Chính phủ Myanmar công bố 12 chính sách kinh tế mới
Nga -Thổ chính thức nối lại hợp tác năng lượng
Tổng thống Ai Cập muốn người dân chấp nhận "thắt lưng buộc bụng"
Hàn Quốc phản đối Sách trắng của Nhật Bản về quần đảo tranh chấp
Tin thế giới đọc nhanh chiều 23-06-2016
- Cập nhật : 23/06/2016
Mỹ cảnh báo TQ không nên đi ngược phán quyết vụ kiện Biển Đông
Trung Quốc không nên có các hành động khiêu khích hay đi ngược với phán quyết của Tòa trọng tài, vì lợi ích của chính họ.
Máy bay Mỹ lập đội hình bên trên tàu sân bay USS Harry S. Truman trong cuộc tập trận trên biển Philippines ngày 16-6-2016. Ảnh: Reuters
Đó là khẳng định của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không muốn nêu tên trong cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên khu vực Đông Nam Á, trong đó có báo Tuổi Trẻ vào sáng 22-6 (giờ VN).
Buổi trao đổi xoay quanh phán quyết sắp được đưa ra của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, với mối quan tâm chính của Hoa Kỳ là các bên liên quan sẽ hành xử thế nào sau phán quyết.
Đưa tàu sân bay ra diễn tập, Mỹ "dằn mặt" Bắc Kinh
Là một trong những người đặt câu hỏi đầu tiên, phóng viên của tờ Nhật báo Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho rằng có phải Mỹ muốn gửi thông điệp "dằn mặt" Bắc Kinh bằng việc đưa hai tàu sân bay tham gia diễn tập quân sự tại Biển Đông hồi tuần trước, gần thời điểm phán quyết của PCA sắp được đưa ra.
Phóng viên này có thể phải bẽ mặt khi quan chức Mỹ trả lời rằng đúng là Mỹ đã đưa hai tàu sân bay đến Đông Á, nhưng “cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển Philippines chứ không phải Biển Đông”.
Quan chức cấp cao này cho rằng việc hai tàu sân bay cùng tham gia tập trận trong khu vực chỉ nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải, cũng như thực thi vai trò ổn định tình hình khu vực của Hoa Kỳ mà thôi.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên Philippines liệu Hoa Kỳ, với tư cách đồng minh của Philippines, dự định sẽ thực thi phán quyết của PCA thế nào, quan chức Bộ ngoại giao Mỹ nói dù chưa thể bình luận cụ thể vì chưa rõ nội dung phán quyết sẽ ra sao, nhưng “để thực thi các cam kết trong công ước chung về quốc phòng với Philippines, Mỹ sẽ làm việc với tất cả các đối tác trong khu vực để phân tích phán quyết và có cách phản ứng phù hợp với các diễn biến tiếp theo”.
Vị này cũng bày tỏ mong đợi các bên, nhất là hai bên liên quan trực tiếp trong vụ kiện, nên tuân thủ phán quyết của PCA cũng như Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS).
Phóng viên Hãng tin AP đóng tại Manila băn khoăn về việc PCA không có quyền buộc các bên phải thực thi phán quyết của họ.
Đáp lại, quan chức Mỹ bày tỏ hi vọng các bên tuyên bố chủ quyền có thể xem phán quyết của PCA như bước ngoặc để chuyển sang đối thoại, cùng tìm hiểu nội dung phán quyết đó cũng như cách mỗi bên nên hành xử sau phán quyết.
Vị này cũng mong đợi phán quyết của PCA sẽ giúp dẫn đến các thảo luận ngoại giao hòa bình, tránh xung đột và đối đầu.
Phát tờ rơi, Trung Quốc hành xử kiểu trẻ con
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về cách hành xử kiểu trẻ con như phát tờ rơi với thông tin sai lệch ở Đối thoại Shangri-la hoặc tuyên bố được nhiều nước ủng hộ, mà thực tế là các nước hoàn toàn không liên quan ở tận châu Phi, của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, quan chức Mỹ cho rằng thật khó biết Trung Quốc đã hứa hẹn gì với các quốc gia đó để giành lấy sự ủng hộ của họ.
Quan chức này nói thêm không như Trung Quốc luôn phản đối, tòa trọng tài hoàn toàn có quyền tài phán về tranh chấp Biển Đông trong vụ kiện do Philippines khởi xướng.
Sau khi phóng viên báo Republic Daily (Indonesia) đề cập đến sự kiện Indonesia vừa cảnh cáo tàu cá Trung Quốc vì xâm phạm vùng biển nước này ngoài khơi quần đảo Natuna, đại diện từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang có xu hướng rất khó chịu là cho tàu tuần duyên theo hộ tống các tàu đánh cá tại các khu vực tranh chấp.
“Hành động này có vẻ như là lời khẳng định cho các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc và xu hướng này cũng đáng lo vì cho thấy khả năng Trung Quốc có các hành động khiêu khích hay có tiềm năng gây bất ổn cho khu vực” - vị này nhấn mạnh.
Kết thúc buổi trao đổi, quan chức Mỹ nhấn mạnh do Trung Quốc chắc chắn sẽ không công nhận quyết của tòa trọng tài, Washington đang tập trung theo dõi liệu Bắc Kinh có bất kỳ động thái nào đi ngược với luật pháp quốc tế cũng như phán quyết đó không.
Theo quan chức này, Trung Quốc có quyền phủ nhận phán quyết và Hoa Kỳ đang tập trung vào việc đảm bảo họ sẽ không có bất kỳ hành động cụ thể nào.
“Việc tuân thủ pháp luật quốc tế và thực thi phán quyết, dù có muốn hay không, chỉ có lợi cho tất cả các bên mà thôi. Trung Quốc không nên có các hành động khiêu khích hay đi ngược với phán quyết, vì lợi ích của chính họ. Các hành động khiêu khích chẳng có lợi cho bên nào cả” - vị này kết luận.(TT)
Hàn Quốc họp khẩn vì Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung
Ngày 22/6, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết sẽ mở cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng hai tên lửa đạn đạo tầm trung sáng nay, theo Reuters.
Vụ phóng mới nhất của Triền Tiên diễn ra lúc 8h05, vài giờ sau khi lần phóng đầu tiên thất bại. Tên lửa Triều Tiên bay được 400 km và rơi xuống biển Nhật Bản, không gây bất cứ thương vong nào về người.
Hàn Quốc tuyên bố sẽ tìm kiếm "sự giúp đỡ từ các đồng minh" để đối phó việc Triều Tiên phóng tên lửa. Hàn Quốc có thể sẽ đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bởi Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm thử tên lửa. Các biện pháp ngoại giao có thể sẽ dẫn đến việc Hội đồng Bảo an ra nghị quyết lên án động thái của Triều Tiên.
Triều Tiên biên chế 50 tên lửa đạn đạo Musudan trong quân đội từ năm 2007, nhưng chưa từng thử nghiệm tên lửa này cho đến tháng 4. Với tầm bắn 3.000-4.000 km, tên lửa Musudan có thể vươn tới bất cứ nơi nào tại Nhật Bản, thậm chí bắn tới đảo Guam của Mỹ.
Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS nếu thua vụ kiện biển Đông
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 21-6 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc đã lớn tiếng nói với một số nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng Bắc Kinh có thể sẽ rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nếu tòa Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của nước này trên biển Đông.
Theo Kyodo, Trung Quốc nghĩ rằng kịch bản tồi tệ nhất mà Bắc Kinh có thể phải đối mặt là PCA ra phán quyết bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông, khẳng định những yêu sách của nước này không dựa theo luật pháp quốc tế và “đường chín đoạn” mà nước này đơn phương lập ra trên biển Đông là vô hiệu.
Trung Quốc cũng đã ám chỉ rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút khỏi UNCLOS, một công ước được coi là bản hiến pháp của các đại dương, nếu kịch bản này xảy ra.
Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết của PCA sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã phê chuẩn UNCLOS và trở thành một thành viên của công ước từ năm 1996 nhưng nước này vẫn khăng khăng không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết của PCA.
