Afghanistan giảm trạm kiểm tra, Taliban trở nên nguy hiểm hơn
Tòa án Campuchia phạt tù 3 thành viên đảng đối lập
CIA: giải mật báo cáo 11-9 sẽ giải quyết vấn đề Saudi
Lãnh đạo thế giới lên án vụ xả súng đẫm máu tại Mỹ
Công bố thông tin thành cổ ở Campuchia
Tin thế giới đọc nhanh trưa 12-06-2016
- Cập nhật : 12/06/2016
Ý đồ đẩy Mỹ khỏi Biển Đông bằng ADIZ của Trung Quốc
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) xét xử vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông dự kiến ra phán quyết cuối cùng trong tháng 6. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng phán quyết này có thể bị trì hoãn, khi Tổng thống Philippines mới đắc cử Rodrigo Duterte tuyên bố có thể sẽ ưu tiên đàm phán song phương với Trung Quốc.
Trao đổi với VnExpress, giáo sư Seokwoo Lee, đại học Inha, giám đốc trung tâm Luật biển quốc tế Inha, Hàn Quốc nhận định quá trình ra phán quyết của PCA sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi tuyên bố này của ông Duterte.
"Theo tôi, đó chỉ là một quan điểm chính trị của người đứng đầu chính phủ Philippines, và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình pháp lý của phiên tòa. Bởi vậy, tôi cho rằng PCA sẽ ra phán quyết vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Tuy nhiên đến nay PCA vẫn chưa ra thông báo nào về thời điểm ra phán quyết, thế nên chúng ta vẫn phải chờ đợi", ông Lee nói.
Trong trường hợp phán quyết mà PCA đưa ra có nhiều điểm có lợi cho Philippines, giáo sư Lee nhận định điều đó sẽ không làm thay đổi lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Chính phủ Trung Quốc hiện nay chịu sức ép từ hai phía, đó là cộng đồng quốc tế và dư luận trong nước, nên họ sẽ tìm mọi cách để cân bằng áp lực này. Nếu Bắc Kinh thay đổi lập trường của mình đối với vấn đề Biển Đông sau phán quyết của PCA, điều đó có nguy cơ kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước".
Theo ông Lee, phán quyết của PCA sẽ khiến Trung Quốc chịu tác động rất lớn từ cộng đồng quốc tế, bởi việc bác bỏ phán quyết của PCA rõ ràng là hành động đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên.
"Tuy nhiên, với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc kiểm soát sức ép chính trị từ trong nước là yếu tố quan trọng hơn, và Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thực hiện chính sách đối ngoại và lập trường với vấn đề Biển Đông theo chiều hướng này", ông Lee nhấn mạnh.
Để có thể chuyển hướng sức ép ra bên ngoài, Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động bồi lấp, cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp, tiếp tục giọng điệu về chủ quyền "không thể tranh cãi" đối với phần lớn diện tích trên Biển Đông, bất chấp phán quyết nào của PCA. Bắc Kinh có thể sẽ không thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như lời kêu gọi của một số học giả, tướng lĩnh trong nước, ông Lee nói.
"Trung Quốc phải hứng chịu rất nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế, nên tôi cho rằng họ sẽ không muốn để tình hình leo thang đột ngột bằng việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông ngay sau phán quyết của PCA. Chiến lược của họ là leo thang tình hình một cách từ từ, từng bước một, không phải là những bước đi vội vàng, gấp gáp đến mức các cường quốc, chẳng hạn như Mỹ, phải can thiệp".
Ông Tedsuo Kotani, nghiên cứu viên cao cấp, Học viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA), cũng nhất trí với nhận định trên của giáo sư Lee. "Tôi cũng cho rằng việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông sau phán quyết của PCA là hành động rất bất lợi đối với Trung Quốc, khiến nước này phải chịu sức ép rất lớn từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế", ông nói.
Ông Kotani giải thích rằng Trung Quốc không phải là nước duy nhất thiết lập ADIZ trên biển, nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới đã làm vậy. Tuy nhiên, trong lịch sử châu Á, chưa từng có nước nào lập ADIZ trên vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đã lập ADIZ trên Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, vào năm 2013."Nhật Bản thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm nhóm đảo Senkaku vào năm 1950, và mãi đến năm 1971, Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền đối với nhóm đảo này", ông nói thêm.
Chuyên gia Nhật Bản này cho rằng trong trường hợp Trung Quốc vẫn kiên quyết lập ADIZ trên Biển Đông như một cách phản đối phán quyết của tòa PCA, họ sẽ tăng cường đáng kể hiện diện quân sự tại vùng biển này.
"Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa, và lập các đường băng trên những hòn đảo nhân tạo bồi lấp trái phép ở Trường Sa. Nếu thiết lập ADIZ ở khu vực này, họ sẽ xây thêm các trạm radar, điều các loại chiến đấu cơ đến các căn cứ trên Biển Đông. Khi radar của họ phát hiện, chẳng hạn như máy bay quân sự Mỹ, tiến vào Biển Đông mà không báo cáo, họ sẽ điều chiến đấu cơ lên ngăn chặn", ông dự đoán.
Theo đó, phi công Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để đuổi máy bay quân sự Mỹ ra khỏi AIDZ mà họ thiết lập, thậm chí có những hành động mạo hiểm có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra đụng độ do tính toán sai lầm.
Ông Kotani nhắc lại sự kiện Trung Quốc điều chiến đấu cơ bám theo tàu chiến Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, và dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục hành động này ở cấp độ cao hơn, thậm chí có thể đe dọa tàu chiến Mỹ.
Với tàu thuyền thương mại của các nước đi qua Biển Đông, ADIZ này nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của chúng, tuy nhiên các hãng hàng không dân sự sẽ phải báo cáo với phía Trung Quốc, tương tự những gì đã diễn ra trong ADIZ mà Trung Quốc đơn phương lập ra trên biển Hoa Đông, ông nói.
Chuyên gia này dự đoán ý đồ của Trung Quốc khi thiết lập ADIZ trên Biển Đông, là "làm leo thang căng thẳng, tăng cường mức độ đối đầu đến một ngưỡng mà Mỹ không chịu đựng được và phải rút lui khỏi khu vực".
"Đây là một dạng 'trò chơi thách đố' trên Biển Đông, trong đó bên nào cảm thấy yếu thế hơn sẽ phải ngừng lại", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Kotani cho rằng Mỹ sẽ chỉ đơn giản là phớt lờ tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc, giống như họ đã làm trên biển Hoa Đông. Họ có thể sẽ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua khu vực này mà không báo cáo Trung Quốc, như một cách phản đối. Mỹ cũng vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự bình thường trên vùng biển quốc tế của mình.
Theo ông Kotani, các hành động của Mỹ trên Biển Đông còn phụ thuộc rất lớn vào việc ai sẽ là tổng thống tiếp theo của nước này. Bà Hillary Clinton có thể sẽ không bao giờ nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng nếu ông Donald Trump đắc cử, không ai biết được điều gì sẽ diễn ra ở khu vực này.
"Nếu Trung Quốc đưa ra cam kết với ông Trump rằng họ sẽ không bao giờ gây khó dễ cho các tàu hàng của Mỹ hoạt động ở Biển Đông, ông Trump có thể gật đầu với họ", chuyên gia này dự đoán.(VNEX)
Kêu gọi Trung Quốc hành xử văn minh
Trong thế giới văn minh, các tranh chấp cần được giải quyết một cách văn minh theo luật lệ thống nhất của các thành viên.
Tiến sĩ Raul C. Pangalangan, thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế ở The Hague (Hà Lan), tại hội thảo - Ảnh: Đ.Hiếu
Điểm nhấn của hội thảo quốc tế chủ đề “An ninh và phát triển biển: hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu” ở TP Hạ Long trong ngày cuối 10-6 chính là các học giả trong nước và quốc tế cùng tham gia thảo luận cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông, chủ đề đang thu hút mạnh mẽ dư luận quốc tế.
“Nhờ tòa trọng tài phân xử các bất đồng giữa những quốc gia tuyên bố chủ quyền, ngay cả khi một bên không thích phán quyết của tòa trọng tài, chính là một hành xử văn minhTS MARKUS GEHRING (Trung tâm Lauterpacht về luật pháp quốc tế của ĐH Cambridge, Anh)
Học giả Trung Quốc vẫn ngang ngạnh
GS Sienho Yee, chuyên gia luật pháp quốc tế của ĐH Vũ Hán, nêu luận điểm cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có quyền từ chối tham gia Tòa trọng tài thường trực (PCA) thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS để xem xét vụ kiện của Philippines và sẽ không thực hiện phán quyết, do tòa trọng tài đã xâm phạm quyền cùng với lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Tuy vậy, các đại biểu cho rằng bản thân UNCLOS đã có kết luận rất rõ ràng và bác bỏ các lập luận phản đối của Trung Quốc. Bắc Kinh có cơ hội đóng góp vào sự khách quan và công bằng của trọng tài nhưng đã từ chối tham dự.
