tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 01-12-2015

  • Cập nhật : 01/12/2015

Trung Quốc sẽ đưa trạm phát điện khổng lồ ra Biển Đông

Trung Quốc có kế hoạch lập nhà máy sản xuất điện bằng năng lượng sóng gần các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông, nhằm cấp điện cho radar quân sự. 
tram phat dien noi lon nhat trung quoc dau thang nay duoc thu nghiem o bien dong. anh: vien chuyen doi nang luong quang chau

Trạm phát điện nổi lớn nhất Trung Quốc đầu tháng này được thử nghiệm ở Biển Đông. Ảnh: Viện chuyển đổi năng lượng Quảng Châu

Một đơn vị quy mô toàn diện, rộng bằng nửa sân bóng đá, đầu tháng này được triển khai tới vùng biển ngoài khơi quần đảo Vạn Sơn, gần thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, SMCP dẫn lời các nhà nghiên cứu tại Viện chuyển đổi năng lượng Quảng Châu, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết. 

Đơn vị được thử nghiệm nằm trong số những cỗ máy phát điện lớn nhất thế giới thuộc loại này, có thể tạo ra hơn 200 kilowatt điện. Những cỗ máy phát điện nổi bằng sóng biển được triển khai tại Mỹ và Australia cho sản lượng khoảng 150 kilowatt. Cỗ máy lớn nhất thuộc loại này đến nay là một phiên bản mẫu ở Bồ Đào Nha, đạt 750 kilowatt. 

Máy phát điện sẽ biến chuyển động liên tục của nước biển thành điện và có thể giữ vị trí hoạt động trong những ngày không có gió và cả khi phải đối diện với siêu bão, các nhà nghiên cứu nói. 

Trung Quốc thử nghiệm mô hình này nhằm tìm nguồn cung điện năng cho các radarr mà nước này có thể sẽ lắp đặt. "Radar quân sự là những con thú đói điện lúc nào cũng cần ăn, trong khi đó việc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch vừa khó khăn và tốn kém", một nhà nghiên cứu giấu tên nói.

Khi hoạt động nhằm vào một chiến đấu cơ hay vật thể không xác định từ xa, một hệ thống cảnh báo sớm có thể cần lượng điện tương đương nhu cầu của 1.000 hộ gia đình trung bình ở Mỹ. Năng lượng tái tạo truyền thống, như điện mặt trời, cũng không thích hợp do các tấm pin sẽ nhanh chóng bị phủ bởi phân chim.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn vùng biển của các nước khác, bất chấp sự phản đối của các bên liên quan. Trung Quốc gần đây bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các chuyên gia quân sự dự đoán Bắc Kinh sẽ triển khai hệ thống radar trên các đảo nhân tạo phi pháp này.

Hà Nội khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị


Hàn Quốc xây căn cứ quân sự mới đối phó Triều Tiên

Hàn Quốc hôm qua hé lộ kế hoạch đưa vào hoạt động một căn cứ hải quân mới làm nơi đóng quân của các lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó với Triều Tiên.
chien ham han quoc tham gia mot cuoc tap tran tren bien hoang hai. anh: epa

Chiến hạm Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận trên biển Hoàng Hải. Ảnh: EPA

Căn cứ được xây dựng trên đảo nghỉ dưỡng Jeju, miền nam Hàn Quốc, theo Yonhap. Ông Kang Dong-kil, người phụ trách việc thi công, cho biết công trình mới này đã hoàn thành 96% và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng một năm sau.

Giới chức Hàn Quốc cho hay căn cứ hải quân mới sẽ góp phần "rút ngắn đáng kể" thời gian triển khai tàu chiến nhằm đối phó với Triều Tiên. Nếu đi từ đây, các chiến hạm của Hàn Quốc chỉ phải mất 15 giờ để đến được đảo Yeonpyeong trên biển Hoàng Hải, nhanh hơn 6 giờ nếu xuất phát từ căn cứ chính của lực lượng hải quân ở Busan.

Yeonpyeong, nằm gần đường biên giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, là một trong những điểm nóng xung đột giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Chi phí xây dựng công trình này vào khoảng 882,3 triệu USD. Căn cứ bao gồm một văn phòng hải quân, các cơ sở dân sự cùng nhiều cầu cảng riêng biệt có thể tiếp nhận 20 tàu chiến và tàu tuần dương.


Mỹ tính cần 100.000 bộ binh để đối phó IS ở Syria

Mỹ kêu gọi tập hợp 100.000 binh sĩ nước ngoài, chủ yếu từ các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực, để đối phó với IS ở Syria.
lindsey graham, mot thanh vien trong uy ban quan vu thuong vien my. anh: afp

Lindsey Graham, một thành viên trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Ảnh: AFP

"Tôi nghĩ 100.000 sẽ là số lính cần thiết", AFP dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Baghdad, Iraq, khi được hỏi về quy mô lực lượng chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria mà ông tán thành.