Trung Quốc ngang nhiên chỉ trích Manila đơn phương đệ đơn kiện Bắc Kinh lên PCA đồng thời phá vỡ các thỏa thuận trước đó giữa hai nước nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh còn lớn tiếng nói Mỹ không có quyền bàn về vụ kiện của PCA vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, vụ kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở biển Đông do Philippines khởi xướng đã được rất nhiều nước ủng hộ, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Các nước xem đây là một giải pháp nhằm giải quyết những bất đồng và tháo gỡ căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế
Sét đánh chết cả trăm người Ấn Độ chỉ trong 1 ngày
Các trường hợp tử vong chủ yếu xảy ra chiều tối 21-6 ở hai bang Bihar và Uttar Pradesh, trong đó có nhiều trẻ em. Nhiều người cũng bị thương.
Theo India Today, trong số nạn nhân thiệt mạng do sét đánh, có 56 người ở bang Bihar, 42 người ở bang Uttar Pradesh.
Tại bang Bihar, 2 trẻ em nằm trong số người thiệt mạng do sét đánh. 8 người khác bị thương và 2 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Các quan chức lo ngại tổng số người chết do sét đánh sẽ còn tăng lên do vẫn còn nhiều địa phương khác chưa gửi báo cáo. Hiện chính quyền địa phương đã thông báo hỗ trợ tiền cho gia đình các nạn nhân.
BBC dẫn lời các quan chức Ấn Độ cho hay tại các bang Jharkhand và Madhya Pradesh, ít nhất 26 người cũng thiệt mạng do sét đánh.
Sét đánh thường xảy ra ở Ấn Độ vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10), nhưng khiến cho nhiều người chết như ngày 21-6 là điều chưa từng có.
Cũng theo India Today, cùng với sét đánh, mưa to gió lớn đã trút xuống bang Bihar vào tối 21-6 khiến nhiều nhà dân bị hư hại. Tại thành phố Purnia, lượng mưa đo được là 83,7mm, trong khi tại thành phố Gaya là 32,6 mm...
Các chuyên gia thời tiết dự báo mưa lớn sẽ tiếp diễn trong 24 giờ tới. Chính quyền bang đã phát cảnh báo tới cơ quan ứng phó thiên tai và chính quyền các địa phương, yêu cầu lên phương án giúp đỡ người dân khi cần thiết.
Nổ kho vũ khí gần thủ đô Libya, 29 người chết
Vụ nổ xảy ra ở thị trấn Garabulli, cách thủ đô Tripoli 60km về phía đông, cướp đi sinh mạng của ít nhất 29 người và khiến hàng chục người khác bị thương.
News24 dẫn nguồn tin một quan chức an ninh cho biết vụ nổ xảy ra ngày 21-6, khi các tay súng xông vào kho vũ khí thuộc một nhóm dân quân tới từ thành phố Misrata.
"Những kẻ có vũ trang đã tấn công kho vũ khí...Một vụ nổ xảy ra, nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết, có thể là nhóm dân quân đã cho nổ kho vũ khí", quan chức này nói.
Nguồn tin y tế cho hay tại hiện trường, họ tìm thấy nhiều thi thể không nguyên vẹn, và thêm rằng tổng số người chết có thể còn tăng lên.
Theo các quan chức an ninh, vụ tấn công kho vũ khí xảy ra sau cuộc đụng độ cùng ngày giữa những người dân có vũ trang tại Garabulli và các tay súng nói trên.
Đụng độ bắt đầu sau khi người dân cáo buộc một thành viên trong nhóm các tay súng đến một cửa hàng tạp hóa địa phương ăn cắp, sau đó tấn công nhân viên cửa hàng.
Hình ảnh vụ nổ kho vũ khí được chia sẻ trên mạng xã hội - Ảnh: middleeasteye.net/TwitterTrong một diễn biến khác, ít nhất 34 thành viên thuộc lực lượng ủng hộ chính phủ Libya đã thiệt mạng và 100 người bị thương trong cuộc đụng độ với nhóm Hồi giáo Nhà nước (IS) ở thành phố Sirte - thành trì cuối cùng của IS ở Libya.
Phía IS cũng được nói là bị tổn thất nặng nề với hàng chục tay súng thiệt mạng.
Nếu để thua ở Sirte, đây sẽ là đòn mạnh giáng vào IS sau hàng loạt thất bại tại Iraq và Syria.