tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 02-03-2016

  • Cập nhật : 02/03/2016

Canada buộc tội 4 kẻ cắp công nghệ hình ảnh vệ tinh bán cho Trung Quốc

Cảnh sát liên bang Canada hôm 29-2 buộc tội một người Mỹ, một người Anh và hai người Canada vì ăn cắp công nghệ hình ảnh vệ tinh nhạy cảm và bán nó cho Trung Quốc, vi phạm luật xuất khẩu.

Hai trong số họ đánh cắp các cảm biến của công ty Teledyne Dalsa nằm trong khu vực Waterloo ở tỉnh Ontario nhờ sự giúp đỡ của một nhân viên cũ. Sau đó, họ bán cho hai công ty Trung Quốc, trong đó có một doanh nghiệp nhà nước. Việc làm này vi phạm Chương trình Hàng hóa Canada bị kiểm soát và các luật khác. Người thứ tư là nhân vật làm việc tại một trong hai công ty Trung Quốc, có can dự vào thương vụ trên.

van phong cong ty teledyne dalsa anh: ctv news

Văn phòng công ty Teledyne Dalsa Ảnh: CTV NEWS

Theo tuyên bố của cảnh sát, các bộ phận vi điện tử được thiết kế để sử dụng cho vệ tinh không gian. Đại diện Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), sĩ quan Jamie Jagoe nói: “Cuộc điều tra này là ví dụ cho thấy các chính phủ nước ngoài quan tâm đến công nghệ của Canada và cần thiết phải bảo đảm an toàn trước việc lạm dụng tiềm năng của công nghệ đó”.

Vụ điều tra kéo dài 2 năm có sự tham gia của Cơ quan Vũ trụ Canada, quân đội, Bộ An ninh Nội địa và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Hai người Canada gồm Arthur Xin Pang (46 tuổi) và Binqiao Li (59 tuổi) bị bắt giữ và bị buộc tội với hơn một chục tội danh, bao gồm cả hành vi trộm cắp, lừa đảo, chiếm hữu và chuyển giao hàng hóa bị kiểm soát vi phạm Luật sản xuất quốc phòng. Trong khi đó, lệnh bắt giữ được ban hành đối với Nick Tasker (62 tuổi, người Anh) và Hugh Ciao (50 tuổi, đến từ California, hiện ở Trung Quốc).

Vụ việc này khiến cựu quan chức tình báo cấp cao Michel Juneau-Katsuya chỉ trích chính phủ và các cơ quan an ninh quốc gia còn yếu kém, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp không nhận thức được những gì đang xảy ra. Jason Văn Wees, phó chủ tịch Teledyne Dalsa, nói rằng bất kỳ loại gián điệp nào đều là điều đáng lo song từ chối bình luận thêm về vấn đề này với tờ The Guardian hôm 29-2. RCMP cho biết công ty Teledyne Dalsa đã hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra, vốn bắt đầu vào đầu năm 2014 sau khiếu nại của Teledyne Dalsa với cơ quan này.


Quân đội Trung Quốc lên kịch bản sử dụng quân sự ở Biển Đông

Trong bài phát biểu đầu tiên sau nhậm chức, tư lệnh quân khu miền Nam tuyên bố quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị cho mọi kịch bản để bảo vệ "lợi ích" ở Biển Đông. 
tuong vuong giao thanh, tu lenh chien luoc khu mien nam. anh: scmp

Tướng Vương Giáo Thành, tư lệnh chiến lược khu miền Nam. Ảnh: SCMP

People’s Daily hôm 27/2 dẫn lời Tướng Vương Giáo Thành, tân tư lệnh chiến lược khu miền Nam mới thành lập của quân đội Trung Quốc (PLA) tuyên bố PLA "có thể xử lý bất cứ mối đe dọa an ninh nào". 

Ông Vương, người trước đó chỉ huy quân khu Thẩm Dương, cho hay mục tiêu của ông là "đảm bảo an ninh trong kiểm soát biên giới và phòng vệ trên biển", trong đó quan trọng nhất là bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông. 

Chiến lược khu miền Nam là một trong 5 chiến lược khu vừa được thành lập, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải tán 7 quân khu trước đây để "tăng cường khả năng thống nhất và giành chiến thắng của PLA". 

Tướng Vương cũng tuyên bố PLA đã chuẩn bị cho tất cả kịch bản liên quan đến rủi ro quân sự ở Biển Đông. Tuyên bố này có thể làm gia tăng lo ngại của dư luận quốc tế về nguy cơ nổ ra đụng độ trong khu vực sau những động thái triển khai tên lửa, máy bay gần đây của Trung Quốc.

Fox News mới đây đưa tin Trung Quốc triển khai phi pháp tên lửa phòng không và chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh cũng được cho là đang xây dựng các trạm radar cao tần trên những đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đã phản ứng quyết liệt trước các động thái trên của Trung Quốc. Hải quân Mỹ mới đây khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông.

Phát biểu của ông Vương được đăng tải chỉ vài ngày sau khi Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Ngày 25/2, trả lời câu hỏi của VnExpress về thông tin Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, đặt trạm radar ở một số cấu trúc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ, "đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hoá ở Biển Đông".

"Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông, mà còn đe doạ đến hoà bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.