Theo ông McCain, vấn đề này không quá khó khăn với Ai Cập nhưng với Arab Saudi cùng một số quốc gia nhỏ hơn thì ngược lại. Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đóng góp lực lượng. Arab Saudi đang tham gia chiến dịch quân sự ở Yemen, trong khi Ai Cập phải đối phó với lực lượng nổi dậy, còn Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về phiến quân người Kurd hơn là IS.

Lực lượng này sẽ bao gồm khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ "cung cấp những năng lực mà các nước Arab không có", Lindsey Graham, một thành viên trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói.

Hai thượng nghị sĩ kêu gọi tăng số lượng binh sĩ Mỹ tại Iraq lên 10.000 người. Con số này bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm để thực hiện "nhiều đợt đột kích giống như chiến dịch diễn ra cách đây không lâu", Graham cho biết thêm, nhắc đến việc đặc nhiệm Mỹ cùng phiến người Kurd hồi tháng trước giải cứu con tin trong nhà tù của IS ở Iraq, trong đó, một lính Mỹ đã hy sinh.

"Việc này khác với hai cuộc chiến trước", ông Graham nói, đề cập đến cuộc chiến 14 năm ở Afghanistan và gần 9 năm xung đột ở Iraq.

"Lần này sẽ có nhiều lực lượng trong khu vực tham gia hơn và phương Tây chỉ đóng góp phần nhỏ. Lực lượng tham chiến trong hai cuộc chiến trước phần lớn là phương Tây và có rất ít lực lượng trong khu vực", ông nói.


Quân đội Syria sẵn sàng tấn công sào huyệt IS

Các lực lượng chính phủ Syria giành lợi thế trước Nhà nước Hồi giáo (IS) ở phía đông tỉnh Aleppo và có thể tấn công sang tỉnh Raqqa, nơi có thành trì của nhóm phiến quân, nếu kiểm soát được khu vực này.
xe boc thep quan doi syria di chuyen den lang morek, syria, hoi thang 10. anh: ap.

Xe bọc thép quân đội Syria di chuyển đến làng Morek, Syria, hồi tháng 10. Ảnh: AP.

Lực lượng Mãnh hổ, đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ thuộc quân đội Syria, cách khu vực Deir Hafer, phía đông tỉnh Aleppo, chỉ 5 km, dồn các phiến quân vào thế nguy hiểm và không còn nguồn lực để phản công, FAR News dẫn một nguồn tin quân đội cho biết.

Nếu Lực lượng Mãnh hổ giành được Deir Hafer, quân đội Syria sẽ có vị trí để tấn công sang tỉnh Raqqa, khu vực họ từng bị Nhà nước Hồi giáo (IS) đẩy lui hồi tháng 8/2014.

IS cũng đang đối mặt với nguy cơ mất làng chiến lược Tal al-Ahmar, một cửa ngõ khác dẫn đến Deir Hafer.

Syria hồi đầu tháng phá vòng vây IS quanh căn cứ không quân Kweires. Khả năng phòng thủ của nhóm phiến quân ở miền đông Aleppo sau đó suy yếu, giúp Lực lượng Mãnh hổ cùng đồng minh tấn công vào những khu vực từng được coi là không thể tiếp cận.

Các nguồn tin sáng sớm qua cho biết quân đội Syria cùng dân quân địa phương đã giải phóng thêm nhiều phần lãnh thổ ở Aleppo từ tay IS, kiểm soát làng Aqulah và khu vực xung quanh. Hàng chục phiến quân đã bị tiêu diệt hoặc bị thương ở phía bắc ngôi làng.


Putin khước từ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Paris

Điện Kremlin vừa từ chối đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ để tổng thống hai nước gặp mặt song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ở Pháp. 
ong putin va erdogan tai hoi nghi g20, dien ra ngay 15-16/11 o antalya, tho nhi ky.. anh: reuters

Ông Putin và Erdogan tại hội nghị G20, diễn ra ngày 15-16/11 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.. Ảnh: Reuters

Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, hôm nay cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Paris. Reuters dẫn lời ông Peskov cho hay Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị. 

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đề xuất về cuộc gặp giữa hai tổng thống nhằm giảm căng thẳng sau khi máy bay Nga bị bắn rơi gần biên giới Syria. Dù ông Erdogan nhiều lần đề nghị thảo luận với ông Putin, Moscow vẫn tẩy chay Ankara và hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi. Tuy nhiên, ông Erdogan đến nay chỉ lấy làm tiếc về vụ việc. 

"Chúng tôi thực sự rất buồn vì sự cố này. Chúng tôi không muốn điều như thế này xảy ra nhưng thật không may, nó đã xảy ra. Tôi hy vọng điều tương tự sẽ không lặp lại", ông Erdogan nói trước khi tới Paris. "Hội nghị thượng đỉnh khí hậu quốc tế tại Paris sẽ đem đến cơ hội để sửa chữa quan hệ của chúng tôi với Nga. Đối đầu sẽ chẳng làm ai vui. Nga quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ thế nào thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng quan trọng với Nga như thế". 

Trước khi lên đường tới Paris tham gia hội nghị, ông Putin ký sắc lệnh trừng phạt kinh tế đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục