Putin lệnh tập trận bất ngờ gần biên giới với Ukraine
Nhật triển khai lá chắn tên lửa SAM-4 gần Senkaku
Lãnh đạo Đài Loan chủ trì tập trận chống Bắc Kinh
Tàu Iran bị tố quấy rối tàu khu trục Mỹ ở eo biển Hormuz
Tin thế giới đọc nhanh trưa 02-03-2016
- Cập nhật : 02/03/2016
Trung Quốc dọa động binh ở Biển Đông
Lần đầu tiên, một quan chức cấp cao đang đương chức của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lên tiếng đe dọa khả năng sẽ động binh ở Biển Đông.
Ấn Độ vừa tổ chức Đối thoại Delhi VIII với các nước ASEAN. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN Lê Hoài Trung dẫn đầu phái đoàn dự hội nghị này. Phát biểu ngày 19-2, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj kêu gọi Bắc Kinh tránh bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây căng thẳng trong khu vực - Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ
Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời tư lệnh viên chiến khu miền nam, thượng tướng Vương Giáo Thành, lớn tiếng khẳng định PLA đang chuẩn bị để chiến đấu bảo vệ cái mà nước này tự gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông. Ông Vương cho biết quân đội nước này đang cảnh giác cao độ trước mọi mối đe dọa an ninh trong các vùng biển tranh chấp.
“Quân đội Trung Quốc sẽ có khả năng xử lý bất kỳ mối đe dọa an ninh Trung Quốcnào. Không quốc gia nào được phép sử dụng bất kỳ lý do bào chữa và hành động nào để đe dọa sự an toàn và chủ quyền của Trung Quốc” - ông Vương lớn tiếng đe dọa.
Chiến khu miền nam là đơn vị mới được thành lập gần đây của PLA. Tướng Vương thậm chí khoe: “PLA đang lên kế hoạch ứng phó với tất cả kịch bản liên quan đến mọi nguy cơ quân sự có khả năng xảy ra trong khu vực”.
Trong diễn biến có liên quan, giới chức Ấn Độ cho biết New Delhi và Washington đang tiến tới ký kết thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự sau 12 năm đàm phán. Hãng tin Reuters cho biết đây là một tín hiệu cho thấy hai nước tăng cường các mối quan hệ quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng có nhiều động thái khiêu khích trong khu vực.
Mỹ xuất hiện như một nguồn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, sau nhiều năm nước này mua vũ khí của Nga. Thời gian gần đây, Mỹ - Ấn Độ còn tổ chức nhiều cuộc tập trận và tuần tra chung trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông.
Đang có sự hội tụ giữa chính sách xoay trục châu Á của Tổng thống Barack Obama và chính sách hướng Đông của Thủ tướng Modi
Saroj Bishoyi (chuyên gia Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng New Delhi)
Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LSA) sẽ cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ quân sự trên bộ, không quân và trên biển của nhau để tiếp tế, sửa chữa và nhiều mục đích khác.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - đô đốc Harry Harris xác nhận ngoài việc hướng tới ký kết LSA, Ấn Độ và Mỹ cũng đang tiến tới ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận an ninh thông tin liên lạc (CISMOA) và thỏa thuận chia sẻ dữ liệu về địa hình, hàng hải và hàng không.
Washington cũng đang trong quá trình đàm phán với New Delhi về việc đóng tàu sân bay cho nước này. Đây được xem là phi vụ hợp tác quốc phòng lớn nhất giữa hai nước đến nay.
Báo The Press Trust of India dẫn lời một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi xem các thỏa thuận trên là một cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington. Một nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết LSA có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter vào tháng 4.
Về đơn kiện của Philippines lên Tòa trọng tài quốc tế, thời gian qua nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải có thái độ phù hợp với luật quốc tế.
