Indonesia quyết khẳng định quyền lợi ở Biển Đông sau các cuộc đụng độ giữa các tàu hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 22-06-2016
- Cập nhật : 22/06/2016
Kịch bản tấn công Triều Tiên của Mỹ
Hãng tin Yonhap cuối tuần qua đưa tin công ty tình báo tư nhân Stratfor, Mỹ đã công bố báo cáo đề cập tới kịch bản một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Ngày 16-6, trong báo cáo gồm năm phần dưới tựa đề "Removing the Nuclear Threat" (tạm dịch: Loại bỏ mối đe dọa hạt nhân) của Stratfor nêu chi tiết các phương tiện quân sự có thể được sử dụng cho một cuộc tấn công Triều Tiên và các khả năng đáp của Bình Nhưỡng.
Theo báo cáo của Stratfor, các máy bay ném bom B-2 và tiêm kích chiến thuật F-22 của Mỹ sẽ “là xương sống trong mọi chiến dịch nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên”.
Quân đội Mỹ sẽ huy động 10 máy bay B-2 để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Triều Tiên, cùng với 24 máy bay F-22 xuất kích từ các sân bay tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỗi máy bay F-22 sẽ được trang bị hai quả bom GBU-32 JDAM 450 kg, trong khi cường kích B-2 sẽ mang theo 16 quả bom hạng nặng GBU-31 JDAM 900 kg hoặc hai quả bom xuyên phá boongke GBU-57.
Ngoài ra, theo tờ Chosun Ilbo báo cáo của Stratfor còn cho hay Mỹ cũng sẽ bố trí 2/4 tàu ngầm lớp Ohio ngoài khơi bờ biển Triều Tiên và phóng khoảng 300 tên lửa hình trình BGM-109 Tomahawk vào các căn cứ không quân, trong khi đó Không quân Mỹ sẽ tập trung tấn công các cơ sở hạt nhân.
Báo cáo nhận định Triều Tiên sẽ đáp trả, sẽ thực hiện một cuộc tấn công trả đũa vào Hàn Quốc và Nhật Bản bằng pháo tầm xa, bom sinh hóa và tên lửa tầm ngắn, biệt kích và tấn công mạng.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết do lo ngại khả năng leo thang căng thẳng, quân đội Mỹ nên chuẩn bị cho cuộc chiến quy mô lớn nhằm vô hiệu hóa các khả năng đáp trả của Mỹ.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng kịch bản tấn công phủ đầu Triều Tiên của Mỹ khó có thể xảy ra. Họ nói rằng vẫn có thể có nhiều cơ sở hạt nhân bí mật, trong đó có nhà máy làm giàu uranium dưới lòng đất mà các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc không phát hiện ra được.
“Năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã vượt qua lằn ranh đỏ” – GS Park Won-kon thuộc ĐH Handong Global nói. Nhưng cũng theo ông, dù sao Triều Tiên cũng đang trong tình trạng báo động.
“Bình Nhưỡng dường như lấy làm lo lắng rằng quân đội Mỹ có thể tấn công các cơ sở hạt nhân và tên lửa của nước này bất cứ lúc nào giống như Israel dội bom cơ sở hạt nhân của Syria” – một quan chức an ninh ĐH Handong Global nói.
Ông Donald Trump bị ám sát hụt
Một thanh niên 19 tuổi vừa bị cảnh sát bắt vì có ý định giết ứng viên tổng thống Cộng hòa Donald Trump, trang tin US News (Mỹ) đưa tin. Vụ việc xảy ra tại một buổi vận động tranh cử của ông Trump ở TP Las Vegas (bang Nevada, Mỹ) tối 18-6.
Thanh niên này tên Michael Sandford, là công dân Anh, đã cố gắng cướp súng của một cảnh sát bảo vệ sự kiện để giết ông Trump nhưng bị cảnh sát khống chế và bắt lại.
Sandford đã bị truy tố lên tòa án bang Nevada. Theo cáo trạng, Sandford đã khai với Cơ quan Mật vụ Mỹ rằng đã ở Mỹ 18 tháng, đã ở quá hạn visa, không có chỗ ở cố định mà ăn ở luôn trên ô tô của mình.
