Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động can thiệp vào cuộc chiến Syria để phục vụ tham vọng khôi phục ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực Trung Đông.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 30-11-2015
- Cập nhật : 30/11/2015
Ông Ban Ki Moon nói biến đổi khí hậu có liên quan tới khủng bố
“Khi chúng ta không giải quyết hợp lý tình trạng biến đổi khí hậu, hậu quả có thể ảnh hưởng đến nhiều người và có khả năng những người trẻ thất nghiệp vì đó mà gia nhập các tổ chức khủng bố ở nước ngoài”, CBS News dẫn lời Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong một cuộc phỏng vấn hôm 28-11.
Theo Sputnik, ông Ban Ki Moon cũng tỏ ra lo ngại về việc cuộc khủng bố ở Paris mới đây có thể phủ bóng hội nghị về khí hậu được tổ chức tại Pháp vào tuần tới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng hoan nghênh Tổng thống Pháp Francois Hollande vì đã đến tham dự phiên họp đặc biệt về biến đổi khí hậu với các nhà lãnh đạo khối Thịnh vượng chung ngày 28-11 ở Malta. Tại phiên họp, Tổng thống Pháp đã hối thúc các nước tham gia thỏa thuận toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải do con người tạo ra, vấn đề vốn nằm trong chương trình nghị sự và được biết đến là nguyên nhân chính làm Trái đất nóng lên.
Hội nghị biến đối khí hậu Liên Hiệp Quốc diễn ra từ 30-11 đến 11-12 tại Paris, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia về khí hậu từ 196 nước. Mục đích của hội nghị nhằm mở rộng vấn đề và tìm giải pháp làm chậm sự nóng lên toàn cầu.
Thủ tướng Campuchia dùng Facebook để lấy phiếu
Hôm 26-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phát sóng trực tiếp một clip phát biểu của ông trên tài khoản Facebook.
Đây là sáng kiến truyền thông xã hội mới nhất mà nhà lãnh đạo thâm niên của Campuchia muốn tận dụng để tiếp cận với các cử tri trẻ tuổi.
Chương trình phát trực tiếp có chút trục trặc ban đầu với cảnh vị thủ tướng đi ra ngoài nghe điện thoại chừng phút rưỡi mà không hề biết ông đã bắt đầu cảnh quay trực tiếp. Sau đó ông trở lại chỗ ngồi và nói với người dân Campuchia không nên lo lắng về tình trạng mất điện ở nhiều khu vực trong nước.
Tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng đoạn clip phát sóng trực tiếp này của ông Hun Sen vẫn nhận được 25.000 lượt like và trong 10 giờ sau đó có tổng cộng 210.000 lượt xem (view).
Theo các chuyên gia, Thủ tướng Hun Sen, người nắm cương vị này từ năm 1998, đang hướng tới việc tiếp cận nhóm cử tri dưới 30 tuổi hiện chiếm tới 63% dân số Campuchia. Cuộc tổng tuyển cử năm 2018 tại quốc gia này sẽ có rất nhiều cử tri mới là những “công dân Facebook”.
Đây là lần thứ hai ông Hun Sen dùng tính năng phát sóng video trực tiếp trên Facebook kể từ ngày 12-10. Lần trước ông dành buổi nói chuyện tới 45 phút để chỉ trích đối thủ Sam Rainsy.
Campuchia chỉ có khoảng 5 triệu thuê bao Internet, chiếm khoảng 30% tổng dân số, trong đó có 3 triệu tài khoản Facebook.
Tuy nhiên một nghiên cứu gần đây của các tổ chức USAid, Asia Society và Open Institue cho thấy Facebook và các kênh thông tin trên mạng khác đã vượt qua radio để trở thành nguồn tin truyền thông phổ biến thứ hai sau truyền hình.
Thách thức an ninh trước Hội nghị thượng đỉnh khí hậu
Pháp đang đau đầu trước thách thức bảo vệ an ninh cho 150 nguyên thủ và 40.000 khách mời tại Hội nghị thượng định khí hậu LHQ (COP21) sau vụ khủng bố Paris ngày 13-11.
Theo CNN, Pháp đã điều động tổng cộng 120.000 cảnh sát và hiến binh trên cả nước để bảo đảm an ninh cho COP21 sẽ diễn ra tại Le Bourget, phía Bắc Paris. Sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra gần hai tuần lễ.
Chính phủ Pháp thông báo hồi đầu tháng rằng các biện pháp kiểm soát biên giới mới sẽ được áp dụng trước thềm COP21 như một động thái đề phòng “các nguy cơ khủng bố”.
Có lẽ không phải tình cờ mà nhiều thành viên nhóm tham gia tấn công Paris hôm 13-11 vượt biên giới Bỉ để vào Pháp ngay trước khi các biện pháp này được đưa ra. Pháp vốn nằm trong khu vực tự do di chuyển Schengen nên bình thường biên giới nước này luôn mở cho hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Kể từ vụ thảm sát 13-11, nhà chức trách Pháp đã bắt giữ hơn 300 người, khoảng 200 trong số đó vẫn còn chưa được tại ngoại.
Các nhóm khủng bố ít khi tấn công các hội nghị vì mức độ an ninh cao tuy nhiên cũng có những ngoại lệ. Bốn kẻ khủng bố đã đánh bom tự sát tại London hồi tháng 7-2005 trong lúc Thủ tướng Anh đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8.
Pháp đang cân nhắc có nên cho phép tuần hành vào sự kiện COP21 hay không sau vụ khủng bố Paris. Việc bảo đảm an ninh cho hội nghị cùng với hàng chục nghìn người biểu tình rõ ràng sẽ là một cơn ác mộng
Thổ Nhĩ Kỳ thách thức Nga chưa từng thấy
Cùng ngày, đài truyền hình RT (Nga) đưa tin tư lệnh không quân Nga Viktor Bondarev thông báo hôm máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi, máy bay Nga cất cánh từ sân bay Latakia (Syria) lúc 9 giờ 34 và đến khu vực thăm dò trong 34 phút.
Ông cho biết theo kết quả từ các trạm kiểm soát không lưu Syria, hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt sẵn trong khu vực trên từ 9 giờ 11 đến 10 giờ 26 ở độ cao 2.400 m. Hai máy bay ném bom vào bọn khủng bố xong thì bắn tên lửa không đối không vào máy bay Nga.
Ông nhận định điều này rõ ràng cho thấy các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã giương bẫy sẵn bởi nếu cất cánh từ sân bay Thổ Nhĩ Kỳ gần nhất, các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đủ thời gian để bắn hạ máy bay Nga.
Trả lời hãng tin Sputnik (Nga), tướng Jean-Claude Allard, Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), nhận xét bốn quốc gia có máy bay bay trên không phận Syria gồm Syria, Nga, Mỹ, Pháp và không có nước nào có ý định gây hấn với Ankara. Do đó, hành động bắn rơi máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là không cân xứng.
Trong ngày 27-11, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Syria Walid al-Muallem tại Moscow (ảnh), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo từ 1-1-2016 Nga sẽ ngưng chế độ miễn visa đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh vào Nga (áp dụng từ tháng 10-2010) vì có đe dọa an ninh từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh Nga bắt đầu nghi ngờ ý muốn chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là biện pháp trả đũa mới nhất của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga. Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định khi bắn rơi máy bay Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá giới hạn vạch ra và chấp nhận một tình thế khó khăn cho lợi ích quốc gia lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các vấn đề liên quan đến khu vực.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi các công dân Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước vì đe dọa khủng bố hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng phạm vi triển khai quân đội tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, nơi bọn Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) thường hay qua lại. Đoạn biên giới này dài khoảng 100 km.
Nguồn tin cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm khoảng 30.000 quân thì đủ quân số để khép kín hoàn toàn biên giới với Syria. Nếu chỉ kiểm soát đoạn biên giới quân Nhà nước Hồi giáo hay sử dụng để ra vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ thì phải triển khai tối thiểu 10.000 quân.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng con số này quá cao. Để đổi lấy vấn đề kiểm soát biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ dự tính yêu cầu Mỹ chi thêm tiền viện trợ giải quyết vấn đề người di cư và thiết lập vùng an toàn ở biên giới. Dù vậy, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều không ủng hộ ý tưởng thiết lập vùng an toàn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Đức tính triển khai 1.200 quân chống IS
Ngày 29-11, tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Đức tiết lộ Berlin có kế hoạch triển khai 1.200 binh sĩ để hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag, tướng Volker Wieker cho biết: “1.200 binh sĩ là cần thiết để vận hành các máy bay chiến đấu và tàu chiến”. Ông khẳng định chính phủ Đức sẽ nhanh chóng thực hiện kế hoạch này được Quốc hội thông qua.
Trước đó Đức đã cam kết hỗ trợ Pháp các máy bay do thám Tornado, một tàu hộ tống, máy bay tiếp nhiên liệu và hình ảnh vệ tinh để phục vụ cuộc chiến chống IS. Tướng Wieker cam đoan Đức sẽ triển khai bốn hoặc sáu máy bay Tornado để chụp ảnh mặt đất tại các khu vực IS hoạt động kể cả trong thời tiết xấu hoặc ban đêm.
Với 1.200 binh sĩ, đây sẽ là chiến dịch quân sự nước ngoài lớn nhất của Đức. Dù vậy quân đội Đức không trực tiếp tham gia vào chiến dịch không kích IS của liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo tại Syria và Iraq. Tướng Wieker cho rằng liên quân đã có thừa sức mạnh để tổ chức các đợt không kích IS.
“Những gì liên quân cần là khả năng do thám để có thể triển khai máy bay ném bom một cách hiệu quả. Các máy bay Tornado của chúng tôi có thể đóng góp lớn trong lĩnh vực đó” - tướng Wieker quả quyết.
Hiện Đức đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan để triển khai máy bay Tornado tại các nước này. Tướng Wieker bác bỏ chỉ trích cho rằng Đức lựa chọn phương án “ít nguy hiểm nhất” trong cuộc chiến chống IS.
“Không có gì khác biệt giữa việc triển khai máy bay ném bom với máy bay do thám ở cùng một khu vực. Mối đe dọa là tương tự” - ông nhấn mạnh.