Nguyên Thiếu tướng Mỹ: Thổ Nhĩ Kỳ nên bị ‘đá’ khỏi NATO
Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi các lợi ích riêng của mình trong cuộc xung đột Syria và không hợp tác với NATO cũng như các lực lượng khác trong khu vực. Nguyên Thiếu tướng quân đội Mỹ Paul Vallely phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với RT.
Việc bắn hạ máy bay Nga Su-24 của không lực Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể là hành động khiêu khích cuối cùng của Ankara, vì vậy NATO nên “đá” Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi kiên minh, Vallely nói.
Ông tin rằng việc tấn công chiến đấu cơ của Nga không liên quan đến việc bảo vệ biên giới quốc gia. Nó chỉ nhằm chứng tỏ với Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thống trị trong khu vực và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhường địa bàn của mình cho ai khác.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tham gia vào các cuộc xung đột ở khu vực trước đây và vụ việc gần đây không phải là mới. Vài năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay Syria.
Việc bắn hạ máy bay Nga Su-24 của không lực Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể là hành động khiêu khích cuối cùng của Ankara. (Ảnh minh họa)
Theo Vallely, vụ Su-24 là một sự khiêu khích rõ ràng. Từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách kiểm soát tình hình và tuyên bố sẽ là người lãnh đạo khu vực, chắc chắn các hành động khiêu khích kiểu này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
NATO nên đưa vụ việc này vào danh sách đen, nguyên thiếu tướng nhấn mạnh. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương bắn hạ một máy bay Nga cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không thống nhất hành động với liên minh. Đây đã là một chính sách của Ankara trong nhiều năm.
Các thành viên NATO nên tạo áp lực đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi liên minh vì “Ankara không hợp tác chống IS, không hợp tác với các lực lượng bên trong của Syria, họ chỉ muốn thấy Assad bị xóa sổ hoặc thay thế bởi một chính phủ khác” - Vallely nói.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ dùng đến NATO khi cần một thứ gì đó và tìm cách hưởng lợi từ các thành viên khác nhiều nhất có thể.
Thổ Nhĩ Kỳ được hướng dẫn hoạt động, kỹ thuật, được trang bị vũ khí và trang thiết bị mới, các chiến thuật và chiến lược mới. Erdogan tiếp tục theo đuổi mục đích riêng của mình. Sự việc vừa qua không phải là một điềm tốt cho châu Âu, cho Trung Đông hay cho NATO, Vallely kết luận.
Bí ẩn 11 tàu đầy thi thể 'ngư dân Triều Tiên' ngoài khơi Nhật Bản
Ngoài khơi bờ biển Nhật Bản vừa mới phát hiện 11 chiếc tàu mục nát, cũ kỹ với khoảng 25 thi thể đang phân hủy được nghi là của các ngư dân Triều Tiên. Các chuyên gia đang rất cố gắng để xác định những chiếc thuyền này xuất phát từ đâu, có thể là từ một số địa điểm bí mật của Triều Tiên.
Người ta còn tìm thấy một mảnh của lá cờ Triều Tiên và dòng chữ "Quân đội nhân dân Triều Tiên" trên một chiếc tàu trong số đó.
Thiết bị đánh cá cũng đã được phục hồi, điều này làm dấy lên giả thuyết rằng các tàu này có thể thuộc về ngư dân Triều Tiên hoặc những người tìm cách để vượt biên.
Phân tích tình trạng thi thể cho thấy có thế những chiếc tàu này đã trôi dạt trên biển nhiều tháng mà không được phát hiện.
Các quan chức Nhật Bản kiểm tra một chiếc tàu sau khi nó đã được kéo lên bờ. (NHK WORLD)
Giả thuyết khác cho rằng các ngư dân này có thể đã thiệt mạng sau khi gặp phải thời tiết xấu. Không ai trong số các thi thể đã được chính thức xác định danh tính.
Phát ngôn viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản Yoshiaki Hiroto nói: "Chúng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra các tàu này nhằm xác định chắc chắn họ từ đâu đến, mặc dù báo cáo xác nhận những dòng chữ Hangul (chữ viết Hàn Quốc) trên tàu là chính xác".
Những chiếc tàu cuối cùng được kéo lên bờ chứa thi thể của ba người đã được tìm thấy gần cảng Fukui vào thứ ba. Những chiếc tàu kỳ lạ này gợi lại sự kiện tương tự vào năm 2012 khi phát hiện năm thi thể trên một chiếc tàu trôi dạt trong vùng biển Nhật Bản.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân hủy tour đến Nga
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28-11 khuyến cáo người dân phải hoãn tất cả các chuyến du lịch không khẩn cấp đến Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan
Đây là động thái mới nhất trong chuỗi hành động trả đũa giữa Moscow và Ankara sau khi một máy bay của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi đầu tuần trước khiến căng thẳng trong mối quan hệ 2 nước ngày càng leo thang.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao của đất nước là thành viên của NATO đưa ra tuyên bố trên sau những khó khăn mà các du khách Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt ở Nga. Do đó, Ankara khuyên người dân nước mình hoãn tất cả các chuyến du lịch không khẩn cấp tới Moscow.
Trong khi đó, cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố máy bay Nga bị tấn công là việc không thể chấp nhận.
“Giờ đây, khi không còn sự xâm lược, không ai có thể bất ngờ bắn vào đuôi máy bay Nga được”, ông Peskov phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24.
Trước đó, mối quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bị phương hại sâu sắc sau khi Ankara bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Moscow ở Syria.
“Tổng thống Nga hôm qua cho biết mọi thứ mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm là cử tri Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải mối quan hệ với chúng tôi. Tất nhiên, khi đã bỏ qua mối quan tâm đó, mối quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ kỳ đã bị ảnh hưởng nặng nề”, người phát ngôn nói thêm.
Trong bối cảnh chiến đấu cơ bị bắn rơi, Nga đã tăng cường phòng thủ chống tên lửa ở Syria và công bố việc triển khai các tổ hợp phòng không tối tân S-400 đến căn cứ không quân Khmeimim của họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan gọi sự di chuyển này là một hành động gây hấn đe dọa chủ quyền đất nước ông.
Sau vụ tấn công, Moscow và Ankara lập ra một đường dây nóng nhằm ngăn chặn tình trạng nguy hiểm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hối tiếc về vụ bắn hạ Su-24
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 28.11 bày tỏ sự hối tiếc về vụ máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga tại khu vực biên giới với Syria.
“Chúng tôi ước gì vụ việc đã không xảy ra, nhưng nó đã xảy ra. Tôi hy vọng những vụ việc thế này không xảy ra lần nữa”, ông Erdogan cho biết, theo tờ The Independent (Anh).
Ông Erdogan kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ giải quyết vụ việc này theo hướng tích cực, hy vọng sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Paris (Pháp) vào tuần tới.
Nhưng ông Putin vẫn chưa đồng ý hội đàm với ông Erdogan tại Paris. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định máy bay ném bom Su-24 của Nga đã xâm phạm không phận nước này vào ngày 24.11 bất chấp những lời cảnh báo, nhưng Nga khẳng định chiếc Su-24 bay trong không phận Syria.
Trước đó, cũng trong ngày 28.11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo công dân nước này không nên đến Nga nếu thật sự không cần thiết, khuyến cáo công dân nên hoãn kế hoạch đến Nga cho đến khi “tình hình trở nên sáng sủa hơn”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đưa ra cảnh báo này bởi vì công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với “nhiều vấn đề” ở Nga sau làn sóng biểu tình giận dữ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga.
Nga trước đó khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hủy bỏ chương trình miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga. Chính phủ Nga cũng đã tuyên bố đang chuẩn bị những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc làm ăn với IS
Câu chuyện con trai của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mua bán dầu bất hợp pháp với lực lượng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự phong được Ngoại trưởng Syria một lần nữa nhắc lại, làm bùng thêm nghi vấn lâu nay đã xuất hiện đối với Bilal Erdogan.
Ngoại trưởng Syria, ông Walid Muallem nói rằng Bilal Erdogan, 35 tuổi, dính líu đến nhiều thương vụ mua bán dầu với tổ chức khủng bố IS. Ông này thừa nhận rằng chính quyền Damascus không có bằng chứng về điều mà ông cáo buộc, nhưng ông thúc giục Mỹ tiến hành điều tra.
“Tôi muốn đề cập đến tin đồn về con trai của ông Erdogan (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) có thể dính vào chuyện mua bán dầu bất hợp pháp mặc dù không có bằng chứng rõ ràng. Nếu tôi là ông Kerry (Ngoại trưởng Mỹ John Kerry), tôi sẽ cho điều tra để làm rõ vấn đề này”, ông Muallem phát biểu, được TASS dẫn lại hôm 27.11.
Phát biểu của Ngoại trưởng Syria đưa ra nhằm phản bác cáo buộc của ông Kerry nói rằng Damascus đang mua dầu của tổ chức khủng bố. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng cáo buộc chính phủ Syria có liên hệ làm ăn với lực lượng khủng bố. Tuy nhiên, ông Muallem phủ nhận những cáo buộc này.
Chuyện con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Ký có quan hệ làm ăn bất hợp pháp với khủng bố IS được đề cập từ nhiều ngày nay trên mạng xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với lời đồn đoán là hình ảnh được phát tán của Bilal Erdogan, hay còn gọi là Necmettin Bilal, đang ăn tối trong một nhà hàng ở Istanbul với một nhân vật quan trọng được nói là thủ lĩnh của IS, người bị cáo buộc tham gia vào cuộc thảm sát ở Homs và Rojava ở Syria, theo RT.
Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cấm các giao dịch mua bán dầu với tổ chức khủng bố theo đề nghị của Nga, theo TASS.
Theo Zero Hedge, Bilal Erdogan là con trai thứ 3 của Tổng thống Erdoran, từng du học tại Mỹ và có bằng thạc sĩ do trường quản trị công John F. Kennedy thuộc đại học Harvard cấp năm 2004. Bilal Erdogan có doanh nghiệp riêng và là cổ đông lớn của tập đoàn vận tải hàng hải BMZ.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cùng với liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích ở Syria nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố IS. Cùng với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Chưa thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và con trai ông phản ứng về những cáo buộc trên.
(
Tinkinhte
tổng hợp)