Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định mối quan hệ song phương Nga - Trung Quốc đang ở mức cao chưa từng thấy.
Tin thế giới đọc nhanh 26-03-2016
- Cập nhật : 26/03/2016
Thái Lan hoãn xây đường sắt qua Trung Quốc
Chính phủ Thái Lan đã lùi ngày khởi công xây dựng tuyến đường sắt nối liền thủ đô Bangkok với Tây Nam Trung Quốc do bất đồng về vấn đề kinh phí dự án.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 24-3 tuyên bố chính phủ nước này sẽ đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng dự án đường sắt nói trên.
Ngoài ra, Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết giai đoạn đầu tiên của dự án - xây tuyến đường sắt từ Bangkok đến thị trấn Nakhon Ratchasima, Đông Bắc Thái Lan - sẽ được dời sang tháng 8 hoặc tháng 9 tới, thay vì tháng 5 như kế hoạch ban đầu.
Trong các cuộc đàm phán kéo dài 2 năm qua giữa chính phủ Thái Lan vàTrung Quốc, hai bên không đạt được thỏa thuận về các khoản vay mà Bắc Kinh dành cho Bangkok. Cụ thể, Thái Lan cho rằng kinh phí của giai đoạn nói trên vào khoảng 170 tỉ baht (tổng chi phí là 530 tỉ baht), trong lúc Trung Quốc ước tính con số này khoảng 190 tỉ baht.
Trung Quốc sẽ không tài trợ vốn cho dự án, thay vào đó chỉ giúp lập kế hoạch và xây dựng. Ảnh: The Bangkok Post
Bất đồng khác đến từ lãi suất khoản vay của Bắc Kinh mà Bangkok cho là quá cao. Thái Lan muốn lãi suất không quá 2% nhưng Trung Quốc không chịu. Ông Prayut đã nhấn mạnh Bắc Kinh nên giảm lãi suất vì lợi ích của sự hợp tác song phương nhưng không tìm được tiếng nói chung.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo Thái Lan quyết định huy động ngân sách trong nước, cộng thêm các khoản vay nội địa để thực hiện dự án, bỏ qua kế hoạch vay tiền từ đối tác Trung Quốc. Ông Prayut khẳng định nếu Trung Quốc muốn giám sát dự án thì phải sử dụng công nhân và kỹ sư người Thái cũng như vượt qua bài kiểm tra về tác động môi trường.
Dự án là một phần trong kế hoạch thiết lập mạng lưới giao thông trên toàn Đông Nam Á của Bắc Kinh. Báo The Bangkok Post cho biết dự án gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ xây tuyến Bangkok - Nakhon Ratchasima và Nakhon Ratchasima - Nong Khai (tổng cộng 250 km); giai đoạn 2 hoàn tất đoạn Kaeng Khoi - Map Ta Phut (140 km).
Theo Bộ trưởng Termpittayapaisith, giai đoạn đầu tiên mất khoảng 2,5 năm để hoàn thành. Thái Lan có thể thuê các công ty xây dựng và sử dụng công nghệ của Trung Quốc
Mỹ tiêu diệt chỉ huy số hai của IS ở Syria
Lực lượng Mỹ tiêu diệt Abdul Rahman Mustafa al-Qaduli, chỉ huy cấp phó của phiến quân IS, Time dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc cho biết.
Tên này được biết đến với cái tên Haji Imam, từng là giáo viên vật lý, bị Mỹ coi là khủng bố toàn cầu năm 2014. Năm 2015, Washington treo thưởng 7 triệu USD cho ai có thông tin dẫn đến việc bắt giữ Imam. Hắn được coi là "bộ trưởng tài chính" của IS.
Theo NBC News, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Đại tướng Joe Dunford, Chủ tịch Ban tham mưu Liên quân Mỹ, dự kiến sớm cung cấp thông tin chi tiết về cuộc đột kích Haji Imam trong một cuộc họp báo.
Trước đó, các quan chức Mỹ tháng này cho biết Omar al-Shishani, chỉ huy hàng đầu IS, cấp trên của Haji Imam, bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Mỹ ở Syria.
Những cái chết này là thành công lớn của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt những tên khủng bố khét tiếng nhất trong danh sách khủng bố của Mỹ.
Nga sẽ 'hy sinh' Tổng thống Syria Bashar al-Assad?
Chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm bàn giải pháp cho nội chiến Syria có kết quả khả quan.
Nga và Mỹ thống nhất dùng ảnh hưởng của mình với các bên ở Syria để tìm một giải pháp chính trị chấm dứt nội chiến Syria, theo hãng tin Reuters (Mỹ).
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo chung tại Nga ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24-3, Ngoại trưởng Kerry ám chỉ đến khả năng Nga sẽ "hy sinh" Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chấm dứt nội chiến Syria.
Ông Kerry cho biết Nga và Mỹ đã thống nhất trong vài ngày tới sẽ cố gắng thúc giục Tổng thống Syria Bashar al-Assad “có quyết định đúng” để có được hòa bình cho Syria, để chính phủ Syria tham gia toàn diện hơn vào cuộc đàm phán hòa bình.
“Nga tới đây sẽ tự nói ra mình sẽ chọn làm gì để giúp ông Assad có quyết định đúng. Nhưng hôm nay Nga và Mỹ đã thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để đẩy tiến trình chính trị về phía trước".
Về phần mình, phát biểu sau đó Ngoại trưởng Lavrov không nhắc cụ thể đến khả năng này. Tuy nhiên, những lời ông Lavrov nói phần nào mang lại cảm giác Nga thiên về hướng sẽ "hy sinh" ông Assad - điều kiện mà Mỹ luôn kiên quyết giữ lại trong đàm phán.