Đầu tiên Sandford ở TP Hoboken (bang New Jersey), sau đó chuyển sang San Bernardino (California), đến TP Las Vegas vào ngày 16-6. Anh ta đã có kế hoạch giết ông Trump từ một năm trước và quyết định ra tay vào tối 18-6 vì “đã có đủ tự tin”. Sandford cho biết chưa hề biết bắn súng và đã dùng một ngày trước đó để học bắn súng.
“Sandford khai rằng anh ta biết sẽ chỉ có đủ thời gian giết ông Trump trong một hay hai phát súng và sẽ bị cảnh sát bắn chết sau đó” - theo cáo trạng.
Michael Standford khi bị bắt khi muốn giết ông Trump trong một sự kiện tại Las Vegas (bang Nevada, Mỹ) ngày 18-6. (Ảnh: AP)
Sandford cho biết anh ta nghĩ ra cách cướp súng của cảnh sát vì đó là cách dễ nhất để có được vũ khí, vì khách tham gia sự kiện phải bị máy dò kim loại kiểm tra. Sandford nhắm tới súng của viên cảnh sát có tên Ameel Jacob vì súng được đeo khá lơ là.
Đầu tiên Sandford bắt chuyện với cảnh sát Jacob, nói rằng mình muốn có một bức ảnh từ ông Trump, sau đó chụp lấy khẩu súng bằng cả hai tay.
Sandford khai với cơ quan điều tra rằng anh ta có kế hoạch 2: đã mua vé tham gia một sự kiện sắp tới của ông Trump sẽ diễn ra ở TP Phoenix (bang Arizona) để theo đuổi giết ông Trump nếu thất bại ở Las Vegas.
Luật sư đại diện nói Sandford không có việc làm, không bị tâm thần, tuy nhiên có mắc chứng tự kỷ, trước đó đã từng tự tử.
Mẹ Sandford cho biết anh ta đã từng phải điều trị chứng rối loạn ám ảnh và chán ăn khi còn nhỏ, từng bỏ trốn khỏi bệnh viện.
Hình ảnh quay lại cảnh cảnh sát bắt Sandford cho thấy thanh niên này có dáng người thanh mảnh, mái tóc ngắn màu nâu, mặc áo thun xám.
Văn phòng công tố cho biết Sandford không được chấp nhận bảo lãnh vì được cho là có khả năng trốn về nước cao. Sandford sẽ ra tòa vào ngày 5-7 tới và có thể phải chịu án tù 10 năm và phạt 250.000 USD. Hiện Sandford đã nhận được hỗ trợ của đại sứ quán Anh ở Mỹ.
Từ khi bắt đầu tranh cử tổng thống, ông Trump hứng rất nhiều chỉ trích vì các chủ trương và phát ngôn cứng rắn, hiếu chiến.
Sandford nói với cơ quan điều tra rằng nếu được tự do anh ta sẽ lại tìm cách giết ông Trump.
Iran phá âm mưu khủng bố "lớn nhất từ trước tới nay"
Theo Bộ Nội vụ Iran, những kẻ khủng bố âm mưu đánh bom hàng loạt địa điểm ở thủ đô Tehran và các tỉnh khác ngay trong tháng chay Ramadan.
Các binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tại một cuộc diễu binh ở thủ đô Tehran - Ảnh: AFP
Truyền hình nhà nước Iran và hãng thông tấn Tasnim ngày 20-6 cho biết nhiều nghi can đã bị bắt giữ trong "âm mưu khủng bố lớn nhất" từ trước tới nay nhằm vào Tehran.
Theo đó, tình báo Iran phát hiện những kẻ khủng bố âm mưu đánh bom nhiều địa điểm ở thủ đô Tehran và các tỉnh khác. Nhóm khủng bố đặc biệt nhắm tới những sự kiện lớn sắp diễn ra trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.
"Nhờ nỗ lực của lực lượng tình báo... âm mưu ma quỷ đã bị phá, những kẻ khủng bố đã bị bắt và một lượng lớn bom và chất nổ đã bị tịch thu", Tasnim đưa tin.
