Venezuela ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế
Tình trạng khẩn cấp kinh tế cho phép Tổng thống Nicolas Maduro có nhiều quyền can thiệp vào các công ty hơn và các quyền khác nhằm giải cứu nền kinh tế đang bị suy thoái trầm trọng.
Một số siêu thị Venezuela hiện đang được lính canh bảo vệ trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng vọt và người tiêu dùng túng quẫn - Ảnh: AFP
Theo Reuters, tình trạng khẩn cấp kinh tế được chính phủ Venezuela ban hành ngày 15-1 (giờ địa phương) và kéo dài 60 ngày để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ của đất nước.
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép các cơ quan chức năng thực thi các biện pháp như tăng thuế, cho phép nhà nước kiểm soát nhiều hơn các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp và các giao dịch tiền tệ điện tử...
"Chúng ta đang đối mặt với một cơn bão thực sự", ông Maduro nói trong bài phát biểu trước quốc hội vài giờ sau khi tình trạng khẩn cấp kinh tế được ban bố.
"Đây không phải là cơn bão Maduro như một số người nói, mà là một tình huống ảnh hưởng đến mọi gia đình Venezuela"- ông Maduro nói.
Ông cũng tuyên bố Venezuela sẽ tiếp tục trả nợ nước ngoài mặc dù dự trữ quốc tế sụt giảm, đồng thời nhấn mạnh "đã đến lúc" tăng giá nhiên liệu được trợ giá.
Theo các nhà kinh tế, việc này rất quan trọng để củng cố dự trữ ngoại tệ cho Venezuela.
Nền kinh tế Venezuela vốn phụ thuộc tới 96% vào xuất khẩu dầu mỏ. Nước này hiện đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng với tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới (lên đến 141% vào tháng 9-2014) và tình trạng khan hiếm hàng hóa kinh niên.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây dự báo kinh tế Venezuela sẽ suy giảm từ 6-10% và tỉ lệ lạm phát có thể lên tới 200% trong năm nay.
Malaysia bắt 4 nghi phạm sau vụ tấn công Jakarta
Cảnh sát Malaysia đã bắt 4 đối tượng tình nghi, trong đó có một người lên kế hoạch chuẩn bị tấn công tự sát. Các vụ bắt giữ diễn ra giữa những lo ngại an ninh sau cuộc tấn công tại Jakarta (Indonesia).
Tổng thanh tra cảnh sát Makaysia, ông Khalid Abu Bakar ngày 16.1 cho biết đơn vị chống khủng bố nước này đã bắt giữ 4 đối tượng tình nghi đều là người Malaysia, tuổi từ 23-28, trong các ngày từ 11-15.1 tại thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor, theo Wall Street Journal ngày 16.1.
Hai người trong số này là vợ chồng sống tại bang Perak, trong khi 2 người còn lại sống ở bang Terengganu, làm kỹ sư và nhân viên bảo hiểm.
Trong số 4 nghi phạm bị bắt, một người thừa nhận đang chuẩn bị kế hoạch tấn công tại thủ đô Kuala Lumpur sau khi nhận chỉ thị từ thành viên IS tại Syria. Người này bị bắt tại một ga tàu ngày 15.1. Cảnh sát cho hay nghi phạm này trước đó đã treo cờ IS tại nhiều nơi ở Malaysia để cảnh báo chính quyền ngừng bắt giữ thành viên của tổ chức.
Ba người còn lại bị lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ bắt khi đang tìm đường vào Syria gia nhập IS, và bị đưa về Malaysia hôm 11.1. Cả 3 người này được một người Malaysia tên Muhammad Wanndy Mohamed Jedi chiêu mộ qua Facebook và ứng dụng nhắn tin Telegram.
Cảnh sát Malaysia ngày 16.1 thông báo đã bắt giữ 4 nghi phạm chuẩn bị tấn công tại Kuala Lumpur - Ảnh: Reuters
Vụ bắt người diễn ra sau khi Malaysia đặt tình trạng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất sau vụ tấn công thủ đô Jakarta (Indonesia) do IS thực hiện ngày 14.1.