“Có lẽ điều quan trọng nhất lúc này là: Nga đồng ý tăng cường nỗ lực thiết lập các điều kiện cần thiết cho một tiến trình chính trị tiến đến hòa bình cho Syria. Tiến trình chính trị này tùy thuộc vào sự quyết định của người dân Syria, rằng họ mong muốn đất nước họ sẽ như thế nào".
Nga khuyến khích các bên ở Syria tôn trọng các nguyên tắc của cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva, theo ông Lavrov.
Cả hai ông Kerry và Lavrov thống nhất sẽ nhanh chóng có các bước đi duy trì thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt hành động thù địch, trả tự do tù nhân, chấm dứt sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, tạo thuận lợi cho cứu trợ nhân đạo, cũng như giải quyết vấn đề Syria bằng giải pháp chính trị. Một điểm quan trọng là Mỹ, Nga thống nhất ủng hộ một thể chế mới ở Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại điện Kremlin (Nga) ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Trong cuộc hội kiến Tổng thống Nga Vladimia Putin sau đó, Ngoại trưởng Kerry và Tổng thống Putin cũng đã thống nhất tìm một giải pháp chính trị cho nội chiến Syria.
Reuters nhận định không khí các cuộc gặp ngày 24-3 bớt căng thẳng hơn các cuộc gặp trước giữa các lãnh đạo Nga và Mỹ. Thậm chí Tổng thống Putin có lời trêu đùa Ngoại trưởng Kerry.
Trong ngày 24-3, đặc phái viên LHQ về Syria Stafan De Mistura cho biết cuộc đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) do LHQ làm trung gian đã kết thúc vòng đầu tiên. Ông Stafan De Mistura đánh giá các bên đã có thái độ nghiêm túc trong quá trình đàm phán, tuy nhiên chưa có kết quả. Cuộc hòa đàm sẽ tiếp tục vào ngày 9-4.
Bỉ sẽ tham gia liên quân Mỹ không kích IS
Thủ tướng Bỉ Charles Michel hôm 25-3 tiết lộ nước này sẽ tham gia chiến dịch không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu sau các vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ở thủ đô Brussels.
Ông Michel nói tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đề cập khả năng tiếp tục sứ mệnh của phi đội chiến đấu cơ F-16 trong khuôn khổ thỏa thuận với Hà Lan. Đồng thời, Brussels sẽ tổ chức một cuộc thảo luận tại quốc hội và chính phủ để quyết định có nên mở rộng phạm vi hoạt động của phi đội này hay không.
Cũng theo ông Michel, Bỉ đã xác nhận kế hoạch không kích mục tiêu IS như một phần của liên minh do Mỹ dẫn đầu nhưng chưa rõ thời gian triển khai. Liên quân Mỹ tiến hành các cuộc không kích IS tại Iraq và Syria kể từ năm 2014.
Bỉ đang xem xét tiếp tục sứ mệnh của phi đội chiến đấu cơ F-16 nhằm chống lại IS. Ảnh: Flanders Today
Động thái trên của Bỉ diễn ra sau các vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô nước này hôm 22-3, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Báo La Libre dẫn lời ông Michel cho biết trong số các nạn nhân có cả công dân Mỹ. Một quan chức Washington cùng ngày xác nhận 2 công dân nước này đã bị giết trong các vụ khủng bố.
Tờ De Morgen và trang web DH dẫn nguồn tin cảnh sát Bỉ cho hay nghi can thứ năm trong các vụ đánh bom ở Brussels tên là Naim al-Hamed, 28 tuổi, đến từ Syria.
Theo thông tin của DH, Al-Hamed được vũ trang và rất nguy hiểm. Hắn cũng được cho là đã tham gia vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris – Pháp ngày 13-11-2015. Bốn nghi can còn lại được xác định là Mohamed Abrini, Najim Laachraoui cùng anh em Khalid và Ibrahim El Bakraoui.
Sau các vụ đánh bom ở sân bay và tàu điện ngầm tại Brussels, văn phòng công tố liên bang Bỉ cho biết 6 nghi can bị bắt trong các cuộc truy quét của cảnh sát vào đêm 24-3. Kênh truyền hình RTBF đưa tin nghi can thứ 7 bị bắt ở khu vực Forest hôm 25-3. Ngoài ra, có một người đàn ông bị bắt giữ tại Paris – Pháp vì nghi liên hệ với nhóm khủng bố, theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve.
Mỹ hứa giúp EU sau vụ đánh bom khủng bố Bỉ
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cần thiết trong việc điều tra những hành động khủng bố tàn ác này và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý. Chúng tôi hôm nay cung cấp mọi thứ họ cần và họ đã chấp nhận lời đề nghị của chúng tôi", Reuters dẫn lời ông Kerry hôm nay nói tại Bỉ.
"Chúng tôi sẽ làm việc chi tiết với họ nhằm giúp điều phối dòng chảy thông tin", ngoại trưởng Mỹ nói. Ông cho biết thêm rằng các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) đã làm việc trong năm qua để trao đổi thông tin chống khủng bố tốt hơn.
Ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ những lời chỉ trích với chính phủ Bỉ khi nước này không lần tìm được những phiến quân Nhà nước Hồi giáo trước vụ đánh bom hôm 22/3. "Chính phủ này đã hành động trong một năm và có động thái quyết liệt đối phó với chủ nghĩa khủng bố".
Ít nhất hai người Mỹ thiệt mạng trong các vụ tấn công sân bay và ga điện ngầm ở Brussels làm ít nhất 31 người chết, một quan chức Mỹ cho biết.