Mỹ ưu tiên không quân đối phó Trung Quốc ở biển Đông
Máy bay năng lượng mặt trời bay xuyên Đại Tây Dương
Tên lửa Triều Tiên có thể tiêu diệt mục tiêu Mỹ ở Thái Bình Dương
Trung Quốc quanh co trước phán quyết vụ kiện"đường lưỡi bò"
Tàu khu trục Mỹ đang tuần tra biển Đông
Tin thế giới đọc nhanh 23-06-2016
- Cập nhật : 23/06/2016
Indonesia bác bỏ lập trường của Trung Quốc về 'vùng biển chồng lấn'
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia ngày 22-6 lên tiếng phủ nhận lập trường vừa được phía Bắc Kinh đưa ra, rằng có tồn tại cái gọi là tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa hai nước trên biển Đông.
Trước đó, vào ngày 20-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định hai nước Trung Quốc và Indonesia không tồn tại bất kỳ một tranh chấp lãnh thổ nào. Thay vào đó, phía Bắc Kinh cho rằng vẫn còn tồn tại các tuyên bố chủ quyền chồng lấn về "quyền và lợi ích hàng hải", theo Reuters.
Đáp lại, trả lời báo giới, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Indonesia bà Retno Marsudi cho biết: "Lập trường của Indonesia rất rõ ràng. Các tuyên bố chủ quyền chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở bất kỳ phương diện nào với Trung Quốc trên vùng biển vốn của Indonesia".
Các tuyên bố ngoại giao trên là những diễn biến mới nhất sau những va chạm gần đây giữa Trung Quốc và Indonesia trên vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna. Indonesia, dù không nhận là một bên tranh chấp trong vấn đề biển Đông, vẫn phản đối cái gọi là tuyên bố "đường chín đoạn" của Bắc Kinh, đơn phương áp đặt chủ quyền trên phần lớn diện tích biển Đông.
Indonesia từ đầu năm đến nay đã ba lần truy bắt các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ngoài khơi Natuna. Ảnh: AFP
"Đường chín đoạn" của Trung Quốc bao gồm luôn cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia. Vùng biển này trong thời gian qua cũng đã diễn ra nhiều lần đụng độ giữa tàu cá, tàu chấp pháp Trung Quốc với tàu cảnh sát biển Indonesia.
Tuần qua, một tàu cá Trung Quốc bị phía Indonesia bắt giữ khi hoạt động đánh bắt cá trái phép ngoài khơi Natuna. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo khẳng định vùng biến là "khu vực đánh cá truyền thống" của nước này, cáo buộc Indonesia "lạm dụng vũ lực". Tàu cảnh sát biển Indonesia đã bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc trước khi bắt giữ toàn bộ bảy thuyền viên. Theo phía Trung Quốc, có một thuyền viên trúng đạn và bị thương.
Báo Trung Quốc tức tối vì hai tàu sân bay Mỹ hoạt động gần Biển Đông
Tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan hoạt động cùng nhau tại biển Philippines ngày 18/6. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan bắt đầu hoạt động chung tại vùng biển phía đông Philippines vào cuối tuần trước, nhằm phô diễn sức mạnh trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Mỹ đã chọn sai mục tiêu khi chơi 'mánh' này với Trung Quốc", bài bình luận trên People’s Daily, báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, có đoạn viết.
Bài bình luận được viết dưới bút danh "Zhong Sheng", đồng âm với cụm từ "tiếng nói của Trung Quốc", thường được sử dụng để bày tỏ quan điểm của tờ báo về chính sách đối ngoại, theo Reuters.
"Đằng sau sự xét đoán sai này là sự lo lắng và kiêu ngạo của Washington, và nó là biểu hiện thực sự bản chất bá chủ của họ", tờ báo viết.
Quan chức hải quân Mỹ hôm 20/6 nói rằng việc triển khai hai tàu sân bay là dấu hiệu thể hiện sự cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực. Ông nói thêm rằng ông hy vọng việc này sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào gây mất ổn định khu vực.
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) cho biết hai tàu sân bay bắt đầu hoạt động chung vào hôm 18/6, tham gia các cuộc tập trận phòng không, giám sát biển, huấn luyện chiến đấu phòng không và tấn công tầm xa. Hoạt động của các tàu Mỹ diễn ra ở phía đông Philippines, không ở sát Biển Đông nhưng ở khoảng cách gần, một phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết.
Theo PACOM, lần gần đây nhất hai tàu sân bay Mỹ cùng hoạt động ở Tây Thái Bình Dương là vào năm 2014. Hai tàu sân bay Mỹ từng hoạt động chung ở Biển Đông và biển Hoa Đông vào năm 2012.
Trung Quốc đơn phương vạch ra yêu sách "đường 9 đoạn", tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối quốc tế. PCA được cho là sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong tháng này.