Cảnh sát Indonesia cho hay đã bắt giữ 12 nghi phạm sau vụ tấn công, trong đó một người nhận được khoản tài trợ lớn từ IS. Cảnh sát Indonesia cũng xác định Bahrun Naim (32 tuổi) người Indonesia là kẻ đã tài trợ và chỉ đạo vụ tấn công Jakarta từ Syria.
Người đứng đầu cảnh sát Malaysia, ông Khalid cho hay không thể nói về việc có phải Naim đã chỉ đạo cho các nghi phạm chuẩn bị tấn công Malaysia hay không, nhưng tiết lộ rằng lệnh này được một người từ Syria đưa ra.
Trung Quốc thừa nhận đã thảo luận với Mỹ về vụ Lệnh Hoàn Thành
Ảnh chân dung anh em Lệnh Kế Hoạch (phải) và Lệnh Hoàn Thành - Ảnh: Reuters, SCMP
Ngày 15.1, lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận đã liên lạc với Mỹ để thảo luận về vụ Lệnh Hoành Thành, em trai của Lệnh Kế Hoạch vốn là “cánh tay mặt” của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Lưu Kiến Siêu, lãnh đạo Văn phòng phòng chống tham nhũng quốc gia Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận Trung Quốc đã liên hệ với Mỹ về vụ việc này.
“Đối với trường hợp Lệnh Hoàn Thành, phía Trung Quốc đang xử lý và đang liên hệ với Mỹ”, ông Lưu nói và tán dương thái độ “rất tích cực” của Mỹ trong việc hợp tác chống tham nhũng.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Lưu Peter Carr cho biết Mỹ và Trung Quốc có mối bận tâm chung về vấn đề chống tham nhũng. Tuy nhiên ông Carr cho hay: “Chúng tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết về những cuộc thảo luận với Trung Quốc”.
Lệnh Hoàn Thành là em út trong gia đình gồm 5 anh chị em họ Lệnh và là một doanh nhân giàu có. Còn ông Lệnh Kế Hoạch (58 tuổi) là cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng được biết đến như “cánh tay mặt” cuả cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Cuối năm 2014, ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”, trong đó có việc tiếp cận trái phép một lượng lớn “thông tin mật” của đảng và nhà nước. Chính quyền Trung Quốc hồi tháng 7.2015 tuyên bố sẽ truy bố ông Lệnh Kế Hoạch sau khi phát hiện ông ta nhận hối lộ và có những hành vi tham nhũng khác.
Tháng 8.2015, Trung Quốc từng đề nghị Mỹ bắt giữ và trao trả Lệnh Hoành Thành, nhưng Washington đã từ chối. Chính quyền Trung Quốc không truy nã và cũng không cung cấp thông tin ông Lệnh Hoàn Thành phạm tội gì, theo Reuters.
Nhưng theo tờ The New York Times (Mỹ) ngày 4.8.2015, Lệnh Hoàn Thành “có lẽ đang nắm các thông tin có thể làm xấu mặt các quan chức, cả đương nhiệm lẫn nghỉ hưu, vẫn đang trung thành với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”. Trang tinDuowei (của người Trung Quốc ở hải ngoại, trụ sở tại New York, Mỹ) nói rằng Lệnh Hoàn Thành đang lẩn trốn ở Mỹ và đang dùng các tài liệu mật để đe dọa chính phủ Trung Quốc, hòng giải thoát cho người anh trai.
Theo Reuters, trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, Bắc Kinh nỗ lực truy bắt quan chức tham nhũng trốn sang nước ngoài, nhưng bị cản trở do các nước phương Tây không ký kết thỏa thuận dẫn độ với nước này.
OPEC trước cuộc khủng hoảng nội bộ tồi tệ nhất
OPEC trước cuộc khủng hoảng nội bộ tồi tệ nhất -Ảnh: Reuters
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang bị chia rẽ sâu sắc. Hãng tin CNN cho rằng 13 nước thành viên giàu dầu thô của tổ chức này hiện đứng trước cuộc khủng hoảng nội bộ tệ nhất trong lịch sử 55 năm tồn tại.
Các lãnh đạo kinh tế thế giới sẽ tề tựu về Diễn đàn Kinh tế Thế giới với các thông điệp lẫn lộn phát ra từ OPEC. Nhóm 13 nhà xuất khẩu dầu hiện nay đang bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc khủng hoảng nội bộ tệ nhất trong 55 năm mà OPEC tồn tại. Mâu thuẫn đó hiện hữu rất rõ tại diễn đàn năng lượng ở Abu Dhabi trong tuần này, tập hợp Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Nigeria.
Quan chức hàng đầu về dầu mỏ của Nigeria là Emmanuel Kachikwu cho hay ông muốn một cuộc họp khẩn có thể diễn ra vào cuối tháng 2 tới đây, nhằm thảo luận về việc cắt giảm sản lượng, ngăn đà giảm của giá dầu. Ông Kachikwu nói trong một buổi phỏng vấn: “Tôi mong đợi cuộc họp như thế. Tôi nghĩ rằng phần lớn thành viên OPEC đều đang cho rằng thời điểm cho một cuộc họp và đối thoại lần nữa đã tới”.
Cuối ngày hôm đó, Bộ trưởng Dầu mỏ UAE Suhail Al Mazrouei quả quyết từ chối lời đề nghị tổ chức phiên họp khẩn một cách lịch sự: “Tôi không nghĩ chuyện đòi hỏi OPEC đơn phương cắt giảm sản lượng là công bằng”. Ông Mazrouei cho rằng chiến lược giành lại thị phần của OPEC đã hoạt động hiệu quả.
Mới đây, một báo cáo từ hãng tư vấn Wood Mackenzie cho biết đang có 68 dự án dầu tư dầu khí lớn bị “treo”. Đây là yếu tố ủng hộ ý kiến của ông Mazrouei, dù chiến lược này đang kéo dài hơn mong đợi.
Chiến lược bảo vệ thị phần nói trên cũng đang làm tổn thương các thành viên OPEC. Hãng tư vấn Wood Mackenzie cho rằng Angola và Nigeria là hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.
OPEC dường như bị chia rẽ thành hai phe chính. Một nhóm có 9 thành viên, gồm Algeria, Venezuela, đây là những quốc gia muốn từ bỏ cuộc chiến giá cả do Ả Rập Xê Út dẫn đầu nhằm vào các nước không là thành viên OPEC.
Vấn đề của 9 nước trên là nhóm bốn quốc gia còn lại, gồm Ả Rập Xê Út, Kuwait, Qatar và UAE, là những nước muốn tiếp tục cuộc chiến giành thị phần. Bốn nước này nắm gần như toàn bộ năng lực của OPEC, do đó lá phiếu của họ có sức ảnh hưởng hơn.
Một yếu tố khác cũng thường bị bỏ qua đó là OPEC chỉ hoạt động bằng cách nhất trí quyết định, điều này làm cho nỗ lực tập hợp các thành viên lại vô cùng khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế của họ đang bị tổn thương nặng nề.
Bước đi lớn nhất của OPEC nhằm di chuyển thị trường xảy ra hồi năm 2009, khi giá dầu thô tăng vọt đến 147 USD/thùng. Ả Rập Xê Út khi đó sản xuất ồ ạt để giá dầu lao dốc về 40 USD/thùng. Giá cả “vàng đen” sau đó đã ổn định nhưng kể từ thời điểm trên, Mỹ sản xuất 4 triệu thùng dầu mỗi ngày và đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu.
CEO hãng dầu Breitling Energy, ông Chris Faulkner, cho rằng OPEC sẽ không đảo ngược lập trường của họ, ngay cả khi sản lượng dầu ở Mỹ rơi từ mức cao nhất là 9,6 triệu thùng/ngày xuống còn khoảng 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016.
Faulkner cho hay ông thường xuyên được hỏi rằng: ”Khi nào Mỹ sẽ rời cuộc chơi?” khi nói về sản xuất dầu đá phiến. Thực tế, các đối thủ vừa và nhỏ có thể linh hoạt và tái sản xuất trở lại nếu giá dầu phục hồi và ổn định ở mức 50 USD/thùng. Đây là lý do vì sao cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ cùng sản lượng dầu thô lên đến mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày của Nga đang tạo ra căng thẳng chưa từng có trong nội bộ OPEC.
