thảo luận về thỏa thuận cho tiếp cận ngôi đến cổ hơn 900 năm tuổi Preah Vihear từ phần đất của Thái Lan, một tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang ấm dần lên.
Đền Preah Vihear, nơi xảy ra tranh chấp quyền sở hữu khốc liệt giữa Campuchia và Thái Lan trong nhiều năm qua - Ảnh:Bangkok Post
Báo Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm 24-3 cho biết các khâu chuẩn bị đang được hai bên xúc tiến.
Phía Campuchia đang xem xét đánh giá việc cho phép du khách Thái Lan có thể đến đền Preah Vihear thông qua ngả Pha Mor E-daeng nằm trên đất Thái Lan.
Hiện công dân Thái Lan chỉ được phép đến viếng đền Preah Vihear từ cổng nằm trên đất Campuchia.
Còn nếu đi từ đất Thái thì du khách chỉ có thể đến ngắm di sản thế giới do Unesco bình chọn này từ bờ đá Pha Mor E-daeng nằm trong công viên quốc gia Khao Phra Viharn của Thái Lan.
Ông Tea Banh nhấn mạnh động thái này sẽ giúp thúc đẩy ngành du lịch ở hai nước.
Đây là lần đầu tiên giới chức Campuchia chính thức lên tiếng về vấn đề cho phép tiếp cận ngôi đền Hindu hơn 900 năm tuổi này từ phía biên giới Thái Lan.
Bất đồng và giao tranh kéo dài ở khu vực biên giới dẫn đến việc Campuchia cho đóng cửa vào đền Preah Vihear từ phía Thái Lan từ năm 2009.
Đỉnh điểm của việc tranh chấp đền Preah Vihear dẫn đến việc cả hai nước đưa vụ việc ra Tòa án công lý quốc tế ở The Hague phân xử.
Tòa án công lý quốc tế đã trao quyền quản lý đền Preah Vihear cho Campuchia từ năm 1962 và quyết định này được xác nhận lại vào năm 2013 sau khi Thái Lan lại tranh chấp quyền sở hữu ngôi đền này. Căng thẳng giữa hai nước đã kéo dài cho đến những năm sau này.
Năm 2011, chính phủ Campuchia cho xây dựng một con đường dẫn lên đền trên phần đất của mình ở Ban Komui. Công trình xây dựng này đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ chính phủ Thái Lan vì cho rằng Campuchia đang xâm phạm chủ quyền của họ.
Đáp lại, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh xây một con đường dẫn đến khu vực Wat Keo Sikha Kirisvarak, rất gần đền Preah Vihear. Hành động này đã dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước ở khu vực biên giới.
Campuchia sau đó đã ban hành lệnh cấm công dân đến viếng đền Preah Vihear cả từ phía Campuchia. Lệnh cấm này kéo dài năm năm và vừa mới được dỡ bỏ hồi năm 2015.
Từ đó đến nay, chính phủ Thái Lan luôn kêu gọi Campuchia mở cửa đến ngôi đền này từ đất Thái nhưng Phnom Penh nhất mực từ chối.
Hàn Quốc: Triều Tiên tiếp tục khiêu khích sẽ 'tự diệt vong'
“Hàn Quốc sẽ vẫn đứng vững bất chấp những đe dọa của Triều Tiên và Bình Nhưỡng sớm muộn cũng sẽ tự hủy diệt bằng những hành động khiêu khích liên tục”, hãng tin Yonhap dẫn lời bà Park Geun-hye phát biểu trong một buổi lễ tại nghĩa trang quốc gia ở thành phố Daejeon, thuộc miền Trung Hàn Quốc.
Buổi lễ trên được tổ chức để tưởng niệm các quân nhân Hàn Quốc thiệt mạng trong 3 cuộc đụng độ với Triều Tiên trên Hoàng Hải.
Đồng thời, bà Park còn nhắc lại lời kêu gọi Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh: “Triều Tiên đang bị cô lập vì những lệnh trừng phạt chưa từng có của cộng đồng quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc rất có thể Bình Nhưỡng sẽ thực hiện thêm các hành động khiêu khích liều lĩnh.”
Trước đó cùng ngày, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi quân đội nước này sẵn sàng tấn công các cơ quan của Chính phủ Hàn Quốc tại Seoul, trong đó có Dinh tổng thống Cheong Wa Dae hay còn gọi là Nhà Xanh.
Quốc hội Myanmar phê chuẩn 18 tân bộ trưởng
Ngày 24-3, Quốc hội Myanmar phê chuẩn tất cả 18 bộ trưởng sẽ được bổ nhiệm trong chính phủ mới nước này vào tháng 4.
Channel NewsAsia cho biết các vị trí bộ trưởng quan trọng vẫn không thay đổi.
Bộ trưởng Tài chính vẫn là Kyaw Win sau vụ vỡ lỡ bằng tiến sĩ giả của ông ngày hôm trước. Trong khi vị trí Bộ trưởng Tài nguyên môi trường thuộc về ông Than Myint dù bằng tiến sĩ của ông không còn được công nhận nữa.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là điều không tốt cho chính phủ mới và cho hình ảnh của Myanmar.
"Sự tin tưởng của chúng tôi về năng lực của các bộ trưởng mới đang giảm sút. Với trình độ bộ trưởng - dù là bộ trưởng kinh tế hay tài chính - và trình độ tại ASEAN. Các bộ trưởng này phải gặp gỡ rất nhiều bộ trưởng ASEAN" - giám đốc quản lý Blue Ocean, Htun Htun Naing nhận định.
Ông Naing nói ấn tượng ban đầu sẽ rất bất lợi vì người ta sẽ biết đến việc ai đang xài bằng giả. Điều kế tiếp là khi giao tiếp, các bộ trưởng của ASEAN sẽ tự hỏi rằng người đang đối thoại với họ có đáng tin hay không với bằng cấp như thế.
"Tất cả điều này sẽ phản ánh hình ảnh của đất nước và chính phủ. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của doanh nghiệp. Trên trường quốc tế các mối quan hệ kinh doanh của Myanmar đã không tốt. Tuy nhiên điều duy nhất mà chúng tôi muốn thấy là khả năng và sự thể hiện của họ trong tương lai. Nếu họ có thể làm tốt công việc hơn nội các trước đây thì mọi người sẽ rất hạnh phúc" - ông Naing kết luận.
Trong khi đó công chúng tại Myanmar cũng có những phản ứng khác nhau trước thông tin phê chuẩn của Quốc hội nước này.
"Nếu vấn đề này là thật, tôi lo lắng bởi vì chúng tôi đang đặt tương lai của chúng tôi vào tay họ" - một cư dân Myanmar cho biết.
Một cư dân khác lại cho rằng: "Các bộ trưởng Myanmar đã sở hữu bằng giả nhưng điều đó không quan trọng. Họ cần phải chứng tỏ bản thân bằng cách cải thiện cuộc sống của chúng tôi. Đó mới là điểm chính yếu".
Trong khi đó lãnh đạo Đảng liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Tin Oo xác nhận đảng đã biết về các vụ sử dụng bằng giả hoặc hết hiệu lực của các bộ trưởng.
"Nếu có bất kỳ lời khiếu nại (chính thức) nào về vấn đề này, ủy ban có thể tiến hành một cuộc điều tra" - ông Oo cho biết và nói thêm cho đến nay vẫn chưa nhận khiếu nại nào về vấn đề này.