Việc 4 cơn địa chấn mạnh liên tiếp làm rung chuyển Nam Á, Myanmar và Nhật Bản chỉ trong vòng 48 giờ làm dấy lên lo ngại rằng một trận động đất thảm khốc có thể đang hình thành.
Tin thế giới đọc nhanh tối 15-04-2016
- Cập nhật : 15/04/2016
Trung Quốc: Quan chống tham nhũng nhận hối lộ 200.000 USD
Một cựu lãnh đạo cấp cao tỉnh An Huy của Trung Quốc, đồng thời là lãnh đạo một trong những đội điều tra tham nhũng của trung ương, vừa bị khai trừ đảng và chuyển cơ quan công tố điều tra sau khi nhận hối lộ hơn 200.000 USD.
Theo Tân Hoa Xã, ông Fang Keyou từng là phó trưởng đoàn điều tra kỷ luật tỉnh An Huy, chịu trách nhiệm giám sát các quan chức địa phương. Tuy nhiên, vị quan chức kỷ luật này sẽ bị đưa ra xét xử vì nghi ngờ tham nhũng, sau khi một cuộc điều tra cho thấy Fang nhận hối lộ hơn 200.000 USD cùng quà tặng.
Fang trước đó là lãnh đạo một trong số nhiều nhóm điều tra được Bắc Kinh điều đi khắp Trung Quốc trong chiến dịch chống tham nhũng. Dù vậy, chính vị quan tham này đã dính líu đến hành vi sai trái, khi bao che cho hành động tham nhũng của những người khác gian lận, tra khảo và nhận hơn 1,4 triệu nhân dân tệ (tương đương 216.000 USD) hối lộ và quà.
Fang đã bị khai trừ đảng và vụ việc được chuyển giao cho cơ quan pháp luật, Tân Hoa Xã đưa tin. Điều này đồng nghĩa Fang sẽ bị đưa ra xét xử, sau khi chính thức bị điều tra hồi tháng 12.
Đây chỉ là một trong số nhiều quan chức chống tham nhũng của Trung Quốc bị điều tra hoặc kỷ luật vì dính líu đến tham nhũng. Theo Tân Hoa Xã, ngoài Fang còn có ít nhất 8 quan chức chống tham nhũng phải nhận các hình phạt từ khiển trách tới cách chức chỉ trong hai tháng cuối năm 2015, trong đó có 2 quan chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Iraq bị phế truất
Các nghị sĩ Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu cách chức Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi và hai cấp phó của ông này.
Truyền hình quốc gia đưa tin các nghị sĩ Quốc hội Iraq ngày 14/4 đã bỏ phiếu cách chức Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi và hai cấp phó của ông này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh một cuộc tranh cãi lớn về danh sách nội các, vốn đã gây ra những hỗn loạn trong Quốc hội Iraq. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức mà không có sự tham dự của ông al-Juburi hoặc 2 người cấp phó, do đó kết quả bỏ phiếu có thể bị phủ nhận vì các lý do về thủ tục.
Chi tiêu quân sự thế giới tăng: Chỉ vì mình Trung Quốc
Các chuyên gia quân sự đã đưa ra lí giải về việc chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại sau mấy năm liên tiếp trên đà suy giảm.
Chi tiêu quân sự thế giới năm 2015 tăng 1%
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa đưa ra bản báo cáo về ngân sách quốc phòng thế giới. Theo đó, lần đầu tiên sau 4 năm sụt giảm, chi tiêu quân sự của các nước đã tăng thêm 1% lên mức 1,7 nghìn tỷ USD trong năm 2015.
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về ngân sách chi tiêu cho hoạt động quân sự, mặc dù ngân sách quốc phòng của họ đã giảm 2,4%, chỉ còn 596 tỷ USD.
Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỷ USD (tăng thêm 7,4% so với năm 2014).
Ở vị trí thứ ba là Saudi Arabia (87,2 tỷ USD, tăng thêm 5,7% so với năm 2014).
Chiếm vị trí thứ tư là Nga với 66,4 tỷ USD, tăng thêm 7,5%.
Theo các tác giả của bản báo cáo, trong danh sách 15 quốc gia với chi tiêu quân sự cao nhất còn có Anh, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Brazil, Italia, Australia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel.
Nhật Bản đứng thứ 8 với chi tiêu quân sự 40,9 tỷ USD, nhỉnh hơn chút ít so với Đức và Hàn Quốc.
