Khoản chi phí mà Nga bỏ ra để tiến hành chiến dịch không kích ở Syria có thể xứng đáng với lợi ích họ thu được, nhưng sẽ là gánh nặng đè lên nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Tin thế giới đọc nhanh tối 23-01-2016
- Cập nhật : 23/01/2016
Myanmar trả tự do cả trăm tù chính trị
Reuters cho biết một quan chức bộ nội vụ Myanmar khẳng định có hơn 100 tù nhân được trả tự do từ nhiều nhà tù ở đất nước Đông Nam Á này.
Tù nhân chính trị (giữa) trong vòng vây của người thân ra đón ở thành phố Yangon ngày 22-1 - Ảnh: Reuters
Ngày 22-1, hàng chục tù nhân chính trị tại Myanmar đã được trả tự do. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi bà Aung San Suu Kyi thành lập chính phủ mới.
Một quan chức quản lý của nhà tù Insein lớn nhất tại Myanmar khẳng định: “Đến giờ chúng tôi đã thả 18 tù nhân chính trị khỏi Insein và sẽ có thêm 21 người được trả tự do trong ngày 22-1”.
Một quan chức cấp cao trong phủ Tổng thống của Myanmar cho biết lần trả tự do này nhằm đánh dấu hội nghị Phật giáo vì hòa bình khai mạc tại Myanmar ngày 22-1.
“Phần lớn những người được trả tự do là những người bị bắt trong các cuộc biểu tình. Theo chỗ tôi biết, có 101 tù nhân chính trị sẽ được tha lần lượt trong những ngày tới”, ông Bo Kyi, thư ký của Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) ở Myanmar, cho biết.
Động thái này một lần nữa giúp các nhà quan sát tin rằng tiến trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra trong êm thắm ở Myanmar. Quốc hội mới sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 1-2 tới. Hoạt động chính của các nghị sĩ trong thời gian đầu sẽ là việc tìm kiếm nhà lãnh đạo mới cho đất nước.
Việc chính quyền quân đội trước đây giam giữ hơn 2.000 những người bị cho là chống đối như các chính trị gia, nhà báo… từng là một trong những lý do khiến Phương tây tiến hành các biện pháp cấm vận kinh tế với Myanmar.
Những cải cách chính trị và kinh tế sau đó của chính quyền “bán quân sự” đã được kèm theo bằng những đợt thả tù nhân lớn. Tuy nhiên, theo trang web của AAPP, hồi tháng 12-2015 vẫn còn 129 tù nhân chính trị đang ngồi sau song sắt và 408 người đang chờ bị xét xử vì những hành động chính trị chống chính quyền của mình.
57 nước Hồi giáo "hắt hủi" Iran, ủng hộ Ả Rập Saudi
57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) hôm 21-1 đăng tải thông cáo chính thức lên án Iran và đứng về phía Ả Rập Saudi sau cuộc họp khẩn cấp của 24 bộ trưởng gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan và Indonesia để thảo luận về cuộc khủng hoảng giữa Tehran và Riyadh.
Ngày 3-1, Ả Rập Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ người biểu tình xông vào đại sứ quán nước này ở thủ đô Tehran, liên quan đến căng thẳng giữa 2 bên quanh vụ Riyadh tử hình giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Sheikh Nimr al-Nimr.
Tham dự cuộc họp được tổ chức tại trụ sở chính của OIC ở Ả Rập Saudi có Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araqchi. Ông Araqchi là quan chức Iran đầu tiên đến thăm vương quốc kể từ ngày 3-1.
Trong một tuyên bố, OIC lên án vụ biểu tình nhằm vào Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Tehran và bác bỏ những lời chỉ trích của Iran về vụ tử hình giáo sĩ al-Nimr.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran nhiều lần lên tiếng phản đối vụ tấn công vào Đại sứ quán Ả Rập Saudi, trong đó Tổng thống Iran Hassan Rouhani mô tả vụ việc là “vô lý” nhưng cũng mạnh mẽ chỉ trích Iran vì hành quyết giáo sĩ al-Nimr.
OIC nhấn mạnh tổ chức này không đồng ý hành động can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Hồi giáo khác, đặc biệt là Bahrain, Yemen, Syria và Somalia, của Tehran.
Năm ngoái, Ả Rập Saudi khởi động chiến dịch quân sự ở Yemen để ngăn chặn phiến quân Houthi (do Iran hậu thuẫn) tranh giành quyền lực. Riyadh cáo buộc Tehran gây bất ổn khu vực và hai bên đối mặt nhau trong cuộc nội chiến ở Syria, xung đột Yemen và bất ổn chính trị ở Iraq, Lebanon và Bahrain.
Hôm 19-1, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cảnh báo việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân có thể gây ra tác động khôn lường nếu Tehran sử dụng thêm tiền để tài trợ cho các “hoạt động bất chính”.
Pakistan đầu tuần này đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán giữa 2 nước đểgiải quyết tranh chấp.
NATO họp kín bàn kế đối phó Nga
Các quan chức hàng đầu của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 21-1 nhất trí về những thay đổi về mặt chiến lược và bố trí lực lượng mà liên minh quân sự này cần phải tiến hành để đối phó với các hành động của Nga và các thách thức an ninh khác
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về các khả năng sẵn sàng ứng phó giúp quân đội chúng tôi ở vị trí tốt hơn để đối mặt với tất cả những thách thức” từ Bắc Phi tới Trung Đông và Bắc Phi.
Đó là phát biểu của Tư lệnh quân đội NATO, tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove sau cuộc cuộc họp kín tại trụ sở của liên minh ở Brussels – Bỉ cùng các lãnh đạo quân đội của các nước thành viên NATO. Tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford lần đầu tiên tham dự với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Tướng cộng hòa Czech Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, cho biết cuộc họp ngày 21-1 tại Brussels nhằm tư vấn cho các chính phủ thành viên NATO chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của liên minh này tại Warsaw vào tháng 7.
Hơn nữa, cuộc họp cũng để giúp các nhà lãnh đạo quân đội và cố vấn cho nguyên thủ quốc gia “chèo lái các con thuyền qua những vùng biển dữ”. Ông Pavel nói thêm rằng khuyến nghị các nhà lãnh đạo quân đội sẽ được trao cho các đại sứ từ các nước tại NATO thảo luận trước một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng vào ngày 11-2.
“Chúng ta phải tiếp tục tập trung vào mục tiêu chiến lược của mình: bảo vệ hệ thống an ninh trước những kẻ muốn phá hủy nó” – tướng Breedlove nói. Trả lời câu hỏi của phóng viên, tướng Pavel nói rằng kể từ khi nhận vai trò lãnh đạo của Ủy ban quân sự NATO từ tháng 6-2015, ông nhiều lần cố gắng nói chuyện với các tướng lĩnh hàng đầu Nga nhưng không tìm thấy sự đồng điệu.
Trong diễn biến khác, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 21-1 tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với Nga để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Ông Hollande đã nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng Paris và Moscow cần trao đổi thông tin và tấn công vào tận trung tâm sào huyệt của IS. Tuy nhiên, theo ông Hollande, sự hợp tác này chỉ nhắm đến IS chứ không tấn công lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria.
Mỹ: Rơi chiến đấu cơ F-16, phi công mất tích
Một máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon rơi ở Tây Bắc bang Arizona – Mỹ hôm 21-1, phát ngôn viên không quân Mỹ xác nhận với đài Fox News.
Tai nạn xảy ra gần khu vực Bagdad, hạt Yavapai. Sau khi máy bay rơi xuống, người ta không thể liên lạc với phi công và hiện chưa rõ tình trạng ra sao.
Các quan chức Không quân Mỹ cho biết do khu vực Bagdad có địa hình gồ ghề và thuộc vùng xa xôi nên đội cứu hộ không kịp tiếp cận.
Chiếc máy bay gặp nạn thuộc biên chế của Phi đội 56 đóng tại căn cứ không quân Luke. Nó gặp sự cố vào khoảng 8 giờ 45 phút (giờ địa phương).
Người phát ngôn căn cứ không quân Luke Tanya Wren nói nguyên nhân vụ tai nạn chưa rõ ràng và không có thêm thông tin nào khác đến thời điểm hiện tại.
Sở An toàn công cộng bang Arizona đã gửi binh lính, một trực thăng cứu hộ, đội rà bom mìn và vật liệu nguy hiểm tới hiện trường. Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Yavapai cũng gửi một máy bay trực thăng tới trợ giúp.
Bagdad nằm cách căn cứ quân sự ở TP Glendale, bang Arizona 136 km về phía Tây Bắc. Phi đội 56 có 140 chiếc F-16 đang hoạt động và là đơn vị có quy mô lớn nhất của Không quân Mỹ.
Trung Quốc dòm ngó Trung Đông
Giới phân tích khuyên Mỹ nên quan tâm nhiều hơn đến những động thái của Trung Quốc ở Trung Đông
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20-1 tiếp tục chuyến công duTrung Đông với chặng dừng chân mới nhất là Ai Cập. Tại cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, ông Tập tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực của Cairo trong việc duy trì ổn định và tin rằng mỗi quốc gia có quyền chọn con đường riêng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra phát biểu trên trước thềm kỷ niệm 5 năm ngày nổ ra cuộc nổi dậy đặt dấu chấm hết cho 30 năm lãnh đạo Ai Cập của Tổng thống Hosni Mubarak (25-1-2011).
Trước khi đến Cairo, ông Tập đã thăm Ả Rập Saudi và dự lễ khánh thànhnhà máy lọc dầu Yasref do Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) cùng Công ty dầu Ả Rập Saudi (Saudi Aramco) bắt tay xây dựng ở TP Yanbu. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên Sinopec tham gia xây dựng ở nước ngoài - một bước đi nêu bật tham vọng của Bắc Kinh trong việc tăng cường tiếp cận nguồn dầu mỏ ở Trung Đông. Không những thế, báo The Washington Times (Mỹ) bình luận chuyến công du của ông Tập có thể còn phục vụ mục tiêu lật đổ vị thế của Mỹ tại khu vực này.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Cairo hôm 20-1 Ảnh: REUTERS
Ông Tập dự kiến đến Tehran ngày 22-1, qua đó trở thành chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Iran kể từ năm 2002. Theo giới phân tích, chuyến đi này diễn ra vài ngày sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran được dỡ bỏ, cho thấy Bắc Kinh muốn đi trước các nước khác trong việc giành các thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư ở đó. Không những thế, Tân Hoa Xã cho biết Tehran sẽ đóng vai trò quan trọng trong cái gọi là chiến lược “Một vành đai, một con đường” nhằm thiết lập các tuyến giao thương giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Một số chuyên gia cho rằng việc ông Tập đặt chân đến cả Ả Rập Saudi và Iran - 2 nước đang xem nhau là kẻ thù - cho thấy Trung Quốc vẫn muốn duy trì lập trường trung lập trên bàn cờ chính trị phức tạp ở Trung Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp rằng sẽ là khôn ngoan nếu những quốc gia này chọn họ - thay vì Washington - làm đối tác của tương lai.
“Trung Quốc muốn được nhìn nhận là thế lực có sức ảnh hưởng ngày càng lớn và có thể khôi phục trật tự ở Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ bị xem là không còn thống trị chính trường khu vực này. Chính sách của Mỹ ở khu vực lúc này dường như hoàn toàn lộn ngược vì chúng ta theo đuổi hòa bình với Iran và khiến bạn bè - người Saudi, Israel… - xa lánh. Trung Quốc đang tận dụng thời cơ để lấp đầy khoảng trống quyền lực này” - ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.
Ngoài mục tiêu trên, cơn khát dầu dự kiến không ngừng gia tăng trong những năm tới và quyết tâm tìm kiếm thị trường mới cho những sản phẩm mình cũng là động lực để Bắc Kinh tìm đến Trung Đông. Tuy nhiên, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tếcủa Trung Quốc đang khiến sứ mệnh trên của ông Tập thêm phức tạp.
Cho dù ý đồ của Trung Quốc có là gì thì giới phân tích khuyên Mỹ nên quan tâm nhiều hơn đến những động thái của nước này ở Trung Đông. “Mỹ cần tăng cường đối thoại nghiêm túc với các đối tác, đồng minh chủ chốt về vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông cũng như khuyên họ suy nghĩ kỹ về tác động tích cực lẫn tiêu cực của Trung Quốc đối với an ninh khu vực” - ông Cronin hiến kế.