tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 08-07-2016

  • Cập nhật : 08/07/2016

Tổng thư ký LHQ kêu gọi giải quyết hòa bình ở biển Đông

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh với Trung Quốc về sự cần thiết phải giải quyết những bất đồng về tranh chấp biển Đông một cách hòa bình.
tong thu ky lien hiep quoc ban ki-moon va ngoai truong trung quoc vuong nghi hom 7-7. anh: reuters 

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7-7. Ảnh: REUTERS 

Reuters ngày 7-7 đưa tin những phát biểu trên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon được đưa ra tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Căng thẳng đang gia tăng trước thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương lập ra ở biển Đông, dự kiến vào ngày 12-7 tới.

Trung Quốc tuyên bố PCA không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này và cũng không tham gia hay chấp nhận phán quyết của tòa.


Brexit ảnh hưởng đến chương trình mua sắm vũ khí của Anh

Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về an ninh-quốc phòng (RUSI) ngày 6/7 nhận định rằng việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự mà London đang triển khai trong bối cảnh đồng ​bảng giảm giá mạnh so với đồng USD của Mỹ.
truc thang tan cong apache. (nguon: en.trend.az)

Trực thăng tấn công Apache. (Nguồn: en.trend.az)

Như vậy, thời gian tới, nỗ lực duy trì sức mạnh quân sự, đặc biệt là khả năng răn đe hạt nhân, của Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
 
Theo thời giá trước Brexit, nhu cầu nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị quân sự của Anh đạt trên 10 tỷ USD/năm, chủ yếu từ các nhà sản xuất Mỹ. Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch mua sắm máy bay vận tải C-17, máy bay không người lái Predator, trực thăng vũ trang Apache, máy bay chiến đấu F-35B... nhằm tăng cường sức mạnh quân sự.
 
Giới chức Mỹ ước tính kim ngạch nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị quân sự của Anh có thể sẽ vượt qua Pháp và Đức cộng lại, nhiều hơn Saudi Arabia.
 
Tuy nhiên, dự báo này dựa trên tỷ giá thời điểm tháng 10/2015 khi 1 đồng ​bảng đổi được 1,5 USD. Giờ đây, Brexit đã khiến giá trị đồng ​bảng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Tại phiên giao dịch hôm 4/7, đồng bảng đã giảm 11%, chạm mức 1,33 USD.
 
Giới phân tích dự báo đồng ​bảng sẽ thiết lập đáy mới 1,20 USD vào mùa Thu năm 2016, đẩy Bộ Quốc phòng Anh đến chỗ phải gánh thêm chi phí phát sinh nếu tiếp tục triển khai các chương trình mua sắm vũ khí, trang thiết bị.
 
Về ngắn hạn và trung hạn, Brexit sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Anh. Vì vậy, mức chi tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP có thể không tăng trong nhiều năm tới đây.

Theo RUSI, kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua cũng đòi hỏi phải xem xét lại Báo cáo Chiến lược về an ninh và quốc phòng 2015.


Trung Quốc “cam kết hoà bình” trước giờ phán quyết vụ kiện biển Đông

Một tờ báo của nước này nói Bắc Kinh nên chuẩn bị sẵn sàng cho đối đầu quân sự...

hinh anh cho thay hoat dong boi lap, xay dung trai phep cua trung quoc o bai vanh khan thuoc quan dao truong sa cua viet nam - anh: hai quan my/reuters. 

Hình ảnh cho thấy hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép của Trung Quốc ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters. 

Chính phủ Trung Quốc tìm cách xoa dịu những lo ngại về một cuộc xung đột trên biển Đông, sau khi một tờ báo của nước này nói Bắc Kinh nên chuẩn bị sẵn sàng cho đối đầu quân sự trên vùng biển. 

Theo hãng tin Reuters, một bài xã luận đăng ngày 5/7 trên hai ấn bản tiếng Anh và tiếng Trung của tờ Thời báo Hoàn Cầu nói tranh chấp trên biển Đông đã trở nên phức tạp do sự can thiệp của Mỹ và căng thẳng có nguy cơ leo thang xa hơn, do phán quyết mà tòa án trọng tài quốc tế sắp công bố trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về biển Đông. 

Bài báo này được đăng chỉ vài ngày trước khi Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague, Phần Lan dự kiến công bố phán quyết về vụ kiện biển Đông. Cách đây ít hôm, PCA nói sẽ đưa ra kết quả vụ kiện vào ngày 12/7.  

“Washington đã triển khai hai nhóm tàu chiến xung quanh biển Đông, và họ muốn gửi đi một tín hiệu bằng cách khoe cơ bắp: với tư cách là cường quốc lớn nhất khu vực, họ đang chờ sự vâng lời của Trung Quốc”, Thời báo Hoàn Cầu viết. 

Theo bài báo, Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển năng lực phòng thủ quân sự để đáp trả Mỹ nếu Mỹ dùng vũ lực can thiệp vào tranh chấp trên biển Đông. 

“Trung Quốc hy vọng tranh chấp có thể được giải quyết thông qua đàm phán, nhưng Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào. Đây là lẽ thường tình trong quan hệ quốc tế”, bài báo viết. 

Khi được hỏi về bài báo trên và liệu xung đột có thể nổ ra trên biển Đông hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói nước này "cam kết hòa bình". 

“Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển Đông”, ông Hồng Lỗi phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày. 

“Chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra rằng về tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ quyết định nào do một bên thứ ba áp đặt, hay một kế hoạch giải quyết vấn đề mang tính cưỡng ép đối với Trung Quốc”, phát ngôn viên này phát biểu.

Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc tập trận trên biển Đông bắt đầu từ ngày 5/7. Tờ China Daily cho biết Bộ Quốc phòng nước này nói đây là cuộc tập trận thường kỳ. 

Về phán quyết mà PCA sắp đưa ra trong vụ kiện biển Đông, Philippines đã tìm cách giảm căng thẳng với Trung Quốc, nhưng chống lại áp lực mà Bắc Kinh đòi Manila bỏ qua phán quyết này. 

“Thực tế là không ai muốn một cuộc xung đột, không ai muốn giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực, không ai muốn chiến tranh”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu trên kênh truyền hình ANC ngày 5/7. 

“Tôi hiểu là Tổng thống muốn duy trì mối quan hệ bền chặt hơn, tốt hơn với tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…”, ông Yasay nói. 

Tân Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte,vừa mới tuyên thệ nhậm chức vào tuần trước. 

Giới chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng phán quyết của PCA có thể dẫn tới việc Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông như đã làm trên biển Hoa Đông vào năm 2013 hoặc đẩy mạnh việc bồi lấp đảo và xây dựng trái phép tại các thực thể trên biển Đông. 

Tờ China Daily dẫn nguồn tin không tiết lộ danh tính nói rằng phản ứng của Trung Quốc sẽ “hoàn toàn” tùy thuộc vào Philippines.

“Sẽ không có sự cố xảy ra nếu tất cả các bên liên quan đặt sang bên kết quả vụ kiện”, một nguồn tin nói trên bản tiếng Anh của China Daily.


Bà Theresa May đang dẫn đầu cuộc đua vào vị trí Thủ tướng Anh

ung cu vien thu tuong anh, bo truong noi vu theresa may. (nguon: afp)

Ứng cử viên Thủ tướng Anh, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại London, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã giành chiến thắng áp đảo trong vòng một cuộc bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên Thủ tướng Anh khi nhận được sự ủng hộ của 165 nghị s​ỹ đảng Bảo thủ cầm quyền, bỏ xa đối thủ đứng thứ hai là nữ Thứ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom với sự ủng hộ của 66 nghị sỹ.

Trong số 3 ứng cử viên còn lại, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove giành được 48 phiếu, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Stephen Crabb được 34 phiếu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox giành được 16 phiếu. 

Theo quy định, ứng cử viên có số điểm ít nhất sau mỗi vòng bỏ phiếu sẽ bị loại nhưng sau vòng bỏ phiếu đầu tiên này, cuộc đua chỉ còn 3 ứng cử viên sau khi ông Crabb tuyên bố rút lui. Cả ông Fox và ông Crabb đều tuyên bố dành sự ủng hộ cho bà May.

Kết quả vòng bỏ phiếu đầu tiên đồng nghĩa với việc bà May gần như chắc chắn là một trong 2 ứng cử viên sẽ được toàn thể thành viên đảng Bảo thủ trên khắp nước Anh bỏ phiếu để lựa chọn nhà lãnh đạo mới của đảng, cũng là người sẽ tiếp quản vị trí Thủ tướng mới thay ông David Cameron.