Bản tin không nêu danh tính những người bị bắt nhưng gọi đây là "âm mưu lớn của các nhóm Takfiri-Wahhabi" - thuật ngữ ám chỉ các nhóm Hồi giáo Sunni bảo thủ cực đoan như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS).
Kể từ khi giúp chính phủ Iraq và Syria chống lại nhóm IS, Iran nhiều lần cảnh báo nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố nhằm vào nước này, mặc dù từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran chưa từng xảy ra vụ tấn công lớn nào.
Hàn Quốc mở phiên tòa về 12 tiếp viên Triều Tiên đào tẩu
Thân nhân của các nữ nhân viên đào tẩu Triều Tiên nói họ không tin con cái mình sẵn sàng rời bỏ đất nước. Ảnh minh họa: AP.
Một nhóm luật sư nhân quyền ở Hàn Quốc yêu cầu tòa án mở phiên điều trần để xác định việc tiếp tục tạm giữ những người Triều Tiên đào tẩu là có hợp pháp hay không, theo BBC.
12 nữ tiếp viên làm việc cho một nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc đào tẩu đến Hàn Quốc hồi tháng 4. Hàn Quốc cho biết những người này tự nguyện đào tẩu, trong khi phía Triều Tiên cho rằng họ bị bắt cóc.
Hàn Quốc cho hay phiên tòa này sẽ không được công khai, và chưa rõ những tiếp viên này có xuất hiện tại tòa để đưa ra lời khai hay không. Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết các nữ tiếp viên không muốn tiết lộ câu chuyện của mình trước công chúng, vì điều đó có thể ảnh hưởng tới gia đình họ đang ở Triều Tiên, hoặc đơn giản hơn là họ không muốn trở thành sự chú ý của dư luận.
Một số người thân của các nữ nhân viên Triều Tiên đào tẩu đã trả lời phỏng vấn các hãng tin nước ngoài ở Bình Nhưỡng. Những người này cáo buộc chính quyền Hàn Quốc đã "dụ dỗ, bắt cóc" nữ nhân viên Triều Tiên.
Theo quy định, những người đào tẩu sẽ bị tạm giữ trong một khu vực riêng tại Hàn Quốc trong một thời gian xác minh xem liệu họ có phải gián điệp của Triều Tiên hay không. Tỷ lệ người đào tẩu tự tử tại Hàn Quốc cao hơn so với tỷ lệ người Hàn Quốc quyết định kết liễu cuộc sống.
Theo thống kê của Hàn Quốc, mỗi năm có khoảng 1.000 người Triều Tiên đào tẩu. Con số này giảm dần trong vài năm qua khi kinh tế Triều Tiên được cải thiện.
Thế giới bất ổn, 65,3 triệu người bỏ nhà cửa ra đi
Theo báo cáo, trong năm 2015, số người tản cư và di cư trên thế giới (ảnh)đạt con số kỷ lục 65,3 triệu người, tức cao hơn dân số Anh. Con số này gồm 21,3 triệu người di cư, 40,8 triệu người tản cư và 3,2 triệu người xin nhập cư ở các nước công nghiệp hóa.
Đây là lần đầu tiên ngưỡng 60 triệu bị vượt qua. Số người tản cư và di cư năm 2015 đã tăng 9,7% so với năm 2014 (59,5 triệu người). Trước đó số liệu này giữ ổn định từ năm 1996 đến 2011.
Trong năm 2015, hầu hết người tản cư chạy sang các nước cạnh nơi xảy ra xung đột. Họ ra đi với các lý do như năm trước, ví dụ như nội chiến ở Syria và tình hình khẩn cấp mới bùng nổ ở Burundi, Nam Sudan và Afghanistan. Người Afghanistan nhiều thứ hai chỉ sau người Syria.
Châu Phi tiếp nhận số người tản cư và di cư đông nhất gồm 4,41 triệu người (tăng 20%) chủ yếu đến từ Somalia, Nam Sudan, CHDC Congo, Sudan và Trung Phi. Châu Âu đứng thứ nhì khi tiếp nhận 4,39 triệu người (tăng 43%). Trừ Thổ Nhĩ Kỳ, người di cư thường đến Đức, Nga, Pháp, Thụy Điển, Anh và Ý.