Quan chức dầu mỏ Nigeria Emmanuel Kachikwu cho biết đã có một cuộc “nổi loạn” tại cuộc họp của OPEC vào tháng 12 vừa qua. Các nhà sản xuất châu Phi và Mỹ Latinh đe dọa sẽ rời bỏ OPEC vì các khó khăn mà họ đã và đang phải đối mặt.
Đề xuất về một cuộc họp khẩn của Nigeria và các nước khác đến vào thời điểm không thể khó khăn hơn. Iran hiện vẫn lên kế hoạch sản xuất đến 1,5 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm nay, khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.
Dù nội bộ còn nhiều bất đồng, ông Kachikwu vẫn cho rằng chuyện OPEC đạt được thỏa thuận về một số mặt nào đó vẫn khả thi. Đây hẳn nhiên không phải là một ý kiến được tất cả các thành viên OPEC tán đồng.
Trung Quốc phát triển lực lượng viễn chinh
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc tập trận tại Tân Cương - Ảnh: Guancha
Giới phân tích nhận định Trung Quốc đang phát triển đơn vị đổ bộ của Hạm đội Nam Hải trở thành lực lượng viễn chinh.
Theo Reuters ngày 15.1, hàng ngàn lính thủy đánh bộ thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, đang tập trận tác chiến rầm rộ tại vùng sa mạc thuộc Khu tự trị Tân Cương. Binh lính đã phải di chuyển một quãng đường dài 5.900 km từ tỉnh Quảng Đông đến Tân Cương bằng tàu hỏa, máy bay và xe tải. Đây cũng là khu vực tập trận xa nhất từ trước tới nay của lực lượng này.
Tân Hoa xã dẫn lời một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng tác chiến của binh sĩ trong một “khu vực rộng hơn, không gian lớn hơn và môi trường phức tạp hơn”. Năm 2014, lính thủy đánh bộ Hạm đội Nam Hải cũng đã thực hiện đợt huấn luyện ở vùng Nội Mông, phía bắc Trung Quốc.
Reuters dẫn lời giới quan sát nhận định những hoạt động nói trên khá bất thường đối với một lực lượng thuộc hải quân từ miền nam. Từ đó, các chuyên gia cho rằng đây là chỉ dấu chứng tỏ Trung Quốc đang nuôi ý định biến Hạm đội Nam Hải thành lực lượng viễn chinh tinh nhuệ có thể triển khai tới khu vực cách xa nước này.
Theo nhà phân tích Gary Li ở Bắc Kinh, dù lục quân Trung Quốc cũng có một số đơn vị đổ bộ có thể mở rộng sự hiện diện xuống Biển Đông, nhưng đơn vị lính thủy đánh bộ thuộc Hạm đội Nam Hải phù hợp hơn cho hoạt động viễn chinh.
Ông lập luận lực lượng này có “nhiều chuyên gia hơn, hành động như bộ binh và đủ khả năng để có thể được triển khai tới vùng xa khi cần”. Ngoài ra, các tàu của Hạm đội Nam Hải cũng đã được điều động đến Trung Đông và Địa Trung Hải tập trận cũng như tham gia tuần tra chống hải tặc. Hạm đội Nam Hải hiện nay đang được ưu tiên trang bị khí tài hiện đại so với các hạm đội Đông Hải và Bắc Hải. Bằng chứng là hiện chỉ có Hạm đội Nam Hải vận hành 3 chiếc khu trục hạm mới Type 052D cũng như tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, cuộc tập nói trên cũng được cho là bước tiếp theo sau khi Trung Quốc thông qua luật mới cho phép quân đội tham gia các hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài.
Cách đây vài ngày, báo The Washington Times loan tin Trung Quốc có thể điều quân đến Syria để tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đã bác bỏ khả năng này nhưng theo giới thạo tin, Bắc Kinh hiện đang theo dõi sát sao những dấu hiệu cho thấy IS tìm cách đang xâm nhập vào vùng Tân Cương cũng như bắt đầu có hành động tấn công ở các nước trong khu vực sát sườn Trung Quốc, chẳng hạn như vụ khủng bố vừa qua ở tại thủ đô Jakarta của Indonesia.
(
Tinkinhte
tổng hợp)