GS Yee còn phàn nàn PCA không khách quan khi phần lớn thẩm phán là người châu Âu.
Đáp trả, TS Markus Gehring, Trung tâm Lauterpacht về luật pháp quốc tế của ĐH Cambridge (Anh), thông tin rằng việc lựa chọn các thẩm phán của tòa án phụ thuộc vào Liên Hiệp Quốc, các nước thành viên và tòa án có nhiệm vụ hỗ trợ cho phù hợp với tinh thần điều lệ để giải quyết các tranh chấp một cách hữu nghị và hòa bình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Gehring cho biết: “Lập luận của vị học giả Trung Quốc không thuyết phục tôi. Tôi cho rằng nó sẽ làm suy yếu tính pháp quyền nếu bạn hoàn toàn phớt lờ phán quyết của PCA. Nó làm suy yếu pháp luật quốc tế khi bạn công kích cá nhân những thẩm phán của PCA.
Những hành vi bắt nạt không phải là cách để giải quyết những vấn đề quốc tế”. Ông Gehring nhận định phán quyết của tòa trọng tài sắp tới sẽ rất quan trọng.
“Tôi rất hi vọng rằng tầm quan trọng của tính pháp lý sẽ giúp tìm ra giải pháp cho các vấn đề tranh chấp hiện tại. Nó sẽ không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng là một tín hiệu tốt cho tương lai” - TS Gehring nói với Tuổi Trẻ.
Châu Á cần tích cực tham gia tòa quốc tế
Trong phiên thảo luận trước đó, GS Erik Francks - thành viên tòa trọng tài, trưởng khoa luật pháp châu Âu và quốc tế ĐH Tự do Bỉ và TS Raul C. Pangalangan (Philippines) - thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế tại The Hague (Hà Lan) đã trình bày về kinh nghiệm tham gia, thực hiện công ước luật biển quốc tế và giải quyết các tranh chấp biển quốc tế thông qua tòa án và trọng tài.
GS Francks cho rằng ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình của Liên minh châu Âu (EU), trở thành một chủ thể của quan hệ quốc tế, một thành viên của UNCLOS.
Theo hướng phát triển này, ASEAN sẽ hội nhập sâu hơn về luật pháp và sử dụng luật pháp là công cụ để thúc đẩy hợp tác, giải quyết tranh chấp.
Còn thẩm phán Pangalangan cho biết tỉ lệ sử dụng tòa án công lý và trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp ở châu Á là thấp so với các khu vực khác.
Theo ông, bên cạnh các rào cản văn hóa và lịch sử, trở ngại thật sự với các quốc gia châu Á chính là sự thiếu tin tưởng và thiếu cam kết với những nguyên tắc luật pháp quốc tế của các cơ quan, bộ ngành, các nhà hoạch định chính sách trong nội bộ các nước, vì những cơ quan này thường cho rằng các tiến trình pháp lý quốc tế có khả năng bị chính trị hóa, bị thao túng.
Do đó, thẩm phán Pangalangan cho rằng cần có trao đổi thông tin, đối thoại thường xuyên giữa các đại biểu quốc hội, bộ trưởng tư pháp với các bộ ngành khác nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng và tính hữu hiệu của các tòa án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế.
“Chúng ta cần phải tăng cường niềm tin, tăng cường sự tham gia của các nước châu Á ở những tòa án quốc tế. Các nước châu Á cần phải tham gia tích cực hơn. Các vụ kiện ở tòa án quốc tế không mang tính chất riêng rẽ, đáng kinh ngạc hay thù địch, mà trái lại rất hợp lý và tuân thủ đúng các quy định của luật pháp quốc tế” - thẩm phán Pangalangan nói.
Cũng theo vị thẩm phán này, để sử dụng tòa án quốc tế hiệu quả, các quốc gia cần chú trọng đào tạo, tăng cường năng lực của các luật sư trong nước để sử dụng trong các phân xử quốc tế.
“Trên thực tế, sử dụng tòa án không phải lúc nào cũng là lựa chọn hoàn hảo, nhưng đó là giải pháp hòa bình và công bằng. Từ khía cạnh pháp luật, vấn đề không phải là ai thắng, ai thua, mà là tiến trình khách quan để tiến tới phán quyết công bằng và hợp lý” - thẩm phán Pangalangan đánh giá.(TT)
Nga tuyên bố không can dự vào tranh chấp ở Biển Đông
"Nga không phải một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị lôi kéo vào chúng", Tass dẫn lời Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, hôm qua nói tại một cuộc họp báo. "Chúng tôi không đứng về phía nào. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng sự can dự của bên thứ ba vào những tranh chấp này sẽ chỉ khiến căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng".