Tổng thống Hàn Quốc: Triều Tiên phải trả giá vì thử hạt nhân

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm nay tuyên bố Triều Tiên phải trả giá vì thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa, đồng thời sẽ gây áp lực để Bình Nhưỡng chấp nhận phi hạt nhân hóa.
tong thong han quoc park geun-hye. anh: reuters.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm nay có bài phát biểu trên truyền hình cho biết việc không phản ứng trước "những hành động khiêu khích liều lĩnh của Triều Tiên" sẽ chỉ làm xuất hiện thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

"Nếu chúng ta mặc kệ, họ sẽ tiếp tục", AFP dẫn lời bà Park nói. "Triều Tiên phải hiểu rõ rằng... họ không thể duy trì chế độ bằng vũ khí hạt nhân".

Bà Park có lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần 4 vào ngày 6/1 và phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, được cho là thử tên lửa đạn đạo, tháng trước.

Bình luận trên được đưa ra vào thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chuẩn bị bỏ phiếu thông qua nghị quyết, do Mỹ soạn thảo, với nội dung áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Triều Tiên.

Dự thảo yêu cầu các quốc gia kiểm tra tất cả hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên, áp đặt hạn chế thương mại và cấm tàu Triều Tiên nghi chở hàng hóa phi pháp cập cảng.

Bà Park cho biết dự thảo, đã được Trung Quốc ủng hộ thông qua, cho thấy ý chí tập thể của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo Triều Tiên phải "trả giá" vì từ chối dừng chương trình vũ khí hạt nhân.

"Chính phủ Hàn Quốc sẽ để mở cánh cửa đối thoại nhưng chỉ khi Triều Tiên cho thấy họ sẵn sàng thay đổi và theo đuổi phi hạt nhân hóa. Chúng tôi và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên", bà Park nói. "Quả bóng đang ở phần sân của Triều Tiên".


Máy bay Su-25 của Nga rơi, phi công tử nạn

RT dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay chiến đấu cơ Su-25 của nước này đã gặp tai nạn ở khu vực miền nam Stavropol, khiến một phi công thiệt mạng.

“Máy bay Su-25 của Nga bị rơi khi đang có chuyến bay huấn luyện gần sân bay Budennovsk, Vùng Stavropol,” bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

“Chiếc máy bay không mang theo đạn dược, rơi ở một khu vực không có dân cư. Không có thiệt hại nào trên mặt đất. Phi công đã thiệt mạng.”

Chiến đấu cơ Su-25 rơi vào lúc 19h23 (giờ Moscow). Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ việc.

chien dau co su-25 cua nga. (anh: sputnik)

Chiến đấu cơ Su-25 của Nga. (Ảnh: Sputnik)

Chiến đấu cơ Su-25, hay còn gọi là Frogfoot, theo NATO là loại máy bay một chỗ ngồi, hai động cơ phản lực, được tôn tạo nhiều lần kể từ năm 1981.

Chiếc máy bay được thiết kế để cung cấp sự hỗ trợ trực diện cho các lực lượng trên mặt đất.

Hồi tháng 12-2014, một máy bay quân sự khác của Nga cũng rơi khi đang bay thử nghiệm trong khu vực dân cư gần một trường học ở làng Chamodurovo, ngoại ô Moscow.


Hải quân Trung Quốc ra mắt bến tàu nổi đầu tiên

Theo tờ Quân giải phóng Nhật báo, Hải quân Trung Quốc ngày 1-3 đã hoàn tất việc chế tạo bến tàu nổi đầu tiên để làm nơi sửa chữa tàu chiến xa bờ biển. Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực hiện đại hóa lưc lượng hải quân của mình.

Theo đó, bến tàu nổi đầu tiên mang tên Huachuan số 1 sẽ cho phép các lực lượng hải quân đưa tàu bị hư hỏng về sửa chữa, phục hồi chiến đấu năng lực "trong thời gian rất nhanh chóng" và được thiết kế để được gửi vào vùng chiến sự.

cau tau noi tang kha nang trien khai tau cua trung quoc ra cac dao

Cầu tàu nổi tăng khả năng triển khai tàu của Trung Quốc ra các đảo

"Công trình này cho phép sửa chữa tàu chiến lớn của quân đội Trung Quốc ở các điểm di động xa bờ thay vì những điểm xác định trên bờ biển như trước đây" bài báo cho biết kèm theo hình ảnh của một tàu chiến bên trong bến tàu nổi.

Việc sử dụng của bến tàu nổi cho phép các tàu bị hư hỏng nhẹ vẫn sẽ có thể tiếp tục chiến đấu, trong khi những tàu bị hư hại nghiêm trọng sẽ không phải cần phải đưa trở lại một nhà máy đóng tàu.

cau tau noi giup trung quoc sua chua tau chien bat ky luc nao, bat ky dau ma khong can xay dung cau tau

Cầu tàu nổi giúp Trung Quốc sửa chữa tàu chiến bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu mà không cần xây dựng cầu tàu

Các bến cảng được thiết đế để phục vụ cho các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm nhưng không phải tàu sân bay và các bến cảng này có khả năng chống chọi với sóng cao lên đến 2 m.

Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỉ phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước của mình để đáp ứng tham vọng hàng hải ngày càng gia tăng ở biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tổng ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm 2015 là 886.9 tỉ nhân dân tệ (141.45 triệu đô), tăng 10 phần trăm so với năm trước.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục