Cảnh sát Mỹ dùng robot tiêu diệt nghi phạm bắn tỉa
Ba kịch bản phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Đài Loan tìm ra nghi phạm đánh bom tàu chở khách
Philippines muốn 'chia sẻ tài nguyên' biển Đông với Trung Quốc
Siêu bão Nepartak khiến giao thông cả Đài Loan tê liệt
Tin thế giới đọc nhanh chiều 07-07-2016
- Cập nhật : 07/07/2016
Bộ trưởng Áo: Anh sẽ tiếp tục ở lại EU" trong 5 năm tới
Theo AFFP, ngày 5/7, Bộ trưởng Tài chính Áo Hans Joerg Schelling cho rằng Anh sẽ không rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) bất chấp kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua ủng hộ nước này rời khỏi EU (Brexit).
Trả lời phỏng vấn nhật báo Handelsblatt, Bộ trưởng Schelling nhấn mạnh: "Trong 5 năm tới (EU) vẫn sẽ có 28 quốc gia thành viên."
Ông cho rằng Vương quốc Anh có thể tan rã, trong đó Scotland và Bắc Ireland (nơi đa số cử tri bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU) vẫn là các thành viên của EU trong khi England ủng hộ Brexit sẽ đi theo con đường của mình.
Cùng ngày, Cao ủy EU về vấn đề tài chính Pierre Moscovici đã chỉ trích đề xuất của Anh nhằm giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới 15% sau khi nước này bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Phản ứng này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thông báo dự định trên.
Phát biểu trên Đài phát thanh Radio Classique của Pháp, ông Moscovici nói: "Theo tôi, giảm xuống 15% không phải là một sáng kiến lý tưởng. Chúng ta không nên tiến vào một cuộc cạnh tranh tài chính tệ hại do chính mình gây ra".
IS có thể tấn công khủng bố trận chung kết Euro 2016
Quan chức an ninh Đức cho rằng trận chung kết Euro 2016 tại Pháp có thể là mục tiêu hấp dẫn cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong cuộc phỏng vấn ngày 5/7, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết trận chung kết Euro 2016 diễn ra ngày 10/7 có thể là mục tiêu bị IS tấn công khủng bố, đặc biệt là nếu trận đấu có sự góp mặt của chủ nhà Pháp, theo Reuters.
Ông Maiziere nói Pháp đã "chuẩn bị tốt" cho mùa Euro và hiện ông chưa nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm nhưng vẫn cần đề phòng vì Euro chưa kết thúc. Ông Maiziere lặp lại cảnh báo này bởi ông cho biết IS đang tìm kiếm "mục tiêu tấn công thu hút sự chú ý của công chúng" trong bối cảnh phiến quân đang mất dần quyền kiểm soát nhiều vùng đất ở Syria và Iraq.
Quan chức Đức cảnh báo rằng thắng lợi quân sự trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông sẽ không làm giảm nguy cơ khủng bố. "Nếu IS bị suy yếu, chúng sẽ tìm cách hướng các cuộc tấn công ra nước ngoài".
Pháp đã huy động 90.000 cảnh sát, binh sĩ, nhân viên an ninh tư nhân cho giải vô địch các quốc gia châu Âu. Chủ nhà Euro 2016 cũng duy trì tình trạng khẩn cấp từ sau vụ thảm sát hồi tháng 11 năm ngoái do IS gây ra khiến 130 người thiệt mạng. Trong vụ khủng bố này, sân vận động Stade de France, nơi sẽ diễn ra trận chung kết hôm 10/7, cũng là mục tiêu bị tấn công.
NATO chuẩn bị tham gia đánh IS
Cuối tuần này, hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw (Ba Lan) sẽ bật đèn xanh để NATO tham gia cuộc chiến chống IS và chống buôn người từ Libya. Ngày 4-7 (giờ địa phương), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo như trên.
Phải gần sáu tháng thảo luận, 28 nước thành viên NATO mới nhất trí triển khai các biện pháp chống IS.
Biện pháp đầu tiên là triển khai các máy bay trinh sát Awacs của NATO đến không phận Thổ Nhĩ Kỳ và Địa Trung Hải để tạo vòng cung xung quanh Iraq, Syria và Libya.
Máy bay Awacs sẽ chỉ hoạt động trong lãnh thổ các nước NATO và không xâm phạm không phận Iraq và Syria.
Máy bay Awacs sẽ làm nhiệm vụ thu thập thông tin và chỉ chia sẻ thông tin cho liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.
Từ nhiều tháng nay, Mỹ đã kêu gọi các đồng minh trong liên minh chống IS và các nước NATO làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống IS.
Mỹ đã đề nghị sử dụng máy bay Awacs của NATO làm trung tâm chỉ huy. Máy bay Awacs có trang bị radar cực mạnh có thể quan sát trong phạm vi hàng trăm kilomet từ trên không. Điều này sẽ giúp ích cho các chiến dịch không kích.
Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh NATO cũng nhất trí bắt đầu huấn luyện và củng cố năng lực chiến đấu cho quân đội Iraq.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo NATO cũng sẽ giữ vai trò ở khu vực giữa Địa Trung Hải nhằm hỗ trợ EU ngăn chặn bọn đưa người vượt biển từ bờ biển Libya.
Dự kiến sẽ có nhiều tàu của NATO được triển khai tham gia chiến dịch chống khủng bố trên Địa Trung Hải.
