Tổng thống Mỹ ký lệnh trừng phạt Triều Tiên
Căng thẳng tôn giáo tại Thái Lan chưa dịu
Thấy thanh tra, quan chức Trung Quốc lao khỏi cửa sổ
Đến Giáo hoàng cũng phản đối Donald Trump
Cán cân bầu cử Mỹ đang nghiêng về phía ông Sanders
Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-02-2016
- Cập nhật : 21/02/2016
Obama: Trung Quốc đang dùng luật của kẻ mạnh ở Biển Đông
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN kết thúc ngày 16/2. Ảnh: Reuters.
"Tôi nghĩ Trung Quốc đang dùng đến cách chân lý thuộc về kẻ mạnh, trái ngược với sử dụng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế để đưa ra yêu sách và giải quyết tranh chấp", Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Channel News Asia ngày 16/2, bên lề hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tổ chức tại Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California.
Bình luận trên được đưa ra trước khi xuất hiện thông tin Trung Quốc điều động hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh hiện vẫn không thừa nhận hay bác bỏ cáo buộc điều tên lửa ra Biển Đông. Tuy nhiên, Global Times dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận nước này "đã triển khai các vũ khí trên đảo từ lâu". Bộ không nói cụ thể loại vũ khí trên đảo.
Theo Tổng thống Obama, hiện "vẫn còn nguy cơ lớn xảy ra xung đột" giữa các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ông từ chối nhắc đến khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tổng thống Obama tháng 9/2015 có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ông Tập đã đảm bảo rằng Trung Quốc không muốn quân sự hóa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
"ASEAN đã khẳng định điều này nên được thực hiện. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra sự chân thành trong việc thực hiện các nỗ lực của Trung Quốc", ông nói.
Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra trong hai ngày 15 và 16/2. Giới phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ hối thúc 10 quốc gia thành viên ASEAN ra tuyên bố chung về Biền Đông. Tuy nhiên, tuyên bố chung sau hội nghị lại không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, thay vào đó kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Nga 'hối tiếc' vì dự thảo nghị quyết về Thổ Nhĩ Kỳ bị bác bỏ
"Chúng tôi chỉ có thể bày tỏ sự hối tiếc khi dự thảo nghị quyết bị bác bỏ",AFP dẫn lời Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, hôm nay cho biết.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua họp bàn về dự thảo nghị quyết của Nga, được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuần này tuyên bố họ và các nước khác có thể đưa bộ binh vào Syria.
Trong bản dự thảo nghị quyết, Moscow kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Syria, dừng nã pháo qua biên giới, xâm nhập, và đề nghị "nước ngoài từ bỏ các âm mưu hay kế hoạch can thiệp bằng bộ binh".
Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước pháo kích vào lực lượng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd ở Syria, khiến đồng minh Mỹ quan ngại.
Nga hôm nay cũng bày tỏ quan điểm tương tự về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. "Điện Kremlin quan ngại về căng thẳng đang gia tăng ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ", Reuters dẫn lời ông Peskov nói. "Nga cho rằng những đợt pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ qua biên giới là không thể chấp nhận".
Moscow còn thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang Syria đối phó với "các phần tử khủng bố". Nga can thiệp vào Syria nhằm tạo ra "sự ổn định trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Syria và khu vực", theo ông Peskov.
Báo Trung Quốc kêu gọi đâm va tàu chiến Mỹ ở Hoàng Sa
Bắc Kinh phải có hành động cứng rắn để "dạy cho Mỹ một bài học" nếu nước này tiếp tục có hành động liều lĩnh, bài xã luận đăng trên tài khoản mạng xã hội của của People's Daily viết.
Xã luận ngang nhiên cho rằng Trung Quốc phải khẳng định lập trường rõ ràng ở Hoàng Sa bằng hành động cứng rắn hơn với những sự "xâm phạm". Các biện pháp bao gồm áp tải các tàu dời đi, và trong kịch bản xấu nhất, "cố tình đâm vào các tàu để dạy cho họ một bài học".
Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng sau khi Bắc Kinh bắt đầu cải tạo phi pháp quy mô lớn các đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo. Mỹ đã cử một số tàu áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa, và tàu USS Curtis Wilbur tháng trước đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Lầu Năm Góc tuyên bố tàu thực hiện tự do đi lại trên biển.
Truyền thông Mỹ tuần này đưa tin Bắc Kinh đã thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên nói nước này "có quyền" triển khai vũ khí để bảo vệ cái mà họ gọi là "chủ quyền lãnh thổ".
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối việc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền ở Hoàng Sa, đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc. Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Phía Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái.
Philippines đốt mô hình tên lửa trước lãnh sự quán Trung Quốc
Mô hình tên lửa Trung Quốc bị người biểu tình đốt trước cổng lãnh sự quán nước này ở Manila. Ảnh: Reuters
Theo hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha, những người biểu tình thuộc đảng Kabataan Partylist và Liên hiệp Sinh viên Philippines hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc bên ngoài lãnh sự quán nước này ở thành phố Makati, thủ đô Manila. Theo cổng thông tin điện tử InterAskyon, người biểu tình còn đốt những mô hình tên lửa trước lãnh sự quán.
Đảng Kabataan Partylist dẫn lời nhà lập pháp cánh tả Bayan Muna cho rằng dù quần đảo Hoàng Sa không thuộc vùng lãnh thổ Philippines tuyên bố chủ quyền, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc là "hành động gây chiến tranh".
Bắc Kinh được cho là đã thiết lập hệ thống tên lửa đất đối không phi pháp ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Truyền thông Mỹ đầu tuần này đưa tin đầu tiên về việc Trung Quốc điều tên lửa đến đây và các nguồn tin quân sự Đài Loan cũng xác nhận.
Việt Nam hôm qua trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc. Hành động nhằm phản ứng việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa. Việt Nam cho rằng đây là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái.
Triều Tiên nã pháo, dân Hàn Quốc xuống hầm trú ẩn
"Một loạt pháo được bắn ra ở Triều Tiên gần biên giới trên biển Hoàng Hải. Dường như pháo rơi ở phía Bình Nhưỡng, không gây thiệt hại gì tới chúng tôi", AFP sáng nay dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho hay.
Theo một quan chức Hàn Quốc giấu tên, dường như đây là một phần của cuộc tập trận. Tiếng pháo được nghe thấy từ đảo Baengnyeong, có thể được bắn ra theo hướng tây bắc từ bờ biển Triều Tiên, Reuters cho hay.
Đảo Baengnyeong cách Đường Giới hạn phía Bắc (NLL) vài km, cách điểm gần nhất trên bờ biển Triều Tiên chưa đầy 20 km.Người dân Hàn Quốc sinh sống trên đảo tiền tiêu Yeonpyeong hoảng sợ và phải chạy xuống hầm trú ẩn trong thời gian ngắn, theo hãng tinYonhap.
Vụ việc xảy ra vài ngày sau khi Hàn Quốc thông báo sẽ thực hiện cuộc diễn tập quân sự chung hàng năm lớn nhất với Mỹ trong tháng tới. Bình Nhưỡng thường cáo buộc đây là hành động chuẩn bị cho chiến tranh và thề sẽ đáp trả.
Triều Tiên hồi 2010 từng nã pháo vào đảo tiền tiêu khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng trong khi Seoul tiến hành tập trận bắn đạn thật gần đường biên giới trên biển.
Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang có dấu hiệu gia tăng căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa hôm 7/2. Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố hành động này vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.