Bà May đã bày tỏ sự hài lòng và cảm ơn các cộng sự sau khi kết quả vòng bỏ phiếu thứ nhất được công bố. 

Bà nói thêm: "Trước mắt chúng ta là nhiệm vụ lớn lao: đó là đoàn kết đảng và đất nước, đàm phán thỏa thuận tốt nhất có thể khi chúng ta rời Liên minh châu Âu (EU) và biến nước Anh hoạt động hiệu quả cho tất cả mọi người."

Từ chính khách ít được biết đến, nữ ứng cử viên thứ hai trong cuộc đua là bà Leadsom đã có thêm cơ hội tiến sâu hơn trong cuộc đua khi nhận được sự ủng hộ của cựu Thị trưởng London Boris Johnson - "kiến trúc sư trưởng" của chiến dịch vận động nước Anh rời khỏi EU và từng được coi là ứng cử viên hàng đầu thay ông Cameron, trước khi ông này tuyên bố không tham gia tranh cử.

Trong khi đó, ngay trước thềm vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên Gove tuyên bố sẽ thực hiện lời hứa của phe vận động Brexit là dành 100 triệu bảng mỗi tuần cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) - động thái được cho là nhằm thu hút sự ủng hộ của các nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ Brexit.

Tiến trình lựa chọn thủ tướng mới dự kiến hoàn tất vào ngày 9/9./


Bị không lực Mỹ bỏ rơi, quân nổi dậy Syria thảm bại dưới tay IS

Lúc đang yểm trợ quân nổi dậy Syria tấn công một cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo, các chiến đấu cơ Mỹ chợt rút lui, khiến cả chiến dịch thất bại.

cac chien binh thuoc phong trao quan doi syria moi. anh: ap

Các chiến binh thuộc phong trào Quân đội Syria Mới. Ảnh: AP

Ngày 28/6, các máy bay chiến đấu Mỹ đang không kích yểm trợ cho lực lượng nổi dậy Syria tiến hành cuộc tấn công chiếm lại thị trấn Bukamal ở miền đông Syria từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) thì nhận mệnh lệnh phải lập tức di chuyển sang tấn công mục tiêu ở ngoại ô thành phố Fallujah, Iraq, Washington Post dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết.

Họ đột ngột chuyển hướng vì lúc ấy nguồn tin báo về rằng một đoàn xe chở nhiều tay súng IS đang vượt qua sa mạc nhằm tháo chạy khỏi Fallujah sau khi thành phố này bị quân đội Iraq tái chiếm. Các chỉ huy Mỹ xác định đoàn xe trên là "một mục tiêu chiến lược", đại tá Chris Garver, phát ngôn viên quân đội Mỹ, giải thích.

Đoàn xe bị quét sạch chỉ trong thời gian ngắn bởi các chiến đấu cơ Anh, Mỹ, kết hợp với hỏa lực từ quân đội Iraq. Hàng trăm chiến binh IS bỏ mạng.

Tuy nhiên, trong trận chiến ở Bukamal, những tay súng thuộc lực lượng nổi dậy mang tên Quân đội Syria Mới do Lầu Năm Góc huấn luyện đã bị phiến quân IS áp đảo, hứng chịu thất bại thảm hại và buộc phải rút lui về căn cứ tại Tanf, gần biên giới Syria - Iraq, cách đó hơn 300 km. Thất bại của chiến dịch là một đòn giáng mạnh vào chiến lược mà Bộ Quốc phòng Mỹ theo đuổi nhằm xây dựng một đội quân Arab của Syria chống IS.

Việc không lực Mỹ chuyển hướng giữa lúc cuộc tấn công đang ở vào giai đoạn gay cấn nhất khiến không ít người đặt câu hỏi rằng cam kết của quân đội Mỹ và liên minh đối với cuộc chiến chống IS bền chặt đến đâu hay liệu họ đã dồn đủ nguồn lực cho cuộc chiến hay chưa.

Biện hộ cho quyết định "bỏ rơi" quân nổi dậy Syria này, ông Garver nhấn mạnh: "Nguồn lực có hạn. Bạn phải cố gắng hết sức để gia tăng tối đa thiệt hại lên đối phương với những gì có trong tay. Chúng tôi phải đề ra những ưu tiên".

Biên bản theo dõi số lượng các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria cho thấy vào thời điểm chiến dịch tấn công Bukamal được phát động, Mỹ tiến hành tổng cộng 8 cuộc không kích mỗi ngày. Nhưng trong ngày quân nổi dậy Syria hứng chịu thất bại trước IS, họ chỉ thực hiện một đợt duy nhất.

Với chiến dịch dội bom đoàn xe ở Fallujah, theo như lời đại tá Garver, không quân Mỹ đã "tập trung mọi nguồn lực", bao gồm cả các oanh tạc cơ B-52 hay cường kích AC-130 Spectre.

"Ưu tiên ở đây dường như là truy sát mục tiêu, tấn công mục tiêu nào giá trị hơn", ông David Maxwell, cựu sĩ quan Đặc nhiệm Mỹ kiêm phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Georgetown, nhận xét. "Đây là cách mà chúng ta tư duy suốt 15 năm qua khi triển khai các cuộc không kích bằng máy bay không người lái hay tấn công tổng lực. Chúng ta muốn đạt hiệu quả tức thì trên chiến trường mà không tính đến những hệ lụy có thể xảy ra".

Giới quan sát đánh giá quyết định điều chiến đấu cơ chuyển hướng sang Iraq, khiến các tay súng của lực lượng Quân đội Syria Mới không còn được yểm trợ hỏa lực từ trên không chính là nguyên nhân mấu chốt khiến toàn bộ chiến dịch tấn công Bukamal thất bại.

Ngoài ra, theo các binh sĩ Quân đội Syria Mới, còn một số lý do khác khiến chiến dịch sụp đổ, ví dụ như những chỉ huy đã quá tin tưởng vào việc người dân Bukamal sẽ vùng lên để giúp sức cho họ.

Quân đội Syria Mới trong ngày đầu tiên đã chiếm được một cứ điểm bên ngoài thị trấn. Một trạm phát thanh của nhóm liên tục truyền tin kêu gọi người dân phối hợp tấn công nhằm đánh bật IS khỏi khu vực.

Nhưng không ai đáp lại lời kêu gọi, ông Abdulsalam Muzil, thành viên nhóm nổi dậy tiền thân của lực lượng Quân đội Syria Mới, cho biết.

"Chúng tôi đưa thông điệp lên sóng radio nhưng quá khó để người dân có thể gia nhập với chúng tôi bởi IS kiểm soát rất chặt", ông nói. "Bên cạnh đó, người dân bây giờ ít nghe đài phát thanh bởi họ cho rằng nó đã lỗi thời".

Sau khi chiến đấu cơ Mỹ rút đi, IS nhanh chóng phản công, đẩy lực lượng nổi dậy khỏi thị trấn. Không thể làm gì khác, họ đành quay trở về căn cứ đồn trú gần biên giới. Các chỉ huy Quân đội Syria Mới cho hay họ có nhận thấy sự biến mất của chiến đấu cơ Mỹ nhưng không biết rằng chúng chuyển hướng sang Fallujah.

Dù thất bại nhưng ông Garver khẳng định không vì thế mà chiến dịch tái chiếm Bukamal dừng lại. Tuy nhiên, IS lúc này cũng đang ở vào thế công. Theo ông Muhammed Tallaa, chỉ huy lực lượng Quân đội Syria Mới, căn cứ ở Tanf của họ gần đây thường xuyên bị IS pháo kích.

Quân số của lực lượng Quân đội Syria Mới chưa bao giờ vượt quá 100 người. Trong chiến dịch ở Bukamal, họ còn nhận hỗ trợ từ một nhóm khác do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn, theo Washington Post. Thành phần của Quân đội Syria Mới chủ yếu được tuyển mộ từ Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái, trải qua huấn luyện ở Jordan và tới Syria vào đầu năm nay để chống IS.

Chuyên gia nhận định thất bại của Quân đội Syria Mới ở Bukamal lần nữa giáng một đòn mạnh vào chương trình huấn luyện quân địa phương vốn đã bị chỉ trích của Lầu Năm Góc khi mà nó chỉ tạo ra những thay đổi ít ỏi trong khi tiêu tốn một lượng lớn chi phí, ước tính lên tới 500 triệu USD.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục