Người phát ngôn bộ trên John Kirby nêu rõ: "Cho dù Bộ Tư pháp đã đưa ra thông cáo nhưng Bộ Ngoại giao dự kiến vẫn sẽ tiến hành một cuộc rà soát nội bộ".
Tin thế giới đọc nhanh trưa 07-07-2016
- Cập nhật : 07/07/2016
Hàn Quốc tìm thấy hàng trăm mìn vỏ gỗ gần biên giới Triều Tiên
Quân đội Hàn Quốc cho biết họ thu được ít nhất 259 quả mìn vỏ gỗ được cho là do Triều Tiên chôn ở khu phi quân sự.
Quân đội Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên chôn số mìn này từ năm 2010 đến 2015, do nhiều năm bị mưa lũ cuốn nên số mìn phát lộ, Yonhap hôm nay đưa tin. Quan chức Hàn Quốc cho biết những cơn mưa lớn mùa hè có thể khiến các quả mìn giấu trong hộp gỗ trôi về phía Hàn Quốc.
Mìn vỏ gỗ là thiết bị nổ được giấu khéo léo trong các hộp gỗ chôn dưới đất, có thể phát nổ khi có người giẫm lên. Loại mìn này rất khó bị phát hiện bằng các thiết bị dò kim loại thông thường.
Triều Tiên cũng bị cáo buộc cố ý thả loại mìn này trong những đợt mưa lũ, lợi dụng địa hình để mìn trôi về phía Hàn Quốc. Tháng 7/2010, một người đàn ông Hàn Quốc thiệt mạng khi vớt quả mìn vỏ gỗ trên sông Imjin chảy dọc theo biên giới hai miền. Mìn cũng được tìm thấy tại khu vực sông Hàn và đảo Gyodong gần khu phi quân sự Hàn - Triều (DMZ). Tháng 8/2015, hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng do vấp phải mìn vỏ gỗ.
Quân đội Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã chôn khoảng 4.000 quả mìn vỏ gỗ tại DMZ từ tháng 4.
Về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến liên Triều kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình. Hàng triệu quả mìn đã được chôn trên bán đảo Triều Tiên từ cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953.
Trung Quốc vận động biển Đông ngay trên đất Mỹ
Ngày Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông càng đến gần (12-7), Trung Quốc càng đẩy mạnh tuyên truyền bác bỏ phán quyết.
Ngày 5-7, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc đã lan đến tận đất Mỹ. Phát biểu tại một hội nghị tại trụ sở tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie Endowment for International Peace ở Mỹ, ông Đới Bỉnh Quốc, nguyên Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, hiện đang là Chủ tịch ĐH Tế Nam tuyên bố Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết của PCA và cảnh cáo Mỹ nên ứng xử cẩn trọng ở biển Đông.
Ông Đới Bỉnh Quốc lớn tiếng rằng phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines “không hơn một tờ giấy lộn”. Ông này không những đề nghị các nước không công nhận phán quyết mà còn cảnh cáo Trung Quốc sẽ không bỏ qua bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Philippines sau phán quyết.
Ông Đới Bỉnh Quốc cáo buộc Mỹ tăng căng thẳng trên biển Đông với các hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không trên biển Đông, cũng như khuyến khích các nước Đông Nam Á đối đầu hơn với Trung Quốc.
“Chúng tôi ở Trung Quốc sẽ không sợ hành động của Mỹ, dù Mỹ có đưa 10 tàu sân bay biển Đông. Mỹ cần nhận thức rủi ro là có thể bị lôi kéo vào rắc rối và phải trả một cái giá đắt không ngờ”, ông Đới Bỉnh Quốc đe dọa Mỹ.
Bài phát biểu của ông Đới Bỉnh Quốc ngay sau đó được đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Philippines kiện Trung Quốc lên PCA năm 2013 sau hàng loạt cuộc đối đầu với Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough mà Philippines đang kiểm soát. Trung Quốc luôn cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện, dù theo Công ước LHQ về luật biển mà Trung Quốc là thành viên phê chuẩn ghi rõ PCA có thẩm quyền giải quyết các bất đồng hàng hải. Tuy nhiên, PCA không có thẩm quyền thực thi phán quyết.
