Chiến lược an ninh quốc gia Nga không coi NATO là mối đe doạ
Chứng khoán Trung Quốc náo loạn vì ông Tập quá ôm đồm?
Ứng viên tổng thống Rubio chỉ trích Tổng thống Obama về IS
Khí thải CO2 tại Đông Nam Á tăng nhanh nhất thế giới
Trung Quốc ủng hộ Liên Hiệp Quốc trừng phạt Triều Tiên
Tin thế giới đọc nhanh chiều 01-06-2016
- Cập nhật : 01/06/2016
Bị Trung Quốc trêu ngươi, Malaysia liệu có cứng rắn hơn?
Một tàu lớn ngoài khơi bờ biển bang Sarawak làm tàu tuần tra Malaysia hết sức bất ngờ bởi nó chạy về phía họ với tốc độ cao, gầm rú. Khi xoay lại, nó để lộ dòng chữ “Cảnh sát biển Trung Quốc".
Theo một quan chức của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), tàu cảnh sát biển Trung Quốc từng xuất hiện nhiều lần xung quanh cụm bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thị trấn giàu dầu mỏ Miri thuộc bang Sarawak của Malaysia.
“Hành động lao tàu như vậy trông giống như đang tấn công thuyền của chúng tôi, có thể để đe dọa” – một nguồn tin tiết lộ với hãng tin Reuters một đoạn video ghi lại một vụ xảy ra trước đây nhưng chưa từng được báo cáo.
Một tướng cấp cao cho biết Malaysia bây giờ cần phải cứng rắn trước các cuộc xâm nhập trên biển trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng khắp biển Đông. Theo các nhà ngoại giao phương Tây, với “mối quan hệ đặc biệt”, phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Malaysia không mấy phản ứng mạnh mẽ đối với hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển này.
Nước này từng xem nhẹ 2 cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc vào năm 2013 và 2014 ở bãi cạn James, cách bờ biển Sarawak chưa tới 50 hải lý. Chưa kể trong năm 2015, việc ngư dân Malaysia ở Miri bị những người đàn ông có vũ trang trên tàu Cảnh sát biển Trung Quốc bắt nạt bị làm ngơ.
Mãi cho đến hồi tháng 3, hơn 100 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện lấn tới cụm bãi cạn South Luconia, phía Nam của quần đảo Trường Sa, Malaysia mới triển khai tàu hải quân và triệu tập đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích rõ vụ việc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bao biện rằng tàu đánh cá nước này đánh bắt bình thường ở “các vùng biển liên quan”.
Chỉ một vài tuần sau đó, Malaysia công bố kế hoạch thiết lập một cơ sở điều hành hải quân gần Bintulu, phía Nam của Miri. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định cơ sở này sẽ chứa máy bay trực thăng, máy bay do thám và một lực lượng đặc nhiệm. Nó có nhiệm vụ bảo vệ tài sản dầu mỏ và khí đốt phong phú của đất nước trước nguy cơ tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có trụ sở tại miền Nam Philippines, tức cách hàng trăm cây số về phía Đông Bắc.
Thế nhưng, ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, thắc mắc liệu điều đó có thực là do IS. Một số quan chức và chuyên gia cho rằng hành vi trên biển Đông của Trung Quốc mới là nguyên nhân xâu xa.
Bị phương Tây trừng phạt nặng nhất lịch sử, Triều Tiên tuyên bố gì?
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên bất ngờ xuất hiện, phản pháo mạnh mẽ vài ngày sau khi Liên minh châu Âu EU áp đặt thêm trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Trung Quốc: chấn động quan chức một tỉnh liên tiếp "ngã ngựa"
Chiều 30/5, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) ra thông báo cho biết, Lý Vân Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng thường trực tỉnh Giang Tô, đang bị tổ chức điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Theo Tân Kinh báo ngày 31/5, Lý Vân Phong sinh tháng 3/1957, quê ở Giang Tô. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phong về làm ở trường đảng địa khu Trấn Giang, rồi chuyển về văn phòng tỉnh ủy Giang Tô và công tác liên tục ở đó đến nay. Từ tháng 3/2011, Phong là Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng thường trực Giang Tô.
Hôm 25/5 vừa qua, Phong còn chủ trì Hội nghị công tác về đẩy nhanh phát triển vùng ven biển do tỉnh ủy và ủy ban tỉnh tổ chức. Trong thời gian hội nghị, ông ta còn dẫn đoàn quan chức đi tham quan, khảo sát các thành phố Nam Thông, Diêm Thành, Liên Vân Cảng.
“Hổ” thứ tư ở Giang Tô bị hạ
Lý Vân Phong là quan chức lãnh đạo thứ 4 của Giang Tô bị ngã ngựa kể từ Đại hội 18 (12/2012) đến nay. Những người trước đó gồm Quý Kiến Nghiệp, Dương Vệ Trạch và Triệu Thiếu Lân. Trong số 4 quan chức Giang Tô bị hạ này, Triệu Thiếu Lân và Lý Vân Phong đều từng ở cương vị Tổng thư ký tỉnh ủy.
Phong kế nhiệm Lân từ tháng 11/2006, làm Ủy viên thường vụ kiêm Tổng thư ký. Trước đó, Phong làm cấp phó cho Lân suốt 8 năm, từ 1998 đến 2006. Nay Phong bị điều tra có nghĩa là hai đời Tổng thư ký tỉnh ủy liên tiếp ngã ngựa.