Trong khi đó, sau vụ bắt cóc con tin trong nhà hàng tại Bangladesh và vụ đánh bom tại sân bay Atuturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, ba vụ đánh bom đã xảy ra tại Saudi Arabia.
Trong ngày 4-7 (giờ địa phương), tức chỉ còn hai ngày nữa chấm dứt tháng ăn chay Ramadan, bọn khủng bố đã tổ chức ba vụ đánh bom tự sát.
Vào đầu buổi chiều, một kẻ đánh bom tự sát kích nổ trước đền thờ Tiên tri tại Medina, một trong những địa điểm linh thiêng của Hồi giáo. Đài truyền hình cho thấy hình ảnh đám cháy bốc lên từ bãi gửi xe.
Bộ Nội vụ Saudi Arabia thông báo một người đàn ông đi qua bãi đậu xe để đi về hướng đền thờ Tiên tri với thái độ hết sức khả nghi.
Các nhân viên an ninh nghi ngờ định chặn lại thì người này kích nổ đai bom. Bốn nhân viên an ninh thiệt mạng và năm người bị thương.
Gần như cùng lúc đó, một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra gần một đền thờ Hồi giáo dòng Shiite ở Qatif. Trong vụ này có ba người chết.
Trước đó, rạng sáng 4-7, một kẻ đánh bom tự sát đã lái xe đến trước bệnh viện đối diện tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP Jeddah và kích nổ đai bom. Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết hung thủ là công dân nước ngoài.
Từ giữa năm 2014, IS đã gây ra hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu tại Saudi Arabia nhắm đến cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite thiểu số hoặc cảnh sát.
Trong những tháng qua, Saudi Arabia đã tăng cường bắt giữ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Năm ngoái, Saudi Arabia thông báo đã phá vỡ một nhóm IS và bắt giữ hàng trăm nghi can.
Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết về quyền tự do trên Internet
Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết không ràng buộc coi việc chặn tiếp cận mạng Internet là vi phạm nhân quyền.
Theo Euronews, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc gồm 47 thành viên hôm 1/7 thông qua một nghị quyết lên án hành động ngăn chặn hay làm gián đoạn việc truy cập mạng Internet.
Nghị quyết "lên án những biện pháp mập mờ cố tình ngăn chặn hay làm gián đoạn việc tiếp cận hoặc phổ biến thông tin trên mạng, vi phạm luật nhân quyền quốc tế và kêu gọi tất cả các nước kiềm chế cũng như dừng những biện pháp này".
Nga, Trung Quốc, Ấn Độ nằm trong số những nước phản đối nghị quyết, trong đó tái khẳng định lập trường của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc rằng "những quyền lợi của mọi người ở ngoài đời cũng phải được bảo vệ trên mạng".
Nghị quyết không mang tính ràng buộc này cũng lên án tình trạng bạo lực hay cưỡng ép đối với những người "thực hiện quyền con người và các quyền tự do căn bản của họ trên mạng Internet". Văn bản còn kêu gọi các nước giải quyết mối quan ngại an ninh trên mạng, trong đó có vấn đề bảo mật riêng tư.
Liên minh châu Phi ra mắt hộ chiếu đi lại tự do 54 nước
Trong lúc EU đang có nguy cơ tan rã thì Liên minh châu Phi (AU) lại muốn xích lại gần hơn bằng việc ra mắt hộ chiếu cho phép đi lại tự do toàn châu lục.
Hộ chiếu mới này sẽ cho phép chủ sở hữu đi lại miễn thị thực tại tất cả 54 quốc gia là thành viên của Liên minh châu Phi (AU) - Ảnh: CNN
Theo CNN, hộ chiếu điện tử cho phép chủ sở hữu đi lại miễn thị thực tại 54 quốc gia thành viên AU sẽ được cấp lần đầu tại Hội nghị thượng đỉnh AU ở Kigali Rwanda cuối tháng này.
Lần cấp phát hộ chiếu đặc biệt này mới chỉ giới hạn với các nguyên thủ quốc gia và quan chức cao cấp của các nước thuộc AU. Trong kế hoạch đầy tham vọng, liên minh châu Phi dự kiến sẽ cấp hộ chiếu đặc biệt cho mọi công dân châu Phi vào năm 2018.
Thông cáo của AU cho biết "Dự án quan trọng này có mục tiêu cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển tự do của các công dân, hàng hóa và các dịch vụ khác trên toàn châu lục, từ đó tăng cường hoạt động thương mại trên toàn châu Phi, phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy quá trình hội nhập châu lục".
Dự án cung cấp hộ chiếu đi lại tự do tại 54 quốc gia thành viên AU này là một phần trọng yếu trong kế hoạch hành động của liên minh các nước thuộc châu Phi tầm nhìn tới năm 2063.
Tính tới nay, những hộ chiếu chung kiểu này cũng đã được chấp nhận tại nhiều khu vực như Cộng đồng kinh tế tây Phi (ECOWAS).
Hiện tại mới chỉ 13 nước châu Phi mở cửa tiếp đón mọi công dân châu Phi khác mà không cần phải cấp thị thực trước. Trong khi đó, vẫn còn nhiều nước áp dụng các quy định hạn chế đi lại khá ngặt nghèo.
Một báo cáo gần đây của ngân hàng Phát triển châu Phi cho rằng, việc nới lỏng những thủ tục đi lại sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế. Báo cáo trích dẫn trường hợp thành công tại Rwanda, GDP cũng như doanh thu từ du lịch của quốc gia này đã tăng vọt sau khi xóa bỏ quy định thị thực.