Mỹ, Nhật, Hàn hỗ trợ ASEAN kiểm soát vũ khí đến Triều Tiên
Tàu chở hàng hóa của Triều Tiên sẽ bị kiểm soát chặt - Ảnh minh họa: Reuters
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng ý hỗ trợ công nghệ cho các nước trong khối ASEAN nâng cao khả năng kiểm soát tàu chở nguyên liệu chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt đến Triều Tiên.
Bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, Triều Tiên vẫn tham gia hoạt động giao thương với nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và một số nước trong ASEAN. Và đây cũng được cho là con đường đưa nguyên liệu chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt về Triều Tiên.
Ba nước Mỹ, Nhật và Hàn Quốc thống nhất sẽ hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và cả tài chính cho các nước ASEAN nhằm nâng cao khả năng kiểm soát các tàu hàng đến Triều Tiên, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 20.1 đưa tin.
Đây được xem là một trong những biện pháp mà 3 nước trên sử dụng để trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thực hiện thành công vụ thử bom H, hay còn gọi là bom nhiệt hạch hôm 6.1, tờ Chosun Ilbo dẫn lại tin từ tờ Nihon Keizaicủa Nhật Bản.
Theo tờ Nikkei Asia Review của Nhật Bản, hôm nay 20.1, giới chức ASEAN cùng Hàn Quốc và Trung Quốc có cuộc họp ở Tokyo, Nhật Bản để bàn về kế hoạch chia sẻ công nghệ kiểm soát tàu hàng.
Trước đó, giới ngoại giao của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã gặp nhau để cùng bàn cách trừng phạt Triều Tiên sao cho hiệu quả nhất trong khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đang xem xét hình phạt đối Triều Tiên.
Nikkei Asian Review nhận định, Mỹ và các đồng minh châu Á nghiêng về kiểm soát tàu thuyền đến cảng của Triều Tiên như một biện pháp trừng phạt bên cạnh việc gây áp lực, buộc Trung Quốc có hành động cụ thể gây áp lực với Triều Tiên.
Ấn Độ triển khai máy bay săn ngầm đối phó tàu ngầm Trung Quốc
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I của Ấn Độ - Ảnh: Boeing
Ấn Độ đã triển khai hai máy bay tuần tra săn ngầm P-8I ra căn cứ quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar nhằm đối phó tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Đây là hai trong số những máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại nhất của quân đội Ấn Độ, theo chuyên san The Diplomat (trụ sở Tokyo, Nhật Bản) ngày 19.1. Đợt triển khai hai máy bay P-8I là nhằm đối phó với hoạt động của những tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel - điện và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, tờ The Times of India (Ấn Độ) dẫn lời các quan chức nước này cho hay.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã triển khai máy bay không người lái (UAV) đến căn cứ quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar.
“Hải quân và Không quân Ấn Độ đã triển khai UAV Searcher-II (do Israel sản xuất) ra quần đảo này”, một quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên tiết lộ.
Theo The Times of India, Ấn Độ đang lên kế hoạch mở rộng căn cứ ở quần đảo Andaman và Nicobar; căn cứ này hiện có 3.000 binh sĩ, 20 tàu chiến và tàu tuần tra cỡ nhỏ, một số trực thăng Mi-8 và máy bay tuần tra Dornier-228.
Tháng 1.2009, Ấn Độ trở thành khách hàng quốc tế đầu tiên mua P-8I do hãng Boeing (Mỹ) sản xuất dành riêng cho Ấn Độ. P-8I là phiên bản xuất khẩu của chiếc P-8A dành cho Hải quân Mỹ, loại máy bay tuần tra và săn ngầm hiện đại nhất thế giới.
Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 2,1 tỉ USD sắm 8 chiếc P-8I nhằm thay thế phi đội P-3 già nua của nước này. Tất cả tám chiếc P-8I đều đã được giao cho quân đội Ấn Độ. Vào tháng 7.2015, Ấn Độ tuyên bố sẽ mua thêm bốn chiếc P8-I.
Hải quân Ấn Độ trong một thông cáo trước đây cho biết máy bay P-8I được trang bị vũ khí săn ngầm tầm xa, có thể tham gia những sứ mạng tuần tra, hỗ trợ tác chiến trên biển hoặc cận bờ…
Nga điều quân đối phó NATO tại Biển Đen
Tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen, Nga - Ảnh: Reuters
Lục quân và Hải quân Nga sẽ điều động thêm quân và vũ khí hiện đại đến vùng tây nam nước này để đối phó với kế hoạch tăng cường quân sự của NATO tại Biển Đen.
Nhật báo Novaya Gazeta (Nga) đưa tin quân đội nước này đang thử nghiệm một lực lượng mới, cơ sở hạ tầng và các loại vũ khí tại các vùng giáp với Biển Đen, theo RT ngày 19.1. Kế hoạch tăng cường binh lực ở vùng biên giới phía tây nam của Nga nhằm đối phó với kế hoạch gia tăng hiện diện quân sự của NATO tại khu vực này.
Chuyên gia quân sự Oleg Shvedkov cho biết, dù sức mạnh của NATO và đồng minh lớn hơn hạm đội Biển Đen của Nga, nhưng việc Nga điều thêm máy bay và tên lửa đến tăng cường sẽ giúp đối chọi lại mối đe doạ kia, theo báo Novaya Gazeta.
Người phát ngôn hạm đội Biển Đen, ông Vyacheslav Trukhachov cho biết hơn 15 tàu chiến mới đã đến BIển Đen trong năm 2015. Trong số này có 2 tàu tên lửa và 2 tàu ngầm Kilo được trang bị hệ thống tên lửa hành trình Kalibr (Klub) với tầm bắn đến 3.000 km. Loại tên lửa này gần đây đã chứng minh sức mạnh trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
Quân khu miền Nam Nga thông báo rằng các đơn vị được triển khai tại miền bắc Caucasus và vùng Rostov sở hữu các máy bay chiến đấu có khả năng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Nga tại Biển Đen. Hơn nữa, quân khu này còn có 2 lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander-M, có tầm bắn xa 500 km, có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không nào.
Malaysia siết chặt an ninh cửa khẩu
Học sinh tại bang Johor, phía bắc Malaysia và giáp với Singapore - Ảnh: Reuters
An ninh tại các sân bay, nhà ga xe lửa và cảng ở Malaysia đã được tăng cường như một biện pháp đề phòng các vụ tấn công khủng bố.
Tờ The Straits Times ngày 19.1 dẫn lời Bộ trưởng Giao thông vận tải Liow Tiong Lai cho biết Malaysia đã bắt đầu siết chặt an ninh từ khi các nguồn tin tình báo tiết lộ về những âm mưu tấn công ở Jalan Alor, một khu vực được du khách ưa chuộng ở thủ đô Kuala Lumpur.
“Các sân bay và nhà ga xe lửa là những khu vực công cộng và chúng tôi quan tâm chặt chẽ những nơi này. Chúng tôi đã lắp đặt thêm thiết bị, nhân sự giám sát và sẽ tiếp tục củng cố an ninh ở những nơi này”, ông Liow nói.
Quan chức này cũng cho biết Malaysia Airports Holdings, cơ quan quản lý các sân bay của Malaysia, đã nâng cấp hệ thống an ninh và đang hết sức cảnh giác.
Ngoài ra, Cục Di trú Malaysia cũng đang theo dõi hành tung của những người Malaysia chiến đấu cho tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
Philippines sắp phóng vệ tinh tự tạo đầu tiên
Diwata là tiểu vệ tinh nhân tạo đầu tiên do Philippines thiết kế và sản xuất - Ảnh: Reuters
Diwata - tiểu vệ tinh nhân tạo đầu tiên do Philippines thiết kế và sản xuất - dự kiến sẽ được phóng vào tháng 4 tới, theo công bố của cổng thông tin điện tử của chính phủ nước này ngày 19.1.
Tiểu vệ tinh Diwata (Tiên nữ), với cân nặng chỉ bằng một người trung bình (50 kg) và được trang bị hệ thống kính viễn vọng độ phân giải cao, sẽ có nhiệm vụ quan sát trái đất, ghi lại những chuyển biến nhỏ nhất của thời tiết, dự báo thiên tai, thảm họa và quản lý chủ quyền lãnh hải Philippines.
Dự án sản xuất Diwata được tiến hành ròng rã suốt 3 năm dưới sự hướng dẫn của các khoa học gia Nhật Bản, với nguồn kinh phí lên đến gần 17 triệu USD.
Chính phủ Philippines cho biết, nàng “tiên nữ” luôn bay theo quỹ đạo cách trái đất 400 km này không chỉ giúp kiểm soát và xử lý tốt thảm họa thiên nhiên, mà còn đánh dấu bước tiến lớn của Philippines trong ngành công nghệ vũ trụ. Sang năm 2017, nước này dự kiến sẽ chắp cánh cho “Tiên nữ 2” bay lên không gian.
(
Tinkinhte
tổng hợp)