Lý Vân Phong cũng là Ủy viên Trung ương dự khuyết thứ 13 bị quật ngã từ sau Đại hội 18. Những người trước đó gồm Lý Xuân Thành, Vạn Khánh Lương, Chu Minh Quốc, Vương Mẫn, Vệ Trạch, Cừu Hòa, Dư Viễn Huy, Lã Tích Văn... Trong đó, đáng chú ý là Cừu Hòa. Trước khi về Vân Nam công tác, Cừu Hòa cũng giữ chức Phó tỉnh trưởng Giang Tô trong thời gian dài.
Ngày tàn của “bang Giang Tô”
Báo điện tử Tài Tân cho rằng, việc Lý Vân Phong ngã ngựa có liên quan đến việc thanh lọc “bang Giang Tô”, sau khi một loạt “bang nhóm” như Sơn Tây, Dầu khí, Thư ký, Chính pháp… bị xóa sổ.
Phong đã giữ chân thư ký suốt 28 năm ở văn phòng tỉnh ủy Giang Tô, từ thư ký thường lên đến chức tổng thư ký năm 2011, rồi vào trung ương năm 2012, lần lượt phục vụ 5 đời Bí thư tỉnh ủy Hàn Bồi Tín, Thẩm Đạt Nhân, Trần Hoán Hữu, Hồi Lương Ngọc, Lý Nguyên Triều và tham gia Ban thường vụ tỉnh ủy dưới thời 3 Bí thư Lý Nguyên Triều, Lương Bảo Hoa, La Chí Quân.
Chính trường Giang Tô gần đây biến động rất lớn, một chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra rầm rộ. Bí thư Nam Kinh Dương Vệ Trạch khi bị bắt tháng 1/2015 đã định tự sát nhưng không thành. Tới 31/3, Tưởng Hồng Lượng, Phó Bí thư thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp thành ủy Vô Tịch, tự sát. Dù lý do chính thức được đưa ra là “trầm cảm”, song dư luận tin nguyên nhân là do có liên quan đến Dương Vệ Trạch.
Ngoài những quan chức bị ngã ngựa ngay trên đất Giang Tô, một số quan chức được điều từ đây đi nơi khác cũng đã bị sa lưới trong chiến dịch “đả hổ”, như Cừu Hòa, Phó Bí thư Vân Nam bị điều tra ngày 15/3/2015; Vương Manh, nguyên Phó tỉnh trưởng Giang Tô, sau là Bí thư Liêu Ninh từ 2009, bị điều tra tháng 3/2016.
Chính vì vậy, dư luận cho rằng với việc các quan chức quê Giang Tô nối nhau ngã ngựa, có thể sẽ có sự sụp đổ của “bang Giang Tô” như đã từng xảy ra với các bang nhóm khác.
Nga tuyên bố không nhượng lại quần đảo Nam Kuril cho Nhật Bản
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/5 tuyên bố Moscow không có kế hoạch nhượng lại các đảo thuộc quần đảo Nam Kuril cho Nhật Bản.
“Chúng tôi đang và sẽ không làm điều này. Chúng tôi sẽ không nhượng lại quần đảo Nam Kuril cho Nhật Bản và sẽ không khẩn cầu Nhật Bản về một thỏa thuận hòa bình”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố trong phần giao lưu trực tuyến trên trang Kp.ru của Nga hôm nay 31/5.
Trong nhiều năm qua, quan hệ Nga - Nhật luôn phải đối mặt với những căng thẳng do tranh chấp giữa hai nước xung quanh quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc ở ngoài khơi Hokkaido. Quần đảo Nam Kuril hiện vẫn do Nga kiểm soát từ sau Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951.
Những tranh cãi này đã ngăn cản Tokyo và Moscow ký kết Hiệp ước hòa bình suốt từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 tới nay.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi đầu tháng 5, lãnh đạo hai nước đã nhất trí cùng theo đuổi cách tiếp cận mới trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ còn tồn đọng giữa hai nước hiện nay.
Bộ trưởng Canada từ chức để cai nghiện
Bộ trưởng Ngư nghiệp Canada Hunter Tootoo nêu rõ ông quyết định từ chức vì muốn tập trung cai nghiện và cần có không gian riêng trong thời điểm này.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 31/5, Bộ trưởng Ngư nghiệp, Đại dương và Bảo vệ bờ biển Canada Hunter Tootoo đã bất ngờ từ chức, đồng thời rút khỏi ban lãnh đạo nòng cốt của đảng Tự do cầm quyền.
Trong tuyên bố đưa ra tối 31/5, Bộ trưởng Tootoo nêu rõ ông quyết định từ chức vì muốn tập trung cai nghiện và cần có không gian riêng trong thời điểm này. Ngoài việc từ chức Bộ trưởng Ngư nghiệp, Đại dương và Bảo vệ bờ biển Canada, ông Tootoo cũng sẽ rút khỏi ban lãnh đạo đảng Tự do để “không làm sao nhãng công việc của các đồng nghiệp”.
Văn phòng Thủ tướng Canada đã ra ngay thông báo khẳng định Bộ trưởng Tootoo từ chức để dành thời gian điều trị một số vấn đề liên quan đến cai nghiện. Tuyên bố cũng cho biết lãnh đạo của chính phủ tại Hạ viện Dominic Leblanc sẽ tiếp quản vị trí của ông Tootoo.
Ông Tootoo là người thổ dân Inuk thứ hai được bổ nhiệm làm thành viên nội các Chính phủ liên bang Canada sau khi vượt qua Leona Aglukkaq trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10 năm ngoái.