Hôm qua, Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng kết quả phân xử của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague liên quan việc Bắc Kinh đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông del Rosario yêu cầu Trung Quốc hành xử như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
“Nếu Trung Quốc không chú ý đến lời kêu gọi tập thể của chúng tôi, điều đó có nghĩa Trung Quốc đang tự xem mình trên cả luật pháp?” - ông del Rosario đặt câu hỏi.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trước tháng 5-2016. Bắc Kinh đã từ chối tham gia phiên tòa và đề xuất các bên tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại song phương
Trung Quốc-Singapore tìm cách giảm rủi ro đối đầu biển Đông
Theo Straits Times, phát biểu trước báo giới ngày 29-2, Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết Trung Quốc và Singapore đã có những cuộc thảo luận “rất thẳng thắn, hữu ích và mang tính xây dựng” về vấn đề biển Đông và Singapore mặc dù không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng đã thực hiện đầy đủ vai trò của đất nước với tư cách là điều phối viên cho mối quan hệ giữa Trung Quốc-ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 29-2. (Ảnh: Reuters)
“Hai bên nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do hàng hải hàng không trên biển Đông. Đây là vùng biển quan trọng đối với cả Trung Quốc và ASEAN bởi phần lớn dòng chảy thương mại và năng lượng đều chạy qua vùng biển này. Vì vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực” - ngoại trưởng Singapore cho biết.
Theo ngoại trưởng Singapore, Bắc Kinh đã sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) trong khi đẩy nhanh tham vấn về COC.
“Trên hết, chúng tôi tin rằng vấn đề tranh chấp biển Đông cần phải được giải quyết bởi các bên trực tiếp tuyên bố chủ quyền trong khu vực thông qua đối thoại và đàm phán. Trung Quốc và các nước duyên hải thuộc khối ASEAN sẽ tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên biển Đông” - Channel News Asia dẫn lời ông Balakrishnan nói.
Trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore đã hội kiến với Phó Chủ tịch Trung Quốc Li Yuanchao và sẽ gặp Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Bộ trưởng-Trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Song Tao hôm nay 1-3.
Mỹ âm thầm mở chiến dịch bí mật chống IS
Lầu Năm Góc hôm 29-2 cho biết bên cạnh tiến hành các nhiệm vụ bí mật trên bộ, Mỹ đang tiến hành các cuộc tấn công mạng chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Đây là những dấu hiệu mới nhất về việc mở rộng hoạt động lặng lẽ của Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố các cuộc tấn công mạng của Washington (đặc biệt là tại Syria) nhằm gây đình trệ và quá tải mạng lưới thông tin liên lạc của IS. Tuy nhiên, ông từ chối đi sâu vào chi tiết. “Các phương pháp chúng tôi đang sử dụng là mới. Một số trong số đó sẽ làm chúng sốt vó” - ông Carter phát biểu tại cuộc họp báo của Lầu Năm Góc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Joseph Dunford, nói: “Chúng tôi không muốn đối phương biết chúng tôi đang tiến hành các hoạt động trên mạng khi nào, ở đâu và như thế nào”. Ông Dunford nhấn mạnh các cuộc tấn công mạng giúp đặt nền móng cho một hoạt động tấn công cuối cùng để lấy lại TP Mosul ở Iraq từ tay phiến quân IS.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (trái) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford Ảnh: REUTERS
Trước đó hồi tháng 1, Mỹ từng tiết lộ khoảng 200 biệt kích “đã hiện diện” ở cả Syria và Iraq nhằm truy quét IS cũng như thực hiện các sứ mệnh bí mật khác. Ông Carter hôm 29-2 tiết lộ Lực lượng Đặc nhiệm Thi hành Mỹ (ETF) tiến hành các hoạt động trên mặt đất và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hy vọng nó hiệu quả cho chiến dịch tăng tốc của nước này.
Phụ tá của Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi, chuẩn tướng Ahmed Asseri, cho biết cách nay 2 tuần, các Bộ trưởng Quốc phòng thuộc liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu thảo luận về khả năng sẽ đổ bộ vào Syria. Theo ông Ahmed Asseri, Ả Rập Saudi sẽ tham gia một khi điều này được nhất trí và quyết định có bao nhiêu binh sĩ được triển khai. Chuẩn tướng cho biết thêm Ả Rập Saudi sẵn sàng tấn công IS từ căn cứ không quân Incirlik thuộc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi 4 máy bay của nước này vừa đến đây hồi tuần trước.