Theo các tác giả bản báo cáo của SIPRI, các chi phí quốc phòng bao gồm không chỉ việc mua các loại vũ khí, công tác hậu cần quân đội, mà còn xây dựng quân đội, thực hiện các cuộc nghiên cứu phát triển, tiền lương trả cho nhân viên dân sự làm việc cho lực lượng vũ trang, các chi phí hành chính...
Chuyên gia quân sự độc lập Vadim Lukashevich cho rằng, nguyên nhân của việc chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại là khá dễ hiểu, xuất phát từ sự căng thẳng đang tăng lên ở nhiều khu vực trên thế giới.
Đầu tiên là sự tăng cường cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, gia tăng sự cạnh tranh toàn cầu và những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế ngày càng tăng do các vấn đề chưa được giải quyết.
Trên thế giới thường xuyên xảy ra những cuộc xung đột, cứ dập tắt cuộc xung đột này thì ngay lập tức bùng nổ cuộc xung đột khác, ngoài ra còn có những cuộc xung đột tiềm ẩn….
Rõ ràng là thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh lạnh mới, và mỗi quốc gia muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng tùy theo quan điểm về mối nguy cơ đang đe dọa nước mình.
Nếu ở châu Âu mức chi tăng nhẹ, thì ngân sách quốc phòng của các nước khu vực châu Á gia tăng với mức độ lớn hơn nhiều. Thế giới bất ổn đẩy chi tiêu quân sự tăng lên, mà điều đó phục vụ lợi ích của các quốc gia lớn trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Nguyên nhân lớn nhất là do Trung Quốc tăng ngân sách quân sự
Theo các chuyên gia, đà gia tăng ngân sách quân sự có thể sẽ tiếp diễn trong một vài năm tới mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, đầu tư mạnh vào vũ khí, trang bị, đồng thời có những hành động hung hăng, ngạo mạn trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Theo tin mới nhất, chi tiêu quân sự của Trung Quốc, hiện đứng thứ hai thế giới về ngân sách quốc phòng và sẽ tiếp tục tăng khoảng 7 đến 8% trong năm 2016. Chi tiêu quân sự thế giới gia tăng không chỉ vì mình nước này tăng đầu tư vào quân đội mà nó còn cuốn theo nhiều nước vào guồng quay này.
Theo bà Fu Ying, phát ngôn viên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc - NPC), việc lập ngân sách quân sự đã tính đến hai yếu tố là nhu cầu phát triển vũ khí, trang bị của Trung Quốc, trong công cuộc cải cách hiện đại hóa quân sự và tình hình kinh tế trong nước.
Theo truyền thông nước này, ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2016 có thể tăng vọt so với năm ngoái, và như vậy là “hợp lý” trong bối cảnh nước này tiến hành cải cách cơ cấu quân đội và tình hình căng thẳng ở các vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng cho đến hết năm 2017 Trung Quốc sẽ cắt giảm 300 ngàn quân từ thành phần phi chiến đấu trong lực lượng vũ trang. Mặc dù vậy, quân đội Trung Quốc vẫn là lớn nhất trên thế giới với hai triệu binh sĩ.
Ngoài ra, mặc dù cắt giảm quân số nhưng chi phí cho việc nghiên cứu, phát triển và chế tạo hàng loạt loại vũ khí tiên tiến của nước này đang tăng lên không ngừng, do đó đẩy ngân sách quốc phòng gia tăng liên tục trong vòng vài năm gần đây.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc luôn đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Năm 2014, Bắc Kinh công bố mức chi tiêu quân sự của nước này là khoảng 130 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2013. Tuy nhiên, con số do các tổ chức độc lập công bố cao hơn rất nhiều, lên tới gần 200 tỷ USD.
Năm 2015, Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỷ USD (tăng thêm 7,4% so với năm 2014). Còn dự kiến năm 2016 có thể lên tới trên 230 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với tổng ngân sách của 2 nước đứng sau là Nga và Saudi Arabia.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự, đầu tư mạnh vào phát triển vũ khí, đồng thời có những hành động hung hăng, ngạo mạn trong tranh chấp chủ quyền đã khiến các nước láng giềng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương vô cùng lo ngại và cũng phải tăng ngân sách đầu tư cho vũ khí, trang bị.
900 cảnh sát Đức đột kích nhà thổ
Khoảng 900 cảnh sát Đức hôm 13-4 tham gia vụ đột kích nhà thổ lớn nhất ở thủ đô Berlin, bắt giữ 6 nghi phạm buôn người và gian lận thuế.
Phát ngôn viên cảnh sát Stefan Redlich cho biết vụ đột kích có sự tham gia của các công tố viên, cơ quan thuế vụ và hải quan. 2 quản lý và 4 phụ nữ trong nhà thổ bị bắt.