Indonesia "thề" cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông
Indonesia quyết tâm khẳng định quyền chủ quyền đối với quần đảo Natuna ở Biển Đông - nơi xảy ra nhiều vụ đụng độ với tàu Trung Quốc.
Ngày 20/6, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố nước này quyết tâm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Natuna ở Biển Đông, cũng là nơi xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa tàu hải quân Indonesia với tàu Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Kalla nói rằng Indonesia sẽ gửi tới Bắc Kinh một thông điệp yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Jakarta đối với vùng biển quanh quần đảo Natuna. Trước đó, hôm 17/6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết một đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động ở vùng ngư trường có tranh chấp đã bị nhiều tàu chiến Indonesia bao vây, nổ súng, khiến một ngư dân bị thương. Hải quân Indonesia còn bắt một tàu cá Trung Quốc cùng 7 thuyền viên. Theo luận điểm của Trung Quốc, Indonesia “dùng vũ lực quá đáng, vi phạm luật quốc tế, đe dọa hoà bình khu vực”.
Phía Indonesia ngày 20/6 xác nhận đã vây bắt 12 tàu cá nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp và lực lượng hải quân Indonesia bắn cảnh cáo nhằm vào một số tàu treo cờ Trung Quốc, nhưng không có ai bị thương. Một tàu Trung Quốc bị bắt và đưa về Ranai cùng với 7 thuyền viên. Đáp lại chỉ trích của Bắc Kinh, Phát ngôn viên hải quân Indonesia Edi Sucipto khẳng định hải quân Indonesia không ngần ngại mạnh tay đối với các tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải, bất kể đó là tàu của nước nào.
Đây là vụ đối đầu lần thứ 3 trong năm nay quanh quần đảo Natuna. Vụ việc xảy ra tại thời điểm căng thẳng ở khu vực gia tăng liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. "Đây không phải là đụng độ, mà là chúng tôi đang bảo vệ khu vực này", Phó Tổng thống Kalla bày tỏ quan điểm trong buổi trả lời phỏng vấn ở Dinh Tổng thống. Khi được hỏi liệu có phải chính phủ Indonesia đã chuyển sang quan điểm cứng rắn hơn, ông Kalla nói "đúng thế, chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy".
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan nói rằng chính phủ nước này sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia pháp lý về vấn đề trên. "Liên quan đến Biển Đông, chúng tôi muốn tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp hàng hải quốc tế để tìm ra cách thức giải quyết phù hợp nhất", ông Pandjaitan phát biểu trước báo giới, nhưng không cho biết thông tin chi tiết.
Tại khu vực, Indonesia không lên tiếng tranh cãi về hoạt động bồi đắp đất đá trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với các vùng biển có các tuyến đường hàng hải huyết mạch chạy qua, chuyên chở lượng hàng hóa có giá trị 5.000 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, Jakarta phản đối Trung Quốc đưa một số vùng thuộc quần đảo Natuna mà Indonesia quản lý thực tế vào "đường 9 đoạn"- thứ Bắc Kinh vẽ ra trên các bản đồ để hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền vô lý và ngang ngược trên biển.
Trung Quốc nói rằng không tranh chấp chủ quyền với Indonesia ở quần đảo Natuna. Nhưng theo Phó Tổng thống Kalla, các chủ tàu cá Trung Quốc nhiều khi biện hộ họ có quyền đánh bắt cá ở quanh khu vực này, vì đây là "ngư trường truyền thống của Trung Quốc". Ông Kalla cho biết Indonesia sẽ tập trung vào nền tảng pháp lý, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và sẽ gửi thông điệp tới Trung Quốc yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Jakarta đối với quần đảo Natuna phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khi Trung Quốc sử dụng ngư dân như một lực lượng bán quân sự để lấn chiếm Biển Đông, Indonesia kiên quyết bảo vệ chủ quyền và ngư trường của mình bằng các biện pháp mạnh tay. Hàng chục tàu cá của Trung Quốc, Thái Lan đã bị bắt giữ và đánh đắm. Phát ngôn viên phủ Tổng thống Johan Budi cho biết Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị Indonesia muốn giữ hòa khí với các nước láng giềng, nhưng quyết tâm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Trung Quốc điều tra nguyên Thị trưởng Ninh Ba
Ông Lư Tử Dược, nguyên Thị trưởng thành phố Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang đã bị cách chức và khai trừ Đảng sau khi bị điều tra tham nhũng.
Tân Hoa Xã đưa tin ngày 21/6, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) thông báo ông Lư Tử Dược, nguyên Thị trưởng thành phố Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đã bị cách chức và khai trừ Đảng sau khi bị điều tra tham nhũng.
Ông Lư, đồng thời là Phó Bí thư thành ủy Ninh Ba, bị phát hiện lạm dụng chức vụ để trục lợi cho người khác. CCDI cáo buộc ông Lư "vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng".
Hiện vụ việc của ông Lư đã được chuyển cho cơ quan pháp lý.
Chiêu bài quốc tịch hòng bác phán quyết Biển Đông của Trung Quốc
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) dự kiến tháng này ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận phán quyết sắp tới, và đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ quốc tế cho lập trường của mình. Để phục vụ cho mục đích đó, Bắc Kinh còn áp dụng một chiêu bài đặc biệt: Quốc tịch của người chỉ định thẩm phán cho phiên tòa, theo Foreign Policy.
Sau khi Philippines nộp đơn kiện vào tháng 1/2013, ban thẩm phán được thành lập để xét xử. Trong ban thẩm phán gồm 5 thành viên, mỗi bên trong vụ kiện có quyền chọn hai thẩm phán, còn chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS) chọn người thứ 5. Nhưng Trung Quốc khăng khăng từ chối tham gia vào vụ kiện, tự chối bỏ quyền chọn thẩm phán, buộc chủ tịch ITLOS khi đó là ông Shunji Yanai, một công dân Nhật Bản, phải chọn thẩm phán thay cho Trung Quốc theo quy trình chuẩn.
Chiêu bài của Trung Quốc
Quan chức Trung Quốc đã phản đối vai trò đó của ông Yanai, tuyên bố rằng vì Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông nên người mang quốc tịch Nhật Bản không thích hợp để đóng vai trò trong một vụ kiện liên quan đến các tranh chấp khác. Thực tế, ông Yanai chỉ là người chọn ban thẩm phán chứ không phải là thẩm phán trực tiếp xem xét vụ kiện.
Ông Yanai đã làm việc trong lĩnh vực luật quốc tế trong 45 năm. Ông bắt đầu làm việc cho Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ năm 1961, từng giảng dạy pháp luật quốc tế tại Đại học Chuo ở Tokyo và thuyết giảng về giải quyết tranh chấp hàng hải, và là đại sứ tại Mỹ năm 1999-2001. Wall Street Journal khi đó mô tả ông là người "thẳng thắn, vui vẻ".
Ông trở thành thành viên ITLOS vào năm 2005 và giữ chức chủ tịch tòa án quốc tế này trong giai đoạn 2011-2014.
Trung Quốc lần đầu tiên bày tỏ sự phản đối với ông Yanai vào năm 2013, và khi PCA chuẩn bị ra phán quyết, nước này càng tăng cường hành động đó. Một bài bình luận đăng hôm 11/5 trên People’s Daily có đoạn viết: "Khi xét đến tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Shunji Yanai lẽ ra phải tránh tham gia vào vụ việc này, theo luật đã định. Tuy nhiên, ông ấy cố tình lờ đi thực tế đó và rõ ràng đã vi phạm các yêu cầu trong thủ tục pháp lý".
Bài bình luận này được viết bởi "Zhong Sheng", một bút danh thường được sử dụng để trình bày quan điểm chính thức của tờ báo. Bài báo không chỉ ra rõ luật nào đã bị vi phạm. Bài bình luận còn nói rằng những thẩm phán được chọn một cách thiên vị và "cố tình bỏ qua các quyền và lợi ích của Trung Quốc".
Theo giới quan sát, hành động nhắm mục tiêu vào quốc tịch của các thẩm phán PCA đang được Trung Quốc áp dụng triệt để nhằm phục vụ cho mục đích của mình.
Ngày 8/6, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, Xie Feng, đã viết một bài xã luận trên Jakarta Post, nhấn mạnh chủ tịch tòa là "một công dân Nhật Bản", và nói thêm rằng ban thẩm phán với 4 người châu Âu và một người từ Ghana "khó có thể được coi là đại diện phổ quát".
Trong một hội thảo về an ninh biển diễn ra gần đây ở Quảng Ninh, Việt Nam, giáo sư Sienho Yee, chuyên gia luật quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Biên giới, Đại học Vũ Hán, cũng lặp lại luận điệu trên, cho rằng việc có quá nhiều công dân châu Âu trong ban thẩm phán PCA là một sự "bất công" đối với Trung Quốc, do đó nước này có quyền bác bỏ thẩm quyền xét xử của tòa.
Các học giả Trung Quốc cũng tăng cường giọng điệu chống lại ông Yanai. Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, Trung Quốc nói rằng có bằng chứng chứng minh Yanai thiên vị Philippines. "Tháng 4/2013, Yanai chọn ông Chris Pinto vào ban thẩm phán. Ông Pinto mang quốc tịch Sri Lanka nhưng vợ của ông là người Philippines", Ngô viết. Trên thực tế, ông Pinto đã xin không tham gia vào vụ kiện từ năm 2013 và hiện không phải là một trong 5 thẩm phán xét xử. Thẩm phán người Ghana Thomas Mensah đã thế chỗ ông.
Ngô Sĩ Tồn cũng nói rằng nếu PCA phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, điều đó có thể có lợi cho Nhật Bản vì "Nhật Bản, bằng cách tham gia chỉ trích Trung Quốc, có thể làm cho mình hiện lên như một người tốt ở Đông Á".
Theo Foreign Policy, việc nhấn mạnh quốc tịch của ông Yanai có thể phục vụ cho mục đích hạ uy tín của tòa trong mắt người Trung Quốc. Ác cảm với người Nhật trong dư luận Trung Quốc đã bùng lên trong những năm gần đây, khi họ cho rằng Nhật Bản cố tình muốn "tẩy trắng" lịch sử bằngcuốn sách giáo khoa gây tranh cãi. Người Trung Quốc cũng giận dữ trước chuyến thăm của các quan chức chính phủ Nhật đến ngôi đền chiến tranh ở Tokyo. Hai nước còn đang vướng vào tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.
Người dùng mạng Trung Quốc cũng thường chỉ trích Nhật Bản hoặc chỉ trích chính phủ nước mình khi họ không có lập trường cứng rắn với Tokyo. Hồi tháng ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ sự không hài lòng khi Nhật Bản hợp tác quân sự với Philippines.
Bị phản bác
Các nhà bình luận về Biển Đông tại Mỹ đã bác bỏ quan điểm cho rằng quốc tịch Nhật Bản của ông Yanai ảnh hưởng đến việc thành lập ban thẩm phán của PCA. "Đó không phải là một vấn đề cần được tranh luận nghiêm túc", James Kraska, giáo sư luật quốc tế và là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu luật Stockton, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định.
"Luật điểm này cũng như kiểu Donald Trump nói về thẩm phán gốc Mexico", ông Kraska nói, đề cập đến việc ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa nói rằng thẩm phán người Mỹ gốc Mexico không đáng tin cậy để ra phán quyết vụ kiện về việc trường Đại học Trump đã ngừng hoạt động. Tuyên bố của ông Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích.
Từ năm 1997, ITLOS đã xử 25 vụ kiện, nhưng theo Kraska, đây là lần đầu tiên quốc tịch của một thẩm phán có liên quan được mang ra để nghi ngờ về tính công bằng của tòa án.
Ông Kraska không thấy có bằng chứng nào về việc 5 thẩm phán trực tiếp xử vụ kiện sẽ thiên vị bên nào. "Không ai trong số các thẩm phán đó có bất kỳ thiên hướng chính trị rõ ràng nào trong suốt sự nghiệp của họ", ông Kraska nói. "Họ là những chuyên gia pháp lý. Họ đã dành cả cuộc đời để đấu tranh vì pháp trị trong lĩnh vực biển. Họ là những người tận tụy và thực sự tin tưởng giá trị của luật pháp quốc tế và luật biển".
Nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng tòa sẽ ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng lời chỉ trích nhắm vào Yanai là nỗ lực cuối cùng của Trung Quốc để cố gắng làm mất uy tín tòa. Bà Glaser cho biết bà đã nghe lập luận này từ năm 2013 nhưng gần đây vấn đề này được thảo luận rộng rãi hơn.
"Trung Quốc đã thử mọi góc độ có thể để phản đối tòa". "Đầu tiên, họ quả quyết rằng tòa không có thẩm quyền xử vụ kiện. Sau đó, họ nói rằng việc mang vấn đề Biển Đông ra tòa quốc tế là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). "Những biện pháp này đều không hiệu quả" và cả "đòn tấn công mới nhất" cũng vậy, bà Glaser nhận xét. Bà cho rằng lập luận mới nhất của Trung Quốc là "đáng ghét nhất", và cho biết bà thấy ban thẩm phán của tòa "tốt nhất trên thế giới".
Trao đổi với VnExpress, giáo sư Harry L. Roque, phó chủ tịch Hiệp hội Luật Quốc tế tại châu Á, cho rằng luận điểm này của Trung Quốc chỉ là "đòn công kích không có giá trị". "Trong một phiên tòa, người ta chỉ chú trọng đến uy tín, năng lực xét xử của các thẩm phán, còn vấn đề quốc tịch không phải là yếu tố quan trọng", ông Roque nói.
Trung Quốc khăng khăng rằng họ sẽ không công nhận phán quyết của tòa, và nếu làm vậy, Trung Quốc nhiều khả năng hứng chịu chỉ trích từ quốc tế và quyền lực mềm của nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng. "Bằng cách cố gắng làm mất uy tín của tòa, Bắc Kinh hy vọng sẽ giảm những thiệt hại đó càng nhiều càng tốt", FP viết.(VNEX)