"Tham vấn và đàm phán về tranh chấp lãnh thổ nên được tổ chức trực tiếp giữa các bên liên quan theo phương thức mà họ cảm thấy phù hợp. Chúng tôi cho rằng chìa khóa để giải quyết bất đồng trong khu vực có thể là xây dựng một kiến trúc an ninh mới ở châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các phương pháp tiếp cận tập thể và chuẩn mực của luật pháp quốc tế", bà cho biết thêm.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các đối tác tích cực tham gia vào việc thực hiện sáng kiến của Nga về phát triển những nguyên tắc khuôn khổ tăng cường an ninh và hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc và những nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông", bà Zakharova kết luận.
Hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị cũng nêu quan điểm rằng tranh chấp trên Biển Đông không nên bị quốc tế hóa. Các nước bên ngoài không nên can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp ở khu vực.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển 4 trong 10 nước thành viên ASEAN, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Quan điểm của ASEAN là vấn đề liên quan đến nhiều bên, nhiều nước thì phải giải quyết bằng con đường đa phương và phải được công khai minh bạch trước cộng đồng quốc tế, theo quy định và luật pháp quốc tế.
Bà Clinton được Đảng Dân chủ ủng hộ
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ vừa thở phào nhẹ nhõm sau khi ông Bernie Sanders, đối thủ trực tiếp của bà Hillary Clinton, tuyên bố sẽ ủng hộ bà cạnh tranh với ứng viên Cộng hòa Donald Trump.
Động thái của ông Sanders nằm trong hàng loạt tiếng nói cổ vũ chính thức của các đảng viên Dân chủ quan trọng dành cho bà Clinton, trong đó có Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden.
Theo Đài CNN, ông Sanders đưa ra quyết định của mình sau hơn một giờ trao đổi với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng ngày 9-6 (giờ Mỹ).
Ông cũng đưa ra cảnh báo nếu tỉ phú Donald Trump trở thành tổng thống sẽ là “một thảm họa” cho nước Mỹ.
“Tôi trông đợi cuộc gặp với bà Clinton trong thời gian sớm nhất để thảo luận cách chúng tôi hợp tác đánh bại Donald Trump và thành lập một chính phủ đại diện cho tất cả người dân, chứ không phải thiểu số 1%” - ông Sanders thông báo.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest mô tả cuộc trò chuyện giữa ông Obama và thượng nghị sĩ Sanders là “thân tình và hướng về tương lai”. Ông Sanders cũng cảm ơn ông Obama và ông Biden vì thái độ “không thiên vị” suốt giai đoạn bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.
Tuần tới sẽ là lần đầu tiên ông Obama xuất hiện trong chương trình vận động tranh cử của bà Clinton ở bang Wisconsin. “Tôi không nghĩ có ai xứng đáng hơn để giữ trọng trách này” - ông Obama ca ngợi bà Clinton.
Trong một diễn biến khác, bà Elizabeth Warren, một trong số ít các thượng nghị sĩ Dân chủ chưa công khai sự ủng hộ cho ứng viên tổng thống, cũng vừa tuyên bố đứng về phía bà Clinton.
Như vậy, Đảng Dân chủ gần như đã tìm được sự đoàn kết rất quan trọng cho kỳ bầu cử sắp tới, đặc biệt khi phải đối mặt với “nhân tố bí ẩn” là tỉ phú Donald Trump.
Tàu sân bay Ấn Độ rò rỉ khí độc gây chết người
Ngày 10/6, trong khi bảo dưỡng bộ phận xử lý nước thải trên tàu sân bay INS Vikramaditya tại cảng Karwar, Ấn Độ, hai người đã thiệt mạng và hai người khác bị thương do hít phải khí độc, theo Indianexpress.
Ngay sau khi hít phải khí độc, 4 người gồm hai thủy thủ và hai công nhân đã được đưa đến bệnh viện hải quân Karwar. Tuy nhiên, thủy thủ Rakesh Kumar và công nhân Shri Mohandas Kolambkar đã qua đời sau đó. Hai người bị thương đang ở trong tình trạng ổn định.
Hải quân Ấn Độ đã ra lệnh điều tra vụ việc và áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo an toàn ở khu vực xung quanh tàu.
INS Vikramaditya là một trong hai chiếc tàu sân bay biên chế trong hải quân Ấn Độ, được trang bị nhiều vũ khí và hệ thống tác chiến điện tử hiện đại. Tàu này đang trong quá trình bảo dưỡng từ ngày 1/6.