Những người Mỹ giàu nhất nước lâu nay đã nuôi một bộ máy tinh vi và hiệu quả đến lạ lùng để che chắn cho khối tài sản của họ
Tin thế giới đọc nhanh 23-01-2016
- Cập nhật : 23/01/2016
Mỹ sẽ tăng quân ở Iraq, tấn công IS tại Afghanistan
Mỹ đang có kế hoạch tăng quân ở Iraq để mau chóng tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời sẽ tấn công tổ chức này ở Afghanistan.
Thông tin trên được đưa ra nhân cuộc gặp riêng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris. Ngoài ra, ông Carter còn tổ chức một cuộc họp với 7 thành viên quan trọng của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, trong đó có Anh, Đức, Ý, Úc và Hà Lan.
Ông Carter nhấn mạnh mục tiêu chính hiện tại là phá hủy các thành trì chính của IS tại Iraq và Syria, đồng thời đấu tranh chống lại những người ủng hộ của nhóm trên toàn thế giới.
Vì thế, ông chủ Lầu Năm Góc tiết lộ Washington sẽ tăng cường lực lượng cố vấn tại Iraq nhằm đa dạng hóa phương pháp huấn luyện.
Giới chức quân sự Mỹ đang thương thảo với Iraq về việc đưa thêm hàng trăm binh sĩ đến nước này để huấn luyện và hỗ trợ chiến dịch quân sự sắp tới nhằm vào TP Mosul, một thành trì của IS.
Ngoài ra, vào tháng 2 tới, các bộ trưởng quốc phòng từ 26 quốc gia liên minh chống IS cộng thêm Iraq sẽ gặp nhau lần đầu tiên tại Brussels – Bỉ để thảo luận việc nhanh chóng đánh bại tổ chức khủng bố này.
Mỹ sẽ tăng quân tại Iraq để chống IS. Ảnh: Military.com
Song song đó, Nhà Trắng vừa bật đèn xanh cho lực lượng Mỹ ởAfghanistan mở rộng sứ mệnh chống khủng bố bằng cách nhắm mục tiêu vào cả IS, thay vì chỉ có các phong trào Hồi giáo liên hệ với Al-Qaeda như trước đây. Quyết định này được thực hiện trong bối cảnh IS tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở tỉnh Nangarhar đầy biến động của Afghanistan.
Riêng đối với phong trào Taliban, chỉ trong trường hợp lực lượng quân sự Mỹ và quân đội Afghanistan bị đe dọa thì họ mới có quyền phản kháng.
Trong một diễn biến khác, IS đã phá hủy hoàn toàn tu viện Thiên chúa giáo St. Elijah 1.400 năm tuổi ở Iraq, hành động phá hoại mới nhất nhằm vào các địa điểm thờ tự ở những nơi chúng kiểm soát.
Tu viện St. Elijah trước khi bị IS phá hủy. Ảnh: AP
Công trình bằng đá và vữa 1.400 năm tuổi không chỉ là nơi thờ phượng của các nhà quan sát tôn giáo địa phương và tín đồ Thiên chúa giáo từ năm 590 sau Công nguyên mà còn là nơi ghé thăm của lực lượng quân sự Mỹ.
Trong năm 2010, lính Mỹ cử hành Lễ Phục sinh tại tu viện này và xem đây là di tích cần được bảo tồn.
Giám đốc trung tâm phân tích Allsource Analysis, ông Stephen Wood, cho biết IS sử dụng máy ủi, thiết bị hạng nặng và búa tạ để đập bỏ các bức tường, sau đó phá hủy hoàn toàn tu viện. Ông Wood tin rằng nó bị phá hủy trong khoảng thời gian giữa tháng 8 và tháng 9-2014.
Theo các quan chức chính phủ Iraq và Syria, IS đã xóa sạch hơn 100 công trình lịch sử và tôn giáo quan trọng, trong đó có những công trình được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, như thành phố cổ Palmyra ở Syria.
Hồi tháng 10 năm ngoái, IS mang búa, máy ủi và thuốc nổ tới Khải hoàn môn và đền Baalshamin ở TP Palmyra để san bằng các địa điểm này. Chúng còn phá hủy Nimrud, một trong những thành phố lâu đời nhất của Iraq (3.000 năm tuổi) và đập nát toàn bộ hiện vật lịch sử tại đây.
Anh dự định gửi 1.000 quân sang Ba Lan đối trọng Nga
Trao đổi với người đồng cấp Antoni Macierewicz phía Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh - ông Michael Fallon cho biết: “Cam kết này thể hiện sự hợp tác quan trọng của Anh đối với các đồng minh NATO, trong đó có Ba Lan nhằm đảm bảo rằng lực lượng liên quân của chúng ta luôn tinh nhuệ và luôn trong tư thế sẵn sàng”.
Ông Fallon khẳng định cam kết này cũng nhằm gửi đi thông điệp quân đội Anh sẵn sàng cùng các đồng minh đáp trả mọi mối đe dọa. Số quân đội này sẽ được phía Anh chia ra cho hai nhóm, với 800 quân cho lực lượng Anakonda và 150 quân cho lực lượng phản ứng nhanh “Đinh ba”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh thông báo ý định gửi 1.000 quân đến Ba Lan tham gia các lực lượng liên quân của NATO. Ảnh: Reuters
Bên cạnh bộ binh, hải quân Anh cũng sẽ tăng cường hiện diện trong khu vực. Chiến hạm HMS Iron Duke (Công tước thép-ND) của Hải quân Hoàng gia Anh cũng sẽ viếng thăm Ba Lan vào mùa hè năm nay, trong khuôn khổ lực lượng hải quân thường trực của NATO. Tàu đổ bộ tấn công HMS Ocean (Đại dương-ND) cũng sẽ tham gia một cuộc tập trận tại biển Baltic vào mùa hè năm nay.
Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski từng khẳng định chính quyền Warsaw sẵn sàng thỏa thuận với Anh tăng cường trao đổi hỗ trợ quân sự. Tờ IBTimes bình luận cam kết gửi quân của Anh đưa ra ngay khi quan hệ căng thẳng giữa Nga và các nước NATO vẫn đang tăng cao, sau khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào lãnh thổ.
Trả lời hãng tin Reuters đầu tháng 1-2016, ngoại trưởng Ba Lan nhìn nhận quốc gia này chỉ mới là một thành viên "cấp 2" của NATO. Ông cũng khẳng định việc thiếu vắng một lực lượng quân sự đáng kể của NATO trong khu vực miền trung châu Âu đang tạo ra nhiều khoảng trống để Nga tạo ảnh hưởng.
Mỹ muốn trang bị laser cho UAV để bắn hạ tên lửa
Quân đội Mỹ đang tìm cách tích hợp vũ khí laser cho máy bay không người lái (UAV) để chúng có thể triệt hạ tên lửa trên bầu trời.
Những chiếc UAV có ưu điểm hoạt động dài ngày ở độ cao lên đến 19 km mà không cần tiếp liệu. Chúng hoạt động hiệu quả hơn một chiếc Boeing 747 nặng nề và dễ bị phát hiện – vốn từng được quân đội Mỹ trang bị vũ khí laser thử nghiệm trong dự án “Airborne Laser”.
Tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thủ đô Washington – Mỹ, Phó Đô đốc James Syring, Giám đốc Cơ quan Phòng thủtên lửa quốc gia (MDA), cho biết những tiến bộ trong công nghệ laser cho phép họ tích hợp loại vũ khí tương lai này cho UAV.
Ông Syring tiết lộ MDA đã đẩy mạnh đầu tư vào chương trình vũ khí laser cho UAV để thay thế dự án “Airborne Laser” - kéo dài 16 năm và tiêu tốn 5 tỉ USD trước khi bị hủy bỏ cách đây 4 năm.
Hồi năm 2010, chiếc Boeing được trang bị vũ khí laser đã bắn hạ được tên lửa đầu tiên trong một cuộc thử nghiệm nhưng máy bay phải tiến rất gần mục tiêu. Điều này có nghĩa là máy bay cũng sẽ dễ dàng bị ăn đạn từ máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không của đối phương. Sau đó, máy bay phải quay lại mặt đất để nạp năng lượng.
Về lý thuyết, ông Syring khẳng định nếu một chùm tia laser đủ mạnh và bắn từ khoảng cách thích hợp, vũ khí này hoàn toàn có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. Thách thức hiện nay là phải chế tạo hệ thống laser trọng lượng nhẹ để trang bị cho các UAV nhỏ gọn nhưng sức mạnh không được suy giảm.
“Để tiêu diệt càng nhiều tên lửa, bạn cần nhiều năng lượng. Nếu cân bằng được phạm vi, độ cao, sức mạnh và số lượng tên lửa cần đánh chặn, bạn cần suy nghĩ thêm về độ chính xác mỗi lần khai hỏa” – ông Syring nói.
Chiến lược xoay trục của Mỹ "còn thiếu sót"
Cán cân sức mạnh quân sự ở châu Á đang không nghiêng về phía Mỹ giữa lúc Trung Quốc có những động thái hung hăng để đòi chủ quyền ở khu vực này.
Đó là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố hôm 20-1.
Theo báo cáo, chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama đang bị phủ bóng bởi bối cảnh an ninh thế giới ngày càng phức tạp. Vỉ thế, Mỹ cần thể hiện sức mạnh quân sự ở khu vực này bằng việc triển khai thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân và tên lửa tầm xa tiên tiến.
“Hành động của Trung Quốc và Triều Tiên liên tục thách thức mức độ tin cậy của các cam kết an ninh của Mỹ. Với mức phát triển năng lực hiện tại của Mỹ, sự cân bằng sức mạnh quân sự tại khu vực đang dịch chuyển theo hướng chống lại Mỹ. Do đó, Mỹ cần có ngân sách quân sự dồi dào để thực hiện tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương” - báo cáo nêu rõ.
Các nhà nghiên cứu CSIS xác định Trung Quốc là mối đe dọa chủ yếu đối với Mỹ tại khu vực. Theo họ, nếu ảnh hưởng về kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc tiếp tục tăng, dù chỉ với tốc độ khiêm tốn, trong giai đoạn này, thế giới sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn nhất về sự phân bổ quyền lực trên toàn cầu kể từ sự trỗi dậy của Mỹ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Thêm vào đó, Triều Tiên và Nga cũng được đánh giá là những quốc gia có thể phá hoại mục tiêu của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Để giải quyết mối lo ngại trên, nghiên cứu của CSIS đề ra 4 giải pháp để cải thiện tình hình.
Đầu tiên, chính quyền ông Obama phải chuẩn bị một báo cáo về chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời điều phối chiến lược này tốt hơn với các đồng minh và đối tác.
Thứ hai, Washington nên đẩy mạnh nỗ lực tăng cường sức mạnh cho đồng minh và đối tác.
Thứ 3, Mỹ cần duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc có những hành động phi pháp ở biển Đông, còn Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cuối cùng, Lầu Năm Góc cần tăng cường năng lực sáng tạo và tìm kiếm những công nghệ mới để bảo vệ lực lượng Mỹ trước những mối đe dọa tại khu vực, như tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công tàu và căn cứ quân sự Mỹ.
Triều Tiên bắt sinh viên Mỹ
Otto Frederick Warmbier, sinh viên đại học Virginia, đến Triều Tiên với tư cách du khách và bị "bắt quả tang có hành động thù địch nhằm phá hoại sự thống nhất đất nước", hãng thông tấn KCNA đưa tin nhưng không nêu chi tiết.
Warmbier là sinh viên năm cuối, theo website đại học Virginia. Gareth Johnson, thuộc công ty lữ hành Young Pioneer Tours, trụ sở Trung Quốc, xác nhận Warmbier tham gia một chuyến đi do công ty tổ chức và bị tạm giữ tại Triều Tiên ngày 2/1.
"Chúng tôi thông báo cho gia đình của Otto, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng Đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng và đang làm hết sức để đảm bảo cậu ấy được thả", Reuters dẫn lời Johnson nói. Đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên là cơ quan đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở quốc gia này.
Một quan chức tại đại sứ quan Mỹ ở Hàn Quốc nói cơ quan này đã biết thông tin trên.
Nếu được xác nhận, sinh viên đại học Virginia sẽ là công dân phương Tây thứ ba đang bị Triều Tiên tạm giữ. Hai người còn lại là nhà truyền giáo người Canada, sinh ra tại Hàn Quốc, bị bắt năm ngoái và lĩnh án tù chung thân vì có âm mưu "lật đổ chế độ" Triều Tiên. Một người Mỹ gốc Hàn hồi đầu tháng trả lời hãng tin CNN tại Bình Nhưỡng rằng ông bị tạm giữ với cáo buộc là gián điệp.
Hàn Quốc cảnh báo Mỹ cùng đồng minh đang bàn cách áp đặt thêm biện pháp trừng phạt khiến Triều Tiên "đau thấu xương" sau khi nước này tiến hành thử bom nhiệt hạch hồi đầu tháng.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm nay kêu gọi tổ chức "đàm phán 5 bên" với Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Nga để bàn về chương trình hạt nhân Triều Tiên, song song với "đàm phán 6 bên", gồm cả Bình Nhưỡng, vốn bị trì hoãn từ lâu.