Liên Hiệp Quốc báo động nạn đói ở Syria
Ông cho biết hơn 450.000 người cư trú trong các khu vực bị bao vây ở Syria.
Đêm hôm trước, nhà điều phối hoạt động nhân đạo của LHQ tại Syria Yacoub El-Hillo thông báo từ ngày 29-2 sẽ bắt đầu chiến dịch cứu trợ nhân đạo tại thị trấn Moadamiyet al-Sham ở ngoại ô thủ đô Damascus. Thị trấn này đang bị quân đội chính phủ Syria bao vây.
AFP đưa tin trong năm ngày tới LHQ sẽ cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo cho 154.000 người cư trú trong các khu vực bị bao vây ở Syria. Tổ chức Y tế Thế giới thông báo đã chuẩn bị chuyển hàng thuốc men đến cho người dân Syria bị bao vây.
Bên lề cuộc họp Hội đồng Nhân quyền LHQ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết đã yêu cầu nhóm công tác giám sát ngừng bắn ở Syria nhóm họp để đánh giá tình hình. Ông cho biết đã nhận được thông tin nhiều vụ tấn công xảy ra trong các khu vực cho quân nổi dậy ôn hòa Syria kiểm soát. Báo chí quốc tế ghi nhận dù xảy ra một số sự cố, tình hình ngừng bắn ở Syria nói chung vẫn được tôn trọng.
Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin ngày 28-2 (giờ địa phương), phía Mỹ đã chuyển cho Trung tâm Nga về hòa giải các bên trong xung đột Syria (đặt trong căn cứ không quân Nga tại Syria) danh sách 69 nhóm đối lập Syria đã tuyên bố với Mỹ chấp thuận ngừng bắn qua trung gian của tổ chức Liên minh quốc gia Syria về các lực lượng cách mạng đối lập. Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mỹ chuyển danh sách vào ngày 27-2.
Thẩm phán Mỹ bác yêu cầu bẻ khóa iPhone ở New York
Bộ Tư pháp Mỹ không có thẩm quyền buộc Apple mở khóa chiếc iPhone trong vụ buôn ma túy ở Brooklyn và trao dữ liệu cho FBI, theo phán quyết của một thẩm phán liên bang tại thành phố New York ngày 29.2.
Theo AP, đây là phán quyết mới nhất liên quan đến yêu cầu của FBI đối với hãng Apple bằng cách vận dụng luật All Writs Act (đạo luật đã tồn tại từ thế kỷ 18, cho phép tòa án liên bang ra bất cứ phán quyết và trát đòi nào cảm thấy cần thiết và hợp pháp).
Trùng hợp là quyết định của tòa New York diễn ra đúng 1 ngày trước khi đại diện Apple tham gia cuộc điều trần trước ủy ban Hạ viện Mỹ vào ngày 1.3 về lý do tại sao hãng từ chối hỗ trợ các quan chức hành pháp bẻ khóa điện thoại iPhone của Syed Farook, một trong hai kẻ xả súng tại San Bernardino hồi tháng 12.2015 khiến 14 người chết và 22 người bị thương, theo AP.
Chính quyền đã thất bại trong việc đưa ra lý do chính đáng cho thấy luật All Writs Act cho phép FBI đòi hỏi Apple cung cấp quyền truy cập dữ liệu bên trong một điện thoại iPhone bị khóa mã, theo thẩm phán liên bang James Orenstein ở Brooklyn, thuộc tòa án khu vực Đông New York.
Vụ việc xảy ra từ tháng 7.2015, thời điểm giới chức liên bang muốn có được trát của tòa án để truy xuất dữ liệu từ chiếc iPhone thuộc về Jun Feng, công dân New York đối mặt với cáo buộc âm mưu buôn lậu ma túy đá methamphetamine.
Dù vụ án ở thành phố New York không có liên quan đến vụ San Bernardino, nhưng đây là thắng lợi đáng kể đối với Apple trong khi tiếp tục “đấu” với FBI trong vụ kiện quan trọng có thể ảnh hưởng rộng rãi trong giới công nghệ và bảo vệ quyền riêng tư cho công dân nói chung.