Cựu trùm dầu mỏ người Nga Mikhail Khodorkovsky cho biết, ông ta đang xem xét xin tị nạn chính trị ở Anh và cảm thấy an toàn ở London.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 01-03-2016
- Cập nhật : 01/03/2016
Nhật Bản tính cho Philippines thuê máy bay để giám sát Biển Đông
Theo Yomiuri Shimbun, Philippines sẽ sử dụng máy bay cho các nhiệm vụ tuần tra trên không, liên quan đến việc Trung Quốc bồi đắp, cải tạo ở Biển Đông. Nhật Bản và Philippines dự kiến sẽ nhất trí về việc cho thuê máy bay sớm nhất vào mùa xuân này.
Máy bay mà hải quân Philippines đang sử dụng cho nhiệm vụ tuần tra trên không có tầm bay ngắn, với bán kính hoạt động khoảng 300 km. "Thật khó để tuần tra trên toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang bồi đắp, cải tạo, và sau đó trở về Philippines", một nguồn tin thân cận với chính phủ Philippines nói.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này còn bồi đắp, cải tạo và xây dựng cơ sở trái phép trên các đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý. Việt Nam nhiều lần phản đối hành động vi phạm chủ quyền nghiêm trọng của Trung Quốc.
Máy bay TC-90 có bán kính hoạt động lớn gấp đôi so với loại hải quân Philippines dùng. Vì TC-90 là máy bay huấn luyện, nó gần như không có radar hoặc thiết bị tương tự, có nghĩa là hải quân Philippines sẽ sử dụng nó chỉ để giám sát bằng mắt.
Nhật Bản và Philippines hôm nay ký kết một thỏa thuận liên quan đến việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ thăm Philippines để ký kết thỏa thuận chính thức về việc cho thuê máy bay. Tokyo sẽ cho Manila thuê khoảng 5 máy bay TC-90 cũ. Những máy bay này đã không còn được quân đội Nhật sử dụng.
Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết từ tòa quốc tế
"Philippines, cũng như cộng đồng quốc tế, đang đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới từ tòa trọng tài và cùng nhau tiến đến một trạng thái dựa trên luật pháp quốc tế", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết. "Nếu Trung Quốc không chú ý đến lời kêu gọi chung của chúng ta, có phải điều đó nghĩa là Trung Quốc tự xem mình cao hơn cả luật pháp?".
Ông del Rosario đưa ra bình luận trên sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến thăm Mỹ tuần trước, cáo buộc Philippines "khiêu khích chính trị" khi muốn giải quyết tranh chấp thông qua Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay một lần nữa tuyên bố Trung Quốc sẽ không tham gia vụ kiện.
PCA dự kiến có phán quyết trước tháng 5. Manila và Bắc Kinh đã vài lần thảo luận về tranh chấp trên biển nhưng chưa giải quyết được gì, Ngoại trưởng del Rosario nói. Ông sẽ từ chức vào ngày 7/3 vì lý do sức khỏe.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Philippines đã yêu cầu PCA ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố toà án không có thẩm quyền và từ chối tham gia vụ kiện, đồng thời cho biết mọi tranh chấp nên được giải quyết bằng đối thoại song phương.
Nigeria có 24.000 viên chức "ma", tốn 11,5 triệu USD/tháng
Có đến 23.846 viên chức có tên trong danh sách lãnh lương nhưng thực tế không hề tồn tại. Sự việc chỉ được phát hiện sau một cuộc kiểm toán gần đây.
Cuộc kiểm toán nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng thống Muhammadu Buhari - vừa lên nắm quyền vào năm ngoái.
BBC ngày 29-2 dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Nigeria cho biết công tác kiểm toán khởi đầu từ tháng 12 năm ngoái, sử dụng dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu xác minh của ngân hàng.
Theo đó phát hiện nhiều viên chức lãnh lương không khớp với tên tài khoản ở ngân hàng, trong khi nhiều viên chức khác nhận lương từ nhiều nguồn.
Tổng cộng Bộ Tài chính phát hiện và loại khỏi biên chế 23.846 viên chức "ma", giúp ngân sách tiết kiệm được 11,5 triệu USD/tháng.
Bộ Tài chính cho biết họ sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm toán định kỳ để ngăn chặn các vụ gian lận mới. Họ cũng nói khoản tiết kiệm từ các biện pháp chống gian lận và tham nhũng sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính trong nước và ngăn chặn tình trạng cắt giảm việc làm.
Nigeria là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, cũng là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của châu lục. Gần đây giá dầu lao dốc khiến nước này gặp không ít khó khăn về tài chính.
Họ cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán sụt giảm và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong hơn một thập kỷ.
Lâu nay tham nhũng và quản lý yếu kém là thách thức lớn đối với sự phát triển của quốc gia này, và chính phủ đã hứa sẽ cắt giảm chi phí để ứng phó với suy thoái kinh tế.
Tấn công bằng dao tại trường tiểu học Trung Quốc, 10 trẻ bị thương
Theo Tân Hoa Xã, sự việc xảy ra tại Haikou ở tỉnh đảo Hải Nam - Trung Quốc sáng 29-2 khi một người đàn ông bất ngờ xông vào trường tiểu học, đâm 10 học sinh tại đây rồi tự tử.
Vụ việc xảy ra khi các em học sinh đang xếp hàng ở sân trường để ra về sau buổi học.
Người đàn ông bất thình lình xông vào, dùng dao đâm các em khiến sáu bé trai và bốn bé gái bị thương. Dù có hai trẻ bị thương nặng nhưng không trẻ nào bị đe dọa tính mạng. Tất cả đang được điều trị trong bệnh viện.
Mẹ của Liu Qiang - bé trai 7 tuổi gặp nạn, nói với tờ Nanhai Online News: "Tôi nghĩ khi đến trường, con tôi sẽ an toàn. Tôi không thể tưởng tượng chuyện như vậy lại xảy ra tại trường".
Cảnh sát xác nhận hung thủ là Li Sijun, 45 tuổi. Tuy nhiên, động cơ của vụ việc vẫn chưa được xác minh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người tại Trung Quốc đang gặp rối loạn thần kinh do áp lực cuộc sống ngày càng tăng cao.
Trong vài năm qua, ở Trung Quốc đã có nhiều vụ tấn công bằng dao vào trường học. Đáng chú ý là vụ việc năm 2013 khi một người giết hại người thân rồi đâm 11 người khác, trong đó có sáu trẻ em, ở bên ngoài một trường học tại thành phố Thượng Hải.
Sau sự việc, an ninh tại trường học đã được tăng cường.
Cựu thủ tướng Malaysia rút khỏi đảng cầm quyền của ông Najib