Hoạt động trên diễn ra khoảng 1 tháng sau khi cảnh sát Đức hoàn tất cuộc điều tra nhà thổ Artemis, nằm gần tháp truyền hình ở trung tâm thủ đô Berlin. Những kẻ cầm đầu nhà thổ bị cáo buộc không trả 19,7 triệu USD tiềnthanh toán bảo hiểm xã hội cho gái bán dâm từ năm 2006.
Các công tố viên cho biết nhiều cô gái ở Artemis bị buộc phải phục vụ khách mà không được hưởng tiền bảo hiểm xã hội. 212 người – gồm gái bán dâm và khách hàng - đã được tìm thấy trong nhà thổ váo tối 13-4. Tất cả đều tỏ ra hợp tác với cảnh sát.
Ngoài Artemis, cảnh sát Đức cũng tiến hành kiểm tra đột xuất 6 căn hộ ở thủ đô và một số khu vực khác.
Theo một dự luật gây tranh cãi của chính phủ Đức mới đây, những người trả tiền để quan hệ tình dục với những ai bị ép buộc làm gái bán dâm có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.
Berlin đang nỗ lực thực hiện quy định mới của Liên minh châu Âu (EU)nhằm chống lại nạn buôn người.
Dự luật cũng đề ra khung hình phạt lên đến 10 năm tù giam đối với quản lý nhà thổ bóc lột gái mại dâm.
Đức hợp pháp hóa bán dâm vào năm 2002, tạo ra một ngành công nghiệp đạt doanh thu ước tính 18 tỉ USD/năm. Thủ tướng Đức khi đó là Gerhard Schröder nói rằng việc hợp pháp hóa sẽ giúp cải thiện điều kiện làm việc của những phụ nữ làm nghề “buôn phấn bán hương”.
Nhà thổ Artemis ra đời năm 2006, do doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ Haki Simsek thành lập. Nhà thổ này có sức chứa 70 gái mại dâm và 600 khách hàng. Các nhà thổ tương tự Artemis thu hút khách du lịch từ các nước láng giềng có luật chống bán dâm nghiêm khắc cũng như gái bán dâm đến từ Đông Âu.
Số lượng gái bán dâm ở Đức được cho là đã tăng gấp đôi lên 400.000 người trong vòng 20 năm qua.
Mỹ - Philippines bắn tên lửa “dằn mặt” Trung Quốc
Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) của Mỹ đã được sử dụng trong cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) ở Philippines hôm 14-4.
HIMARS đã phóng 6 quả tên lửa vào các mục tiêu trong cuộc tập trận diễn ra tại tỉnh Tarlac, trước sự chứng kiến của các quan chức quốc phòng Mỹ và Philippines.
Theo người phát ngôn của cuộc tập trận, Đại úy Philippines Celeste Frank Sayson, đây là lần thứ 2 tên lửa dược phóng từ HIMARS - lần đầu tiên là ngày 4-4.
Ngoài ra, trực thăng tấn công Cobra của Mỹ và máy bay huấn luyện S-211 của Không quân Philippines cũng tham gia trong cuộc diễn tập kịch bản chiếm lãnh thổ từ kẻ thù tại thung lũng Crow.
Cuộc tập trận Balikatan kéo dài 2 tuần nhằm thắt chặt liên minh quân sự của hai nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khiêu khích trên biển Đông. Hệ thống HIMARS, với tầm bắn 300 km, là một trong những vũ khí nổi bật trong các bài diễn tập tấn công mô phỏng của 5.500 binh sĩ Mỹ và Philippines.
Đề cập đến hệ thống tên lửa nêu trên, Tư lệnh Thủy quân lục chiến ở Thái Bình Dương, Trung Tướng John Toolan nói: “Sự thật của vấn đề là chúng tôi là đồng minh. Khi là đồng minh, chúng tôi cần phải làm việc với nhau”.
Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ triển khai HIMARS đến Philippines trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra trên biển Đông hay không, ông John Toolan cho biết Washington "sẵn sàng chia sẻ" những vũ khí tinh vi với Manila. Tuy nhiên, ông này không cung cấp thêm chi tiết về loại vũ khí đề cập ở trên.
Sau khi chứng kiến vụ phóng tên lửa từ hệ thống HIMARS, Phó Đô đốc Alexander Lopez thuộc Hải quân Philippines nhận xét: “Chúng tôi đã nhìn thấy khả năng của HIMARS. Nó rất di động, khả năng sát thương cao. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là một trong những khí tài mà chúng tôi muốn sở hữu”.