Chiến lược an ninh quốc gia Nga không coi NATO là mối đe doạ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nói Nga không coi NATO là mối đe doạ - Ảnh: Reuters
Bà Maria Zakharova ngày 14.1 đã bình luận về những bài viết của truyền thông phương Tây về Chiến lược an ninh quốc gia của Nga. Bà cho rằng không có chữ nào trong bản chiến lược cho thấy Nga coi NATO là mối đe doạ, theo TASS ngày 14.1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng đó là những hành động cố tình làm sai lệch nội dung Chiến lược an ninh quốc gia Nga và làm căng thẳng thêm mối quan hệ Nga - NATO.
Theo bà Zakharova, phải đọc kỹ lại nội dung văn bản mới thấy việc Nga coi NATO là mối đe doạ là không có căn cứ.
“Văn bản nêu rõ ràng rằng Liên bang Nga sẵn sàng phát triển mối quan hệ với NATO dựa trên sự bình đẳng nhằm tăng cường an ninh toàn cầu tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”, bà Zakharova nói.
Tầm quan trọng của mối quan hệ này phụ thuộc vào sự sẵn lòng của NATO trong việc đáp lại các mối quan tâm hợp pháp của Nga và tôn trọng luật pháp quốc tế, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga.
Chứng khoán Trung Quốc náo loạn vì ông Tập quá ôm đồm?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã can thiệp quá sâu vào các chính sách kinh tế, vốn do Thủ tướng Lý Khắc Cường chịu trách nhiệm - Ảnh: Reuters
Truyền thông Mỹ nhận định rằng cổ phiếu Trung Quốc liên tục giảm mạnh có thể là do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã can thiệp quá mức vào các chính sách kinh tế trong nước.
Tạp chí Forbes (Mỹ) ngày 14.1 bình luận đợt khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần rồi đã gây chấn động toàn cầu. Nhiều người lo sợ rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang sắp sụp đổ và sẽ nhấn chìm kinh tế thế giới vào suy thoái.
Trong bài phân tích mới đây, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc đã phát đi những thông điệp mâu thuẫn với nhau về cách điều hành kinh tế.
Chẳng hạn như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng: “Trung Quốc khó biến thành một nền kinh tế phát triển khi trình độ sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vẫn còn đang bị kìm hãm bởi nạn quan liêu, và kiểm soát quá gắt gao của chính quyền trung ương khiến các công ty Trung Quốc có rất ít tự do để thực hiện các lựa chọn khó khăn”.
Thế nhưng, Chủ tịch Tập, người quyền lực nhất Trung Quốc, lại tuyên bố rằng “tình hình kinh tế bất ổn đòi hỏi cần phải kiểm soát xã hội sát sao hơn và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là giải cứu người dân cùng các doanh nghiệp”.
Vào thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Trung Quốc đang đi theo hướng nào, Forbes bình luận.
Còn Wall Street Journal thì nhận xét rằng ông Tập là “người có thói quen kiểm soát quá tỉ mỉ”. Chủ tịch Trung Quốc đã lấn át cả quyền điều hành kinh tế của thủ tướng và hậu quả là ông Lý, người có bằng tiến sĩ kinh tế và luật, đã chẳng đưa ra được nhiều quyết định, theo tờ báo Mỹ.
Tuy nhiên, Wall Street Journal bình luận rằng ông Tập không phải là kiểu lãnh đạo kinh tế. Ông là chính trị gia có khả năng “cải tổ lại lực lượng vũ trang, chỉ huy cuộc chiến chống nạn tham nhũng, đối đầu với Mỹ tại Biển Đông…”, tờ báo Mỹ nhận xét.
Theo tờ Forbes, biến động mới đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có lẽ là biểu hiện cho thấy nhà đầu tư đang hoài nghi rằng người chịu trách nhiệm điều hành kinh tế tại nước này đang không rõ mình đang làm gì.
Chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 10% chỉ trong tuần qua do nhà đầu tư cực kỳ lo lắng trước tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc và việc đồng nhân dân tệ tiếp tục bị hạ giá.
Vào hôm 8.1, Bắc Kinh đã ngừng sử dụng cơ chế ngắt tự động, vốn được thiết kế với mục đích ngăn đà giảm giá của thị trường chứng khoán.
Cơ chế này được Bắc Kinh đưa vào sử dụng hồi đầu năm như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự trồi sụt của thị trường chứng khoán trong nước, vốn đã tụt dốc mạnh từ giữa năm 2015.
Nó được kích hoạt lần đầu tiên trong phiên giao dịch ngày 4.1. Cơ chế ngắt mạch tự động hoạt động dựa theo CSI 300, chỉ số đo lường giá cổ phiếu của 300 công ty niêm yết lớn nhất trên 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến. Nếu chỉ số này giảm hơn 5%, giao dịch sẽ bị tạm ngưng trong 15 phút. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính cơ chế này đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn.
Giới đầu tư chứng khoán gần đây đã luôn bị đặt trong tình trạng báo động về tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc, theo AFP. Số liệu thống kê chính thức về mức tăng trưởng 3 tháng cuối năm 2015 và cả năm dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.
Tuy nhiên, đã có nhiều dấu hiệu hé lộ tình hình tăng trưởng bi đát của kinh tế Trung Quốc. Vào ngày 9.1, chính phủ Trung Quốc thông báo tỉ lệ lạm phát ở mức 1,6% trong tháng 12, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra khoảng 3%.
Ứng viên tổng thống Rubio chỉ trích Tổng thống Obama về IS
Ông Marco Rubio tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 12.1 (giờ Mỹ) chờ Tổng thống Obama đọc Thông điệp liên bang 2016 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama không hiểu được quy mô của mối đe dọa từ tổ chức khủng bố IS, theo thượng nghị sĩ Marco Rubio, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa.
“Tổng thống Obama không hiểu được mối đe dọa của IS. Ông ấy luôn đánh giá thấp mối nguy này”, ông Marco Rubio nói trong cuộc tranh luận trên truyền hình ở North Charleston (bang South Carolina) hôm 14.1, theo RIA ngày 15.1.
Theo ông Rubio, Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh không chỉ với IS mà còn với các phần tử cực đoan khác. “Đó là một cuộc chiến mà bên nào giành chiến thắng cũng phải kiệt sức”, ông nói.
Ông cũng chỉ trích Tổng thống Obama về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo ông, Mỹ “không nên thỏa hiệp với một kẻ thù nguy hiểm như Iran”.
Ngoài ra, ông Rubio cũng cho rằng một số sáng kiến do ông Obama đề xuất như kiểm soát việc mua bán súng ngoài xã hội, cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, cải tiến hệ thống tư pháp… là không tưởng.
Khí thải CO2 tại Đông Nam Á tăng nhanh nhất thế giới
Lượng khí thải CO2 tại Đông Nam Á tăng nhanh đe dọa sẽ gây ra lũ lụt, hạn hán trầm trọng. Trong ảnh: Người dân Thái Lan giữa trận lụt tháng 10.2011 - Ảnh: Reuters
Lượng khí thải CO2 tại Đông Nam Á đang tăng nhanh hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới, và đe dọa sẽ gây ra lũ lụt, hạn hán trầm trọng hơn cũng như các mất mát đáng kể về kinh tế.
Hãng Bloomberg ngày 14.1 dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch tại Đông Nam Á trong giai đoạn 1990 - 2010 nhảy vọt ở mức 227%, so với 181% ở khu vực gây ô nhiễm thứ nhì là Nam Á và 12% ở Bắc Mỹ.
Tỷ lệ khí thải trên bình quân thu nhập đầu người tại khu vực này cũng tăng nhanh nhất thế giới trong hai thập niên trên, ở mức 157%. Một báo cáo trong tuần này của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế vượt bậc tại khu vực trong những năm qua đang đi kèm với hệ lụy khổng lồ từ khí thải nhà kính.
“Nếu không có các giải pháp về khí hậu, khu vực sẽ phải hứng chịu nhiệt độ liên tục nóng lên, nhiều cơn bão với sức hủy diệt khủng khiếp hơn, lũ lụt nặng nề hơn ở một số vùng và hạn hán nhiều hơn ở các vùng khác”, theo báo cáo. Hồi tháng 12, ADB cũng cảnh báo rằng biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội tại khu vực suy giảm khoảng 11% vào năm 2100.
Trung Quốc ủng hộ Liên Hiệp Quốc trừng phạt Triều Tiên
Phó đô đốc Guan Youfei (trái), Vụ trưởng Quan hệ quốc tế Bộ Quốc phòng TQ và ông Yoon Soon-Gu (phải), Vụ trưởng Chính sách quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong buổi hội đàm ở Seoul ngày 15.1 - Ảnh: AFP
Việc Triều Tiên thử hạt nhân đã vi phạm các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an LHQ và thỏa thuận ngày 19.9.2015, Vụ trưởng Quan hệ quốc tế Bộ Quốc phòng Trung Quốc Guan Youfey tuyên bố tại Seoul.
Theo RIA ngày 15.1, ông Guan Youfey cho biết Trung Quốc sẽ tham gia các nỗ lực quốc tế để Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
“Trung Quốc sẽ tích cực tác động để Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của nước này đã vi phạm các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an và thỏa thuận ngày 19.9”, hãng tin Yonhap dẫn lời ông Guan Yufey phát biểu trong cuộc hội đàm với đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul ngày 15.1.
Vào ngày 6.1, Triều Tiên công bố thử nghiệm thành công bom khinh khí. Các chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ đó có thể không phải là vũ khí nhiệt hạch, nhưng đều thống nhất quan điểm rằng Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư.
Nhật Bản và Hàn Quốc nhấn mạnh phải có các biện pháp trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiên. Để làm được điều này, họ cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó Hàn Quốc tiếp tục phát loa tuyên truyền chống Bình Nhưỡng dọc theo biên giới liên Triều.
(
Tinkinhte
tổng hợp)