Trung Quốc gần đây tuyên bố có đến 60 nước ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện với Philippines. Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal (Mỹ) đây là thông tin thổi phồng, thực chất chỉ có 8 nước ủng hộ Trung Quốc (Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, Lesotho). Đây không phải là những quốc gia biển ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó có nhiều nước không ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện. Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực đều kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết.
Chưa rõ thực tế Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào khi chính thức có phán quyết của PCA, tuy nhiên theo trang tin Foreign Policy (Mỹ), từ những lời lẽ của ông Đới Bỉnh Quốc có thể đoán được là phản ứng này sẽ không nhẹ nhàng.
Nhiều chuyên gia nhận định khả năng lớn là Trung Quốc sẽ xúc tiến cải tạo quanh bãi cạn Scarborough. Động thái này sẽ tăng căng thẳng và có thể kích thích xung đột với Philippines và Philippines sẽ nhờ Mỹ hỗ trợ quân sự. Diễn biến sau đó sẽ rất khó lường.
Vì lo ngại chiến tranh, ngày 5-7, Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte khẳng định Philippines sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc sau khi PCA ra phán quyết để tránh xung đột. “Một khi thuận lợi, hãy đàm phán. Chiến tranh là điều bẩn thỉu và chúng tôi không sẵn sàng.”
Về phần mình Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Philippines miễn Philippines bỏ qua phán quyết của PCA.
Trung Quốc bất ngờ đổi giọng về biển Đông
Chính phủ Trung Quốc tìm cách giảm nhẹ những lo ngại về một cuộc xung đột ở biển Đông sau khi Thời báo Hoàn cầu của nước này hôm 5-7 cho biết Bắc Kinh nên chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự.
Khi được hỏi về bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu và khả năng xảy ra xung đột ở biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định Bắc Kinh “cam kết hòa bình”.
“Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông” - ông Hồng nói tại một cuộc họp báo. “Đối với các tranh chấp liên quan, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào từ bên thứ ba cũng như giải pháp áp đặt lên Trung Quốc”.
Quan chức này muốn đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan sắp được công bố vào ngày 12-7 tới.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đậu gần giàn khoan Hải Dương 981 ở biển Đông ngày 13-6-2014. Ảnh: REUTERS
Tại Washington, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ lực trừ khi bị thách thức bởi sự khiêu khích vũ trang.
Ông Đới cũng bác bỏ phán quyết sắp tới của PCA, gọi nó “không hơn gì một mảnh giấy” và tiết lộ Trung Quốc đang “ưu tiên” chống lại trường hợp này.
“Trung Quốc sẽ không bị đe dọa ngay cả khi Washington gửi 10 tàu sân bay đến biển Đông. Tuy nhiên, họ có thể bị kéo vào rắc rối không mong muốn và trả một cái giá rất đắt” – ông Đới nói tại phiên họp của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment.
Về bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook nhấn mạnh “Mỹ không muốn đối đầu với Trung Quốc” nhưng sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực.
“Chúng tôi đã chỉ ra con đường ngoại giao để giải quyết các vấn đề... Chúng cần được giải quyết một cách hòa bình. Phán quyết từ The Hague sẽ mở ra cơ hội cho việc thực hiện điều này” – ông Cook nói.
Các quan chức Mỹ đang lo ngại phán quyết bất lợi của PCA sẽ thúc đẩy Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, đồng thời tăng cường khả năng quân sự của mình ở đó. Theo báo China Daily, phản ứng của Trung Quốc sẽ “hoàn toàn phụ thuộc” vào Philippines, nước khởi kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc lên PCA.
“Sẽ không có sự cố nào xảy ra nếu các bên bỏ qua phán quyết của tòa trọng tài” – tờ báo dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Trước đó, trong một bài xã luận đăng tải bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh, Thời báo Hoàn cầu nói rằng nước này nên nâng cao khả năng răn đe quân sự, chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào. Đây được xem là phản ứng trước hành động gửi 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu quanh biển Đông của Mỹ.
Quân đội Trung Quốc đưa vận tải cơ chiến lược Y-20 vào hoạt động
Y-20 là máy bay vận tải chiến lược có khả năng chở cả xe tăng, phạm vi hoạt động 5.800 km, vừa được quân đội Trung Quốc đưa vào sử dụng.
Thân Tiến Khoa, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay cho biết vận tải cơ chiến lược nội địa Y-20 đã chính thức được đưa vào hoạt động trong quân đội nước này, theo Reuters. Động thái này là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Không quân cần nhiều máy bay vận tải chiến lược hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ của mình, bao gồm bảo vệ chủ quyền và cứu hộ", ông Thân nói. Trung Quốc khẳng định việc sản xuất thành công Y-20 là "bước đột phá quan trọng" trong chương trình phát triển máy bay.
Phi cơ vận tải chiến lược Y-20 của Trung Quốc cất cánh lần đầu năm 2013, nặng khoảng 220 tấn, có 4 động cơ phản lực và chở tối đa 66 tấn hàng, phạm vi hoạt động 5.800 km. Theo số liệu được Trung Quốc công bố, Y-20 có thể bay tới bất cứ nơi nào ở châu Âu, châu Á, bang Alaska của Mỹ, Australia và cả Bắc Phi. Tải trọng của Y-20 cho thấy nó có thể được dùng để vận chuyển xe tăng, trong đó có loại tăng chiến đấu chủ lực Type 99A2 nặng 64 tấn của Trung Quốc.
Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân đội gồm phát triển tàu ngầm, tàu sân bay, tên lửa chống vệ tinh để đối chọi với Mỹ. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, việc sở hữu máy bay vận tải cỡ lớn sẽ giúp quân đội nước này nhanh chóng điều động lực lượng, vũ khí trang bị đến các khu vực thực thi nhiệm vụ.
Rơi trực thăng chở tướng quân đội TNK ở khu vực biển Đen
Trực thăng chở nhiều quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ cùng vợ con hôm 5-7 rơi ở khu vực biển Đen, phía Đông Bắc nước này khiến 7 người thiệt mạng và 8 người bị thương.
Một phiên bản trực thăng Sikorsky UH-60 của Mỹ được đưa lên chiếc máy bay vận tải C-5 ở Kandahar, Afghanistan năm 2011. Ảnh minh họa: Không lực Mỹ công bố
Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo thông tin trên. Theo tuyên bố trên trang web của quân đội nước này, chiếc trực thăng trên thuộc loại Sikorsky, bị rơi khi đang trở về thị trấn Giresun sau chuyến thăm tới các tiền đồn quân sự trong khu vực này. Nguyên nhân chưa được xác định. Tuy nhiên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim và một số phụ tá của ông nói rằng nhiều khả năng thời tiết xấu đã gây ra vụ rơi máy bay, chứ không phải nó bị phiến quân tấn công. Cuộc xung đột giữa lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và các phiến quân người Kurd tập trung ở khu vực đông nam nước này.
Theo truyền thông địa phương, trên chiếc trực thăng gặp nạn có một vị thiếu tướng, thực hiện chuyến thăm các quân nhân và gia đình của họ ở các tiền đồn quân sự để đánh dấu ngày lễ Eid al-Fitr – ngày kết thúc tháng thiêng Ramadan của người Hồi giáo.
“Không may là 7 người, trong đó có những người anh em của chúng tôi, vợ và con của họ đã mất mạng. 8 người khác bị thương đang lập tức được đưa tới các bệnh viện trong khu vực” – quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, song không tiết lộ danh tính những nạn nhân thiệt mạng.
Lực lượng cứu hộ và xe cứu thương được huy động tới hiện trường đang tập trung khá nhiều người dân. Những hình ảnh do CNN Turk phát đi từ hiện trường cho thấy dân địa phương đang giúp đỡ di chuyển những người bị thương và dùng xe của mình đưa họ tới những bệnh viện gần đó.
Theo Reuters, chiếc trực thăng gặp nạn vào khoảng 17 giờ 15, theo giờ địa phương ở gần làng Tohumluk – thuộc quận Alucra, tỉnh Giresun.
Ngoài vị thiếu tướng nói trên, trên trực thăng còn có 2 đại tá và một số sĩ quan khác, cùng 4 người vợ và 3 đứa trẻ, theo hãng tin tư nhân Dogan.
Hồi tháng 5, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo một vụ rơi trực thăng quân sự và nguyên nhân có thể là nó bị phiến quân người Kurd bắn rơi bằng tên lửa đất đối không.